LỊCH SỬ MÔN PHÁI VỊNH XUÂN QUYỀN (1)

Thứ năm - 27/03/2003 20:00

(NCTG) Là một trong số ba bốn trăm môn phái võ lớn nhỏ xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc, Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền chiếm một vị trí đặc biệt trong làng võ truyền thống Trung Hoa, chẳng những vì vẻ đẹp và tính hiệu quả, hợp lý trong mọi chiêu thức, mà còn vì lịch sử hào hùng và cũng không kém phần lãng mạn của nó.

Lý Tiểu Long, truyền nhân nổi tiếng nhất của Vịnh Xuân Quyền, với cú đấm lừng danh được "chế biến" từ miếng đòn cơ bản nhất của môn phái Vịnh Xuân

Đặc biệt, Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền còn được biết đến trên toàn thế giới từ thập niên 70 của thế kỷ trước, thông qua Lý Tiểu Long, một truyền nhân của môn phái, được biết đến với những bộ phim võ thuật như "Đường Sơn đại huynh", "Tinh võ môn", "Mãnh long quá giang", "Long tranh hổ đấu"...

Cho đến nay, Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc, Hồng Công, đến với nhiều nước trên thế giới (trong đó có Hungary), đáp ứng sự say mê, mến mộ của mọi người. (International Wing Tsun Martial-Art Association, do đại võ sư Lương Đính đứng đầu, hiện đang là liên đoàn võ thuật lớn nhất trên thế giới với 62 nước thành viên).

Từ số báo này, NCTG xin giới thiệu đến quý độc giả lịch sử của môn phái này, với những con người phi thường, những kỳ tích và huyền thoại được truyền khẩu qua bao thế hệ.

1. Bối cảnh:

Khoảng năm 1720, người Mãn Châu xâm lược Trung Quốc, lật đổ nhà Minh lập nên nhà Thanh. Chùa Thiếu Lâm ở tỉnh Hà Nam và Phúc Kiến trở thành trọng điểm của phong trào "phản Thanh, phục Minh" và các môn võ của họ - được xem như ngôi sao Bắc Đẩu của võ lâm Trung Hoa - bắt đầu được khuếch trương để dùng trong các cuộc nổi dậy.

Vì mục đích trao đổi cũng như mục đích chung này, hai đại môn phái Võ Đang và Nga My được sát nhập. Một số khẩu hiệu cách mạng xuất hiện trong thời kỳ này, như "Vịnh viễn chi nhất" (Wing Yin Chi Ji - luôn luôn nói với một lòng quyết tâm, nhất quán); "Bất vong Hán Tộc" (Mo Mong Hong Juk - không được quên dân tộc Hán); "Dai Day Wu Chun" (mùa xuân sẽ trở lại)...

Những khẩu hiệu này cuối cùng được cô đọng lại thành một từ đơn giản là "Vĩnh Xuân" (mãi mãi mùa xuân, mùa xuân vĩnh cửu). Vì bản chất quảng đại của các trường phái Thiếu Lâm truyền thống hoặc có lẽ một số kẻ phản bội đã dạy môn võ này cho người Mãn Châu, Thiếu Lâm cần có những kỹ thuật mới với những phương pháp hiệu quả hơn, tốt hơn cho ứng dụng và truyền thụ lại cho mọi người để đánh đổ nhà Thanh. Môn võ Thiếu Lâm cải tổ, hay còn gọi là Thiếu Lâm cách mạng, đã được hình thành như vậy.

Một số thế võ tiêu biểu của Thiếu Lâm

Triều đình Mãn Thanh, đứng đầu là hoàng đế Càn Long, với hệ thống quân đội hùng mạnh do những tên phản đồ, phản quốc của Thất đại môn phái Trung Hoa nắm giữ, đã mở nhiều chiến dịch tấn công tiêu diệt phong trào yêu nước; lần lượt, nhiều phong trào tan vỡ. Một số ít phải bôn ba hải ngoại, chờ ngày phục quốc. Chùa Thiếu Lâm Hà Nam cũng là một mục tiêu mà nhà Mãn Thanh nhằm tới.

Đại quân triều đình - dưới sự chỉ huy của chủ tướng Trần Văn Hoa đã tấn công chùa Thiếu Lâm - cùng sự trợ lực của một số tên phản đồ. Các nhà sư - những bậc võ nghệ siêu quần của Thiếu Lâm - đã chiến đấu vô cùng quyết liệt và tiêu diệt được nhiều kẻ địch. Tuy nhiên, với kế hỏa công và lực lượng quá đông đảo, quân đội Mãn Thanh đã giành thắng lợi sau nhiều giờ chiến đấu vất vả. Nhiều môn đồ của Thiếu Lâm đã hy sinh, một số khác bị quân lính Mãn Thanh bắt được trong khi đang thương tích trầm trọng.

Tuy nhiên, trong số các đại cao thủ Thiếu Lâm, đã có 5 nhà sư trốn thoát: Ngụ Mai lão ni (Ngụ Mai sư thái), Bạch Mi đạo nhân (sau này sáng tạo ra dòng Nam Quyền nổi tiếng là Thiếu Lâm Bạch Mi), Phùng Đạo Đức (về sau làm quan cho nhà Thanh), Miêu Hiển (chính là ông ngoại của Phương Thế Ngọc, một nhân vật võ lâm nổi tiếng, hay được biết đến trong các bộ phim kiếm hiệp) và Chí Thiện thiền sư. Những người chạy thoát này đã bôn tẩu khắp nơi để lánh nạn.

2. Ngụ Mai lão ni và Chí Thiện thiền sư

Ngụ Mai lão ni đã chọn chùa Bạch Hạc trên núi Đại Lương - một ngọn núi nằm giữa ranh giới hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam - làm nơi ẩn náu. Tương truyền, Lão Ni sư trong một đêm thanh vắng giữa rừng khuya, đã chứng kiến cuộc ác đấu sống còn giữa một con hạc và một con rắn. Từ đó nung nấu và hình thành một môn công phu mới, thường được gọi là Bạch Hạc Quyền, có một tính cách khác hẳn với bao công phu trước đó. Đó là sự gọn gàng, uyển chuyển, linh hoạt và tìm ra con đường ngắn nhất trong phép công và thủ.

 

Ngụ Mai lão ni và Bạch Hạc Quyền (tranh cổ)

Cùng thời gian này, Chí Thiện thiền sư bỏ trốn tới Thiếu Lâm Phúc Kiến (Thiếu Lâm Nam phái) và tiếp tục sự nghiệp phát triển các dòng võ cách tân. Cuối thế kỷ XVIII, Chí Thiện nhận một số đệ tử, trong đó có Hồng Hy Quan (người sau này sáng lập Hồng Gia Quyền) và Nghiêm Nhị tại võ đường Vịnh Xuân (được đặt tên theo theo khẩu hiệu Vịnh Xuân).

Sau này, Nghiêm Nhị trở thành đại đệ tử của Thiếu Lâm Phúc Kiến, đã học được những môn võ công cách tân và các kỹ thuật cũng được sáng tạo ở đây. Nghiêm Nhị lấy một người vợ địa phương và sau đó sinh một cô con gái đặt tên là Nghiêm Vịnh Xuân. Cái tên Nghiêm Vịnh Xuân có thể là ảnh hưởng từ võ đường Vĩnh Xuân, có điều chữ Vĩnh được thay bằng chữ Vịnh cho phù hợp với tên của nữ giới.

Vào năm 1810, một đại đệ tử Thiếu Lâm cũ của Thiếu Lâm Phúc Kiến tên là Lương Bác Trù tới Quảng Tây, làm nghề buôn muối. Ông đã gặp và yêu Nghiêm Vịnh Xuân ở đây. Lương Bác Trù là một đại đệ tử Thiếu Lâm nên Nghiêm Nhị đã đồng ý và thu xếp cho hai người cưới nhau. Tuy nhiên, Do bị những tay quyền chức ở Quảng Đông mưu hại, Nghiêm Nhị đã phải cùng Vịnh Xuân bỏ trốn tới Tứ Xuyên, mở quán đậu phụ dưới chân núi Đại Lương. Nghiêm Nhị góa vợ, sống với cô con gái và đã sớm gây được cảm tình với dân chúng quanh vùng, trong đó có Ngũ Mai lão ni.

3. Nghiêm Vịnh Xuân và Lương Bác Trù:

Chuyện chẳng may, nhan sắc của Vịnh Xuân bị lọt vào mắt một tên vô lại, có quyền thế lớn ở vùng Đại Lương và đồng thời cũng là một cao thủ Thiếu Lâm. Tên này xin ngỏ ý cưới Xuân làm vợ, Nghiêm Nhị từ chối ngay bởi đã hứa gả Xuân cho Lương Bác Trù. Tuy nhiên, tên vô lại này vẫn một mực khăng khăng đòi cưới cho được Vịnh Xuân. Hắn đã cho Nghiêm Nhị biết ngày mà hắn cho là "ngày lành tháng tốt" để đến rước Xuân về làm vợ. Cha con họ Nghiêm vô cùng lo lắng vì võ công của Vịnh Xuân, tuy đã khá cao siêu, nhưng chưa thể địch nổi với tên vô lại kể trên và đồng bọn.

Ngũ Mai lão ni vẫn thường lui tới mua đậu phụ ở cửa hàng của Nghiêm Nhị. Biết được chuyện bất bình, bà quyết định đưa Vịnh Xuân lên chùa Bạch Hạc trên núi Đại Lương để truyền thụ võ học, hầu đối phó với bọn vô lại. Tương truyền rằng vì thời gian học võ của Vịnh Xuân quá ngắn, và ngày "cưới" đã gần kề, Ngũ Mai lão ni đã truyền dạy cho Nghiêm Vịnh Xuân một giáo trình võ học đặc biệt, rút tỉa từ kinh nghiệm nhiều năm giang hồ của bà, cũng như dựa vào thể trạng của người phụ nữ.

Một bên là sự tận tình chỉ dạy của một bậc cao thủ võ lâm, một bên là sự quyết tâm luyện tập của một người bị cường quyền ức hiếp cho nên chẳng bao lâu, sự thành công đến với Vịnh Xuân khá nhanh chóng, đến mức chính Ngũ Mai lão ni cũng không ngờ. Trong lễ đưa dâu, cùng với sự tham dự của Ngũ Mai lão ni, khi kiệu cưới về đến nhà tên vô lại, một trận kịch chiến đã xảy ra giữa "cô dâu" Vịnh Xuân cùng toàn thể nhóm đưa dâu, với tên vô lại và bọn gia nô của hắn.

Kết quả, Vịnh Xuân đã đại thắng với những chiêu thức ngắn gọn, không rườm rà, cực kỳ nhanh và hiệu quả, khiến tên vô lại và bè lũ, cũng là những cao thủ Thiếu Lâm, phải chịu thương vong nằm la liệt, một số khác tháo chạy.

Đại sư phụ Lương Đính (phải) và võ sư Mádai Norbert (Hungary) luyện Niêm thủ, một bài võ đặc thù của Thiếu Lâm Vịnh Xuân Quyền

Gia đình đoàn tụ, mọi người đều vui mừng nhưng tức tốc thu gom đồ đạc, của cải dọn đi nơi khác, vì sợ bị báo thù. Riêng Vịnh Xuân quỳ lạy cha, xin được theo Ngũ Mai lão ni vừa trả ân nghĩa của bà đã tận tâm giúp đỡ cô, vừa để xin tiếp tục học tập võ nghệ hầu đạt mức thành đạt cao hơn. Ngũ Mai lão ni hết lời từ chối, vì sợ Vịnh Xuân không quen nếp sống tu hành khổ hạnh. Nhưng Vịnh Xuân vẫn một mực xin theo.

Cuối cùng, với sự nhất trí của Nghiêm Nhị và quyết tâm của Vịnh Xuân, Ngũ Mai lão ni đã chấp nhận nàng làm môn đồ của mình. Khi Ngũ Mai lão ni qua đời, nhiều môn đồ võ phái Thiếu Lâm Bạch Hạc đề nghị Nghiêm Vịnh Xuân nối tiếp ngôi vị chưởng môn nhưng Vịnh Xuân đã từ chối, xin nhường ngôi vị xứng đáng đó lại cho các bậc tỷ huynh của mình trong môn phái.

Sau đó, Vịnh Xuân cùng cha về Quảng Đông, và thành hôn với Lương Bác Trù. Nàng đem hết sở học của mình về võ thuật truyền lại cho chồng. Lương Bác Trù vốn là cao đồ Thiếu Lâm nhưng khi đến với hệ thống võ thuật mới lạ do vợ truyền lại, ông đã tỏ ra say mê vô cùng bởi tính linh diệu độc đáo của nó. Sau khi vợ qua đời, Bác Trù quyết định lấy tên vợ đặt cho hệ thống võ học mới được truyền thụ từ giáo trình đặc biệt của Ngũ Mai lão ni.

Từ đó môn phái Thiếu Lâm Vịnh Xuân ra đời, tạo thêm sự phong phú cho làng võ lâm Trung Quốc. Và, những truyền nhân đầu tiên của môn phái Thiếu Lâm Vịnh Xuân, chính là Nghiêm Vịnh Xuân và Lương Bác Trù.

H.Linh tổng hợp, theo các tư liệu võ thuật quốc tế


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn