Tại trường Radnóti Miklós (Budapest), bên poster về Việt Nam do các học sinh Hungary làm nhân Những ngày Văn hóa Việt Nam được tổ chức tại trường - Ảnh: Trần Lê
Nói thêm là đề Ngữ Văn tổng cộng có 10 câu, làm trong 45 phút, và học sinh được khuyến cáo là riêng bài 10 cần bỏ ít nhất 10-15 phút để làm.
Con làm như sau, bằng tiếng Hungary - thứ tiếng được coi là khó vào bậc nhất nhì thế giới! - và được điểm tối đa:
“
Chuyến đi
Chúng tôi đi máy bay về thăm Việt Nam trong ba tháng. Tôi rất thích ở đấy. Có nhiều bận tôi được đi du ngoạn và còn vào cả công viên vui nữa, vì thủ đô Hà Nội có cả thảy 5 công viên vui. Chúng tôi cũng ra biển nghỉ hè. Rằng tại sao tôi lại yêu Việt Nam đến thế? Vì tôi là người Việt - đúng vậy! Hôm ấy là một buổi tối mùa hạ cuối tháng 8 và đã đến lúc chúng tôi phải lên máy bay. Tôi buồn vì phải xa Việt Nam, nhưng tôi cũng hạnh phúc vì được lên máy bay và trở về đất nước Hungary tuyệt vời”.
*
Bên này, trẻ em được giáo dục theo cách tự nhiên, nên ít phải gò mình với những câu “
có cánh”, những lời “
nhả ngọc phun châu” như các bạn cùng lứa ở Việt Nam. Con và các bạn cứ nghĩ gì nói vậy mộc mạc thôi - mà nhiều khi không nghĩ ra, thì có thể nói thẳng là.... chưa nghĩ ra, cũng đâu có sợ bị ai chê cười. Nên con làm được thế này, bố rất ngạc nhiên.
Kể ra, viết cả chục câu không sai chấm phẩy, ngữ pháp, ngay cả với bố bây giờ - sau mấy chục năm ở đây - cũng không đơn giản, nhất là nếu trong cảnh phải đi thi thố, căng thẳng lắm. Nhưng cái khiến bố bất ngờ nhất ở đây là con đã “
cài” được một câu vô thưởng vô phạt về một tối mùa hè cuối tháng 8 vào nội dung về hai đất nước, hai tổ quốc của con.
Và bố thích nhất là con đã nói ra câu yêu Việt Nam, dù chưa bao giờ bố bảo con “
phải yêu” như trong bài thơ quen biết “
Quê hương là gì hả mẹ - mà cô giáo dạy phải yêu...”. Tình yêu nói chung - và có lẽ tình yêu một mảnh đất cũng vậy - là thứ không thể, không bao giờ cần “
dạy”, và nhất là càng không thể “
định hướng”, “
chỉ đạo” hoặc thậm chí cưỡng bức.
Cho dù, con vẫn bực bội và mệt mỏi mỗi khi bị mẹ chê bai là chưa thật thạo tiếng Việt (con có sinh ra ở Việt Nam đâu?), khi con bị đọc những cuốn như “Dế mèn phiêu lưu ký” mà con không hiểu hết từng câu, từng chữ (đến bố cũng không hiểu hết mà), hoặc khi con thấy sách sử Việt Nam rắc rối, khó hiểu (thực chất, bố nghĩ rằng các bạn, các anh chị học sinh ở Việt Nam đa phần cũng không khoái sử Việt hơn con)...
Những gì con biết về Việt Nam bó gọn trong các chuyến về thăm nhà mà bố mẹ cố gắng thu xếp để con học hỏi tiếng Việt - lúc đi với bố, lúc với mẹ, lúc thì với bà và cả với bạn bè của bố mẹ. Như thế, con được về thăm Việt Nam nhiều hơn cả bố và mẹ cộng lại. Con cũng biết sơ sơ về Việt Nam qua những chương trình trên VTV4, mà bố thích nhất là cái sự
thích hay không nhằm vào mỗi đề tài, nội dung của con khá giống bố.
Tất cả chỉ có thế. Những kỷ niệm được coi là trải nghiệm gắn kết ở mức độ cao nhất với quê hương Việt Nam, con không có. Con chưa từng đi học trên con đường về rợp bướm vàng bay. Con chưa từng cầm cánh diều thả trên đồng, hay ngay cả trên sân Mỹ Đình như các bạn bây giờ. Con thậm chí chưa từng thấy con đò êm đềm khua nước ven sông, hay chiếc cầu tre nhỏ đưa người dân quê trong buổi chợ chiều.
Những gì sâu xa hơn, con chưa biết và có lẽ cũng chưa cần biết, ở tuổi này. Và chính bởi vậy, bố rất vui vì con đã tự có, và tự bày tỏ được tình cảm với quê hương gốc của con - mà không cần bị ai nhắc nhở - trong một bài thi mà thày cô giáo người Hungary có thể đọc được. Cho dù, những lý do của tình yêu quê hương trong con mới dừng lại ở mức rất sơ khai, đơn giản (mà bố thấy dễ thương) như vậy thôi.
*
Chắc con còn nhớ, con và bố có lần được nghe ông Quận trưởng nơi gia đình mình sinh sống phát biểu trong lễ trao quốc tịch Hungary cho các ngoại kiều. Ông nói, rất hay và xúc động, rằng từ nay trở đi, các bạn đã là đồng bào của chúng tôi, đã có thể thực sự tự hào trong lòng khi nghe đến cái tên Hungary, hoặc trước một thành công - dù chỉ nhỏ nhất - của đất nước này, một xứ sở tuy nhỏ bé nhưng đã có những cống hiến rất to lớn cho lịch sử văn hóa, nghệ thuật và khoa học thế giới.
Nhưng bên cạnh đó, ông cũng nói rằng, trong đời, con người ta có thể có nhiều quê hương, tổ quốc, vì những lý do sinh kế hoặc chính trị. Và ông nhấn mạnh, Cộng hòa Hungary ý thức được và trân trọng, rằng trong số những quê hương ấy, có một quê hương có vai trò và vị trí đặc biệt nhất trong trái tim mỗi người. Ấy là mảnh đất mà mỗi khi nhắc tới, trong lòng chúng ta có cảm giác rộn ràng khác hẳn:
QUÊ MẸ.
Con chào đời ra ở nơi đây, hít thở từ khi mới lọt lòng bầu không khí dân chủ và nhân ái, thụ hưởng nền giáo dục trong lành và nền văn hóa rất phát triển của xứ sở này - thế nên khái niệm “
quê mẹ” đối với con thực ra không nhất thiết phải trùng với của bố mẹ. Nhưng cũng chính vì thế, bố tự hào vì trong bài viết ngắn ngủi trên, con đã nhắc đến cả hai quê hương với tình cảm ngang bằng, hồn nhiên và chân thật. Thế là con đã tự tạo dựng cho mình một suy nghĩ…
Hy vọng rằng, ở tuổi trưởng thành, hình ảnh Việt Nam sẽ vẫn luôn ở bên cạnh con cho dù con sống và làm việc ở nơi đây hay bất cứ mảnh đất nào trên thế giới này…
(*) Bài viết đã đăng trên “Tiền Phong” số đặc biệt Xuân Nhâm Thìn 2012.