KÁDÁR JÁNOS (7)

Chủ nhật - 03/06/2007 17:34

5.

Sau lớp những nhà lãnh đạo từ Moscow trở về đã hình thành một đội ngũ những người trẻ tuổi, tiêu biểu cho thế hệ này là Rajk László và Kádár János. Đường đời và sự nghiệp của họ có nhiều điểm tương đồng: Rajk hơn Kádár ba tuổi, cả hai đều ra nhập KIMSZ từ rất sớm, và tham gia vào các hoạt động của MKP, do những hoạt động bí mật cả hai đều từng đứng trước vành móng ngựa. Sự khác biệt giữa hai người cũng rất rõ ràng. Rajk xuất thân trong một gia đình đông con vùng Erdély, sau này một người anh trai từng giữ chức Quốc vụ khanh trong chính phủ Nyilas (của thủ tướng Szálasi, có biểu tượng chữ thập nhọn - ND). Bản thân Rajk có bằng sư phạm, về cơ bản có học, có trình độ hơn Kádár mới học hết phổ thông cơ sở.

Trong khi mãi năm 48 tuổi Kádár mới bước chân ra khỏi biên giới phía Tây, thì từ khi còn trẻ Rajk đã bôn ba qua nhiều nước. Năm 1937, ông tham gia cuộc nội chiến Tây Ban Nha trong Lữ đoàn Quốc tế như một chiến sĩ tình nguyện, sau khi cách mạng thất bại ông bị trục xuất sang Pháp. Làm việc trong một công xưởng Đức tới năm 1941, ông giúp những người cộng sản lưu vong Hungary tìm đường về nước, bị bắt vào trại cải tạo, sau trốn ra được. Ông trở về Hungary, lại tham gia các hoạt động bí mật, trở thành bí thư MKP, lúc đó hoạt động bất hợp pháp, gần như thay nhau với Kádár. Năm 1944 lại bị bắt đưa sang Đức, mãi sau ngày giải phóng mới trở về. Giữ những chức vụ quan trọng trong đảng, đại biểu Quốc hội, sau được cử giữ chức bộ trưởng Nội vụ. Trong bộ máy đảng, Rajk xếp thứ hạng cao hơn hẳn Kádár, người thường chỉ đứng ở vị trí thứ tám - thứ mười. Nhưng cả hai không hề nghĩ mình có thể đứng đầu đảng, thay vị trí Rákosi Mátyás. Nhiều năm sau Kádár tâm sự với Berecz János: „Tôi chỉ là một cán sự của đảng, từ vị trí thứ hai đến thư mười tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng làm người đứng đầu, tôi tự cho mình không phù hợp.”

Tính giản dị và kín đáo, Kádár không thích Rajk năng động, quá tự tin, đôi khi vượt qua các nguyên tắc, ông coi Rajk là một „quí tộc bôn-sê-vích” của đảng. Năm 1954, khi ngồi tù, Kádár đã ghi lại ý kiến của mình về người đồng chí khi đó đã bị sát hại: „Rajk là một người cộng sản, thông thạo những hoạt động thực tiễn, có sức thuyết phục trong những cuộc diễn thuyết ở phạm vi hẹp hơn là trước đám đông quần chúng. Trình độ lý luận hạn chế, thậm chí trong suy nghĩ có thể thấy ảnh hưởng các yếu tố sô-vanh và phát-xít chủ nghĩa. Yếu tố trước thể hiện qua lời phát biểu trong một hội nghị tại Pécs: „Chúng ta trước hết là những người Hung, rồi mới là những người cộng sản, hay tiểu chủ, hay những đảng phái khác.” Đề nghị cải cách tổ chức hành chính của Rajk bắt đầu thế này: ”... đề xuất này bắt nguồn từ nguyên tắc một dân tộc, một nhà nước”. Không nghi ngờ gì ý tưởng này xuất phát từ khẩu hiệu „một dân tộc, một nhà nước, một thống soái” của Hitler.

Trong thế hệ lãnh đạo trẻ, Rajk luôn tự coi mình xuất sắc và đứng trên tất cả... Bản chất anh ta là xấu, ham quyền lực, hay tự ái, tự cao tự đại...”

Mấy ngày sau đó đứng trước vành móng ngựa trong vụ chuẩn bị phục hồi, Kádár khai: „... Tôi chỉ quan hệ với Rajk về mặt đảng. Quan hệ cá nhân của hai chúng tôi không được xuôi chèo mát mái vì Rajk là người bản chất kiêu ngạo.”

Đầu năm 1949, vị thế của Rajk László bắt đầu lung lay. Ký giả Gyurkó László ghi lại cuộc trò chuyện với Kádár: „Một hôm Kádár được mời lên nhà riêng Rákosi. Tới nơi đã thấy Gerő, Farkas, và cả Révai, Kádár ngạc nhiên vì không thấy có mặt Rajk László, người chính thức là một trong những lãnh đạo cao nhất của đảng.

- Sau này tôi mới biết – Kádár nói – bốn người này làm thành một nhóm riêng, họ thường xuyên trao đổi những vấn đề quan trọng nhất trước khi đưa ra BCH TƯ”. Một cách làm trái với nguyên tắc tổ chức của đảng.

„ Rákosi nói Rajk cản trở công việc của ÁVH (Ủy ban Bảo vệ Nhà nước). – Kádár nhớ lại. - Tôi biết tội trạng này chỉ có thể do Péter Gábor đưa ra, vì trước đó tôi đã nghe những lời nhận xét tương tự từ miệng anh ta.

- Có tội trạng gì cụ thể của Rajk được nhắc tới không?

- Đại loại là Rajk đã nhiều lần thuyết trình hàng giờ trước các nhân viên ÁVH làm họ sao nhãng công việc. Hay ông bộ trưởng muốn kiểm tra công việc của ÁVH. Tôi xin phát biểu và tôi nói tôi biết rõ Rajk László. Anh ta không thể là kẻ thù. Tôi không nhớ ai đã nói nhưng đại ý Rajk là dạng trí thức xê dịch. Sau chiến tranh Tây Ban Nha anh ta đã qua nước Đức Hitler, rồi mới về nước, anh ta đã làm việc ở Đức một thời gian để lấy giấy thông hành về nước, dó là thời gian có thể bị mua chuộc...

- Như vậy ngay từ khi đó đã hình thành phương án (buộc tội Rajk - ND). Quyết định bắt có được thông qua không?

- Không. Rákosi kết luận cuộc trao đổi: nếu tình hình đã như vậy tốt hơn là Rajk trao lại chức bộ trưởng Nội vụ cho một người khác, còn anh ta sang nắm Bộ Ngoại giao.

- Thế có nói chuyện ông sẽ thay thế Rajk làm bộ trưởng Nội vụ?

- Không, điều này sau đó mới được quyết định, trong cuộc họp Bộ Chính trị (BCT). Rákosi chỉ cho tôi biết trước kế hoạch của ông với tôi trước đó 15 phút.

- Khi nhận bàn giao Bộ Nội vụ từ Rajk László, các ông có trao đổi thêm về việc này không? Hay lúc đó các ông còn chưa nhận biết chút gì về thảm kịch sẽ xảy ra?

- Cuộc bàn giao diễn ra ngày 5-8-1948, cả hai chúng tôi đều không lường trước những diễn biến tiếp theo...

- Một số ký giả Tây Phương đi đến kết luận: ông cũng đóng vai trò quan trọng trong vụ án ngụy tạo xử Rajk László. Một số khác khẳng định chính ông đã thuyết phục Rajk đưa ra lời khai.

- Tôi không biết những người đưa ra lời khẳng định đó là những ai, nhưng không đúng sự thật.

- Liệu ông có tin những lời khai của Rajk, hay chính ông cũng hoài nghi?

- Tôi biết rõ Rajk, chính vì vậy tôi rất khó tin. Và bất kỳ ai nghi ngờ ông ta và sau này nghi ngờ tôi, họ chỉ có thể dựa và bản cung. Không thể buộc Rajk khai bằng đánh đập hay tra tấn. Có lẽ ông ta đã nhận mọi việc vì không muốn làm tổn hại đảng...”

Rajk László trước phiên tòa ngụy tạo do Rákosi Mátyás đích thân chuẩn bị cáo trạng, và được Stalin thông qua - Ảnh tư liệu

Trong khi đó, quá trình điều tra ngấm ngầm được tiến hành, danh mục tột trạng của Rajk ngày càng dài thêm.

„... Rajk bị buộc các tội làm chỉ điểm cho cho cảnh sát chế độ Horthy, làm gián điệp cho tổ chức tình báo OSS của Mỹ và Gestapo, sau khi từ Đức về vẫn tiếp tục làm gián điệp cho Gestapo, khi ra trình diện với Hain Péter...”

Danh mục tột trạng được củng cố bởi các sự kiện chính trị quốc tế. Để bảo vệ độc lập dân tộc, Nam Tư công khai đối lập với những chủ trương chỉ đạo của Moscow - trong đó có chủ trương đòi họ liên minh với Bungary -, vì vậy Nam Tư bị khai trừ khỏi khối XHCN, bị coi là thù địch và „chó săn của tư bản”. Văn phòng Thông tin của các Đảng Cộng sản (1) kết tội tổng thống Nam Tư Tito đã cài gián điệp và tổ chức những âm mưu bí mật nhằm lật đổ chính thể XHCN trong các nước „phe hòa bình” và ám sát lãnh tụ các Đảng Cộng sản. Cũng bằng những tội trạng tương tự, bộ trưởng Nội vụ Albania Kochi Dzodze, phó thủ tướng Bungaria Trajcho Kostov, tổng bí thư ĐCS Tiệp Khắc Rudolf Slansky đã bị ra tòa và kết án tử hình, sau này họ đều được phục hồi vì thực tế họ không hề có một hành động nào chống đảng và nhà nước. Ở Hungary Rajk László được chọn để đóng vai kẻ phản đảng.

„Người ta vu cho Rajk làm việc cho Nam Tư - Kádár nói. - Bộ trưởng Nội vụ Nam Tư đã thông báo với Rajk chỉ thị của Tito phải tìm cách thanh toán các lãnh tụ đảng và nhà nước Hungary, sau đó Rajk phải nắm quyền lãnh đạo.

- Ai có tên trong danh sách những người sẽ bị thanh toán?

- Rákosi, Farkas và Gerő.

Có lẽ không bao giờ chúng ta biết chắc chắn tại sao sự lựa chọn lại rơi vào Rajk László. Để chứng minh „bàn tay phá hoại của bọn tư bản” cần phải chọn nhân vật có tầm cỡ và giữ chức vụ cao trong đảng, tất nhiên việc Rajk không thuộc đội ngũ các lãnh tụ từ Moscow trở về và uy tín của ông ngày một cao trong cả nước cũng làm nhiều người khó chịu. (Những yếu tố trên đúng với cả Kádár, nên không phải ngẫu nhiên chỉ gần hai năm sau Kádár cũng thành khách trong nhà giam của AVH).

Đã gần 60 năm sau khi Rajk bị hành hình, nhưng vẫn còn nhiều giai thoại về cái chết của ông. Có ý kiến cho rằng Rajk phải chết vì ông đai diện cho nhóm dân tộc - Thiên Chúa giáo trong đảng, như một nhân vật chính trị tiền thân của Nagy Imre sau này. Kardos György, giám đốc Nhà xuất bản Magvető cho rằng:

- Nếu thực sự có một nhóm như thế trong đảng, thì về mặt nào đó điều này có thể làm nhẹ tội thanh trừng của Rákosi, vì có thể lý giải ông ta chỉ gìn giữ sự thống nhất và sức chiến đấu của đảng.”

Kardos còn giữ một bản ghi chép trong di cảo của Lukács György: „... phải nói rằng tôi chưa bao giờ nhận thấy Rajk Lázsló đại diện cho những quan điểm đối lập, lại càng không có chuyện ông ta tổ chức phái đối lập... Nếu nhìn lại toàn bộ vụ án, bao giờ tôi cũng cảm thấy điều khẳng định của mình được củng cố, vụ án chống lại ông hoàn toàn có tính chất ngụy tạo.”

Ghi chú (của NCTG):

(1) Tức Đệ tam Quốc tế Cộng sản, khi đó đã tự giải tán và "chuyển hướng trong tình hình mới".

Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn