LỊCH SỬ MÔN PHÁI VỊNH XUÂN QUYỀN (3)

Thứ năm - 15/05/2003 20:43

(NCTG) Trong hai số báo trước, NCTG đã điểm qua về sự hình thành của môn võ Vịnh Xuân Quyền và các chưởng môn đầu tiên của môn phái: Nghiêm Vịnh Xuân, Lương Bác Trù, Lương Lan Quế, Hoàng Hoa Bảo, Lương Nhị Tỳ.

Luyện Niêm Thủ (Đại sư phụ Diệp Vấn và Lý Tiểu Long)

Để tóm tắt, có thể nói rằng những nền móng đầu tiên của Vịnh Xuân Quyền đã được khởi thảo từ cuối thế kỷ XVII, khi người Thanh thống trị Trung Quốc và tại chùa Thiếu Lâm (Hà Nam), nhiều thanh niên Hán yêu nước đã được rèn luyện võ nghệ để tham gia phong trào cách mạng với mục đích "phục quốc". Ngay từ khi đó, các cao đồ của Thiếu Lâm đã nhận thấy hệ thống võ nghệ truyền thống của Thiếu Lâm quá phức tạp, rườm rà và lại không thật hiệu quả trong giao đấu thực tế. Vì thế, 5 vị cao tăng (Ngụ Mai, Bạch Mi, Phùng Đạo Đức, Miên Hiển và Chí Thiện) đã quyết định khởi thảo môn "Thiếu Lâm cách mạng", thực chất là một môn võ cải cách, để các môn đồ có thể học hỏi một cách nhanh chóng và sử dụng hiệu quả các chiêu thức trong chiến đấu. Môn võ "cách mạng" ấy được hình thành và luyện tập trong một căn phòng lớn của chùa Thiếu Lâm, có tên gọi là Vĩnh Xuân (Mùa xuân vĩnh cửu). Tuy nhiên, giữa chừng, vào ngày 13-8-1723, với sự đưa đường một tên phản đồ, triều đình nhà Thanh đã dùng đại quân tấn công và đốt phá Thiếu Lâm Tự: trong cuộc đấu này, các nhà sư Thiếu Lâm, dù võ nghệ cao cường và chiến đấu rất dũng cảm, nhưng họ đã không thể cự lại được với một đạo quân chính quy đông hơn họ gấp nhiều lần.

Đa số các môn đồ Thiếu Lâm qua đời trong cuộc đấu không cân sức, chỉ một vài vị cao tăng - trong số đó có 5 nhà sư đang tâm huyết với môn võ cải cách - là trốn được và họ thường lánh nạn xuống miền Nam. Trong số đó, Ngụ Mai lão ni lánh nạn tại một vùng núi phía Nam Trung Quốc; tại đây, bà tiếp tục đơn giản hóa "Thiếu Lâm cách mạng" và biến nó thành một môn võ cận chiến, phù hợp với những người có thể trạng trung bình, đặc biệt là phụ nữ. Cụ thể, gần 40 bài quyền của Thiếu Lâm Quyền đã được rút xuống còn 3 bài (Tiểu Niệm Đầu, Tầm Kiều và Tiêu Chỉ), các chiêu thức mô phỏng động vật (Ngũ Hình Quyền) được bỏ đi, các động tác ngoạn mục, nhưng nhiều khi không hiệu quả và tốn sức được giản lược, các thế tấn thấp, rườm rà và những cú đá cao cũng được thay bằng tấn cao và đá thấp. Do được chuyển thành một môn cận chiến nên môn võ mới của Ngụ Mai lão ni (sau được các đệ tử của bà đặt tên là Vịnh Xuân Quyền) chủ yếu sử dụng đòn tay, rất kín, nhanh và hiệu quả: các thế quyền cước được khai triển theo đường thẳng, nhằm đến đích nhanh nhất. Đặc biệt, các đòn tấn công và phòng ngự chỉ dừng lại ở mức cần thiết, nhằm đỡ tốn sức ở mức tối đa: trong trường hợp có thể, đòn phản công được tung ra ngay lập tức, đồng thời với thế phòng ngự. Để đạt được khả năng này, Ngụ Mai lão ni - và sau này, Nghiêm Vịnh Xuân, nữ truyền nhân của bà, người được coi là chưởng môn đời thứ nhất của Vịnh Xuân Quyền - đã "chế" ra một phương phức tập luyện có một không hai, rất đặc trưng cho môn phái: Niêm Thủ và Niêm Cước (hai môn sinh luyện với nhau, "cảm nhận" được đòn thế và ý định của nhau qua sự tiếp xúc thường xuyên và liên tục giữa tay và chân họ, chứ không dùng mắt - thông thường, các cao đồ Vịnh Xuân Quyền hay bịt mắt khi luyện).

5. Lương Tán (1826-1901):

Phần trước của loạt bài viết về Vịnh Xuân Quyền dừng lại ở chỗ môn võ này được truyền từ bà Nghiêm Vịnh Xuân qua người chồng bà, Lương Bác Trù, rồi qua các thế hệ chưởng môn sau đó như Lương Lan Quế, Hoàng Hoa Bảo và Lương Nhị Tỳ.

"Vịnh Xuân Quyền Vương" Lương Tán

Như chúng ta đã biết, Hoàng Hoa Bảo và Lương Nhị Tỳ đều là thành viên của đoàn tuồng Hồng Chỉ (Chỉ Đỏ), dọc ngang sông nước Trung Quốc trên những con thuyền dễ làm nơi ẩn náu cho những người hoạt động cách mạng "phản Thanh phục Minh". Giữa thế kỷ XVIII, trong một lần "lưu diễn", đoàn Hồng Chỉ dừng chân ở thị trấn Phổ Sơn; khi đó, họ Lương đột ngột ngã bệnh (có sách cho rằng Lương Nhị Tỳ bị chứng hen suyễn kinh niên). Ông đã tìm đến một lang y tên là Lương Tán; khi tiếp xúc, Lương Tán đã kinh ngạc trước trình độ võ thuật ở mực thượng thừa của người bệnh nhân, và đã bái phục xin được làm đệ tử. Sau một thời gian luyện tập chuyên cần, Lương Tán đã không phụ lòng sư phụ: ông đã chiến thắng trong vô số những cuộc thách đấu mà thường thường, chỉ người thắng cuộc mới thoát khỏi cái chết. Với thời gian, Lương Tán được coi là chưởng môn thứ sáu của Vịnh Xuân Quyền và giới quyền cước đương thời đã tôn ông là "Đệ nhất võ thuật" (hay Vịnh Xuân Quyền Vương, nghĩa là "ông vua Vịnh Xuân").

Trước nhà của bậc tiền bối Lương Tán ở Phổ Sơn

Trước trình độ võ thuật cao siêu của Lương Tán, người đời sau cho rằng ông không những được học hỏi từ Lương Nhị Tỳ, mà Hoàng Hoa Bảo cũng truyền thụ kiến thức cho vị lương y. (Bộ phim võ thuật "Đường quyền Vịnh Xuân" của Hồng Công đã "tiểu thuyết hóa" mối quan hệ giữa Lương Tán và hai vị chưởng môn họ Lương & họ Hoàng rất thành công). Thậm chí, người ta còn đồn rằng Lương Tán còn học được một số bài quyền từ chính chưởng môn đời thứ hai của Vịnh Xuân Quyền, là ông Lương Bác Trù. Một điều chắc chắn, nếu Ngụ Mai lão ni là người khởi thảo ra Vịnh Xuân, Nghiêm Vịnh Xuân là người tập hợp các chiêu thức Vịnh Xuân thành hệ thống thì chính Lương Tán là người đưa Vịnh Xuân lên hàng những môn võ khiến giới võ lâm kính nể.

H.Linh tổng hợp, theo các tư liệu võ thuật quốc tế


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn