CÁC CỘNG ĐỒNG VIỆT TRONG THẾ KỶ 22

Thứ hai - 01/10/2012 22:40

(NCTG) “Với sự phát triển đồng bộ và hài hòa như thế, nếu các nhà khoa học, các chính khách, các doanh nhân mang dòng máu Việt đồng lòng kết hợp với nhau thì các giá trị tri thức và hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam có thể có mặt khắp thế giới trong thế kỷ tiếp tới” – hy vọng của anh Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary.


Anh Phạm Ngọc Chu trong một hoạt động giao lưu thể thao Brno - Ostravo (Cộng hòa Cyech) - Ảnh: congdong.cz


Là một trong số các đại biểu của cộng đồng Việt Nam tại Hungary về tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần 2 - diễn ra trong ba ngày cuối tháng 9 vừa qua tại TP HCM -, anh Phạm Ngọc Chu đã có một bài phát biểu gây nhiều tiếng vang, thu hút sự chú ý của đông đảo cử tọa.

Tham gia thảo luận tại chuyên đề “Tương lai của cộng đồng - Những vấn đề của hội nhập và phát triển”, trong tham luận của mình, anh Phạm Ngọc Chu đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng của các cộng đồng Việt (xa xứ và trong nước) trong thế kỷ tới, mà anh kỳ vọng là sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của Việt Nam.

NCTG xin trân trọng giới thiệu nội dung bản tham luận (bản do báo biên tập). (NCTG)

*

Cuối năm 1989 đầu năm 1990, tôi học tập và làm việc tại Leipzig, một thành phố công nghiệp có nhiều nhà máy lớn cùng một trung tâm hội chợ quốc tế lớn của CHDC Đức thời bấy giờ. Thời gian đó, người dân Đông Đức sôi sục xuống đường biểu tình đòi thay đổi chế độ trên toàn quốc. Tôi được chứng kiến nhiều buổi tối, dân Leipzig đi nhà thờ để cầu nguyện rất đông, sau đó họ đổ xô ra đường tuần hành hòa bình.

Ngày 9-11-1989, bức tường Berlin sụp đổ, báo hiệu sự thống nhất giữa hai miền, hai nước không còn xa. Buổi tối, tôi về phòng, không vui và có phần ghen tỵ. Ôm đầu, tôi suy nghĩ tại sao sự thống nhất đất nước của họ - sau bao nhiêu năm ròng chia cắt - lại đơn giản thế, không một giọt máu, không một ai ngã xuống? Còn Việt Nam ta phải trải qua mấy thập niên chiến tranh và hàng triệu người hy sinh mới có được sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ...

Thấy tôi ngồi một mình uống bia trong phòng ký túc xá, anh bạn người Tunisia sang chơi, tôi thổ lộ điều đó. Anh bạn an ủi tôi, chỉ có người Germany (Đức) mới làm được điều này. “Rồi cậu sẽ thấy, Bắc Triều Tiên và Nam Triều Tiên còn lâu mới thống nhất được”, anh bảo.

Cách đây hơn một năm tôi có sang Tunisia du lịch và gặp lại người bạn cũ. Chúng tôi hàn huyên kể lại chuyện cũ và tôi khẳng định câu nói của anh đến bây giờ vẫn đúng. Anh bạn ôm vai tôi cười và nói, thời gian đó đã nửa đời người rồi.

*

Tôi có rất nhiều bạn thân người Ba Lan, Hungary, Trung Quốc, Do Thái..., đều thuộc những dân tộc có đông dân di cư khắp thế giới. Thấy tôi tham gia nhiều hoạt động cộng đồng ở nước ngoài, họ khẳng định cộng đồng Việt ngoài nước là đoàn kết nhất. Họ cũng để ý những thành tích nổi bật của nhiều người gốc Việt trên toàn thế giới. Có bạn tôi bảo tôi, thế kỷ 19 của Anh Quốc, thế kỷ 20 của Mỹ, thế kỷ 21 của Tầu, còn thế kỷ 22 sẽ chứng kiến sự vươn lên của Việt Nam.

Tôi ngẫm nghĩ, không biết câu nói của các bạn tôi có đúng không? Một điều chắc chắn: trong một thời gian không dài, các cộng đồng Việt ở nước ngoài đã làm nên nhiều kỳ tích đáng kể. Chỉ xin điểm lại ở đây vài nét dễ thấy nhất.

- Cách đây hai chục năm, sang Châu Âu muốn tìm ăn một bát phở - hay những món ẩm thực truyền thống và rất thân quen của Việt Nam như rau muống xào tỏi, canh cua với cà… - gần như là việc hoang đường. Đến giờ, quán ta, cơm Việt đầy rẫy phố phường các đô thị lớn nhỏ tại Châu Âu.

Chẳng hạn, phở là một thương hiệu lớn được nhiều người dân khắp thế giới yêu thích. Ở Hungary, có một ký giả nổi tiếng đã viết rất hay về phở đăng trên tờ nhật báo lớn nhất của nước này, coi phở là “Ông hoàng của các loại xúp”. Một nhà báo khác chuyên tìm tòi và nghiên cứu về đề tài ẩm thực đó đây thì còn thành lập một câu lạc bộ những người Hung thích món phở Việt.

Ngoài hệ quán ăn, nhà hàng, ở nhiều nơi tại nước ngoài còn có khách sạn do người Việt làm chủ, có bác sĩ Việt mở phòng khám, viện y khoa... Những ai có nhu cầu tâm linh thì có thể tới các cơ sở chùa chiền Phật giáo hoặc Hội Thánh, được mở ra rất nhiều ở Châu Âu. Các Hội Phật tử, các nhóm tôn giáo của cộng đồng Việt ở khắp nơi được chính quyền sở tại công nhận, người bản xứ cũng tham gia.

- Các kỳ Thế vận hội quốc tế Olympia bốn năm một lần, đoàn Việt Nam tham gia với nhiều vận động viên ở các bộ môn khác nhau, nhưng khi ra về thường trắng tay. Trong khi đó, đã có những nhà thể thao gốc Việt giành huy chương đủ các loại vàng, bạc và đồng. Mỗi lần như thế, hai chữ Việt Nam được nhắc nhiều trên truyền thông quốc tế, là niềm tự hào cho quê hương chúng ta!

- Dân tộc Việt Nam có một tính cách mà không nhiều dân tộc khác có được, đó là kiên trì nuôi dưỡng đến cùng lòng quyết tâm để đạt được một mục tiêu nào đó. Cha mẹ không hoàn thành, không thực hiện được ước mơ lớn thì bao giờ cũng chú tâm giáo dục, hy sinh và tạo mọi điều kiện cho con cái nối tiếp mong mỏi của mình. Chính vì thế mà mới chỉ đến thế hệ thứ hai, chúng ta đã có nhiều nhà khoa học, nhiều tên tuổi được biết đến rộng rãi trong xã hội các nước sở tại.

- Nền giáo dục của cha ông chúng ta cũng có nét rất hay, rất hài hòa, khi chủ trương “học nữa, học mãi”, luôn động viên khuyên nhủ con cái hãy học nhiều, học tốt để thành tài. Ai thích theo con đường khoa học thì đi tiếp, ai muốn theo con đường công chức thì cố gắng phấn đấu. Còn ai không thích hoặc không có khả năng theo đuổi con đường học vấn thì rẽ sang ngả kinh doanh, buôn bán.

Với sự phát triển đồng bộ và hài hòa như thế, nếu các nhà khoa học, các chính khách, các doanh nhân mang dòng máu Việt đồng lòng kết hợp với nhau thì các giá trị tri thức và hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam có thể có mặt khắp thế giới trong thế kỷ tiếp tới. Đây có lẽ cũng là điểm khác với cộng đồng Hoa kiều, di cư ra nước ngoài từ thế kỷ 19, nhưng đa phần chỉ quan tâm giáo dục cho con cháu buôn bán và thăng tiến trong kinh doanh.

*

Đầu tháng Ba vừa rồi, tôi có vinh dự được tham gia một đoàn đại biểu Hungary sang thăm Việt Nam, gồm ba Nghị sĩ Quốc hội và một nhà phát minh sáng chế. Trong một lần đoàn dạo xe buýt tham quan thủ đô Hà Nội, các bạn Hungary ngạc nhiên và cảm thấy lạ, sao đường phố chúng ta đông người thế, đi đâu cũng thấy người đông ngùn ngụt tắc đường.

Bạn tôi, nhà phát minh sáng chế Hanti Tamas có hỏi, ở Việt Nam có nhiều người thất nghiệp không, tôi đáp “có nhiều lắm”. Ông ấy hỏi tiếp, “thế đất nước này không có chính sách di dân như bên Trung Quốc à?”. Tôi cười vui và nói tiếp, “chúng tôi cũng muốn đi lắm, nhưng phụ thuộc vào các chính khách, các nhà  hoạch định chính sách này” - rồi tôi chỉ vào ba vị ngồi cạnh. Một trong ba nghị sĩ cùng đoàn cũng lên tiếng luôn, “bây giờ tất cả chúng ta sống trong thế giới tự do, không có ai cấm di cư hợp pháp cả”.

Theo thống kê mới nhất, con số người Việt Nam sống ở nước ngoài khoảng 4,5 triệu với hai làn sóng di cư lớn là sau năm 1975 và sau khi bức tường Berlin ngăn cách Đông – Tây sụp đổ. Hiện nay, lượng người Việt di cư ra nước ngoài vẫn tăng mạnh. Nếu cứ theo cái đà này, con số người Việt Nam và người gốc Việt sống ở nước ngoài vào thế kỷ 22 sẽ lên tới trên 50 triệu.

Nhà nước ta bây giờ không cấm đoán di dân hợp pháp. Tôi khuyên mọi người trước khi quyết định ra nước ngoài tìm vận may và lập nghiệp, nhất thiết cần phải trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng làm việc tốt. Không nhất thiết phải nghĩ đến những gì quá cao siêu, bởi lẽ ở Châu Âu nghề nào cũng cần thợ giỏi, chẳng hạn nghề trông trẻ, làm vườn, thợ cơ khí, bác sĩ, kỹ sư …

*

Hiện nay, khủng hoàng kinh tế Châu Âu đang ở vào giai đoạn quyết liệt và chưa có phương thuốc cứu chữa. Nhiều nước đang trong tình trạng nợ công cao như Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… cộng với nguy cơ ngày một tăng của sự phá sản quốc gia tại Hy Lạp khiến đồng tiền chung Châu Âu Euro mất giá liên tục so với các ngoại tệ mạnh khác.

Euro mất giá một thì đồng tiền của các nước Đông Âu có nền kinh tế yếu kém mất giá mười, ví dụ như đồng tiền Koruna của Cộng hòa Czech, Złoty của Ba Lan, Forint của Hungary. Ngay người dân những nước này cũng chuyển đổi đồng nội tệ sang ngoại tệ mạnh để giữ, huống chi các nhà đầu tư.

Khủng hoảng kinh tế Châu Âu gần như làm suy yếu một số ngành nghề lớn như sản xuất ôtô, xây dựng, sản xuất hàng cao cấp, du lịch… Lượng người thất nghiệp ngày càng tăng cao, đời sống người dân đi xuống rõ rệt.

Hiện tại, có thể chia cư dân Châu Âu làm ba thành phần.

Thành phần thứ nhất là những người dân có thu nhập thấp. Thành phần này ở bất cứ chế độ nào, xã hội nào, nước nào thì đều không có tiền, họ kiếm được đồng nào thì tiêu hết đồng nấy nên chỉ tạo ra sức mua nhỏ cho xã hội.

Thành phần thứ hai là những người có thu nhập trung bình đến khá, tạo ra sức mua và trao đổi hàng hóa trong thị trường rất lớn. Tuy nhiên, thành phần này cũng dần dần mất đi trong xã hội bởi một số nguyên nhân sau:

- Những người thuộc thành phần này đa số sống bằng tiền ngân hàng, từ mua nhà, ôtô, tivi, tủ lạnh, đi du lịch... Càng ngày họ càng nghèo đi vì kinh tế yếu kém, đồng nội tệ mất giá, nhà băng tăng lãi suất, hạn chế cho vay nên đồng tiền họ làm ra quanh năm chỉ đủ trả nợ.

- Không nhìn thấy tương lai, tâm lý bị sa thải, thất nghiệp luôn luôn ám ảnh trong tâm trí, nên càng ngày họ càng giữ chặt túi tiền và hạn chế chi tiêu.

- Do thâm hụt ngân sách lớn nên nhà nước tăng thuế thu nhập và thuế lưu thông hàng hóa, khiến sức mua của họ giảm sút nhiều.

Thành phần thứ ba là thành phần có thu nhập cao trong xã hội. Ở bất cứ nước nào, chế độ nào, xã hội nào họ cũng không bị ảnh hưởng gì mấy do khủng hoảng kinh tế, họ vẫn chi, vẫn mua những mặt hàng mà họ thích. Thành phần này - cũng như thành phần thứ nhất – ít tạo ra năng lực sản xuất và trao đổi hàng hóa dồi dào cho xã hội.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm thay đổi đáng kể thị trường tiêu dùng và tâm lý mua bán của người dân, nên bản thân các doanh nghiệp chúng ta cũng cần phải thay đổi nhanh chóng cho phù hợp thị trường và người tiêu dùng.

Chúng ta cũng thừa hiểu tại sao doanh thu của Samsung lớn hơn Sony, chúng ta cũng biết các thương hiệu lớn như Nokia, Ericsson dần dần yếu đi trên thị trường... Những nhà sản xuất này đã không bám chặt vào tâm lý tiêu dùng và mua bán của người dân.

Hãng sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới Nestlé có một sản phẩm bán rất chạy trên thị trường, đó là cà phê hòa tan 3 chấm 1, thường một gói pha đủ một ly cà phê có trọng lượng 18g. Giá cả nguyên liệu, năng lượng, thuế má tăng cao, thế nhưng Nestlé không muốn tăng giá sản phẩm ảnh hưởng sức mua ngoài thị trường mà họ giảm trọng lượng gói cà phê cho mỗi cốc từ 18g xuống 17,5g. Con số giảm 0,5 là nhỏ nhưng đã “đánh lừa” người tiêu dùng rất lớn.

Khủng hoảng kinh tế Châu Âu cũng ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp chúng ta, thế nhưng không phải là không có lối thoát. Người dân Châu Âu vẫn ảnh hưởng thói quen của vài chục năm nay, họ vẫn ăn tiêu và sống bằng trợ cấp xã hội. Thị trường tuy bị khủng hoảng kinh tế, nhưng hàng ngày vẫn lưu thông một lượng hàng hóa lớn.

Tôi vẫn nhìn ra một số thuận lợi sau cho doanh nghiệp chúng ta.

- Thị trường Châu Âu mất dần tầng lớp người tiêu thụ hàng cao cấp, chuyển sang số đông tiêu thụ các mặt hàng bình dân, rất phù hợp với các sản phẩm của Việt Nam. Hệ thống siêu thị của tôi bán mỳ ăn liền Việt Nam tăng nhiều so với những năm trước khủng hoảng kinh tế.

- Hiện nay trên thế giới có hơn bôn triệu người Việt Nam sinh sống, đó là cầu nối lớn cho hàng hóa chúng ta ra nước ngoài. Đặc biệt các nước Đông Âu có một số công ty lớn do người Việt Nam làm chủ, có mạng lưới phân phối rộng trên toàn quốc, đưa hàng hóa vào các hệ thống Hypermarket, Supermarket…

- Tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều coi Việt Nam là thị trường lớn, thêm vào đó, người dân chúng ta chủ trương sống hòa bình và làm bạn với tất cả các nước trên thế giới - đây chính là lợi thế để chúng ta mang hàng hóa đi trao đổi.

- Trên thế giới, đang có một phong trào bài xích, tẩy chay hàng Trung Quốc vì hàng hóa nước này đi đến đâu cũng kéo theo một đám đông di cư theo, phá tan văn hóa phong tục tập quán dân bản xứ. Đây là cơ hội để hàng hóa của chúng ta có thể cạnh tranh và thay thế ở một chừng mực nào đó hàng Trung Quốc.

Điều cuối cùng, tôi muốn nói rằng chúng ta đang sống trong một thế giới hòa bình rộng lớn, thông tin nhanh chóng, hàng hóa lưu thông thuận tiện. Không một ai, một tổ chức nào ngăn cản hàng hóa của chúng ta. Chỉ có một điều duy nhất ngăn cản chúng ta, đó là ý chí và quyết tâm LÀM NHƯ THẾ NÀO VÀ BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU. (*)

*

Để kết thúc, xin được đưa ra vài góc nhìn mang tính so sánh.

Sau Thế chiến thứ Hai, là một quốc gia thua trận, nước Nhật bị hủy diệt ghê gớm bởi chiến tranh và hai trái bom nguyên tử, và hoàn toàn kiệt quệ về kinh tế. Ai dám nghĩ rằng sau nửa thế kỷ, kinh tế Nhật đã đuổi kịp và còn vượt Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ?

Năm mươi năm trước đây, chúng ta nghĩ người Tầu chỉ thạo cái nghề bán tào phớ và buôn lông gà lông vịt, thế mà bây giờ nền kinh tế của họ đúng thứ hai thế giới.

Phải chăng, mấy ông bạn nước ngoài của tôi cũng đã nhìn trước trông xa khi họ cho rằng, THẾ KỶ 22 SẼ CHỨNG KIẾN SỰ VƯƠN LÊN CỦA VIỆT NAM?

(*) Phần này của bài viết là tham luận gửi đến cuộc tọa đàm “Phát huy nguồn lực Kiều bào trong xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư” do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức ngày 8-6-2012, với sự hiện diện của một số đại diện Sở, Ngành có liên quan; đại diện Hiệp hội Doanh nhân TP.HCM; đại diện Hiệp hội Doanh  nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM...

Phạm Ngọc Chu, Budapest ngày 2-9-2012


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn