KÁDÁR JÁNOS (11)

Thứ năm - 05/07/2007 14:29

(NCTG) 7. Một ai đó đã nói, nếu một nhà hoạt động chính trị đã từng ngồi tù quá lâu - dù vô can chăng nữa - thì sau khi mãn hạn tù không được đặt vào vị trí lãnh đạo cao, có thể đưa ra những quyết sách ảnh hưởng đến vận mệnh đất nước.

Những hạn chế, thiếu thốn trong tù, sự xa rời đời sống xã hội của dân chúng nhất thiết dẫn đến những lệch lạc trong con người làm cho họ phải mất nhiều thời gian, hoặc không bao giờ có khả năng phán xét hoàn cảnh một cách công tâm, không thiên lệch, thậm chí làm cho họ bộc lộ xu hướng muốn trả thù cá nhân. Nhìn lại lịch sử phong trào cộng sản, người ta hay nhắc tới Rákosi Mátyás và Gomulka, thủ lĩnh Đảng Cộng sản Ba Lan, như những nhân vật khủng bố khét tiếng.

Kádár János từng ngồi tù tổng cộng sáu năm dưới hai chế độ, nhiều lần trực tiếp bị cái chết đe dọa. Với ông chịu đựng cuộc sống trong tù, mang theo những hậu quả của nó là những thử thách tâm lí, thể xác và tinh thần. Ông mắc bệnh phổi ngày càng nặng, trong ô tô bao giờ ông cũng ngồi phía sau bên phải và mở hé cửa cho dễ thở. Điều kỳ lạ là chế độ ăn uống đều đặn trong tù đã làm ông khỏi hẳn bệnh đau dạ dày. Một vài phản xạ hình thành từ trong tù còn lưu lại mãi tới cuối đời, nhiều năm sau, khi đã ở đỉnh cao quyền lực. Một lầntrong hành lang „Nhà Trắng” (tên lóng chỉ tòa trụ sở Đảng Công nhân XHCN Hungary, nằm trên bờ sông Đa-nuýp, sơn màu trắng - ND), một cảnh vệ đã phạm sai lầm ngay trong ngày phục vụ đầu tiên. Sau này anh ta kể với một nhà báo: „Vì phép lịch sự, khi đồng chí Kádár và vệ sĩ tới, tôi đã nhanh nhẹn mở cửa văn phòng cho ông. Năm phút sau tôi được xếp nhắc nhở: đừng bao giờ mở cửa cho đồng chí Kádár vì ông không thích như thế. Việc đó gợi cho ông những kỷ niệm buồn, làm ông nhớ lại những tháng năm trong tù: trước các phạm nhân bao giờ cũng có người khác mở cửa...”

Trong Kádár không hình thành khát vọng trả thù vì những gì ông phải chịu đựng. Có người đề xuất với ông phải xử lý những sĩ quan đã thẩm vấn ông, những cai ngục đã hành hạ ông, nhưng ông chỉ khoát tay ra hiệu không cần phải làm như vậy.

Nhiều sỹ quan AVH một thời sau này đã trở thành những nhân viên báo chí, truyền thông, đậc biệt vào làm việc trong Đài Truyền hình Hungary khi dó mới thành lập: từ Ipper Pál, Radványi Dezső tới Komlós János. Có lần trên màn hình xuất hiện gương mặt một sĩ quan từng thẩm vấn Kádár trong vai người dẫn một chương trình văn hóa, nhiều người ngạc nhiên hỏi Kádár sao ông không can thiệp? Ông bảo: „Các vị đừng hỏi tôi chuyện đó, tôi sẽ không bao giờ nói với ai là tại sao ông ta lại có mặt ở đó đâu!”, và đúng là sau đó ông không đề cập tới việc này. Nhưng ông đòi hỏi phải truy cứu trách nhiệm những người cầm đầu: Farkas Mihály, Farkas Vladimir, Alapi Gyula và những người khác. Nhiều năm sau, có lần một người đã từng mang hàm tướng AVH, khi đó làm ở Ban Kiểm tra Nhân dân, hỏi Kádár:

- Sao đồng chí giận chúng tôi?

- Tôi không giận các anh, tôi giận những kẻ đã biến các anh thành tướng tá!

Trước mắt, ông không đưa Rákosi vào „tầm ngắm”. Bản tính cẩn thận, trước khi tấn công đối thủ bao giờ Kádár cũng xem xét kỹ có bao nhiêu người đứng sau ủng hộ mình. Hiện thời ông cảm thấy chưa đủ sức làm việc đó.

Đến đón ông khi ra khỏi nhà tù chỉ có một mình vợ ông, lúc đó thân mẫu ông và em trai là Csermanek Jenő đã qua đời từ lâu. Bà Kádár cũng phải chịu nhiều khổ ải trong thời gian ông ngồi tù. Trước đó bà làm việc trong Văn phòng Bảo vệ Nhà nước, chuyên kiểm tra thư từ, bưu kiện gửi từ nước ngoài đến. Bà làm việc cần mẫn và chu đáo, dù không thích công việc này. Khi Kádár bị bắt bà bị buộc thôi việc, và phải trả lại căn hộ ba buồng được cấp, chỉ được mang theo người một vali đồ đạc. Bà phải đến thuê phòng ở tại phố Szállás vùng Köbánya. Dù sử dụng tên thời con gái, bà vẫn liên tục bị người của AVH theo dõi. Có bằng tốt nghiệp trung học, nhưng bà không xin đâu được công việc thích hợp, cuối cùng bà phải vào làm phụ việc trong một xưởng làm búp bê thủ công trong một căn hầm. Điều kiện làm việc tồi tệ đã làm bà mắc nhiều thứ bệnh nặng như bệnh phổi và dạ dày. Vì chồng bị bắt, nhiều bác sĩ từ chối không dám chữa bệnh cho bà, cuối cùng một bác sĩ phẫu thật tên là Mester đồng ý mổ cho bà vì ông không thể chấp nhận sinh mạng một người bệnh lại tùy thuộc vào những „tội lỗi nếu có” của chồng. Sau khi ra tù Kádár cũng về ở trong căn phòng thuê tồi tàn của vợ.

Khi ra khỏi nhà tù Kádár chỉ nhận lại được chiếc đồng hồ và vài thứ đồ dùng lặt vặt, nhưng sau khi được minh oan, điều kiện vật chất của ông có khá hơn. Ông được một khoản trợ cấp khẩn là 5.000 Ft. Lúc đầu ông không muốn nhận, nhưng người ta cố nài ép ông. Sau này theo sổ sách còn lưu giữ ông được đền bù 67.069 Ft, được cấp một căn hộ ba phòng, đồ đạc gia đình, 250 cuốn sách, và một phiếu nghỉ 4 tuần. Về sau số tiền được bổ sung thêm thành 163 nghìn Ft, tính sơ ông được đền bù khoảng 50-60 Ft cho một ngày ngồi tù.
 
Ngày 21-7-1954, Kádár lại viết thư cho Rákosi, trong thư này ông đã bóng gió nói tới trách nhiệm của vị tổng bí thư:

Rákosi Mátyás, môn đệ trung thành nhất của Stalin tại vùng Đông Âu

 „... Tháng 5-1950, khi Đồng chí (trong thư này Kádár gọi Rákosi là Ngài, nhưng chúng tôi chuyển sang thành Đồng chí cho phù hợp hơn với cách xưng hô của những người cộng sản thời bấy giờ - ND) hỏi tôi tại sao tôi không muốn làm việc ở Bộ Nội vụ, tôi đã né tránh, trả lời không đúng sự thật.

Thực tế là tôi bị tác động bởi một số việc sau:
 
Cuối tháng 7-1949 vào một tối thứ bảy Đồng chí đã gửi thông báo yêu cầu tôi sớm hôm sau có mặt tại Aliga, trong một cuộc họp kín bàn về vụ Rajk. Nhưng sáng hôm sau chính Đồng chí hoặc đồng chí Farkas đã cấm cuộc điện thoại mà lẽ ra tôi phải nhận được lúc lên đường.

Cuối tháng 10-1950, sau khi hành quyết Rajk, Đồng chí và đồng chí Farkas đều cho rằng tôi đã suy sụp sau khi chứng kiến buổi hành quyết Rajk và đồng bọn...

Tháng 11-1950, cả Đồng chí và đồng chí Farkas cho rằng tôi biết về bọn gây rối công giáo – phát-xít trên quốc lộ ở Hatvan, nhưng tôi đã không xử lý mà để chúng hoành hành cho tới khi đích thân Đồng chí phải can thiệp chấm dứt vụ này.

Cũng trong tháng đó người đứng đầu AVH đã nói với tôi một điều mà ý nghĩa của nó là tôi chỉ có thể là kẻ thù...

... Sau tất cả những việc đó tôi đã tự hỏi mình liệu có thể tiếp tục làm bộ trưởng Nội vụ? Và tôi nhận thấy tại Cộng hòa Nhân dân Hungary, người không được Đồng chí (cũng đồng nghĩa với Đảng và nhân dân) tin cậy, người đó không thể làm bộ trưởng Nội vụ. Vì thiếu niềm tin của các Đồng chí tôi không còn đủ cơ sở hậu thuẫn đạo đức (để giữ trọng trách đó- ND)...

... Vì vậy tôi đã xin chuyển sang cương vị khác. Lúc đó tôi không thể nói những điều này với đồng chí, vì sau những việc xảy ra tôi cũng không hiểu tại sao Đồng chí chưa cách chức tôi, và khi tôi xin từ chức tại sao Đồng chí còn hỏi tôi nguyên nhân tại sao...

... Trong đời, đã nhiều lần tôi ở trong tình trạng phải sợ hãi một điều gì đó, và tôi đã sợ hãi, nhưng mỗi lần tôi đều chiến thắng nỗi sợ, và nhìn thẳng vào điều cần trực diện. Nhưng có một lần tôi thực sự kinh hoàng, đó là vào một buổi tối tháng Tám, khi Đồng chí nhắc tới lời khai của Szakasits Árpád và nói - bằng những ngôn từ khác, nhưng không thể hiểu khác – rằng theo Đồng chí: tôi là một tên chỉ điểm của cảnh sát, một tên khiêu khích. Việc đó làm tôi bàng hoàng.

... Cuối tháng 10-1950, trong một cuộc họp Ban Bí thư, khi tôi đứng dậy và lúng túng nói: giờ đây (trong mắt các đồng chí - ND) tôi đã trở thành chỉ điểm cho cảnh sát và bảo vệ cho bọn cảnh sát Horthy, chống lại AVH, thì với tôi thế là hết. Tôi cảm thấy một cảm giác bất lực và phó mặc cho số phận. Tôi quyết định không suy nghĩ về chuyện đó nữa, hoặc là tôi sẽ tự bắn vào đầu hoặc tự treo cổ.

... Lẽ ra trong phiên toà tôi phải nói ra những việc như thế này. Nhưng tôi lại không làm được. Lúc nào trong đầu tôi cũng lởn vởn ý nghĩ từ nhiều tháng trước đó Đồng chí đã thông báo với Ban Chấp hành Trung ương, và Ban Chấp hành Trung ương đã thông báo lại với tôi, như với một kẻ thù (của đảng - ND). Nếu trong phiên tòa tôi biện hộ bằng những điều trên, thì trong mắt các Đồng chí nhiều lắm tôi chỉ là một tên khiêu khích, hay là một kẻ hèn nhát sợ chết đang cố cứu lấy mạng sống rẻ rách của mình. Thà tôi tự treo cổ ba lần còn hơn.

Tôi muốn nói rõ thêm một việc nữa. Đồng chí cũng biết rõ, thời gian ở trong tù tôi không hề bị mất trí, vì vậy tôi không cần khẳng định nhiều những gì đã xảy ra với tôi trong những năm qua. Đối với Nền Cộng hòa Nhân dân, đối với Liên Xô quan hệ của tôi chưa một giây phút nào thay đổi...

... Quan hệ của tôi với các Đồng chí, cho tới đầu tháng 8-1950, về mặt chính trị là bình thường, về mặt con người là gần gũi - tôi nghĩ không cần phải khẳng định điều đó. Từ đầu tháng 8-1950 đến đầu tháng 1-1953, mặc dù nhiều lần tôi bực mình phàn nàn về chuyện làm sao các đồng chí có thể quay ngoắt coi tôi là kẻ phản bội, về mặt chính trị tôi nghĩ các Đồng chí không thể biết rõ thực trạng của tôi, các đồng chí chỉ thực hiện trách nhiệm của người cộng sản theo lương tâm mình, ở vị trí của các đồng chí tôi cũng sẽ làm như vậy trong những trường hợp tương tự.

Nhưng kể từ sau cuộc thẩm vấn đầu tháng 1-1953, khi đồng chí Farkas nói chuyện với tôi ở (nhà tù - ND) phố Conti, tôi cảm thấy các đồng chí đã biết tôi không phải là kẻ phản bội, không một điều tra viên nào rõ hơn các đồng chí chuyện này - tất cả vụ việc của tôi không có gì khác hơn là vụ khiêu khích thù nghịch của Péter Gábor.

Nhưng tôi hiểu: một đợt kiểm tra cẩn thận vẫn cần thiết, tôi đã ngồi và kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng sau đó thời gian càng trôi đi, sự cay đắng làm tôi giận các đồng chí... Tôi không sao thoát khỏi ý nghĩ nếu muốn các đồng chí có thể thúc đẩy việc này tiến triển nhanh hơn...

Tôi có thể nói rằng: những gì tôi - và tất nhiên không chỉ mình tôi - đã trải qua trong bốn năm qua là không xứng đáng với con người. Nếu có thể thay đổi số phận, thì thà tôi ngồi tù 12 năm trong nhà tù tư sản như một người cộng sản, còn hơn ngồi 12 tháng trong nhà tù của nền Cộng hòa Nhân dân. Thật đáng tiếc, tôi đã có dịp so sánh sự khác biệt của hai nhà tù với nhau - thật không thể nào so sánh nổi.

Tôi không thể nào quay lại cuộc sống ngoài đời mà vẫn còn cất giữ những điều không phải bây giờ, mà lẽ ra tôi phải nói ra từ lâu.

Tôi hy vọng các đồng chí đều khoẻ và mong rằng trong tương lai những bực tức, lo âu, mệt mỏi không làm phiền các đồng chí như những vụ việc đáng nguyền rủa trong mấy năm qua.

Gửi tới Đồng chí lời chào trân trọng

Kádár János”

Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn