BÃI CÔNG NGỒI KHỞI ÐẦU CHUỖI BIỂU TÌNH D-DAY

Thứ bảy - 01/10/2011 02:21

(NCTG) Hàng ngàn người đã tập trung tại Quảng trường Clark Ádám (dưới chân Thành Cổ Buda) vào chiều thứ Sáu 29-9 để hưởng ứng lời kêu gọi của các nghiệp đoàn, phản đối những biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ Hungary.


Tập trung bên cột cây số 0 của Budapest, dưới chân Thành Cổ

Trong số đó, vài trăm người đã tham gia cuộc bãi công ngồi, sẽ kéo dài ít nhất trong 3 ngày cuối tuần, được coi là khởi đầu cho chiến dịch biểu tình chống chính phủ của hàng trăm tổ chức xã hội, dân sự và nghiệp đoàn, dự tính sẽ kéo dài vô thời hạn, chừng nào nội các Hungary chưa nhượng bộ trước những đòi hỏi được nêu ra vào đầu tháng 9-2011.

Hai thủ lĩnh chính yếu của loạt biểu tình này - Kónya Péter và Árok Kornél, lãnh đạo nghiệp đoàn cảnh sát và nhân viên cứu hỏa - là những người từng đứng đầu các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ vào mùa xuân năm nay. Phát biểu trong cuộc biểu tình, ông Kónya Péter lý giải cái tên D-Day được đặt cho chuỗi biểu tình: “D-Day mang hòa bình tới Châu Âu, chấm dứt một thể chế độc tài, và chúng tôi cũng chuẩn bị làm điều đó”.


Thủ lĩnh nghiệp đoàn Kónya Péter hùng dũng trong bộ quân phục

Viện dẫn một câu nói nổi tiếng của thủ tướng Anh Winston Churchill, theo đó, cuộc đổ bộ xuống Normandy là “khởi đầu của định mệnh”, ông Kónya cho rằng ngày đầu tiên của chuỗi biểu tình tại Hungary cũng sẽ là “khởi đầu của định mệnh”, kể từ khi nước này thông qua bản Hiến pháp mới, sự kiện mà ông coi là “định mệnh của sự khởi đầu” vì nó tạo điều kiện cho sự ra đời của những đạo luật chính cắt giảm các quyền cơ bản của người dân.

Họ sẽ làm điều đó nếu chúng ta để yên” - nhà lãnh đạo nghiệp đoàn nhấn mạnh, trước khi đoàn người hát vang Quốc ca Hungary rồi đồng thanh hô “Orbán cút đi!”. Ðáng chú ý là vị thủ tướng Cộng hòa Hungary còn bị đả kích khá mạnh mẽ trên nhiều băng-ron mà người biểu tình mang theo người, chẳng hạn, họ ghép hình ông với ảnh nhà độc tài khét tiếng Rákosi Mátyás, hoặc gọi đảng cầm quyền FIDESZ do ông làm chủ tịch là “đảng trộm cắp”.


Chỉ trích giới cầm quyền: không chỉ trên biểu ngữ, mà còn cả dưới đất!

Một câu nói nổi tiếng của ông Orbán vào năm 2007, khi còn trên cương vị lãnh tụ đối lập, cũng được trích dẫn lại trên một biểu ngữ, khá phù hợp với “cảnh mới”: “Hoặc chính phủ hãy làm những gì mà dân muốn, hoặc nó sẽ bị tống khứ. Và kể từ khi ấy, nó sẽ không thể viện dẫn nền dân chủ, viện dẫn Hiến pháp, nó không còn cách lựa chọn nào khác là cuốn gói cho nhanh...”. Một băng-ron khác thì nhằm vào đảng FIDESZ: “Không biết thì chớ làm càn!”.

Nói về “triển vọng” của chiến dịch phản đối chính quyền, ông Kónya Péter cho hay: thủ tướng Orbán Viktor hứa hẹn dân Hungary sẽ có một mùa thu khó nhọc và nóng bỏng, “chúng tôi cũng hứa như vậy với ông ta, nhưng chúng tôi - những người biểu tình - sẽ có kỷ luật, không lật đổ thùng rác và đốt phá xe cộ ngoài đường” (ám chỉ những cuộc biểu tình kéo dài theo hướng bạo loạn tại Hungary nhằm vào chính phủ xã hội mùa thu năm 1956).


Kêu gọi quyên góp

Árok Kornél, một thủ lĩnh nghiệp đoàn khác thì kêu gọi quyên góp những đồng 5 Ft để trả hóa đơn 27 ngàn Ft tiền nước mà một lính cứu hỏa đã nhận được. Nhắc lại, trong một cuộc “thị uy” lớn tháng 4-2011, tại đại lộ chính Andrássy, lính cứu hỏa đã mở những vòi nước dùng trong trường hợp phải cứu hộ do hỏa hoạn, khiến nước chảy lênh láng và Sở Nước thì gửi “hú họa” hóa đơn phạt cho một nhân viên cứu hỏa dường như hoàn toàn vô can.

Lời kêu gọi đã được nhiều người hưởng ứng nhiệt liệt. Một phụ nữ đứng tuổi đã mang tới 1 bọc đầy tiền xu 5 Ft và bỏ từng đồng vào hộp quyên góp trước ống kính của hàng chục phóng viên ảnh. Giữa chừng, đám đông bắt đầu ngồi xuống nền vỉa hè - nhiều người còn cẩn thận mang giấy, ni-lông, đệm... lót, thậm chí giường xếp, và cả đồ ăn lót dạ - để khởi đầu cuộc bãi công ngồi, mà không ít người cho hay, họ sẽ ở lại... qua đêm bên cột cây số 0 của Budapest.


Khá nhiều đồng 5 Ft đã được bỏ vào hộp quyên góp

Có mặt tại cuộc biểu tình, PV NCTG không nhận thấy sự hiện diện đáng kể của cảnh sát tại hiện trường cuộc biểu tình. Chỉ ở bên kia (phía Pest) của Cầu Xích (Lánchíd), mới thấy một số xe cảnh sát - mạng tin index.hu ghi nhận rằng tại bãi đậu bên cạnh Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, có tối thiểu 10 xe hơi và 10 xe buýt nhỏ của cảnh sát, cùng ít nhất 100 nhân viên cảnh sát đứng “chờ đợi” và theo dõi những diễn biến bên kia bờ sông.

Ða phần người biểu tình ở độ tuổi trung niên thuộc nhiều tổ chức, nhiều giai tầng xã hội - nhiều người là nhân viên công lực đã hồi hưu trước thời hạn - nhưng cũng có một số thanh niên tham gia, chẳng hạn các thành viên của nhóm Giám sát Dân sự “Một triệu người vì quyền tự do báo chí”, một phong trào đã được biết đến rộng rãi sau những cuộc biểu tình được kêu gọi và tổ chức thông qua mạng xã hội Facebook vào mùa xuân 2011.


Vài trăm người tham gia bãi công ngồi

Báo chí Hungary còn ghi nhận sự hiện diện của một số chính khách Ðảng Xã hội (MSZP) như Chủ tịch đảng Mesterházy Attila, dân biểu Szanyi Tibor và thành viên Ðoàn Chủ tịch MSZP Kunhalmi Ágnes. Trả lời phỏng vấn truyền thông Hungary, ông Mesterházy cho hay: ông tham gia biểu tình trên tư cách cá nhân vì đồng tình với những yêu sách của những người biểu tình.

Ðược biết, vào chiều muộn, đoàn biểu tình còn lên Cung Sándor (trên Thành Cổ) để trao thỉnh nguyện thư cho Tổng thống Schmitt Pál, nhưng vị nguyên thủ quốc gia Hungary đang bận tiếp Tổng thống Croatia nên không thể ra nhận. Rốt cục, bốn đại diện nghiệp đoàn đã gửi những đề nghị, yêu cầu cho Vụ trưởng Vụ Pháp lý (Văn phòng Tổng thống Cộng hòa) và họ nhận được lời hứa rằng, thỉnh nguyện thư sẽ được chuyển cho tổng thống vào hôm sau...

Bài và ảnh: Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn