BÓNG ĐÁ HUNGARY TẠI VIỆT NAM (PHẦN 2)

Thứ sáu - 02/04/2004 22:08

(NCTG) Như lời thú nhận của Takács Lajos và Ördög Ferenc, hai “kẻ phiêu lưu” đầu tiên của bóng đá Hung đặt chân đến Việt Nam làm “lính đánh thuê”, cái đích đầu tiên trong chuyến du hành của họ đến xứ sở xa lạ này là kiếm tiền.

“Đông - Tây không thể gặp nhau”? - Ảnh: cựu danh thủ tuyển Hungary và tuyển thế giới Détári Lajos đã thất bại ở Việt Nam

“Đông - Tây không thể gặp nhau”? - Ảnh: cựu danh thủ tuyển Hungary và tuyển thế giới Détári Lajos đã thất bại ở Việt Nam

Xem Phần 1 của bài viết.

Ngay cựu danh thủ Détári, từng khoác áo tuyển thế giới, cũng vậy: trả lời báo chí, ông cho biết “[sang Việt Nam trên vai trò chỉ đạo kỹ thuật của ACB-HN] chúng tôi cũng kiếm được chút tiền - cố nhiên đây cũng là một yếu tố đáng kể khi ký hợp đồng. Đối với các cầu thủ Hung thì cũng quan trọng là sau khi giải nghệ, họ có được vốn cơ bản để sinh sống”.

Và có lẽ đó là lý do chính, khiến cả một “xê-ri” Hung - gồm giám đốc kỹ thuật Détári Lajos cùng nhiều cầu thủ Hung khác như Teger István, Lázár Mátyás (Budapesti Honvéd), Kovácsis Károly, Bodor István... - đã nhất loạt đầu quân ACB-HN cuối năm 2002.

Tuy nhiên, cần nói thêm rằng các cầu thủ Hung đến Việt Nam không thuộc giới “elit” của bóng đá Hung. Đối với họ, khả năng lọt vào những câu lạc bộ tầm cỡ của châu Âu, là vượt quá tầm tay. Vì thế, được ra ngoại quốc, có thu nhập hơn nhiều so với ở Hung, lại được “thay đổi không khí” (lời Détári) và nhìn ngó đây đó, cũng như thử sức ở những phương trời xa lạ, là chuyện rất dễ chấp nhận.

Điều đó cũng ứng với Bódor István, vua phá lưới của Câu lạc bộ TUE Quận III (Budapest - đây là một đội hạng Ba, hạng Tư ở Hung!). Năm nay 26 tuổi, cầu thủ này đã hồi tưởng khoảng thời gian gần một năm ở Việt Nam như sau: “Tôi đã có được nhiều ấn tượng đáng ghi nhớ ở Việt Nam. Đáng ngạc nhiên là người dân ở đó yêu thích bóng đá đến chừng nào, trong các trận đấu của giải vô địch trong nước mà có tới 35-40 ngàn người đến cổ động.

Đối với tôi, vấn đề lớn nhất là thời tiết ở đó, rất khó làm quen với tiết trời nóng ẩm. Thoạt tiên, một huấn luyện viên Việt Nam [Lê Khắc Chính] hướng dẫn chúng tôi trong các buổi tập; cách đây hai chục năm, ông ấy từng sang Hung và “học mót” được phương pháp huấn luyện ở đội Honvéd, và mang ra dạy chúng tôi. Cách huấn luyện của ông không mang tính hệ thống và kế hoạch, nhiều lần chúng tôi phải đi tập ngay sau bữa ăn, bụng còn no căng!

Trong quãng thời gian ấy, dễ hiểu là chúng tôi không tiến bộ được mấy. Rồi Détári sang, ông ấy đã hướng dẫn những buổi tập rất tốt và thay đổi tận gốc rễ về mặt nghiệp vụ. Bắt đầu hình thành một đội bóng khá, nhưng đáng tiếc là tôi không còn được chơi ở đó: ban lãnh đạo đội bỗng dưng sa thải tôi và thực sự tôi cũng không biết nguyên nhân. Sáng ngày Noel, người ta bảo tôi hãy chuẩn bị hành lý vì hai tiếng nữa, máy bay sẽ cất cánh.

Tôi về Hung với tâm trạng hơi thất vọng, nhưng thực chất tôi không hối hận vì đã có chuyến “phiêu lưu” này. Tôi được làm quen một quốc gia với nền văn hóa đặc biệt, tôi có nhiều bạn bè mới, chỉ có điều tôi không tiến bộ được về nghiệp vụ. Có lẽ, nếu được ở lại thêm vài tháng, tôi có thể chứng tỏ được khả năng của tôi trong một đội mà Détári là người phụ trách kỹ thuật
”.

Những tưởng “đạo quân Hungary” đã làm nên chuyện tại V-League. Khởi đầu khá hứa hẹn: Takács Lajos thi đấu tương đối ổn định và hiệu quả, chính anh là “tác giả” của 10 bàn thắng, trong đó có bàn thắng vàng vào lưới Thừa Thiên - Huế giúp ACB-HN thăng hạng ở mùa bóng 2002-2003 và kết quả này đã khiến anh được gia hạn hợp đồng. Giám đốc kỹ thuật Détári, trả lời phỏng vấn báo chí Hung, đã phấn khởi nói:

Chúng tôi được tiếp đón rất thân tình và phải làm sao để đáp ứng được sự tin cậy này. Ban lãnh đạo ACB đã tạo điều kiện tuyệt vời để chúng tôi có thể tập luyện một cách bình tâm, chúng tôi không thể có một lời phàn nàn gì. Cố nhiên, mục đích của chúng tôi là đoạt chức vô địch, người ta mời chúng tôi vì thế”.

Tuy nhiên, có lẽ Détári, khi lên tiếng phát biểu, đã quá tự tin và “lạc quan tếu” (hẳn anh chưa hiểu rõ tương quan lực lượng ở V-League). Mọi cố gắng của ACB-HN, cuối cùng, đều không trở thành hiện thực: ngoại trừ Takács Lajos có phong độ chấp nhận được, cả ông bầu Détári lẫn các cầu thủ còn lại đều đã thất bại trong chuyến “ngao du” xứ Việt.

Bất đồng giữa Détári và huấn luyện viên trưởng ACB, ông Lê Khắc Chính (hậu vệ Chính “cối” lừng danh một thời của Tổng cục Đường sắt) chỉ càng làm câu lạc bộ này rạn nứt và... đá đâu thua đấy! Mùa bóng 2003, rốt cục, ACB-HN tụt hạng và chỉ bằng một “thủ thuật” hiếm có - sát nhập với Hàng không Việt Nam, tham dự V-League - mà một số cầu thủ ACB-HN vẫn tiếp tục có mặt trong giải Ngoại Hạng hiện tại.

Có điều, đội hình mới của LG-HN-ACB đã không còn những gương mặt Hung: ông bầu mới của đội, cựu danh thủ Lê Thụy Hải, cho rằng tốp ngoại binh Hungary cũng chẳng hơn gì “cây nhà lá vườn” và ông đã hướng vào những tên tuổi mới đến từ Nam Mỹ và châu Phi.

Tại sao ACB-HN thất bại? Ngoài việc các ngoại binh Hung không chứng tỏ được “tài nghệ” của nó, hãy xem ý kiến của Détári, một cựu danh thủ châu Âu, từng nhiều lần có mặt trong đổi hình đội tuyển thế giới, về bóng đá Việt Nam:

ACB-HN không có vấn đề gì cả, các cầu thủ tập luyện tốt, nhanh, nhạy, khỏe, cho dù chiều cao trung bình của các cầu thủ chỉ chừng 170 cm. Nhưng thiếu sót của họ là không thật có kỷ luật trên sân cỏ và cũng không thật để ý đến chiến thuật. Nhiều khi, họ tỏ ra “lãng tử” và nếu có thể khiến họ “bình tâm” lại, thì chẳng mấy chốc, có thể nâng họ lên tầng của bóng đá Nam Hàn.

Những nhận xét “ưu ái” ấy của Détári được đưa ra trước trận đấu mở màn của ACB-HN với Hàng không Việt Nam tại V-League 2003. Vài tuần sau, khi ACB thua liền 5 trận, nhà cầm quân này đã rũ áo ra đi. Huấn luyện viên Lê Khắc Chính, khi trả lời báo Việt Nam về mâu thuẫn trong công việc giữa ông và cựu danh thủ Hung, đã nhận xét: “Từ khi lên cầm quân, giám đốc kỹ thuật Détári đã thay đổi tất cả.

Chỉ trong ba trận, ông đã áp dụng ba đấu pháp khác nhau, trong khi các cầu thủ trẻ của ACB không thể “tải” nổi những gì vượt quá khả năng của họ. Trước đây, tôi từng nói rằng, cầu thủ của ACB còn rất yếu về tư duy chiến thuật, chưa thể tiếp thu ngay những đấu pháp hiện đại. Ông Détári giỏi, nhưng khi trong tay không có những con người phù hợp, ông phải biết lái sao cho thuận chứ
”.

Như thế, phải chăng đối với trường hợp Hungary, câu nói “Đông - Tây không thể gặp nhau” đã thành hiện thực? Détári - và cả các cầu thủ Hung - hẳn đã không biết “lựa gió” để hòa nhập với những điều kiện (bóng đá) ở Việt Nam, và vì thế họ đã thất bại thảm hại?

Với tiền lệ như thế này, bao giờ các câu lạc bộ Việt Nam mới lại có các ngoại binh Hungary?

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn