NGÔI SAO ĐỎ: CÓ PHẢI LÀ BIỂU TƯỢNG ĐỘC TÀI?

Thứ ba - 30/10/2007 22:22

(NCTG) Mới đây, Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg đã đề nghị chính phủ Hung đưa ra quan điểm về ngôi sao đỏ, vốn bị coi là biểu tượng độc tài tại Hungary. (Từ giờ đến đầu tháng 1-2008, chính phủ Hung phải gửi hồi âm và chỉ sau đó, Tòa án Strassbourg mới đưa ra quyết định.)

  

Ông Vajnai Attila (bên phải), và đối tượng của vụ khiếu kiện - Ảnh: Reviczky Zsolt

Động thái này được ông Vajnai Attila, phó chủ tịch Đảng Công nhân 2006, tuyên bố vào thứ Hai 29-10-2007, sau khi nhận được phán quyết liên quan đến điều này từ Tòa án Châu Âu. Quyết định của Tòa án Strasbourg được ông Vajnai cho là một thành công đối với ông.

Trước đây, ông Vajnai bị Viện Kiểm sát buộc tội vì, tại quảng trường Jászai Mari (Budapest), vào ngày 21-2-2003, trong một hoạt động tổ chức bên bệ tượng Marx – Engels (bị tháo dỡ),  ông này đã cài lên áo khoác một ngôi sao đỏ được cắt từ giấy bìa. Bị buộc tội “dùng trên người biểu tượng độc tài bị cấm”, tòa án sơ thẩm xử vị chính khách này án tù treo, và phiên phúc thẩm tạm ngừng vụ án để xin ý kiến sơ bộ Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg.

Trả lời nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság), phó chủ tịch Đảng Công nhân 2006 cho hay: tại Hung, có những lực lượng chính trị có sự quan tâm đến chính trường Châu Âu, thành thử họ sẽ ủng hộ ông. Ông nói thêm: “Ngay [đảng đối lập cánh hữu] FIDESZ cũng có những chính khách không bỏ phiếu đồng tình đạo luật cấm ngôi sao đỏ, vì họ biết điều đó không hợp với [các giá trị của] Châu Âu”.

Cách đây 3 năm, đã có một thỉnh nguyện thư ra đời nhằm phản đối việc coi ngôi sao đỏ như một biểu tượng của chế độ độc tài; trong số những người ký thư, có những nhân sĩ cánh tả nổi tiếng như Tamás Gáspár Miklós (triết gia, nhà báo), Krausz Tamás (sử gia về đề tài Nga – Xô-viết), Jancsó Miklós (đạo diễn điện ảnh lừng danh của Hung). Ông Gurmai Zita, dân biểu Nghị viện Châu Âu (đảng MSZP) và thủ tướng đương nhiệm Gyurcsány Ferenc (dạo đó là bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao) cũng ký vào thư này.

Giải thích việc ký thỉnh nguyện thư, ông Gyurcsány Ferenc lý luận: “Năm 1993, ngôi sao đỏ đã bị cấm vào năm 1993 vì người ta viện dẫn vào một tư tưởng sai lầm, theo đó: bản thân sao đỏ đồng nghĩa với chủ nghĩa xã hội (CNXH), CHXH cũng chính là chủ nghĩa cộng sản (CNCS), CNCS không khác gì chủ nghĩa Stalinist, và chủ nghĩa Stalinist thì giống hệt chủ nghĩa phát-xít”. Ông Gyurcsány, khi đó, cho ràng ngôi sao đỏ, thoạt đầu, là một biểu tượng của người dân chủ xã hội và việc cấm nó là vô cớ, ngay cả khi cá nhân ông không đồng tình với thứ chính trị cánh tả mà ngôi sao đỏ là biểu tượng.

Trần Lê, theo “Tự do Nhân dân”


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn