Vĩnh biệt một tượng đài thể thao - Ảnh: Móricz Simon ("Tự do Nhân dân")
Danh thủ có cú sút chân trái xuất chúng nhất trong lịch sử bóng đá, mối đe dọa khủng khiếp một thời của bất cứ hậu vệ nào trên thế giới, đã phải nhường bước trước Tử thần và căn bệnh Alzheimer, hành hạ ông suốt 6 năm nay.
Một tượng đài sừng sững trong nền túc cầu thế giới không còn nữa!
Được coi là một trong những người Hung nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất trên thế giới, thủ quân của Đội tuyển vàng Hungary - tên thật là Purczeld Ferenc - sinh ngày 2-4-1927 tại Kispest, Budapest và trong vòng 24 năm, từ năm 1943 đến năm 1967, ông đã chơi ở tầm thế giới và trở thành một danh thủ vĩ đại của lịch sử bóng đá quốc tế.
Năm 16 tuổi, Puskás chơi lần đầu tiên tại Giải Ngoại hạng Hungary, trong màu áo của CLB Kispesti AC. Một tháng trước sinh nhật lần thứ 18, ngày 2-3-1945, ông ra mắt trong tuyển Hung và ngay trong lần đầu, Puskás đã ghi bàn vào lưới đội tuyển Áo.
Trận cuối cùng của ông trong màu cờ Hung diễn ra vào ngày 14-10-1956, ít ngày trước khi cuộc cách mạng 1956 nổ ra - lần ấy, một lần nữa tuyển Hung gặp “người anh em” Áo, Puskás cũng ghi bàn và đánh dấu hai kỷ lục độc nhất vô nhị: 11 năm rưỡi khoác áo tuyển Hung, không bao giờ Hung bị thua trên sân nhà và Puskás đã ghi được 84 bàn thắng trong 83 lần ra sân cỏ!
Theo tạp chí “Gazetta dello Sport” của Ý, với kỳ tích này, Puskás trở thành cây làm bàn vĩ đại nhất của thế kỷ XX! Cũng trong thời gian ấy, ông còn 5 lần đoạt danh hiệu vô địch Hungary và 4 lần là Vua phá lưới (với CLB Kispest, sau này đổi tên thành Bp. Honvéd - Puskás ghi được 358 bàn thắng trong 349 lần ra sân).
Là thủ quân đội tuyển Hung, ông đoạt Huy chương vàng tại Thế vận hội Helsinki (1952) và HCB tại World Cup 1954 (tại Thụy Sĩ); tháng 11-1953, tại “trận đấu của thế kỷ’ với tuyển Anh tại “thánh địa” Wembley, ông ghi 2 bàn tuyệt đẹp, góp phần vào chiến thắng vang dội 6-3 của tuyển Hung.
Mùa thu năm 1956, Puskás cùng CLB Kispest chơi ở Tây Ban Nha và không trở về Hung sau khi cách mạng 1956 bị đàn áp. Buộc phải nghỉ chơi 2 năm, năm 1958, khi về CLB “hoàng gia” Real Madrid, ông đã gần 32 tuổi và thừa rất nhiều cân!
Bằng nghị lực phi thường và tài năng thiên bẩm, với vốn ngoại ngữ gần như con số không, Puskás lập tức trở thành “con cưng” của khán giả Tây Ban Nha: mùa bóng thứ hai (1959/1960), ông đã là Vua phá lưới với 25 bàn thắng trong 24 trận đấu. Puskás còn nổi bật hơn nữa trong các trận đấu của Cúp Châu Âu, với 49 bàn thắng trong 39 lần ra quân Cúp C1!
Đỉnh cao của ông là trận chung kết C1 tại Glasgow: trước 135 ngàn cổ động viên cuồng nhiệt trên sân vận động Hampden Park, Real Madrid đại thắng 7-3 trước Eintracht Frankfurt (Tây Đức) và Puskás ghi tới 4 bàn! (3 bàn còn lại thuộc về Alfredo Di Stéfano, cầu thủ gốc Argentina 2 lần đoạt Quả bóng vàng Châu Âu).
Với vô số những bàn thắng ngoạn mục, đầu năm 1997, IFFHS, tổ chức nghiên cứu lịch sử bóng đá và những số liệu thống kê của môn thể thao này, có trụ sở ở München (Đức), đã bầu Puskás là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong những trận đấu ngoại hạng, trong sắc áo 3 CLB Kispest, Bp. Honvéd và Real Madrid: tổng cộng 489 bàn!
Trong sắc áo Real Madrid, cùng các đồng đội lừng danh như Di Stéfano, Raymond Kopa…, Puskás đã giành được vô số danh hiệu cao quý: 3 lần đoạt Cúp C1; 6 lần vô địch và 2 lần đoạt Cúp Tây Ban Nha; 1 lần đoạt Cúp Thế giới; 4 lần đoạt danh hiệu Vua phá lưới (với 324 bàn thắng trong 372 trận đấu chính thức). Trong cuộc bình bầu năm 2002 trên trang chủ chính thức của CLB “hoàng gia”, Puskás được chọn là cầu thủ Real xuất sắc nhất và được ưa chuộng nhất của mọi thời đại!
Vẫn giữ quốc tịch Hungary, năm 1961, Puskás được nhập tịch Tây Ban Nha và trong vòng hơn nửa năm, ông được mời chơi 4 lần trong sắc áo tuyển Tây Ban Nha, nhưng không đạt thành công nổi bật. Sau khi giải nghệ năm 39 tuổi, ông làm HLV cho các CLB Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ai Cập, Chile, Saudi Arabia, Áo, Paraguay và Bắc Mỹ; năm 1993, trong vòng 4 tháng, ông giữ cương vị HLV trưởng tuyển Hung. Thành tích lớn nhất của Puskás trên ghế HLV là vị trí thứ nhì của CLB Panathinaikos (Hy Lạp) trong Cúp C1 (sau Ajax Amsterdam lừng danh).
Bàn thắng là chắc chắn, mỗi lần Puskás sút...
Sự nghiệp bóng đá vĩ đại của Puskás Ferenc đã được đánh giá xứng đáng. Năm 1991, ông được bầu làm thành viên Câu lạc bộ Bất tử của các nhà thể thao kiệt xuất nhất. Năm 1997, Liên đoàn Olympic Quốc tế trao tặng ông Huân chương Thế vận cao quý.
Năm 1999, Puskás được danh hiệu Đại sứ Danh dự của nền thể thao Hungary. Năm 2001, trong cuộc bình chọn do nhật báo “Thể thao Dân tộc” Hung tổ chức dưới sự bảo trợ của Ủy ban Olympic Quốc gia Hungary, ông được bầu là nhà thể thao nam vĩ đại nhất của nước Hung thế kỷ XX.
Trước đó 1 năm, trong cuộc bình chọn Danh thủ Thế kỷ của Châu Âu do tổ chức IFFHS tổ chức, Puskás đứng thứ tư. Tuy nhiên, trong cuộc bình bầu trên trang chủ tiếng Bồ Đào Nha của BBC, ông đã vượt các tên tuổi Pelé, Garrincha và Maradona để trở thành cầu thủ vĩ đại nhất của lịch sử các giải bóng đá thế giới!
Từ ngày 2-4-2002, tức sinh nhật lần thứ 75 của Puskás Ferenc, tên ông đã được đặt cho Népstadion (Sân vận động nhân dân), sân vận động lớn nhất của Hungary (*). Năm 2004, Puskás giành danh hiệu Nhà thể thao Dân tộc và Giải Đạo đức do Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) trao tặng (mỗi nước một người); đồng thời, danh hiệu Cầu thủ vàng của Hungary nửa thế kỷ qua (do Liên đoàn Bóng đá Châu Âu UEFA trao tặng) cũng về tay ông.
Bộ “Đại từ điển Bóng đá” - do danh thủ Gary Lineker viết lời tựa và Keir Radnedge, TBT tạp chí bóng đá “World Soccer” biên soạn - đã dành trọn 2 trang cho Puskás trong chương “Những vị thần của bóng đá”, cạnh các tên tuổi Diego Maradona, Eusebio, Pelé, Johann Cruyff, Bobby Charlton, Franz Beckenbauer, Alfredo di Stefano, Stanley Matthews và Lev Yashin.
Gần đây nhất, ngày 28-8-2006, dấu chân của Puskás đã được đặt một cách trọng thể tại Phố các nhà vô địch (ở Monte Carlo), nơi chỉ những nhân vật kiệt xuất nhất của làng bóng đá thế giới mới được góp mặt.
Với sự ra đi của thủ quân Puskás Ferenc, Đội tuyển vàng Hungary huyền thoại một thời chỉ còn lại hai thành viên: hậu vệ xuất sắc Buzánszky Jenő (81 tuổi) và “con báo đen”, thủ môn Grosics Gyula.
Nhưng, cái chết của ông, đúng vào lúc tuyển Hung đang dưới đáy vực của sự tụt hậu, khi một trận thắng nghèo nàn 1-0 trước đối thủ yếu ớt Canada - trong một trận giao hữu mang đậm tính “giao lưu” - cũng khiến báo chí và công luận Hung phấn khởi, cho thấy: một thời kỳ trong nền bóng đá Hung đã mãi mãi trôi qua!
Đã đến lúc, nền túc cầu Hungary phải tự mình nỗ lực cho chính hiện tại và tương lai, chứ không thể mãi mãi “ăn mày quá khứ”…
Với niềm hy vọng ấy, xin vĩnh biệt “người tiền đạo của dân tộc” (a nemzet csatára), như cách gọi trừu mến của dân Hung dành cho Puskás Ferenc!
(*) NCTG đã có bài viết trong dịp này.
Nguyễn Hoàng Linh
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn