Péter Gábor đã cho bắt Rajk vào ngày 30-5-1949. Trước cả công luận Hungary và trong các mối quan hệ với Liên Xô, Rákosi làm như việc phát giác và bản án Rajk là công trạng cá nhân ông ta. Ông khẳng định vì thiếu bộ máy làm việc thích hợp nên một mình ông ta phải làm việc ngày đêm để làm sáng tỏ vụ việc. Tất nhiên Rákosi là „tác giả tinh thần” của vụ này, nhưng do sự mách bảo của cảm tính chiến thuật, vì không muốn lãnh hoàn toàn trách nhiệm nên ông đã đổ việc tổ chức thực hiện lên đầu những người khác, trước hết là lên Kádár khi đó vừa nhậm chức bộ trưởng Nội vụ.
Liệu Kádár có tin vào tội lỗi của Rajk hay không? Tôi nghĩ lúc đầu là có. Vì niềm tin vô điều kiện vào Rákosi và vì thiếu sự từng trải trong lịch sử các vụ án ngụy tạo, mà ở Liên Xô hàng trăm nghìn người đã bị kết án vì những tội danh giả mạo.
„Nhóm lãnh đạo từ Moscow trở về (Rákosi, Gerő, Farkas, Révai, Nagy Imre và Vas Zoltán) không bao giờ nói với chúng tôi họ đã làm gì, đã thấy những gì, trải qua những gì bên đó. Chỉ có Nagy Imre nói ông đã làm việc tại Đài Phát thanh Hungary ở Moscow, những người khác thì chừng ấy cũng không nói về bản thân họ. Đó là điều phổ biến trong thời kỳ đó, một bầu không khí bí mật, giấu diếm bao trùm...”
Kádár cũng không biết tới những thông cáo báo chí hay các sách xuất bản ở phương Tây viết về thực chất những vụ án ngụy tạo. Ông tin vào sự xác thực của những bản cung - nhiều khi được moi từ những nghi phạm bằng những thủ đoạn tra tấn như bắt nuốt hàng vốc muối, dùng roi cao su đánh vào gót chân hay dí điện vào đầu lưỡi.
Farkas Mihály (1904-1965), cựu lãnh đạo thượng đỉnh của Đảng Cộng sản Hungary, cùng Rákosi và Gerő tạo thành "bộ tam" khét tiếng đầu thập niên 50
Rajk đã không bị đánh gục, thậm chí bằng phản ứng quyết liệt và kiên trì, ông đã viết thư đòi được gặp các lãnh tụ của MDP. Rákosi muốn lẩn tránh trách nhiệm, cử hai ủy viên Bộ Chính trị là Farkas Mihály và Kádár Janos tới biệt thự trên núi Szabadsághegy, nơi Rajk bị giam giữ. Cuộc nói chuyện được đánh máy và ghi âm lại, nhưng những tài liệu này bị giữ kín trong két sắt hay lưu lạc trong những ngăn kéo nào đó, mãi đến năm 1992 mới tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ và sử gia Hajdú Tibor đã cho công bố. Đọc tài liệu này ta thấy cả Farkas, cả Kádár đều dùng giọng điệu rất cứng rắn. Rajk khẳng định mình vô tội nhưng vô ích, Kádár buộc ông ta ngay từ đầu đã có những hành động phá hoại, cài những phần tử khiêu khích vào đảng cộng sản, và bằng mọi cách cản trở công việc của bộ máy đảng. Như một cứu cánh, Kádár khuyên Rajk thành thật khai hết tội lỗi để nhận sự khoan hồng. (Theo lời đồn đại của dân chúng Kádár còn hứa với Rajk: nếu ông hợp tác với tòa án thì bản án kết tội ông sẽ chỉ là hình thức. Không những không phải ngồi tù, ông sẽ được đưa gia đình sang một nước cộng hòa nào đó của Liên Xô, được đảm bảo đời sống. Người tù đã chấp nhận những điều đó. Người ta còn hay thêm vào đoạn kết: khi bị đưa đi hành quyết, Rajk đã nói với Kádár khi đó đứng bên giá treo cổ: „Kádár, anh đã lừa tôi”. Tuy nhiên toàn bộ cuộc nói chuyện đã được bạch hóa, hoàn toàn không có chuyện giăng bẫy như những lời đồn đại đó).
... Kádár không bao giờ từ chối vai trò của ông trong vụ này. Sau này, vào mùa hè năm 1956, khi Ủy ban Kiểm tra xem xét tội trạng của Farkas Mihály, Kádár đã viết:
„...Câu hỏi trọng tâm của báo cáo của Ủy ban là những vụ vi phạm pháp luật. Liên quan đến việc này tôi cần phải nói rằng tôi vừa là chủ thể vừa là đối tượng. Tôi không bao giờ và ngay lúc này cũng không có ý định phủ nhận phần trách nhiệm của mình trong vụ án Rajk. Trong thời gian xảy ra vụ án Rajk, tôi cũng là một thành viên trong các tổ chức đảng làm nhiệm vụ bảo vệ nhà nước, và mặc dù chỉ tham gia vụ này trong giai đoạn đầu một thời gian ngắn khi còn được sự tin cậy của đồng chí Rákosi. Những việc tôi đã làm, có lẽ quan trọng nhất mà trong báo cáo đã nhắc tới là được sự ủy nhiệm chung, tôi cùng Farkas Miháky đã tham gia một cuộc thẩm vấn Rajk, và như vậy cá nhân tôi cũng đã góp phần làm cho lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia (AVH) là các đồng chí Gerő và Lévai, và ở mức độ nhất định cả đồng chí Rákosi đều củng cố niềm tin vào giả thuyết Rajk có tội. Tôi lấy làm tiếc vì vai trò đó của mình và đề nghị chấp nhận tuyên bố của tôi: tôi tự phê phán về hành động đó...”.
Kádár không tiếp tục tham gia vụ này, nhưng buộc phải có mặt trong buổi hành quyết Rajk và hai đồng sự là Szalay András và Szőnyi Tibor trong nhà tù phố Conti ngày 15-10-1949.
Kádár đứng giữa Farkas Mihály và Péter Gábor bên cửa sổ trên một tầng gác và theo dõi từ đầu đến cuối vụ treo cổ. Ông đã nghe thấy những lời cuối cùng của người bị hành quyết, Rajk hình như đã vĩnh biệt bằng câu: „Stalin muôn năm! Rákosi muôn năm!” Szőnyi thì im lặng bước tới giá treo cổ, Szalai vẫn kêu mình vô tội. Kádár cảm thấy chóng mặt, Rákosi quở: „Cậu quá nặng về tình cảm đấy!”
Vì một chi tiết nhỏ, niềm tin của Kádár vào tính chân thực của bản án đã lung lay, sau này ông kể với ký giả Kanyó András:
„...- Khi Rajk khai đã gặp Rankovics, bộ trưởng Nội vụ Nam Tư trong một cái chòi gác rừng trong khu nghỉ mát gần Paks, tôi đến gặp Rákosi và bảo: Điều này chắc không thể có. Vì tuy tôi không phải gián điệp, cũng không phải điệp viên tư bản, nhưng không thể có chuyện họ gặp nhau trên đất Hung, Rakovic không dại gì lại sang tận Hung, nơi quá nhiều người biết ông ta... Rajk là một người hoạt động bí mật có kinh nghiệm, không thể phạm sai lầm như thế. Sao anh ta không sang bên kia biên giới, nơi ít người biết anh ta? Nghĩa là tôi không thể nhét vào đầu chuyện này được.
- Thế Rákosi bảo sao, khi ông lý giải như bậy?
- Ông ta nói: „Cậu không hiểu hết chúng đâu, chúng là bọn phiêu lưu”. Tôi hỏi lại ông ta có biết trường hợp nào người đứng đầu một đất nước nào đó là chỉ điểm cảnh sát không? Ông bảo có, đó là Napoleon Đệ tam. Tôi vẫn giữ quan điểm dù Rajk có khai bất cứ điều gì, thì đó cũng không phải sự thật.
- Điều gì đã xảy ra sau cuộc trò chuyện đó?
- Tôi đã dằn vặt nhiều, nhưng suy nghĩ lại mọi việc, tôi đã yêu cầu Ráksi cho thôi chức bộ trưởng Nội vụ.”
... Rákosi chấp nhận đề nghị từ chức bộ trưởng Nội vụ của Kádár mà không cần hỏi nguyên nhân. Ông ta chỉ hỏi xem Kádár đề xuất ai thay thế. Kádár tiến cử Zöld Sándor (1), quốc vụ khanh Nội vụ, một nhà hoạt động cộng sản từ thời bí mật.
Sự tiến cử của Kádár sau này tỏ ra bất lợi cho tân bộ trưởng, vì ngay từ đầu ông đã trở thành trung tâm khiêu khích và nghi vấn. Ông bị kết tội không thi hành nghị quyết của Ban Bí thư, theo đó phải làm trong sạch công an khỏi những phần tử thù địch.
Dưới danh nghĩa nâng cao cảnh giác, phái Rákosi muốn cải tổ lại các tổ chức bạo lực công quyền. Ủy ban Quân sự của đảng quyết định đợt thanh lọc lớn tổ chức AVH, đưa 200-250 nhân viên trẻ, không có chuyên môn vào biên chế, đồng thời thay thế 25-30 cán bộ lãnh đạo của tổ chức này.
Khi lên danh sách số lãnh đạo cần thay thế, Farkas Mihály nhấn mạnh: „trong bè lũ gián điệp Rajk nhiều kẻ theo „chủ nghĩa dân tộc Do Thái”, tỷ lệ Do Thái bị kết án tử hình khá cao”. Tất nhiên không thấy nói gì đến tôn giáo của nhóm bốn nhà lãnh đạo từ Moscow về. Âm mưu thanh trừng không chỉ đối với những người Do Thái, mà cả đối với những người dân chủ xã hội và những người „cộng sản dân tộc” từng hoạt động trong nước thời chiến tranh. Việc thanh trừng nhiều khi diễn ra rất dã man, đại tá AVH Szücs Ernő (2), một trong những phó giám đốc của Péter Gábor, bị đánh đến chết cùng em trai.
Sự lập lại trật tự như thế được tiến hành ngay cả trong bộ máy công an. Zöld Sándor là người có đầu óc thực tế, ông biết việc thực hiện những quyết định thiếu suy nghĩ có thể làm nguy hại tới an ninh trong nước, nhưng ông không kìm hãm nổi quá trình này. Họ dùng những con số giả mạo để công kích ông, họ khẳng định quá nửa số đồn công an do người của chế độ cũ Horthy đứng đầu.
Bộ Chính trị đã thảo luận báo cáo của bộ trưởng Nội vụ Zöld Sándor, có sự tham gia của trưởng ban Nội chính Trung ương Nagy Imre, người phụ trách theo dõi công việc của Bộ Nội vụ, nhưng ông ta đã không nói một lời nào để bênh vực ông bộ trưởng.
Sử gia Huszár Tibor viết: „... Zöld Sándor không muốn nêu đích danh những người có trách nhiệm, đặc biệt là thành phần nhân sự - chính trị của ban chỉ huy các đơn vị công an. Trong cuộc tranh luận, hành động này của ông được Gerő Ernő và Révai József coi là thiếu trung thực và qui kết đó là biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội.” Rákosi gặp riêng Zöld và thông báo sẽ cất chức bộ trưởng của ông, và hứa sẽ đưa ông đi nhận một chức vụ khác ở tỉnh lẻ. Thực chất lời hứa đó chỉ là một động tác giả, búa rìu đã được chuẩn bị sẵn, chỉ chờ giáng xuống đầu ông.
Zöld Sándor là một cán bộ cao cấp của đảng, trải qua nhiều biến cố, ông biết rõ chiều hướng tiến triển của những sự việc tương tự. Ông biết chắc người ta cho rằng ông bộ trưởng nội vụ đã đánh lừa Bộ Chính trị, và AVH theo dõi từng bước chân ông. Ngày bắt cũng đã được quyết định, nhưng Zöld đã làm đảo lộn mọi tính toán. Không chịu nổi sức ép, ngày 21-4-1951 ông đã bắn chết mẹ, vợ, hai con rồi tự sát.
Với cái chết của ông, phong trào cộng sản Hungary mất đi một chiến sĩ quý báu. Zöld Sándor nguyên là một bác sĩ, và từ năm 1932 đã gia nhập KMP. Ông chỉ đạo phong trào chống phát-xít của thanh niên đại học Debrecen. Sau khi sát nhập hai đảng công nhân, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, sau vào Bộ Chính trị. Trước sau, đến phút chót ông vẫn là chỗ tin cậy của Kádár János.
Ghi chú (của NCTG):
(1) Zöld Sándor (1913-1951): bác sĩ, chính khách cộng sản, là đảng viên KMP từ năm 1932, khi đảng còn hoạt động bí mật. Giữ chức bộ trưởng Nội vụ trong vòng gần 1 năm (1950-1951). Năm 1951, bị vụ cáo và buộc những tội danh bịa đặt. Tự sát trước khi bị bắt giữ.
(2) Szűcs Ernő (1908-1950): đại tá, tham gia phong trào cộng sản bí mật và bị tù đày nhiều lần dưới chế độ Horthy. Từ năm 1942 làm việc trong các tổ chức an ninh quốc gia. Từ mùa xuân 1950, là trợ thủ của Péter Gábor tại Cơ quan An ninh Quốc gia, đứng đầu bộ phận quân báo. Có vai trò lớn trong việc chuẩn bị các vụ án ngụy tạo quan trọng, cũng như việc thực hiện các vụ khủng bố. Tháng 9-1950, bị bắt và đánh đập đến chết trong quá trình điều tra.
Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn