Từ Budapest: “TẾT SỨ QUÁN” VÀ CHUYỆN QUANH CÁI BÁNH CHƯNG

Chủ nhật - 22/01/2012 15:40

“Từ đầu “vụ” đến giờ cũng được cả ngàn chiếc rồi anh ạ, những ngày cuối thường là bánh “khan”, phải đợi ai không lấy mới dám lấy cho người khác” - chị Mười, một người kinh doanh hàng tết quen biết tại chợ Tứ Hổ (Budapest) cho hay, khi chúng tôi hỏi chị về món bánh chưng “quốc hồn quốc túy” trong dịp Tết Nguyên đán.


Căng-tin và cửa hàng thực phẩm Châu Á của “nhà Ðăng - Mười”

Cùng chồng, anh Ðăng, sở hữu một căng-tin và cửa hàng thực phẩm Châu Á ở vị trí “đắc địa” ngay giữa chợ, đã từ một thập niên rưỡi nay, chị Mười có nhiều kinh nghiệm trong việc nhập và cung cấp các mặt hàng thực phẩm Châu Á - trong đó có các mặt hàng tết, phục vụ nhu cầu của bà con Việt tại Budapest.

“Tết vẫn cứ là tết”

Trưa 28 tết, không khí vắng lặng bao trùm khu chợ Tứ Hổ - một trong những tụ điểm kinh doanh lớn nhất của người Việt tại Hungary, nơi mà những quầy bán hàng nhỏ ở vị trí tốt từng có thời được sang tay với giá hàng trăm ngàn đô-la. Thời tiết Hungary vào giữa mùa đông nhưng đẹp lạ thường, nắng vàng ấm áp chứ không lạnh lẽo, thậm chí có lúc băng giá tuyết phủ trắng trời đất như cùng ngày này những năm trước - ấy thế mà khách mua hàng vẫn rất thưa thớt.

Khách ít, hàng ế ẩm, đời sống ngày một khó khăn không còn là chuyện lạ lẫm đối với với bà con Việt kinh doanh tại Hungary, và càng trở nên quen thuộc sau khi nước này rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng từ 3-4 năm nay. Ðã vĩnh viễn chấm dứt cái cảnh buôn đầu chợ, bán cuối chợ vẫn lãi to, trời tối mịt kẻ bán, người mua vẫn chen chân - việc nước bạn gia nhập EU dần dần đặt dân mình phải đối mặt với những khó khăn không dễ vượt qua.
 

Lối vào khu chợ Tứ Hổ thưa vắng khách

Ấy thế mà tại mấy căng-tin Việt Nam, nơi có thể mua gần như mọi thứ thực phẩm không khác gì ở quê nhà, vẫn thấy tíu tít, bầu không khí quây quần thật quen thuộc và đầm ấm. Nếu không có những người ngoại quốc đôi lúc tạt vào rụt rè mua cái nọ, ngơ ngác hỏi cái kia, chỉ mục kích cảnh tượng kẻ bán người mua tíu tít với những thanh âm từ mọi miền Việt Nam, rất có thể hình dung chúng ta đang ở một khu chợ nào đó tại quê hương.

Gặp lại anh Hồng, một người quen cũ, nhưng lần này không phải “lên làm bát cơm dằn bụng cho chắc dạ” và “mang về cho bà xã cái gì có nước, húp xì xụp, bả mới chịu được lúc trời lạnh thế này”, mà là được vợ giao nhiệm vụ sắm hàng tết. Anh chị là hai trong số vô vàn bà con miền Trung qua đây lập nghiệp, nhưng không ngờ mảnh đất Âu lại nghiệt ngã và khác biết chừng nào với hình ảnh “miền đất hứa” mà họ được nghe lõm bõm ở nhà.

Ðã có thời hai người làm ăn rất khấm khá, nhưng rồi đất người khủng hoảng liên miên, kinh doanh xuống dốc, mấy cái quầy đều phải bán tống bán tháo, con cái cũng phải gửi về nhà cho ông bà lo. Giờ chỉ còn hai anh chị mà vẫn bươn trải như thường, ngày tết muốn về thăm nhà, thăm con lắm mà đành chịu. Nhưng đó là cả một câu chuyện dài, chứ hôm nay, thấy anh có vẻ vui với túi hàng trong tay: “Tết vẫn cứ là tết em ạ, phải cố cho đầy đủ...”.
 

Tết Việt, hàng Việt...

Anh Hồng là một trong số không ít những bà con phải trực diện và âu lo hàng ngày với những khó khăn hiện tại trên mảnh đất Hung, nhưng có lẽ cũng như anh, ai cũng ráng cho mâm cỗ tất niên được trọn vẹn như ở quê nhà, cho ba ngày tết được tươm tất. Cho dù, với nhiều người, ngày tết cổ truyền chỉ vỏn vẹn là chiều cuối năm - sáng mùng Một đã phải “xuất quân”, “ra trận”, với hy vọng “tích tiểu thành đại” cho một năm mới đỡ vất vả hơn.

Ẩm thực - chất keo kết nối

Có ra chợ ngày tết, bên hàng thực phẩm, mới thấy bên cạnh tiếng Việt thì ẩm thực Việt, phong tục ngày tết của Việt Nam thực sự là chất “keo” gắn kết những con người xa xứ. Hầu như câu chuyện làm ăn thường nhật đã tạm được dẹp đi, nhường chỗ cho những thông tin về bánh chưng, giò chả, mứt tết, lá dong, mâm ngũ quả..., cùng những hẹn hò gặp mặt, hàn huyên nhân dịp xuân về.

Thế nên cho dù nhiều quầy đã đóng cửa từ trưa vì vắng khách, nhưng các cửa hàng thực phẩm bao giờ cũng là nơi bà con ta bám trụ đến cùng. Tại “nhà Ðăng - Mười”, chúng tôi được biết giò, chả, mứt... năm nay vẫn còn, nhưng bánh chưng thì hầu như xong mẻ nào, bán hết mẻ ấy vì mọi người đã đặt ngay từ đầu, hoặc theo từng ngày, có sổ sách đàng hoàng, để người bán và người mua đều chủ động về số lượng và chắc chắn sẽ có khi cần.
 

Bánh chưng, giò chả không thiếu thứ gì!

Bánh nhà mình tự làm, luộc hơn chục tiếng, đảm bảo!”, chị Mười chia sẻ. Ðảo qua một lượt các hàng khác, thấy đâu đâu cũng là bánh chưng “tự lực” của các hộ kinh doanh ở Hungary làm, nơi thì dùng bếp ga, nhưng cũng có nơi đun củi ngoài vườn, cung cách hệt như ở Việt Nam, ròng rã 10-14 tiếng kể từ khi sôi. Khác với dạo trước, khi bên Hung cũng đa phần nhập từ Cộng hòa Czech hay vài nơi khác, vấn đề an toàn thực phẩm không được chú trọng.

Kể từ khi một số nơi dùng pin hoặc hóa chất lúc luộc để cho lá xanh, nhanh chín, bà con Việt tại Hung “tẩy chay” loại bánh không rõ nguồn gốc, nên từ 2-3 năm nay, các cơ sở làm bánh chưng trong cộng đồng Việt Nam ở Hungary có dịp “phát huy sở trường”. Tùy loại to nhỏ, giá cả chênh lệch từ 5-8 USD, nhìn chung bánh chưng “tự lực” đều chất lượng, luộc kỹ, “ngon không kém gì ở nhà”, như nhận xét của một vị phụ huynh sang thăm con cháu bên này.

Các cửa hàng thực phẩm của người Việt đa phần cũng bán cả lá dong, lạt... với giá phải chăng cho những ai muốn tự gói và luộc bánh, đặc biệt là đối với những gia đình đón bố mẹ ông bà sang thăm, muốn có lại bầu không khí Việt Nam với hương vị truyền thống của nồi bánh chưng, giờ chỉ còn trong ký ức. Cũng như vậy, những ai kỹ tính hoặc muốn “trổ tài” trong ngày tết, có thể dụng công làm giò thủ - thường là nén trong những chai nhựa Coca Cola - cũng rất ngon miệng không thua gì “hàng hiệu”.
 
Những lốc lịch, lịch “Vạn Sự”, vàng mã... theo đúng lệ bộ của ngày tết Việt Nam
 
Tuy nhiên, mua sẵn dường như vẫn là giải pháp được đa số lựa chọn, vì điều kiện thời gian và “kỹ thuật” không cho phép, theo nhận xét của nhiều người. Những cây giò lụa, giò bò, giò thủ, những miếng chả quế... bán với giá 5-7 USD, như thế, vẫn được các chị, các anh mua tấp nập, cùng những chú gà trống được làm sẵn cho mâm cỗ tất niên, và mứt, hoa quả, và cả những lốc lịch, những lịch “Vạn Sự”, vàng mã... theo đúng lệ bộ của ngày tết Việt Nam.

“Dù có sao - vẫn Tổ Quốc trong lòng...” (*)
 
Lại một mùa xuân mới đến rồi
Tưng bừng ngày tết rộn hoa tươi
Xao động lòng người bên mâm cỗ
Tiễn chào năm cũ dạ bồi hồi...”

Lời thơ của chị Thanh Sơn - một cây bút quen thuộc trong cộng đồng Việt tại Hungary - trong bài thơ “Chúc mừng Xuân 2012” phản ánh phần nào cái “xao động” và “bồi hồi” của người tha hương mỗi dịp tết đến xuân về.

Xuân nơi đất bạn, như thế, không chỉ có ẩm thực, mà còn là dịp để cộng đồng gặp gỡ, hàn huyên, tay bắt mặt mừng sau một năm đầy nhọc nhằn bận rộn. “Anh/ chị có đi tết sứ quán không?” cũng là một câu hỏi chúng tôi hay được nghe trong bận đảo quanh một số cơ sở làm ăn của bà con. Nhất là khi, trong năm nay, Tết Nguyên đán quá gần mùa Giáng sinh của nước bạn nên “muốn có không khí, cứ phải quây quần tụ bạ”, như lời một số bà con.
 

Hai bạn trẻ người Hungary làm quen với ẩm thực Việt Nam qua món bún cá

Tết sứ quán” là cách gọi đã thành quen của lễ đón xuân chung thường niên do các hội, đoàn Việt Nam tại Hungary chung tay tổ chức từ nhiều năm nay. Cũng như hai năm trước, chương trình vui xuân 2012 được tổ chức vào tối 21-1-2012 (tức 28 Tết Nhâm Thìn) tại một địa chỉ khá gần gũi với cộng đồng, là Nhà Văn hóa của Quận 16 (Budapest) - quận kết nghĩa với Quận Tây Hồ, Hà Nội, và cũng là nơi có rất nhiều gia đình Việt đang sinh sống.

Bao nhiêu năm qua, chương trình vui xuân ít nhiều vẫn ngần ấy nội dung: pháo hoa, phát biểu chúc tết, văn nghệ cây nhà lá vườn, góc ẩm thực, v.v... Ấy vậy dịp mừng xuân nào cũng vẫn thu hút hàng ngàn người - trên tổng số 5-6 ngàn bà con Việt hiện đang cư ngụ tại mảnh đất Hungary! Ngoài nỗ lực lớn lao của một cộng đồng nhỏ trong việc tổ chức, ở đây, không thể bỏ qua nhu cầu của người xa xứ, luôn nhớ về nguồn cội, quê hương bản quán...

Tâm tình của những người con đang sống xa nhà ấy còn được thể hiện qua sự trăn trở trong ngày cuối năm trước những thông tin nhận được từ quê nhà. “Anh có tin gì mới về vụ Tiên Lãng không?”, “Dạo này “tàu lạ” sao dám công nhiên liên tục xâm phạm nước mình thế?”, v.v... chỉ là một vài trong số nhiều câu hỏi mà anh Giang, một cựu DHS Ðại học Kỹ thuật Budapest đã đặt ra cho chúng tôi trong cuộc trò chuyện chớp nhoáng bên quầy hàng.
 

Sống xa quê, vẫn nặng lòng với đất nước

Những ưu tư của anh - và nhiều người khác - cho thấy dầu sống xa Tổ quốc, có người Việt nào trong sâu thẳm hồn mình mà không mang nặng mối quan tâm với đất nước, không đau đáu hướng về nơi chôn nhau cắt rốn! Có lẽ tình cảm ấy - cùng những “mẫu số chung” tưởng chừng đơn sơ, như chiếc bánh chưng ngày tết, hay câu ca còn vụng dại của những chàng trai, cô gái mới lớn thuộc thế hệ thứ hai trên đất bạn - sẽ là sự gắn kết và khiến quê Việt trường tồn trong lòng mỗi người! (**)

(*) Thơ Nguyễn Duy, trích “Nhìn từ xa... Tổ quốc” (1988).

(**) Bài viết đã đăng trên VTC News.

Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh, từ Budapest


 
 Từ khóa: Tết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn