VĨNH BIỆT TÁC GIẢ “HOA TUYẾT MÙA XUÂN”

Thứ sáu - 09/02/2007 14:31

(NCTG) “Chút an ủi chúng tôi, những người từng quen biết quý mến anh, là anh đã về yên nghỉ trong lòng đất quê hương. Giờ thì anh tha hồ phiêu du dọc những triền sông Thao, những rừng cọ, đồi chè Vĩnh Phú quê anh”.


Bìa tập thơ của tác giả Thanh Cao

Anh Thanh Cao tên thật là Tạ Thanh Cao, sinh ngày 26-4-1934 (Giáp Tuất) tại Lập Thạnh, một huyện trung du cằn cỗi đá ong, tỉnh Vĩnh Phú. Năm 1949, 15 tuổi, anh vào học trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Năm 1952, tốt nghiệp trường Thiếu sinh quân, chàng trai 18 tuổi Tạ Thanh Cao được điều về Đại đoàn 308, một đại đoàn quân chủ lực lừng danh của Việt Minh.

Anh tham gia nhiều chiến dịch cùng Trung đoàn 102, trong những tháng năm cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc đã vào giai đoạn quyết định. Rồi anh được tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Bốn mươi năm sau, khi đã sống bên dòng sông Duna, anh còn nhớ về những ngày tháng hào hùng ấy: “Tuổi đời mười chín - thanh niên/ Cưỡi mây Đèo Gió, Pha Đin, Đèo Giàng/ Câu hò lơ hò ngân vang/ Đêm vui như hội cùng đoàn dân công“.

Hai mươi mốt tuổi, phơi phới trẻ trung, lấp lánh huy chương chiến sĩ Điện Biên Phủ trên ngực, trấn thủ còn vương mùi khói đạn, anh cùng đồng đội về tiếp quản thủ đô, trở thành anh bộ đội thời bình. Anh kể, khi đó anh là một tay hoạt động văn nghệ thể thao cự phách của trung đoàn, nhưng không may một lần doanh trại gặp hỏa hoạn, anh bị tai nạn chấn thương cột sống, để lại dáng đi lòng khòng, đầu hơi chao về phía trước đến tận cuối đời.

Sau tai nạn khi tham gia chiến dịch Điện Biên do bị thương bởi mảnh đạn pháo vào đầu (cho đến khi qua đời vẫn còn nguyên một mảnh đạn trong đầu), anh được giải ngũ, về công tác ở Bộ Công nghiệp nhẹ từ 1960 đến 1965, rồi vào học tại chức Đại học Bách Khoa từ 1965 đến 1969. Tuy tốt nghiệp Bách Khoa, nhưng do có duyên nợ với văn chương, anh được điều về làm biên tập viên Nhà xuất bản (NXB) Thanh Niên trong 13 năm, từ 1969 đến 1983.

Đây là giai đoạn anh cho là vui nhất trong đời; những năm chống Mỹ, NXB lúc nào cũng tấp nập, nghèo vật chất nhưng đầy nghĩa tình. Những năm làm BTV ở đây anh có dịp tiếp xúc với nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học, những tên tuổi hàng đầu của đất nước. Nhiều người trong số họ, vì quý mến “bà đỡ” cho những tác phẩm của mình, đã trở thành bạn tâm giao của anh sau này.

Năm 1985, anh chuyển sang làm công tác ngoại giao ở Tiệp Khắc; rung động trước cảnh sắc, con người ở đây, anh đã có những bài thơ đầu tiên được bạn bè, lao động và sinh viên Việt Nam trên đất Tiệp yêu quý. Đặc biệt, trong bài “Chia tay”, anh đã Việt hóa tên gọi chiếc cầu Karluv (người Hung gọi là Károly-híd, tức chiếc cầu mang tên vị vua Charles Đệ tứ) bắc qua dòng Vltava, một công trình kiến trúc rất nổi tiếng của thủ đô Praha, là Cầu Tình: “Chia tay em đi xa rồi/ Cầu Tình ngơ ngẩn đứng ngồi cùng ai?/ Con đường lát đá nối dài/ Quanh Praha dấu chân ai đâu còn?“.

Cái tên Cầu Tình đã trở thành tên gọi thân quen của cộng đồng Việt Nam ở đây và của những người Việt có dịp viếng thăm thành phố Praha xinh đẹp và cổ kính. Năm 1993, anh được cử sang công tác tại Budapest. Với tác phong gần gũi, cởi mở, chân thành, anh nhanh chóng tiếp cận và trở nên thân quen với mọi người trong cộng đồng, từ những lưu học sinh cũ đã đứng tuổi, đến các cháu sinh viên học sinh và những anh chị em kinh doanh tại các chợ.

Chỉ sau một thời gian ngắn, bà con mình đã quen với dáng đi nghiêng hơi gù, cái đầu hơi lệch về một phía và đôi mắt hấp háy sau cặp mắt kính trắng của anh, và người ta tin cậy chia sẻ với anh nhiều điều: từ việc chung đến riêng tư, cả niềm vui và nỗi buồn. Anh thích rượu và tửu lượng cũng đáng nể, sau vài chén câu chuyện bắt đầu xôm, thêm một hai chén nữa anh bắt đầu đọc thơ: thơ mình, thơ người. Anh rất thích Xuân Diệu, nghe anh đọc thơ tình Xuân Diệu, thấy anh như biến thành một con người khác, ngồi bên sợ anh bóp vỡ cốc rượu đang cầm trên tay!

Chỉ mới sang Hung vài tháng, chứng kiến nỗi nhọc nhằn của bà con kinh doanh ngoài chợ, anh đã có hai bài thơ “Chợ giời” và “Thân cò”, đồng cảm với tâm tư, với sự cơ cực của người xa xứ: “Vì nghèo nên phải đi em/ Châu Âu giá lạnh, thương em thương mình“. Hai bài thơ đã làm nhiều bạn đọc xúc động, nhiều người đã photocopy gửi về cho người thân trong nước. Sau đó, tập san “Quê Hương” của Hội người Việt Nam tại Hungary lần lượt đăng một số chùm thơ của anh. Đi đến đâu: lên Thành cổ Eger, thăm hồ Balaton, du thuyền trên sông Duna… anh đều có thơ ghi lại những xúc cảm của mình.

Khoảng cuối năm 1994, tập thơ đầu tay của anh, tập “Hoa tuyết mùa xuân”, được NXB Văn học ấn hành, xinh xắn và trang trọng. Phải nói đối với chúng tôi, những người quen biết, quý mến anh thì đó là một niềm vui thật sự, một “sự kiện” bất ngờ. Đã có những dịch giả, tác giả từng lưu học ở Hungary thành danh trong nước trên lãnh địa văn chương, như các anh Lê Xuân Giang, Trương Đăng Dung, chị Nguyễn Võ Lệ Hà, v.v…, nhưng theo chỗ tôi biết, dân mình ở Hung lúc nhiều nhất chỉ vài nghìn người, trước anh chưa ai làm được một việc “tày đình” như thế.

Có thể nói anh là người mở đầu để sau này chúng ta có một Hồng Nhung với tập truyện “Gái ba mươi”, một Nguyễn Thụ với tập thơ & thơ dịch “Gió trắng”, một Phan Bích Thiện với tập thơ “Tình yêu không đáy”, và nhiều sáng tác chưa tập trung của một số anh em khác, tuy ảnh hưởng của anh Cao chỉ như một cú hích gián tiếp. Nhớ lại những ngày mấy anh em chúng tôi cùng anh cặm cụi lo bài vở, khó khăn lắm mới đủ bài để dăm ba tháng ra một số báo “Quê Hương”, nay nhìn lại mới thấy từ “cái buổi ban đầu lưu luyện ấy”, về lĩnh vực này, cộng đồng chúng ta đã đi được những bước dài!

Hôm bạn bè gặp nhau - tuy cách nhau cả một thế hệ nếu kể về tuổi tác, nhưng anh vẫn coi chúng tôi là bạn - để mừng anh ra mắt tập “Hoa tuyết mùa xuân”, tôi đùa anh: “… anh Thanh Cao 60 tuổi mới trình làng tập thơ đầu tay, kể cũng là hy hữu trong làng thơ xứ An Nam mình!”. Tưởng đùa là đùa thế, nào ngờ trong vòng vài năm sau khi nghỉ hưu về Việt Nam, anh đi liên tục, xuống biển lên rừng, vào Nam ra Bắc, đến đâu cũng có thơ, và anh lần lượt cho ra mắt thêm ba tập thơ nữa: “Chia tay mùa đông” (NXB Văn học, 1996); “Trăng Đồng Lộc” (NXB Văn học, 1999) và “Nỗi niềm” (NXB Hội Nhà văn, 2002). Sáng tác mau như thế ở tuổi gần thất thập, kể cũng là khỏe lắm, sung sức lắm.

Hiện trong tay tôi, khi viết những dòng này, chỉ có hai tập “Hoa tuyết mùa xuân” và “Nỗi niềm”, không được đọc đầy đủ thơ anh, lại là dân ngoại đạo, không phải người sành thơ, thẩm thơ chuyên nghiệp, chẳng dám mạo muội bình xét thơ anh. Nhưng theo thiển ý của tôi, đọc thơ anh trước hết ta bắt gặp một tấm lòng, một con tim nhân ái. Thường trực trong anh một nỗi đau đáu quê hương trong những tháng năm xa nước: “Anh muốn làm một làn mây trôi/ Theo ngọn gió về phương trời Tổ quốc“.

Tình thương, sự cảm thông với những con người nghèo khổ, lang bạt mưu sinh nơi đất khách quê người: “Thương em lặn lội thân cò/ Mênh mông tuyết trắng bến bờ là đâu?”. Anh xót xa cho một em bé Nga ăn xin bên hè phố: “Mắt em thăm thẳm nỗi sầu/ Áo em đã rách bạc màu nắng mưa/ Em đi trong nắng dưới trời/ Ngửa tay xin giữa dòng người ngược xuôi“. Anh thương bước đi run rẩy của: “Bà cụ người gày khô/ Trong bộ quần áo rách/ Cái bị mang bên nách/ Tay chống chiếc gậy tre” trên đường hành khất, rồi anh “đặt trong lòng bàn tay” bà “những đồng tiền thấm lệ“. Anh thương cảm một chú bé đánh giày: “Bụi đường đầu tóc bơ phờ/ Áo quần rách rưới nắng trưa đội trời“.

Trong thời buổi nhiễu nhương của kinh tế thị trường, của cái đời sống mà “thế nhân quanh một chữ tiền cứ xoay” này, phải là người có trái tim nhân hậu, ấm áp tình người lắm mới viết nổi những câu thơ như thế!

Lần trở lại Hung thăm các con cách đây vài năm, anh trải qua một cơn trọng bệnh. Hôm mấy anh em chúng tôi đến thăm, thấy anh yếu và sút đi nhiều, câu chuyện hôm ấy thoáng chút buồn. Tôi biết anh có những nỗi buồn, nỗi buồn chỉ riêng anh: “Buồn từ giọt máu của cha/ Từ trong lòng mẹ sinh ra nỗi buồn“. Hình như anh lo người khác không cảm thấy nỗi buồn sâu thẳm của anh: “Việc trời gió bão mưa tuôn/ Việc đời ai thấy ngọn nguồn riêng ai?” Sức yếu, rượu cũng không uống được nữa, nhưng anh vẫn viết: “Rót thêm… thêm… thêm nữa/ Cho tôi say ngàn thu“.

Rồi anh đọc thơ cho chúng tôi nghe, những bài thơ mới làm sau trận ốm thập tử nhất sinh. Anh còn nhắc tôi cái dự định phải tập hợp để in cho được một tuyển tập thơ của anh em mình bên Hung này, rất nên làm, anh bảo thế!

Mới cách đây vài tháng, thoáng gặp anh trong một đám cưới, anh còn nhét vào tay tôi bài thơ anh mới viết, thấy anh vẫn nặng nghĩa nặng tình với thơ, với đời nhiều lắm. Rồi anh bảo anh sắp về Hà Nội: “Ở nhà tớ nhiều bạn bè, ra ngõ là có bạn, chén rượu, câu chuyện vui lắm. Ở bên này thì đến chết vì buồn, các cậu anh nào cũng bận làm ăn tối ngày”. Tôi hẹn anh hôm nào về Hà Nội, anh em mình sẽ ngồi đối tửu. “Hẹn anh nâng chén rượu đầy hương quê“, anh còn nhớ câu thơ tôi tặng anh lần anh về không?

Thế mà không kịp nữa rồi, chẳng bao giờ còn được ngồi uống rượu và nghe anh đọc thơ nữa. Nghe bảo sau khi về Hà Nội được ít ngày thì anh đi (2), nhẹ nhàng như đi vào một giấc ngủ trưa. Dường như anh đã dự cảm trước được chuyến đi này, chuyến đi cuối cùng của anh trên cõi tạm: “Ngày mai tôi ra đi/ Bạn bè ai còn nữa/… Ai cắm những vòng hoa/ Cánh hoa rơi lả tả/ Khói nhang bay dật dờ/ Đường về cõi hư vô“.

Chưa dám chắc đã hiểu hết nỗi niềm anh, nhưng hẳn anh em bên này không bao giờ quên dáng đi nghiêng nghiêng lệch lệch của anh, không thể quên tấm lòng của anh với cộng đồng, và những vần thơ thấm đẫm tình người…

Chút an ủi chúng tôi, những người từng quen biết quý mến anh, là anh đã về yên nghỉ trong lòng đất quê hương. Giờ thì anh tha hồ phiêu du dọc những triền sông Thao, những rừng cọ, đồi chè Vĩnh Phú quê anh. Từ miền đất xa xôi này, xin có đôi dòng thay một nén tâm nhang, thay một ly rượu nhỏ tưói lên nấm mồ anh, có gì chưa phải mong anh rộng lòng lượng thứ cho lũ đàn em, như những ngày xưa, anh Cao nhé!

(1) Tên một bài thơ của tác giả Thanh Cao.

(2) Anh Thanh Cao về đến Hà Nội ngày 8-10-2006 và qua đời lúc 9 giờ sáng ngày 21-12-2006.

 

Giáp Văn Chung, Budapest tháng Chạp năm Bính Tuất


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn