HUNGARY DỐC TOÀN LỰC ĐỂ DÂN TIN VACCINE NGA - TRUNG QUỐC “TỐT NHẤT”

Thứ tư - 12/05/2021 09:39

Dịch bệnh ở Hungary đang ở giai đoạn thuyên giảm nhưng vẫn ghi nhận hàng trăm ca tử vong hàng ngày, khiến quốc gia có chưa đầy 10 triệu dân này vẫn thuộc hàng những nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới tính theo dân số. Có những bệnh viện mà tới 80% bệnh nhân ở phòng chăm sóc đặc biệt không qua khỏi, có lúc 95% số ca trợ thở tử vong ở một số cơ sở y tế.

Ngoại trưởng Szijjártó Péter, người phụ trách giao thương y tế với Nga và Trung Quốc trong thời kỳ dịch bệnh - Ảnh: 168.hu

Ngoại trưởng Szijjártó Péter, người phụ trách giao thương y tế với Nga và Trung Quốc trong thời kỳ dịch bệnh - Ảnh: 168.hu

Trong bối cảnh đó, việc từ lâu nay, chính phủ Hungary quảng bá rất nhiệt tình cho các loại vaccine của Nga và Trung Quốc - mà họ gọi là “vaccine Phương Đông” - trong khi các loại thuốc chích ngừa này chưa được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) phê duyệt, là điều rất đáng để tâm. Nhất là khi, họ công bố thẳng thừng rằng, “vaccine Phương Đông” tốt hơn các sản phẩm của Phương Tây.

Chiến dịch vận động người dân sử dụng vaccine Nga và Trung Quốc nằm trong tổng thể chính sách ngoại giao “Hướng Đông” từ hơn 10 năm nay của Budapest, chủ trương kết thân với Moscow, Bắc Kinh và các quốc gia CS cũ thuộc Liên Xô, đi kèm sự đối đầu với Brussels và Liên Âu trong một số hồ sơ quan trọng. Đường lối này của Hungary, mới đây, đã làm dấy nên mối quan ngại cả từ ngoại giao Hoa Kỳ.

- Chính quyền Hungary đã làm gì trong thực tế để quảng bá sử dụng cho các loại vaccine “ngoài luồng” này?

Theo dõi những diễn biến từ đầu mùa dịch, tháng 3-2020, thì có thể thấy, sự hợp tác với Trung Quốc là yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 của Hungary, theo lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại nước này - ông Szijjártó Péter, người được giao nhiệm vụ phụ trách giao thương y tế với Nga và Trung Quốc theo đường lối ngoại giao “Hướng Đông” từ đầu mùa xuân năm ngoái tới nay. 

Ông là người, từ năm ngoái, đã đích thân điều hành cái gọi là “cầu hàng không Hung - Trung” với gần 200 chuyến bay từ Trung Quốc, chở hơn 100 triệu khẩu trang, chừng 17 ngàn máy trợ thở và nhiều triệu bộ quần áo bảo hộ, đa phần được mua với giá “trên trời”, gấp nhiều lần giá thị trường và chủ yếu vẫn “nằm đắp chiếu” trong kho vì nhu cầu trong thực tế của Hungary chỉ bằng một phần nhỏ ngần ấy hàng.

Trên tinh thần ấy, Hungary có quan hệ mật thiết với cả 3 hãng sản xuất vaccine Trung Quốc ngay từ khi nước này tham gia dự án chích ngừa chung của Liên Âu, mà về sau chính phủ nước này liên tục chỉ trích Ủy ban Châu Âu - cơ quan điều phối hoạt động mua sắm vaccine chung của EU - là cung cấp vaccine đến các nước thành viên bị chậm trễ và số lượng hạn chế, không quan tâm đến tính mạng người dân...
 
Nhiều bác sĩ và lãnh đạo Đại học Tổng hợp TP. Szeged cũng tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc - Ảnh: u-szeged.hu
Nhiều bác sĩ và lãnh đạo Đại học Tổng hợp TP. Szeged (Hungary) cũng tiêm vaccine Sinopharm của Trung Quốc - Ảnh: u-szeged.hu

Trung tuần tháng 1-2021, lần đầu tiên Budapest khẳng định một thỏa thuận đã được ký kết với công ty Sinopharm của Trung Quốc, và số liều được đặt lên tới 5 triệu. Đồng thời, Hungary cũng quan hệ với Nga để nhập Sputnik V, và luôn tự hào nước này là thành viên đầu tiên của Liên Âu có vaccine Nga. Chính quyền Nga cũng tận dụng điều này để quảng cáo rằng, vaccine Nga đã lọt vào Liên Âu qua đường Hungary.

Điểm đáng lưu ý là vào thời điểm đó, cả 2 loại vaccine này phải nhận rất nhiều chỉ trích vì các dữ liệu không minh bạch, thiếu sót và giai đoạn thử nghiệm thứ 3 trên diện rộng hoặc bị bỏ qua, hoặc bị “hoãn” để đưa vaccine vào sử dụng trước đã (cho tới giờ Sinopharm vẫn chưa công bố kết quả thử nghiệm này). Sự đảm bảo về mặt an toàn và hiệu quả tương tự như của “vaccine Phương Tây” như vậy đã không có.

Giữa chừng, chính quyền Hung đã bỏ qua mọi thử nghiệm về mặt y tế và dược phẩm để đưa vaccine Nga và Trung Quốc vào sử dụng khẩn cấp, dựa trên các sắc lệnh hành pháp và sức ép chính trị đơn thuần. Các hiệp hội bác sĩ, giới khoa học và công luận Hungary lên tiếng phản đối, vì vai trò của các cơ quan quản lý và kiểm tra dược phẩm nước này đã hoàn toàn chỉ còn mang tính hình thức trong quá trình cấp phép.

Châu Âu xếp hàng để đặt mua vaccine Trung Quốc!”, “có vài triệu vaccine Tầu có thể cung cấp cho mọi người, chỉ cần giấy tờ cho phép nữa mà thôi”, “tiêm chủng ít có rủi ro hơn là cứ chờ đợi “quy chuẩn” để rồi hàng ngày có hàng trăm người thiệt mạng”... là những phát biểu đầy tính ép buộc của giới lãnh đạo thượng đỉnh Hungary, khiến Sinopharm rốt cục được nhập rất nhiều với giá gấp nhiều lần vaccine Phương Tây.

- Người dân Hungary tiếp nhận thế nào các loại “vaccine Phương Đông” này?

Cần nói thêm là bộ máy tuyên truyền của chính quyền Hungary cũng làm việc hết tốc lực để khiến người dân tin tưởng vào vaccine Nga và Trung Quốc. Thoạt tiên, họ tạo dựng ra một hình ảnh Châu Âu bất lực trong dự án vaccine, nên khi thấy Hungary có vaccine Trung Quốc thì điện thoại không ngớt đến cháy máy tại Bộ Ngoại giao Hung, các chính khách Châu Âu gọi tới hỏi “vaccine Tầu à?”, “sao chúng tôi không được biết”...
 
Tổng thống Áder János cũng “khoe” ảnh tiêm Sinopharm - Ảnh: Bruzák Noémi (MTI)
Tổng thống Áder János cũng “khoe” ảnh tiêm Sinopharm - Ảnh: Bruzák Noémi (MTI)

Sau đó, họ lặp đi lặp lại câu nói “vaccine gì ở Hung cũng tốt, và tốt hơn là để bị nhiễm bệnh”, giới lãnh đạo tuyên bố cứ đến lượt là tiêm chứ không lựa chọn, v.v... “Bộ tứ” cao cấp nhất của Hungary, thì 3 người tiêm vaccine Trung Quốc, 1 người chích của Nga, và đều đưa lên báo chí, mạng xã hội để quảng bá cho dân. Dần dần, từ rất ít tin vào 2 loại vaccine này, tới đầu tháng 3-2021 tỷ lệ tin cậy của người dân đã xấp xỉ 50%!

Động thái bất ngờ và “thô thiển” nhất của chính quyền Hungary là sau khi lặp đi lặp lại điệp khúc Sinopharm tốt hơn Pfizer, nhưng Spunik V mới là nhất, họ phát tán khắp nơi một “thống kê” bị giới khoa học cho là vô cơ sở, vô nghĩa và chỉ phục vụ mưu đồ chính trị. Thống kế ấy được chính phủ bình luận là “sau khi tiêm Pfizer có nhiều người bị nhiễm Covid-19 hơn và số ca tử vong gấp đôi so với sau khi tiêm Sinopharm”.

Dầu vậy, trong số 6 loại vaccine mà Hungary đang sử dụng, người dân vẫn đặt niềm tin cao nhất vào loại “đầu bảng” là Pfizer, và ngoại trừ Sinopharm của Trung Quốc còn đọng rất nhiều mặc dù chính quyền tìm mọi cách khuyến dụ dân đi chích ngừa, các loại khác nhìn chung nhập được bao nhiêu thì cũng dùng ngay gần như hết bấy nhiêu. Nhiều cư dân khi đến lượt tiêm, vẫn cho hay họ đợi “vaccine Phương Tây” cho yên tâm.

Sự ngần ngại của dân Hung với 2 loại vaccine của Nga và Trung Quốc - bên cạnh quan ngại về sự an toàn và hiệu quả - còn có lý do khác, là họ sợ khi đã chích ngừa vẫn không được đi lại tự do ở Liên Âu trong dịp hè này. Bởi lẽ, Nghị viện Châu Âu đã thông qua đề xuất của Ủy ban Châu Âu, theo đó, việc chấp nhận hay không những ai chích ngừa các loại thuốc “ngoài luồng” hoàn toàn là thẩm quyền của từng nước thành viên.

Vì vậy, mặc dù Thủ tướng Orbán Viktor cho rằng việc người tiêm vaccine Trung Quốc không thể đi du lịch là “điên khùng”, và “tôi cũng tiêm vaccine Tầu và tôi cũng sẽ đi”, nhưng nền ngoại giao Hungary hiện đang phải đàm phán để ký kết thỏa thuận song phương với các nước để chấp nhập các “thẻ tiêm chủng” của nhau, như họ đã làm với Serbia, Slovenia, Montenegro... Người dân, nếu có thể vẫn chọn “vaccine Phương Tây”.
 
“Cầu hàng không” Hung - Trung với các vật tư y tế vô cùng đắt đỏ của Trung Quốc - Ảnh: Facebook của ông Szijjártó Péter
“Cầu hàng không” Hung - Trung với các vật tư y tế vô cùng đắt đỏ của Trung Quốc - Ảnh: Facebook của ông Szijjártó Péter

Hơn thế nữa, người dân Hung đã quen với việc cần đặt nghi ngờ về sự tham nhũng tầm nhà nước trong các thương vụ mờ ám giữa Hungary và Nga hay Trung Quốc. Báo chí độc lập vạch ra ngay rằng 1 công ty khả năng là “sân sau” của chính phủ đã nhận được 55 tỷ Forint để môi giới trong vụ nhập vaccine Trung Quốc, với giá 63 Euro, vượt xa các loại thuốc chích ngừa khác, trong đó có vaccine thế hệ mới trên cơ sở mRNA.

- Sự liên kết giữa Hungary và “Phương Đông” trong hồ sơ vaccine có ảnh hưởng ra sao tới nỗ lực quốc tế chống sự bành trướng của các nước này?

Trong hội nghị thượng đỉnh vào trung tuần tháng 3-2021 với Ấn Độ, Nhật Bản và Úc, Mỹ và các đồng minh Châu Á đặt kế hoạch sản xuất 1 tỷ liều vaccine kháng Coronavirus để làm đối trọng với sự “bành trướng” và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, trong cái gọi là “ngoại giao vaccine”. Mỹ và Nhật Bản sẽ cung cấp các khoản vay để giúp Ấn Độ có đủ năng lực sản xuất và xuất khẩu sang toàn bộ khu vực Châu Á.

Thế giới không phải không biết đến nỗ lực phô diễn “sức mạnh mềm” của Trung Quốc và Nga trong hồ sơ vaccine. Hungary, chủ trương không mang vấn đề chính trị vào vaccine, vô tình hay cố ý đã “kiên quyết tuân thủ chính sách thân thiện với Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc với Đông Âu, cũng như bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trong các mối quan hệ với Châu Âu”, theo khẳng định của Tập Cận Bình.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Orbán Viktor mà nội dung được “Tân Hoa Xã” loan tải, họ Tập tuyên bố Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực vaccine phòng dịch, và sẵn sàng đưa quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước lên một tầm cao mới, “để người dân hai nước có thể hưởng lợi nhiều hơn nữa” từ mối quan hệ này. Đây cũng là mong muốn của người đứng đầu nội các Hung.

Hợp tác trong vấn đề vaccine giữa Hungary với 2 siêu cường Nga và Trung Quốc, đương nhiên nằm trong tổng thể gia tăng ảnh hưởng và can thiệp trong khu vực, mà Hungary hiện đang là “điểm nóng”, gây quan ngại cho Brussels và Hoa Kỳ. Ngoại trưởng gốc Hungary, ông Antony Blinken, khi nhắc đến sự sa sút của tự do báo chí và nhà nước pháp quyền tại Hungary, đã đặc biệt lưu tâm điều này với mạng tin Telex của Hung.
 
Chính sách thân Trung Quốc của nội các Hungary khiến Phương Tây quan ngại - Ảnh: MTI
Chính sách thân Trung Quốc của nội các Hungary khiến Phương Tây quan ngại - Ảnh: MTI

Châu Âu chắc chắn là trung tâm của cuộc cạnh tranh địa chính trị, nơi Moscow và Bắc Kinh đang tích cực chống lại sự hội nhập, trái ngược với mong muốn của những người muốn liên minh với bất kỳ ai họ muốn. Họ cố gắng làm suy yếu ý chí dân chủ và chủ quyền của nhiều nước Trung và Nam Âu bằng nhiều cách khác nhau”, ông nói, và nhắc đến việc Hungary từng bị hạn chế các quyền tự do và biểu đạt thời Liên Xô (cũ).

Trở lại “vaccine Phương Đông”, chính quyền Hungary lập luận phải nhập thật nhanh và nhiều, bằng mọi giá, không tính đến đắt rẻ, để có thể tiêm chủng cho người dân và sớm tái khởi động đất nước. Hiện tại, nước này đã tiêm chủng được cho 43% cư dân, so với tỷ lệ trung bình 24% của Liên Âu, và một phần của thành công này là nhờ vaccine của Nga và Trung Quốc. Cho dù, còn nhiều nghi vấn được đặt ra với 2 loại này.

Budapest cho rằng mặc dù bị nhiều chỉ trích từ Brussels, nhưng rồi các nước Liên Âu sẽ phải “theo gương” họ trong việc hợp tác vaccine với Trung Quốc và Nga. Con đường riêng của nội các cánh hữu nước này từ nhiều năm nay luôn nằm trong tầm ngắm của các định chế Liên Âu và có thể sắp tới cũng vậy, khi Thủ tướng Orbán Viktor đột ngột tuyên bố trên mạng xã hội Facebook rằng ông chuẩn bị công du Trung Quốc!

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 
 Từ khóa: Covid-19, tin-trong-ngày
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn