Một con đường hiện vẫn mang tên Lenin - cư dân nhiều miền quê Hungary muốn giữ nguyên tên phố, phường vì ngại những khoản phí phải trả khi thay đổi các loại giấy tờ tùy than và hồ sơ, văn bản có liên quan tới địa chỉ
Như vậy, chẳng hạn, sẽ không thể đặt tên cái tên Kádár (vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Hungary sau biến cố 1956) cho một doanh nghiệp hay một tờ báo, ngoại trừ trường hợp chủ doanh nghiệp có tên như vậy, hoặc tờ báo có ý nhắc tới một “Kádár khác”. Trong trường hợp Tòa án Kinh tế không biết xử trí ra sao, có thể xin ý kiến Viện Hàn lâm Khoa học Hungary.
Đề xuất nói trên được trình lên Quốc hội bởi hai dân biểu liên minh cầm quyền, ông Stágel Bence (KDMP) và bà Wittner Mária (FIDESZ). Trong hai vị này,
bà Wittner Mária từng tham gia cách mạng 1956, sau đó bị án tử hình tại phiên tòa sơ thẩm và án tù chung thân tại phiên phúc thẩm, rồi phải ngồi tù suốt 13 năm. Ra tù, bà giữ quan điểm chống Cộng đến cùng và được coi là “
nữ anh hùng Jeanne d'Arc của Hungary”.
Nếu dự luật trên được chấp thuận, hàng loạt đạo luật của Hungary sẽ bị sửa đổi và khả năng là các điều khoản mới sẽ được đưa vào thực thi từ đầu năm sau. Tuy dự luật không nói rõ là nó nhằm vào thể chế độc tài nào trong số hai thể chế độc tài toàn trị được chính thức biết đến tại Hungary (cộng sản và quốc xã), nhưng trong
phần lý giải, các tác giả cho thấy là họ chỉ quan tâm đến việc triệt hạ những tên gọi có nguồn gốc độc tài cánh tả.
Một danh sách chi tiết đã được đưa ra trong dự luật, liệt kê vài trăm đường phố, quảng trường ở một số vùng quê, tỉnh lẻ Hungary hiện vẫn mang tên Lenin, Marx, Engles, Sao Đỏ, Giải Phóng, Hồng Quân, Quân đội Nhân dân, Cộng hòa Nhân dân, Mặt trận Dân tộc, Mùng 7 tháng 11, hay Kun Béla, Münnich Ferenc, Ságvári Endre, Frankel Leó (các lãnh tụ cánh tả Hungary), v.v..., coi đó là những cái tên “húy kỵ”, tuyệt nhiên không được sử dụng nếu dự luật được thông qua.
Hiện tại, Hungary mới chỉ cấm những biểu tượng của các thể chế độc tài toàn trị, chứ chưa cấm đặt tên các yếu nhân của các thể chế đó, hoặc các khái niệm gắn liền với sự tồn tại của các thể chế đó, cho đường phố, tổ chức, cơ quan ngôn luận hoặc doanh nghiệp. Dầu vậy, tại các thành phố lớn, ngay sau biến chuyển dân chủ 1989-1990, ở những nơi công cộng hầu như đã hoàn toàn “vắng bóng” những cái tên thời cộng sản.