Thành Cát Tư Hãn (1162-1227)
Với căn bản là những cổ vật tại các bảo tàng viện Mông Cổ, triển lãm đã được bổ sung với một số cổ vật mượn của Bảo tàng Guimet (Pháp) và Cung Hoàng gia Đài Loan. Tại 4 chặng đầu, đã có hơn 1 triệu người đến thăm cuộc triển lãm này.
Ở Bảo tàng Quốc gia Hungary (Budapest), cuộc triển lãm được mở từ hạ tuần tháng Năm và sẽ kéo dài tới đầu tháng Chín, và đây sẽ là triển lãm lớn nhất trong năm nay tại Hungary. Đặc biệt, phía Hung tổ chức thêm phần giới thiệu về sự sự xâm lăng của Mông Cổ tại Châu Âu thời 1240-41, với chừng 50 cổ vật được đánh giá là "cực kỳ hiếm" và quý giá, của Bảo tàng Nghệ thuật Đông - Á Hopp Ferenc và Bảo tàng Quốc gia Hungary, khiến triển lãm về Thành Cát Tư Hãn càng thêm phần ý nghĩa và bề thế. Nhà nước Hung đã bảo hiểm cho sự kiện này với mức tiền dành 3,5 tỉ Ft.
Kỳ triển lãm tại Hung được khai mạc với sự hiện diện của bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Hungary Hiller István và bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Mông Cổ Ulziisaikhan Enkhtuvshin. (Trước đó, Hiệp định Văn hóa Hung - Mông Cổ cũng đã được ký kết). Với chừng 600 cổ vật trải dài theo thời gian (từ thời kỳ đồ đồng đến thế kỷ XX) và không gian (theo vó ngựa Mông Cổ khắp các vùng Á, Âu), triển lãm "Thành Cát Tư Hãn và di sản" là một nỗ lực hiếm thấy của các cơ sở tổ chức triển lãm, các bảo tàng viện, với ý muốn giới thiệu các nền văn hóa, các đế chế lớn, có vai trò quyết định trong lịch sử thế giới. Là một dân tộc vẫn được coi là có nguồn gốc từ Châu Á, có những mối liên hệ lịch sử và nhân chủng với Mông Cổ, Hungary cho rằng triển lãm về Thành Cát Tư Hãn và đế chế của ông sẽ khiến giới trẻ Hung hiểu thêm về lịch sử và quá khứ của chính đất nước họ, và sẽ thấy được tầm vóc của một nhà quân sự, một vị hoàng đế lớn, bằng những cuộc chinh phục của mình đã có ảnh hưởng và để lại dấu ấn lớn sâu đậm trong nền văn hóa và phong tục Châu Âu.
Một cổ vật trong kỳ triển lãm
Ban tổ chức cuộc triển lãm cũng cho biết: việc nghiên cứu về lịch sử thời đại Thành Cát Tư Hãn hiện vẫn được tiếp tục, với sự tham gia của các nhà khảo cổ, sử gia Pháp, Đức và Hungary. Mông Cổ không để lại các bộ sử viết, lịch sử thời Thành cát Tư Hãn thường chỉ được biết đến qua cuốn "Những bí mật của lịch sử Mông Cổ", cũng như qua sử sách không thật khách quan của các quốc gia bị chinh phục, nên Châu Âu thường có cái nhìn thiên lệch về vị Đại Hãn này, cho rằng ông đơn thuần là một kẻ khát máu. Sự thực, Thành Cát Tư Hãn là một nhà tổ chức quân sự, một chiến lược gia đại tài, có lòng khoan dung với các giá trị tín ngưỡng và văn hóa khác biệt, rất cởi mở với thế giới, với những nền văn hóa tại các vùng đất bị chinh phục. Thành Cát Tư Hãn còn là một nhà tổ chức, nhà kinh tế có đầu óc: trên lãnh thổ đế chế Mông Cổ, ông là người khuyến khích giao thương, trao đổi hàng hóa và đã tạo dựng một hệ thống hành chính hoạt động hiệu quả, từ cơ quan bưu chính và chuyển phát thư tín rất phát triển đến hệ thống bảng biển chỉ đường. Thành Cát Tư Hãn cũng là người mở rộng sự phổ biến của việc sử dụng hệ thống chữ cái thế giới và đưa ra bộ luật bằng chữ viết, đảm bảo mọi cá nhân và tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật Mông Cổ.
Thành Cát Tư Hãn (1162-1227), tên thời thơ ấu là Thiết Mộc Chân, vị Đại Hãn Mông Cổ, là người đã có công lao thống nhất các bộ lạc thiện chiến và sáng lập Đế chế Mông Cổ. Trong đời, Thành Cát Tư Hãn đã dấy binh chiếm đóng các nước láng giềng (Kim, Tây Hạ...), rồi bành trướng sang phía Tây, chinh phục các đại công quốc Nga, các xứ sở Ba Tư, Armenia, Azerbaijan... Sau khi ông qua đời, con trai thứ ba của ông là Oa Khoát Đài lên kế vị chức Đại Hãn và đã nối nghiệp cha đưa quân chinh phục Tiểu Á, Cao Ly, Ấn Độ, Indonesia... Trong hai năm 1240-1241, vó ngựa Mông Cổ đã lan tới và dẫm nát những thảo nguyên Châu Âu, và gây nên những trận chiến kinh hoàng tại Hungary, Ba Lan... Thời cực thịnh, Đế chế Mông Cổ được coi là đế quốc lớn nhất trong lịch sử loài người, trải dài từ Đông Nam Á tới Châu Âu trên diện tích chừng 35 triệu km2, chiếm tới gần một nửa dân số thế giới và bao gồm các dân tộc đông dân và văn minh nhất đương thời.
Trần Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn