Trụ sở Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg - Ảnh: Internet
Sự việc xảy ra vào rạng sáng 1-10-2006, khi cảnh sát Hungary chặn và kiểm tra giấy tờ hai người lái xe máy, rồi bạo hành họ, theo khẳng định của các nạn nhân. Sau đó, trường hợp của hai người này đã không được các cơ quan tư pháp của Hungary xử lý đến nơi đến chốn.
Theo phán quyết của Tòa Strasbourg, cảnh sát Hungary đã vi phạm Điều 3 Công ước Châu Âu về Nhân quyền với hành vi đối xử vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá công dân. (Những trường hợp cảnh sát bạo hành nghiêm trọng công dân, hoặc giam giữ họ với những điều kiện ăn ở, sinh hoạt tồi tệ thường bị liệt vào vi phạm này).
Điểm mấu chốt của Điều 3 nói trên là Công ước Châu Âu về Nhân quyền nghiêm cấm các cơ quan công quyền sử dụng bạo lực vô cớ với công dân, bất kể hạnh kiểm của họ. Trong trường hợp của hai nguyên đơn nói trên, Tòa đã buộc Nhà nước Hungary phải bồi thường cho họ 5.000 Euro mỗi người, và phải chịu khoản án phí đã phát sinh.
Như đã biết, Tòa án Nhân quyền châu Âu là một tòa án siêu quốc gia, được thành lập và hoạt động trên cơ sở Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Đây cũng là cấp tòa cuối cùng, một địa chỉ đáng tin cậy để người dân sống tại Châu Âu có thể tìm đến khi cho rằng nhân quyền của mình bị xâm phạm bởi một trong 47 nước thành viên Ủy hội Châu Âu.
Theo thống kê, những quốc gia hay bị Tòa Strasbourg xử phạt là Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Ba Lan, Romania, Nga... Trong thời gian 2008-2011, như NCTG đã đưa tin, Nhà nước Hungary cũng đã nhiều lần (10 lần) thua cuộc trước các cư dân của mình.