“ĐÀN HẠCH” TẠI HUNGARY NHƯ THẾ NÀO?

Thứ năm - 14/01/2021 16:48

(NCTG) “Đề xuất bất tín nhiệm về cơ bản là một vũ khí của phe đối lập trong Quốc hội, thường được đệ trình bởi một nhóm nghị sĩ và sau khi đề nghị được biểu quyết, đa số dân biểu có thể rút bỏ sự tín nhiệm đối với chính phủ khiến nhiệm kỳ của họ chấm dứt”.

Donald Trump với phát biểu “có lửa” và gây tranh cãi ngày 6-1-2021 ở gần Điện Capitol. Ông bị Hạ viện “đàn hạch” lần thứ hai với cáo buộc “kích động phiến loạn”, “gây nguy hại một cách nghiêm trọng đến nền an ninh quốc gia cũng như các nguyên tắc và định chế của chính quyền” - Ảnh: Brendan Smialowski (AFP)

Donald Trump với phát biểu “có lửa” và gây tranh cãi ngày 6-1-2021 ở gần Điện Capitol. Ông bị Hạ viện “đàn hạch” lần thứ hai với cáo buộc “kích động phiến loạn”, “gây nguy hại một cách nghiêm trọng đến nền an ninh quốc gia cũng như các nguyên tắc và định chế của chính quyền” - Ảnh: Brendan Smialowski (AFP)

Thời sự quốc tế đang xôn xao về việc Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, ông Donald Trump vừa bị Hạ viện nước này “luận tội” lần thứ hai thông qua thủ tục “impeachment” (đàn hạch). Lần đầu, có một tổng thống Mỹ rơi vào hoàn cảnh như vậy, do đó, dù kết quả vụ “đàn hạch” có ra sao đi nữa, ông Donald Trump cũng sẽ “đi vào lịch sử”.

Một định chế tương tự cho phép giám sát, luận tội, thậm chí truất phế giới cầm quyền “trước thời hạn”, trong trường hợp nhánh hành pháp có những sai lầm lớn, tỏ ra không đáp ứng được sự chờ đợi và lòng tin của lập pháp - và thông qua đó, của giới cử tri - có tồn tại ở Hungary hay không? Câu trả lời là có, căn cứ Hiến pháp nước này, cho dù không hoàn toàn theo mô hình của nước Mỹ.

Trước hết, cần nhắc lại là hoạt động của các nền dân chủ đại nghị hiện đại dựa trên nguyên tắc tam quyền phân lập. Nguyên tắc phân chia quyền lực chủ yếu không có nghĩa là tách biệt cứng nhắc các nhánh quyền lực nhà nước, mà là sự kiểm soát và cân bằng lẫn nhau (checks and balance) giữa hoạt động của các cơ quan bảo hiến và việc thực thi quyền lực.

Các phương tiện để Quốc hội giám sát hành pháp thường là là hỏi/ đáp, chất vấn, tranh luận chính trị, cũng như đề xuất và bỏ phiếu bất tín nhiệm, nếu lòng tin đặt vào chính phủ bị lung lay. Đề xuất bất tín nhiệm về cơ bản là một vũ khí của phe đối lập trong Quốc hội, thường được đệ trình bởi một nhóm nghị sĩ và sau khi đề nghị được biểu quyết, đa số dân biểu có thể rút bỏ sự tín nhiệm đối với chính phủ khiến nhiệm kỳ của họ chấm dứt.
 
Thủ tướng Medgyessy Péter từ chức trước khi thủ tục bất tín nhiệm được tiến hành - Ảnh: Kovács Attila (MTI)
Thủ tướng Medgyessy Péter từ chức trước khi thủ tục bất tín nhiệm được tiến hành - Ảnh: Kovács Attila (MTI)

Tại Hungary, kiến nghị bất tín nhiệm (konstruktív bizalmatlansági indítvány) có thể được đưa ra với người đứng đầu nhánh hành pháp - Thủ tướng, và đồng thời được xem như là thái độ bất tín nhiệm của lập pháp đối với toàn thể Chính phủ, vì Hiến pháp nước này quy định số phận của nội các phụ thuộc vào chỗ đứng của người “cầm chịch”.

Theo luật định của Hungary, kiến nghị có thể được đệ trình bởi tối thiểu là 1/5 tổng số đại biểu Quốc hội (hiện tại là 199 người). Quốc hội sẽ tranh luận và biểu quyết về kiến nghị nhanh nhất là 3 ngày sau khi trình, và tối đa là trong vòng 8 ngày. Nếu đa số dân biểu bỏ phiếu ủng hộ đề nghị, đương kim thủ tướng sẽ bị phế truất, nhường chỗ do tân thủ tướng được chỉ định.

Kể từ khi định chế này được đưa vào Hiến pháp Hungary (năm 1990), kiến nghị bất tín nhiệm được nhắc tới 2 lần, lần đầu là đối với Thủ tướng Medgyessy Péter vào tháng 8-2004 khi ông bị phát hiện là đã làm việc cho cơ quan an ninh mật thời cộng sản. Tuy nhiên, ông đã từ chức trước khi thủ tục “luận tội” được tiến hành, để quyền chỉ định thủ tướng mới rơi vào tay Tổng thống, chứ không phải do các nhóm dân biểu cầm quyền ấn định.

Thủ tướng Gyurcsány Ferenc bị “luận tội” và phế truất - Ảnh: 24.hu
Thủ tướng Gyurcsány Ferenc bị “luận tội” và phế truất - Ảnh: 24.hu

Duy nhất có một trường hợp Quốc hội Hung thực sự biểu quyết về kiến nghị bất tín nhiệm, vào ngày 7-4-2009, với Thủ tướng Gyurcsány Ferenc (người kế nhiệm ông Medgyessy Péter) sau bê bối cách đó 3 năm, khi một bài phát biểu trong nội bộ đảng của ông bị “rò rỉ”, khiến công luận Hungary được nghe những lời lẽ gây sốc “chúng ta đã dối trá trong suốt 1-2 năm qua”, “chúng ta làm đ. ra gì, không phải ít, mà rất nhiều”.

Ngày 14-4-2009, với đa số phiếu của các dân biểu liên minh cầm quyền, Thủ tướng Gyurcsány Ferenc bị phế truất, thay ông trên cương vị Thủ tướng thứ 7 của Cộng hòa Hungary là Bajnai Gordon. Thủ tục bất tín nhiệm trong dịp này bị nhiều chỉ trích, theo đó, lẽ ra sự “luận tội” theo tinh thần Hiến pháp là để phe đối lập có vũ khí truất quyền chính phủ, chứ không phải để phe cầm quyền tự ý thay đổi người đứng đầu hành pháp.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Donald Trump, đàn hạch
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn