Tai họa bùn đỏ ở Hungary: MỘT HỒI CHUÔNG CẢNH BÁO

Thứ tư - 06/10/2010 20:18

Từ 120 năm nay, công nghệ thế giới chưa tìm được phương thức hữu hiệu và đảm bảo để xử lý bùn đỏ, sản phẩm phụ của quá trình chế biến nhôm từ quặng bauxite. Và, thật trớ trêu, thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử chế biến Alumin - nhôm lại xảy ra vào sáng 4-10 qua tại Hungary, một quốc gia có truyền thống và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.


Bùn đỏ, thảm họa sinh thái


Cơn lũ bùn đỏ

Vào hồi 12 giờ 10 phút ngày thứ Hai 4-10-2010, ở làng Kolontár  (tỉnh Veszprém, cách Budapest chừng 164km về phía Tây Nam), một trong 10 bể chứa bùn đỏ khổng lồ của nhà máy sản xuất Alumin TP Ajka (trực thuộc Tập đoàn Nhôm Hungary - MAL Zrt.) đã đột ngột bị vỡ, khiến hơn 1 triệu m3 bùn đỏ tràn ra ngoài.

Biển bùn này tạo nên những đợt sóng rất mạnh, có chỗ cao tới 2m, cuốn trôi cả nhà cửa, cầu cống, xe cộ, gia súc... Theo các số liệu cho đến sáng mùng 6-10, đã có 4 người chết (trong đó có hai trẻ em), 6 người đứng tuổi mất tích và chừng 120 người bị thương, trong đó có 8 người bị thương nặng.

Các làng xã, thị trấn lân cận (Devecser, Somlóvásárhely, Tüskevár, Apácatorna và Kisberzseny) cũng bị ngập trong bùn đỏ, chừng 400 người phải sơ tán từ khoảng 300 ngôi nhà tới các trường học, nhà văn hóa và các cơ sở hỗ trợ gia đình ở địa phương.

Bùn ngập đường ray xe lửa khiến giao thông hỏa xa bị đình trệ tại một tuyến đường: Hãng Đường sắt Quốc gia Hungary phải triệu xe buýt liên tỉnh đến thay thế. Tình trạng này được đánh giá là sẽ kéo dài nhiều tuần.

Các biện pháp khắc phục

Chỉ ít giờ sau khi thảm họa xảy ra, các quan chức cấp cao chính phủ như Phó Thủ tướng Navracsics Tibor, Bộ trưởng Quốc phòng Hende Csaba, Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor và ông Bakondi György, Cục trưởng Cục Phòng chống Thiên tai Quốc gia đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục.


Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor tại hiện trường tai nạn


Tại khu vực xảy ra tai nạn, các nhân viên cứu hỏa, cứu thương của 5 tỉnh, cùng vài trăm quân nhân đã làm việc thâu đêm để thực hiện công tác cứu hộ. Trực thăng được sử dụng để thực hiện các chuyến tuần tiễu trên không và chở những người bị thương về thủ đô Budapest.

Những biện pháp xử lý (như rửa sạch phố xá, nhà cửa bị bùn đỏ bao phủ, dùng nhiều tấn bột thạch cao để trung hòa kiềm trong bùn đỏ...) cũng được các quân nhân và lực lượng cứu hỏa tiến hành ráo riết.

Giới chuyên môn cho rằng những biện pháp khắc phục và giảm thiểu tác dụng độc hại của bùn đỏ còn phải được thực hiện trong nhiều tháng tới. Một biện pháp khả dĩ là dẫn bùn đỏ vào một diện tích đất canh tác nào đó, sau đó thay đất và hoàn thổ.

Các chuyên gia cũng cho hay, trong lịch sử chế biến Alumin, chưa có trường hợp nào tương tự xảy ra. Chiều 5-10, Quốc vụ khanh Bộ Bảo vệ môi trường Hungary Illés Zoltán đã ra chỉ thị tức khắc ngừng hoạt động chế biến Alumin của Tập đoàn Nhôm Hungary, đồng thời buộc hãng phải khắc phục bể chứa bị vỡ.

Tác hại đối với con người…

Bùn đỏ, như đã biết, là hỗn hợp bao gồm các chất như sắt, mangan… và một lượng kiềm (base) dư thừa phát sinh trong quá trình dung hòa, tách quặng Alumin (cứ 1 tấn Alumin lại có chừng 1,5-2 tấn bùn đỏ). Xét trên góc độ môi trường, bùn đỏ là một loại chất thải rất độc hại, được ví như “bùn bẩn” hay “bom bẩn”.

Trái với những gì chúng ta thường nghĩ, các kim loại nặng độc hại, hoặc chất chì hay phóng xạ trong bùn đỏ không thực nguy hiểm đến tính mạng con người vì hàm lượng của chúng không đáng kể. Trong tai nạn xảy ra ở Hungary, 96-98% lượng bùn đỏ đặc, đã lắng xuống, thì vẫn đọng lại trong bể chứa.


Những vùng cư dân lớn chìm trong biển bùn đỏ


Thực sự nguy hiểm và độc hại là lượng nước thải kèm theo bùn đỏ, xuất phát từ cách xử lý và lưu trữ bùn đỏ theo kiểu hiện tại. Bởi lẽ, bùn đỏ trước khi thải và chôn lấp sẽ được rửa nhiều lần nhằm tận thu kiềm, tuy nhiên, dầu vậy, lượng bùn thải cũng vẫn bị kiềm hóa ở mức độ rất đáng kể: cứ một tấn bùn đỏ lại đi kèm với 2-3m3 nước thải có nồng độ kiềm rất mạnh.

Được biết, chỉ số pH của bùn đỏ trào ra từ bể chứa tại vùng Kolontár là chừng 13, tức là hơn cả loại thuốc tẩy mạnh nhất và gấp 1 triệu lần dung dịch trung hòa là nước tinh khiết. Như vậy, đối với con người và động vật sống, một cách trực tiếp, dung dịch bùn đỏ có thể gây bỏng da, hoặc tổn thương nặng nếu vào mắt hay miệng, mà không được tẩy rửa nhanh chóng và kịp thời.

 … và môi sinh

Đối với môi trường, bản thân chất kiềm không có tác động lâu dài tới môi sinh vì sẽ bị loãng đi khi hòa tan vào nước, tuy nhiên, kiềm trong bùn đỏ có thể tiêu diệt một phần thảm thực vật, làm hư hại diện tích đất canh tác. Đặc biệt, khi chảy xuống sông, bùn đỏ sẽ làm chết mọi sinh vật như tôm, cá... và đây là điều đã xảy ra ở thượng nguồn sông Marcal (Hungary). Cạnh đó, hai con sông lớn khác là Rába và Duna (Danube) cũng đang bị đe dọa bởi lũ bùn đỏ.

Điều đáng lo ngại nhất trong trường hợp này là lịch sử công nghệ sản xuất nhôm và Alumin chưa hề biết đến chuyện một bể chứa bị vỡ, khiến biển bùn đỏ tràn ngập các khu dân cư như thế này và do đó, hiện tại, các chuyên gia chưa thể nói được gì về những hậu quả của dung dịch kiềm gây ra cho môi trường và hệ sinh thái, ngắn cũng như dài hạn.


Đất canh tác hoàn toàn bị hủy hoại


Theo ước tính ban đầu, thiệt hại do tai nạn ở Hungary gây ra là trên 10 tỉ Ft (50 triệu USD) và việc chi trả được coi là thuộc về Tập đoàn Nhôm Hungary, tuy nhiên, tập đoàn này chỉ có bảo hiểm trị giá 10 triệu Ft. Trong trường hợp hãng này không có khả năng chi trả, theo ông Quốc vụ khanh Bộ Bảo vệ môi trường, Nhà nước Hungary phải đảm bảo việc bồi thường bằng những nguồn mình có, hoặc xin EU hỗ trợ.

Phản ứng của chính giới

Tập đoàn Nhôm Hungary, trong Thông cáo số 1 ra sau khi tai nạn xảy ra một ngày, đã tìm cách trấn an dư luận bằng cách khẳng định rằng, theo chuẩn của Liên hiệp Châu Âu về rác thải thì bùn đỏ không bị liệt vào hạng độc hại.

MAL Zrt. còn nhấn mạnh rằng, đây là một “thảm họa thiên nhiên” vì ngay cùng ngày, hãng cũng đã tiến hành các cuộc kiểm tra cần thiết, nhưng không hề có dấu hiệu gì cho thấy tai nạn sẽ xảy ra. Nguyên nhân được cho là bởi những đợt mưa thời gian gần đây đã khiến vách ngoài của bể chứa bị ngấm nước, khiến góc của bể chứa bị trượt khỏi bệ gạch và bể bị vỡ.

Hãng kết luận rằng với những phân tích ban đầu như vậy, ngay cả khi tuân thủ những công nghệ cần thiết, vẫn có thể xảy ra những sự cố như vừa qua. (Tuy nhiên, Quốc vụ khanh Bộ Bảo vệ môi trường thì cho rằng có khả năng bể chứa bị quá tải).

Quan điểm của Ban lãnh đạo Tập đoàn Nhôm Hungary đã gặp phải sự phê phán quyết liệt của nội các Hungary. Thủ tướng Orbán Viktor, trong cuộc họp báo sau phiên họp của Ủy ban Điều phối Chính phủ, đã tuyên bố thẳng thừng: “Chúng ta không thấy dấu hiệu gì cho thấy thảm họa này có những lý do thiên tai. Chúng ta nghi ngờ rằng đây là lỗi của con người. Cả nước muốn biết ai phải chịu trách nhiệm về tấn thảm kịch này”.


Bể bùn khổng lồ bị vỡ


Khẳng định rằng trách nhiệm hình sự và thiệt hại phải được truy cứu rõ ràng, thủ tướng Hungary cho biết cuối tuần này, sẽ có một cuộc kiểm tra thực địa mới và tùy thuộc kết quả cuộc kiểm tra đó, sẽ quyết định xem nhà máy chế biến Alumin có được hoạt động tiếp không.

Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor thì có phản ứng rất độc đáo: ông cho rằng nếu Ban lãnh đạo Tập đoàn Nhôm Hungary nói bùn đỏ không phải chất độc hại, mời họ... tắm trong biển bùn ấy, xem có làm sao không. Ông khẳng định thêm là Chính phủ có trách nhiệm với mọi nạn nhân của thảm họa này, và cho biết những ai bị mất nhà cửa trong tai nạn nay đều sẽ có nơi nương tựa trong mùa đông, và được chu cấp đầy đủ.

Trước mặt, Ủy ban Điều phối Chính phủ đã ra một số quyết định như tuyên bố tình trạng nguy hiểm tại ba tỉnh Veszprém, Győr-Moson-Sopron và Vas; tạo điều kiện để có thể triệu tập các lực lượng quân đội; ủy nhiệm Bộ trưởng Bộ Phát triển nông thôn đảm trách nhiệm vụ khắc phục hậu quả của bùn đỏ và xử lý để chuyên chở xác động vật đi nơi khác.

Hiểm họa bauxite

Trong khối XHCN cũ, Hungary là một nước có truyền thống trong công nghệ chế biến quặng nhôm (bauxite) và nhôm. Thập niên 80 thế kỷ trước, đã có lúc Hungary đứng hàng thứ 8 trên thế giới về khai thác bauxite. Các sản phẩm nhôm của Hungary một thời từng là niềm tự hào của ngành công nghiệp nhẹ nước này.

Sau khi Hội đồng Tương trợ Kinh tế tan rã và Hungary chuyển sang kinh tế thị trường, khai thác bauxite tại nước này giảm nhiều do nhu cầu bauxite và Alumin không còn như trước, và công nghệ chế biến bị đặt trước những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, năm 2003, Hungary vẫn còn đứng hàng thứ 16 trên thế giới về khai thác bauxite và hiện tại, những điều kiện kỹ thuật cũng như kinh nghiệm trong công nghệ chế biến Alumin và xử lý chất thải của Hungary vẫn được đánh giá cao.

Điều này, và khẳng định về sự “ngẫu nhiên”, “bất ngờ” của thảm họa bùn đỏ càng cho thấy: một tai nạn thảm khốc đối với cư dân và môi trường có thể xảy ra ngay tại một nước có nền công nghệ phát triển.

Trên góc độ này, có lẽ ý kiến của tân Tổng thống Hungary khi thăm các nạn nhân của tai nạn bùn đỏ là đáng lưu ý: Schmitt Pál bày tỏ hy vọng sẽ tìm ra những kẻ phải chịu trách nhiệm, nhưng đồng thời, ông cũng cho rằng qua vụ này, có thể học được một điều là “không thể tận diệt quá với thiên nhiên”.


1 triệu m3 bùn đỏ đã tràn qua bờ chắn bị vỡ này


Hiện tại, Hungary còn 4 nơi lưu giữ bùn đỏ, trong số đó, chỉ riêng 10 bể chứa ở TP Ajka đã có 30 triệu m3 chất thải này. Tại một vùng khác - Almásfüzitő - hơn 12 triệu tấn bùn đỏ được chứa trong 7 bể tại một diện tích gần 200 héc-ta, ngay cạnh con sông Danube.

Có thể nói, dù được xử lý một cách đảm bảo thế nào đi nữa, đây vẫn là những trái bom sinh thái, tiềm ẩn những nguy cơ khủng khiếp đối với cư dân và môi trường mà các nhà hoạch định chính sách cần suy ngẫm chín chắn khi đưa ra quyết định có liên quan...

(*) Bản tin đã đăng trên RFI. Ảnh trong bài do Varga György (Hãng Thông tấn Hungary MTI) chụp từ trên không.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn