VACCINE THẾ HỆ ĐẦU CÓ THỂ KHÔNG NGĂN CHẶN ĐƯỢC SỰ LÂY NHIỄM

Thứ tư - 18/11/2020 01:10

(NCTG) Cho tới nay, chừng 7% các ca tử vong vì Covid-19 là người không có bệnh nền, theo Giám đốc Y tế Quốc gia Müller Cecília trong họp báo ngày 17/11, khi Hungary vẫn ghi nhận tới 5.203 ca nhiễm mới được phát hiện và 91 ca tử vong (đa phần là người cao tuổi, nhưng bệnh nhân trẻ nhất là một nam thanh niên 25 tuổi) trong một ngày qua. Trong khi đó, giới nghiên cứu tỏ ra dè dặt trước các loại vaccine đầu tiên.

Xe cứu thương chở bệnh nhân nhiễm Covid-19 - Ảnh: Balogh Zoltán (MTI)

Xe cứu thương chở bệnh nhân nhiễm Covid-19 - Ảnh: Balogh Zoltán (MTI)

Chúng ta vừa mất một chàng trai rất trẻ”, bà Müller Cecília nói, và cho hay: bệnh nhân cao tuổi nhất ra đi vì Covid-19 trong 24h qua là 95 tuổi. “Đáng tiếc là có trạng thái y tế mà mặc dù chúng ta đã nỗ lực hết sức mà vẫn không cứu được mạng người, do nhiễm bệnh, hoặc do có một bệnh nền hay một tình huống tăng nặng nào khác”, vị quan chức thú nhận.

Hungary còn chưa lên tới đỉnh dịch”, bà Müller Cecília cho hay, bởi xét nghiệm từ các mẫu nước thải cho thấy nồng độ của virus SARS-COV-2 tăng, báo hiệu những ngày tới số ca nhiễm tại 7 thành phố tại Hungary sẽ vẫn tiếp tục tăng. Dịch bệnh đã lan rộng trên phạm vi toàn quốc, cứ không tập trung ở Budapest và tỉnh Pest như trong thời gian dài ban đầu.

Hiện, thủ đô của Hungary chỉ còn chiếm 23% số ca nhiễm, 26% số ca tử vong, và 26% số ca lành bệnh. Có 7.477 ca niễm Coronavirus chủng mới phải điều trị tại viện, trong số đó 576 ca phải trợ thở. Chính quyền Hungary đã thú nhận là không thể chặn đứng được dịch bệnh, mà mục tiêu là làm chậm dịch Covid-19 để các cơ sở y tế tránh được cảnh quá tải.

Liên quan tới cuộc đua nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19, hãng dược Moderna của Mỹ đã công bố loại vaccine của họ có hiệu quả 94,5%, và không có bất cứ tác dụng phụ lớn nào. Hiện tại, Moderna đang thử nghiệm giai đoạn cuối với 15 ngàn tình nguyện viên và đã có kế hoạch nộp lên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để xin cấp phép.
 
Minh họa: Internet
Minh họa: Internet

Một tuần trước đây, hãng dược Pfizer cũng tuyên bố loại vaccine có hiệu quả “tối thiểu là 90%”. Dù những tin này được cho là rất khả quan và đáng mừng, nhưng nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra dè dặt, vì nhiều câu hỏi được đặt ra: các vaccine nói trên (và các loại mới khác sẽ có trong tương lai) có thích hợp để sản xuất đại trà và với giá cả chấp nhận được không?

Chưa kể tới vấn đề vận chuyển, ví dụ vaccine của Pfizer đòi hỏi bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ -70 độ C, khiến quá trình tiêm chủng ở quy mô lớn gặp nhiều khó khăn. Vaccine của Nga và Trung Quốc (mà Hung đặt mua), ngay từ đầu, đã gặp phải sự nghi ngờ có cơ sở, vì quá trình thử nghiệm lâm sàng không được công bố minh bạch và giám sát độc lập.

Còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ, ví dụ tác dụng kháng thể của vaccine được bao lâu, hiệu quả đối với các đối tượng khác nhau (về lứa tuổi, thể chất...) là như thế nào (theo nhiều nhà nghiên cứu, cần nhiều loại vaccine khác nhau), và không kém phần quan trọng là tỷ lệ cư dân “chịu” tiêm chủng có đủ không (cần độ 70% cư dân để có được miễn dịch cộng đồng)?

Một nhận định thận trọng của nhà khoa học Anh Kate Bingham trên tạp chí y khoa uy tín “The Lancet” cho rằng, vaccine kháng Coronavirus thế hệ đầu tiên sẽ không hoàn thiện, và phải chuẩn bị tinh thần nếu loại vaccine này không ngăn chặn được sự lây nhiễm, mà chỉ làm giảm các triệu chứng, cũng như, không chắc chắn là đã có tác dụng dài hạn ở mọi đối tượng.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn