LỊCH SỬ MÔN PHÁI VỊNH XUÂN QUYỀN (6)

Thứ năm - 11/09/2003 21:16

(NCTG) Trong kỳ trước, chúng tôi đã nói đến giai đoạn võ sư Diệp Vấn sau khi thụ giáo các đại sư phụ Trần Hoa Thuận và Lương Bích, đã trở thành người kế nghiệp của môn phái Vịnh Xuân Quyền.

Tấm ảnh duy nhất chụp đại sư phụ Diệp Vấn mặc Âu phục

Trong vòng hơn 20 năm từ 1914 đến 1937, Diệp Vấn chủ yếu làm việc trong quân ngũ và cơ quan cảnh sát, và không ít lần, nhờ trình độ võ thuật siêu đẳng, ông đã khiến các địch thủ phải nể vì. Những khi rỗi rãi, ông thường giao du và trao đổi với các võ sư khác để luyện tập và nâng cao trình độ. Tuy nhiên, ông không hề có ý truyền nghề cho ai, kể cả 2 con trai (về sau, 2 người con này - đặc biệt là Diệp Chuẩn - đều trở thành những đại võ sư của môn phái, nhưng họ vẫn tiếc rẻ là đã không được cha dạy dỗ cho từ nhỏ).

Năm 1937, phát-xít Nhật chiếm đóng miền Nam Trung Quốc. Khi đó, Diệp Vấn vẫn ở Phổ Sơn và chẳng mấy chốc, ông đã phải sống nhục nhã dưới ách thống trị ngoại bang. Một chính quyền bù nhìn được lập ra tại quê hương Diệp Vấn và người võ sư - ngoài đời là một cảnh sát - đã thề không bao giờ chịu khuất phục. Trong vòng hơn 8 năm (1937-1945), Diệp Vấn đã gia nhập những nhóm du kích chống Nhật và do đó, gia đình ông cũng bị liên lụy: ông khuynh gia bại sản, nhiều lúc bị đói khát. May là họ Diệp có một người bạn tên là Chow Cheng Chung hay giúp ông chút đồ ăn thức uống và để trả ơn, Diệp Vấn đã dạy Vịnh Xuân cho con trai ông ta (Chow Kwang Yiu). Ngoài ra, chừng một chục người nữa cũng được thụ giáo vị đại võ sư và đây là thế hệ môn sinh đầu tiên của ông (đa số đến nay đã qua đời).

Năm 1945, phát-xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Khi đó, Diệp Vấn đã 52 tuổi. Trong vòng 3 năm, ông phải bỏ nghề võ để làm việc kiếm sống. Tuy nhiên, đến năm 1949, khi Dảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền ở Đại Lục, Diệp Vấn bị trưng thu toàn bộ gia sản và phải chạy sang Hồng Công. Ở đây, thoạt đầu, chưa ai biết ông già 55 tuổi, dáng người gày gò và trầm tĩnh, nhưng tốt bụng ấy, lại là chưởng môn của một môn phái lừng danh.

Diệp Vấn và đại đệ tử Leung Sheung (đứng sau, bên phải)

Sang Hồng Công được mấy tháng, để kiếm sống, Diệp Vấn phải làm việc trong một quán ăn và ở đó, ông làm quen với một thanh niên 29 tuổi tên là Leung Sheung. Leung Sheung học võ từ năm 14 tuổi, ông ta có thân hình to lớn và thể lực tuyệt vời, sau 15 năm khổ luyện võ thuật, họ Leung đã trở thành bậc thày của nhiều môn như Thái Lý Phật, Bạch Mi... Năm 1949, khi Diệp Vấn sang đến Hồng Công thì Leung Sheung đang là chủ tịch Hiệp hội những nhân viên tiệm ăn (Restaurant Workers Association), đồng thời là võ sư trong lò võ của Hiệp hội. Thư ký của Hiệp hội, Lee Man, một người bạn cũ của Diệp Vấn, có kể cho Leung Sheung biết rằng ông có một người quen vốn là đại võ sư Vịnh Xuân mới từ Đại Lục sang; Lee Man đang tìm người "bảo lãnh" cho Diệp Vấn và ông nghĩ rằng với uy tín của mình, Leung Sheung có thể giữ vai trò đó.

Đã từ lâu, Leung Sheung để tâm đến môn võ Vịnh Xuân, nhưng thời đó ở Hồng Công không ai dạy môn võ này nên ông rất háo hức và chờ đợi cuộc gặp mặt với Diệp Vấn. Tuy nhiên, từ cái nhìn đầu tiên, họ Leung đã cảm thấy thất vọng: ông già Diệp Vấn người mảnh dẻ, gày guộc, không có vẻ gì là giỏi võ. Rốt cục, sau một hồi trò chuyện, Diệp Vấn cũng đồng ý "đọ tay" với Leung Sheung.

Diệp Vấn và lớp học đầu tiên của ông tại Hồng Công, trong đó Leung Sheung là trưởng tràng

Cuộc đấu diễn ra trong một phòng của Hiệp hội những nhân viên tiệm ăn. Nó chỉ kéo dài trong chớp mát, nhưng đã để lại ấn tượng suốt đời trong tâm trí người võ sĩ lực lưỡng Leung Sheung. Theo hồi tưởng của họ Leung, cho dù ông đã giở mọi chiêu quyền cước để tấn công Diệp Vấn, nhưng vị sư phụ có tuổi này vẫn bình thản tiến lên từng bước và dồn ông ta vào góc tường. Rồi, cuối cùng, Leung Sheung chỉ thấy Diệp Vấn nâng tay lên và ông ta bị bắn ra xa, nằm chỏng gọng dưới sàn đất. Lập tức, Leung Sheung cúi đầu bái họ Diệp làm sư phụ và vào tháng Giêng 1950, ông đã trở thành học trò đầu tiên ở Hồng Công của đại võ sư Diệp Vấn (trong khóa học đầu gồm 8 môn sinh đó, còn có những nhân viên khác trong ngành như Lok Yiu, Tsui Sheung Tin, Lo Man Kam..., về sau đều trở thành những hảo thủ lừng danh của môn phái Vịnh Xuân).

Cần nói thêm vài lời về người môn sinh đầu tiên tại Hương Cảng của Diệp Vấn: Leung Sheung là người đầu tiên, vào năm 1957, đã mở lò võ riêng. Năm 1968, ông được bầu là chủ tịch Hiệp hội Vịnh Xuân Hồng Công (Hong Kong Ving Tsun Athletic Association) khi Hội này được thành lập, và giữ cương vị đó đến khi mất vào năm 1978. Nhiều người coi Leung Sheung là học trò xuất sắc nhất của Diệp Vấn; cho đến nay, các nhà "Vịnh Xuân học" vẫn cho rằng hiếm ai giỏi Tiêu Chỉ (bài quyền cao cấp nhất của Vịnh Xuân) như Leung Sheng.

H.Linh tổng hợp, theo các tư liệu võ thuật quốc tế


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn