CHÍNH PHỦ HUNGARY BỊ KIỆN TẠI WASHINGTON

Thứ bảy - 31/07/2010 02:18

(NCTG) Những người thừa kế ông Herzog Mór Lipót, một nhà sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, gốc Do Thái - đã đệ đơn kiện Chính phủ Hungary (và nhiều bảo tàng đặt dưới sự quản lý của Chính phủ), đòi được hoàn trả các bức tranh trị giá hơn 100 triệu USD bị Hungary chiếm trong suốt thời kỳ Đệ nhị Thế chiến.

Csepel, nguyên đơn trong vụ kiện (ảnh chụp tại nhà riêng ở Los Angeles)

Đơn kiện được đệ lên một tòa án Washington vào thứ Ba vừa qua, và là một biến chuyển lớn trong vụ kiện đã kéo dài mấy chục năm nay, vì các nguyên đơn không chỉ yêu cầu được hoàn trả 40 tác phẩm được họ đánh giá là của họ, mà thông qua các luật sư, họ còn đòi Chính phủ Hungary phải đưa ra một danh mục gồm tất cả những tác phẩm nghệ thuật của Herzog, hiện thuộc sở hữu Chính phủ.

Nam tước Herzog Mór Lipót từng là chủ nhân của bộ sưu tập nghệ thuật phong phú và giàu có nhất của Hungary, và cũng thuộc loại có hạng của Châu Âu. Đã có lúc, bộ sưu tập có tới 2.500 tác phẩm, gồm các bức tranh của nhiều danh họa nổi tiếng như El Greco, Lucas Cranach, Zurbarán, van Dyck, Velázquez, Renoir, Monet..., cùng các đồ gỗ, thảm treo tường và tượng.

Theo tờ “Thời báo New York” (The New York Times), năm 1944, khi Hungary là đồng minh với Đức trong Đệ nhị Thế chiến, quân Đức đã cướp bộ sưu tập và mang nhiều tác phẩm về Đức, số còn lại giao cho các bảo tàng viện của Hungary quản lý. Trong số các tác phẩm từng bị mang về Đức, Hungary cũng nhận lại được một số và hiện trưng bày trong các bảo tàng.

Theo các chuyên gia luật, trong số những vụ kiện cáo liên quan tới tài sản của dân Do Thái bị cướp đoạt trong tệ holocaust (diệt chủng hàng loạt), vụ việc của nhà Herzog thuộc hàng đáng kể nhất. Từ hơn hai thập niên nay, những người thừa kế Herzog đã cố gắng tìm cách lấy lại các bức tranh thông qua hệ thống tư pháp Hungary.

Năm 2000, Tòa án Thủ đô Budapest xử thắng cho nhà Herzog tại phiên sơ thẩm, theo đó, nhà Herzog phải được nhận lại 12 tác phẩm hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật và Triển lãm Quốc gia Hungary. Tuy nhiên, Chính phủ Hungary thời đó đã kháng nghị quyết định này và vụ kiện vẫn tiếp diễn.

Giữa chừng, nhiều thượng nghị sĩ Mỹ như Christopher J. Dodd, Hillary Clinton và Edward M. Kennedy cũng can thiệp trong vụ án. Tháng 1-2008, viện dẫn thỏa thuận về Luật Tài sản (năm 1973) giữa Hungary và Hoa Kỳ, cơ quan tư pháp Hungary đã bác đơn kiện của nhà Herzog - phán quyết này đã có hiệu lực pháp luật và điều đó có nghĩa là mọi nỗ lực của nhà Herzog thông qua hệ tư pháp Hungary đã thất bại. Đây là lý do khiến những người thừa kế tìm cách chứng tỏ cái lý của họ qua một tòa án ở Mỹ.

Những gì đã xảy ra trong vụ diệt chủng (holocaust) rất đáng lên án” - David de Csepel, chắt của nam tước Herzog, nói. “Nhưng việc Hungary làm còn quá đáng hơn - khi họ biết thừa rằng các tác phẩm nghệ thuật đó là của gia đình chúng tôi”.

Csepel (44 tuổi) hiện sinh sống tại Los Angeles trên cương vị một cố vấn tiếp thị. Sở dĩ gia đình Herzog chọn một trong những thành viên trẻ nhất của dòng họ làm nguyên đơn, vì họ tính đến sự “cù nhầy”, kéo dài thời gian của chính quyền Hungary trước những người thừa kế đứng tuổi (yếu tố tuổi tác như vậy không còn là vũ khí nữa).

Csepel cho biết ông đã sang Hungary và chiêm ngưỡng các bức tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật. Nhà Herzog đặt rất nhiều hy vọng vào bộ hồ sơ và đơn kiện mà họ đệ trình lên tòa án ở Mỹ và, như Csepel diễn đạt, “Chúng tôi chỉ muốn giành công lý cho gia đình, chứ vấn đề không phải là tôi muốn thấy những bức tranh đó trên tường nhà tôi”.

Bức “Nỗi đau trong vườn” của danh họa El Greco

Sự bất bình của gia đình Herzog còn có một nguyên nhân khác: hiện tại, họ không thể biết được họ sở hữu bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật. Những người thừa kế cho rằng tại Hungary, con số những tác phẩm lẽ ra thuộc về họ còn nhiều hơn những gì họ đệ trình trong đơn đệ lên tòa. Đây là lý do khiến nhà Herzog yêu cầu Chính phủ Hungary phải cung cấp cho họ một bản kiểm kê.

Theo các chuyên gia, gia đình Herzog có thể được hoàn trả một số nghệ phẩm, trong đó có những họa phẩm của El Greco và Francisco de Zurbaran.

Judah Best, một luật sư ở Washington và là người nhận ủy quyền của Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ SmithSonian, cho biết: “Một phần mục đích của việc đưa vụ kiện này ra tòa án Mỹ là để công bố cho dư luận biết về sự thiếu quan tâm của các chính phủ và bảo tàng trên thế giới đối với những người chủ sở hữu thật sự các tác phẩm nghệ thuật bị cướp. Trong quá khứ, với những vụ việc tương tự, thường là sẽ có một số thỏa thuận, dàn xếp nào đó giữa hai bên, một bên là người thừa kế của chủ sở hữu tác phẩm quý, với một bên là chính phủ một nước và bảo tàng của nước đó”.

Còn Michael S. Shuster, một luật sư của gia đình Herzog, thì cho rằng Hungary là “một trong số ít nước ngoan cố nhất” trong việc hoàn trả các tác phẩm nghệ thuật đã bị đánh cướp. “Trong khi các nước đều hợp tác thì Hungary đi ngược lại xu hướng đó” - luật sư này phàn nàn.

Trả lời phỏng vấn báo chí, Phó Tổng Lãnh sự Hungary tại New York, ông Földvári Gábor cho hay: vấn đề ở đây không phải là Hungary không muốn hợp tác với những người thừa kế. Bởi lẽ, trong vụ Herzog, không phải Chính phủ, mà tòa mới là nơi quyết định về việc trao trả hay không các tác phẩm nghệ thuật.

Được biết, những tác phẩm trong bộ sưu tập của nam tước Herzog hiện không chỉ có ở Hungary, mà còn ở Ba Lan, Nga và CHLB Đức - gia đình Herzog cũng đã kiện các quốc gia nói trên để đòi những gì họ đã bị tước đoạt trong hoặc sau Thế chiến thứ Hai. Trong năm nay, Đức cũng đã hoàn trả 3 tác phẩm cho gia đình.

Mười lăm năm trước, gia đình Herzog đã tìm cách đạt một thỏa hiệp với các bảo tàng viện, họ đề nghị chia các tác phẩm thuộc bộ sưu tập Herzog cho Hungary, như Budapest đã từ chối - ông Charles A. Goldstein, một tham vấn thuộc ủy ban Commission for Art Recovery (Mỹ) cho hay. (Tổ chức phi vụ lợi này hoạt động giúp đỡ các nạn nhân bị phát-xít Đức cướp cổ vật, tác phẩm nghệ thuật.)

Trong những vụ này, Đức và Áo đã chịu rồi, chỉ Hungary là không. Họ không chịu nhận phần trách nhiệm” - Charles A. Goldstein phát biểu với tờ “Thời báo New York”.

Các nguyên đơn trong vụ Herzog cũng thường tận dụng các mối quan hệ chính giới để gây ảnh hưởng nhằm đạt được thỏa thuận với Chính phủ Hungary mà không qua phiên xử. Trước đây, Bộ Ngoại giao Mỹ từng bày tỏ sự cảm thông và “đoàn kết” với gia đình. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton, năm 2007 khi còn là thượng nghị sĩ, cũng đã gửi thư cho ngoại trưởng Hungary Göncz Kinga để “vận động hành lang” và kêu gọi phía Hungary có thái độ mềm dẻo hơn trong vụ này.

Trần Lê tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn