Ông Phạm Ngọc Chu: "THAY ĐỔI ĐỂ HỘI NHẬP!"

Thứ tư - 18/02/2009 09:14

Trung tuần tháng 3-2009, Hội Doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Hungary sẽ tổ chức một hội thảo với chủ đề “Suy tính và ứng phó của các DN Việt Nam tại Hungary trong tình hình mới”, với mục đích đưa ra một số giải pháp cho câu hỏi “Châu Âu hội nhập và mở rộng, đi đâu, làm gì?”, đang được đưa ra một cách cấp thiết.

Ông Phạm Ngọc Chu phát biểu tại Diễn đàn DN Việt kiều Châu Âu lần thứ 3 (Balatonfüred, Hungary vào tháng 9-2008)

Để bạn đọc có thêm thông tin về cuộc hội thảo này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Chu, ủy viên Ban Chấp hành Hội DN Việt Nam tại Hungary, một thành viên của BTC hội thảo.

- Được biết, ông là một doanh nhân thành đạt tại Hungary, người sở hữu một hệ thống cửa hàng bán lẻ khá thành công. Từ chính những trải nghiệm cá nhân trong kinh doanh, tại Diễn đàn DN Việt kiều Châu Âu lần thứ 3, tổ chức tại Balatonfüred (Hungary) vào tháng 9-2008, bài tham luận của ông về đề tài một số kinh nghiệm kinh doanh và mở cửa hàng ngoài phố đã thu hút được sự chú ý của cử tọa. Bài viết này cũng đã được đăng tải trên báo chí Việt Nam và dạo ấy, ông cũng nhận được nhiều hồi âm từ trong nước ngỏ ý muốn trao đổi và cộng tác. Như vậy, nhu cầu chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin là có thật. Phải chăng, đó là mục đích của BTC khi dự định tổ chức kỳ hội thảo tới? BTC có kỳ vọng gì vào cuộc gặp mặt này?

- (Cười) Câu hỏi này, lẽ ra phải do anh Lê Thanh Bình, chủ tịch Hội DN, trưởng BTC, hoặc các thành viên khác của BTC như các anh Lê Hữu Thủy, Đinh Quốc Minh, Đoàn Năng Khánh trả lời. Nhưng vì các anh ấy đang bận đi công tác nước ngoài, nên tôi được ủy nhiệm thay mặt Hội DN trao đổi trên mặt báo về cuộc hội thảo, một đề tài mà cá nhân tôi cũng rất tâm đắc từ lâu nay.

Đây là lần đầu tiên, Hội DN tổ chức một hoạt động chuyên đề và chuyên môn, theo đúng chức năng của Hội. Tôi luôn nghĩ một cách vui vui rằng, như người Hung thường nói, “nincs csoda”, không thể có một phép màu nào diễn ra chóng váng. Chúng ta gặp nhau, bắt tay nhau, trò chuyện, cuối buổi trao đổi số điện thoại và hẹn gặp lại trong một dịp gần nhất, như vậy là thành công rồi!

Nói vui như vậy, thực ra, chúng ta ai cũng thấy là cần phài cùng nhau tìm phương hướng trong giai đoạn mới, thời kỳ mới, khi xu thế kinh doanh ngoài chợ ngày càng đi xuống. Chúng ta phải tìm lối thoát khi còn chưa quá muộn!

- Như vậy, vấn đề thị trường sẽ là một điểm nhấn trong các phân tích của hội thảo?

- Đúng vậy. Tại hội thảo, sẽ có một chuyên viên nổi tiếng về thị trường của Hungary phân tích về khía cạnh này.

Một xu thế chung là Hungary và các nước Đông Âu mới gia nhập Liên hiệp Châu Âu cũng sẽ phải chuyển dần sang mô hình của các nước tư bản phát triển. Thời gian tới, người bán lẻ sẽ nắm vai trò chủ chốt trong sự phân phối hàng hóa đến người dân, và ngay cả các tập đoàn, công ty bán sỉ cũng cần các chuỗi cửa hàng bán lẻ, bỏ qua khâu trung gian. Như vậy, trong bán lẻ, ai chiếm được thị trường, người ấy sẽ cầm chắc cơ hội thành công…

- Những yếu tố thành công ấy là gì?

- Tôi cho rằng trước tiên, chúng ta phải hiểu được nền văn hóa địa phương, cùng tâm lý và tập tục mua bán của người dân bản địa.

Hiểu được nền văn hóa địa phương, cùng tâm lý và tập tục mua bán của người dân bản địa để áp dụng linh động và thực tế ngay trong hoạt động kinh doanh hàng ngày, như trong cách bày hàng hóa, chọn mặt hàng phù hợp - Ảnh minh họa

Xuất phát từ điều đó, chúng ta có thể áp dụng một cách linh động và thực tế ngay trong hoạt động kinh doanh hàng ngày, ví dụ, trong cung cách đón tiếp khách, bày hàng hóa, chọn mặt hàng phù hợp, hay thực hiện các đợt khuyến mại tùy nhu cầu và thị hiếu của người dân từng vùng. Đây là một đề tài rất hay mà tôi hy vọng rằng, sẽ có dịp chia sẻ cùng các bạn trong kỳ hội thảo tới.

- Được biết, ông đến Hungary từ một nước thứ ba, không học tập và do đó, không thạo tiếng Hung, ít nhất là trong thời gian đầu. Có được những thành công như ngày nay, phải chăng ông đã gặp may?

- (Cười) Tôi hay nghĩ, như thế hệ cha ông chúng ta, đi làm cách mạng, muốn thành công, phải có thời cơ. Mà thời cơ thì chỉ đến qua một quá trình nhiều năm tự rèn luyện, trang bị về kiến thức, trí tuệ, sức lực và nhất là phải luôn giữ trong mình bầu máu nóng sục sôi, mong muốn thay đổi. Chỉ có thế, khi thời cơ tới, chúng ta mới có cơ hội thành công.

Đấy là nói về cách mạng, nhưng trong kinh doanh cũng vậy. Muốn chạy được 1.000m, hàng ngày chúng ta phải thường xuyên chạy 100m để rèn luyện, rồi nâng dần lên. Nếu mình lười, sẽ không bao giờ tới đích, không bao giờ gặp may mắn!

- Từ những kinh nghiệm bản thân, ông sẽ có gì để chia sẻ trong hội thảo?

- Trong hoàn cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp vô vàn khó khăn, các công ty đa quốc gia ngày càng lấn át thị trường và bóp nghẹt các doanh nghiệp nhỏ, chúng ta không còn con đường nào khác là phải đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng nhau tồn tại. Chỉ xin có một ví dụ nhỏ. Người Việt mình khi cùng kinh doanh một mặt hàng, thường có xu hướng “gầm gừ” nhau, mà không nghĩ rằng, chính làm cùng ngành lại nên liên kết với nhau, tạo thành một khối có sức mạnh.

Mô hình buôn bán ngoài chợ theo cách “truyền thống” đa phần ít quan tâm đến công tác “hậu mãi”: bán xong là “phủi tay”, không để lại “dấu vết”, khách hàng có vấn đề gì cũng không biết làm sao “kêu ca” được - Ảnh minh họa

Đi vào những đề tài cụ thể, tôi còn muốn nói rằng, mô hình buôn bán ngoài chợ theo cách “truyền thống” đa phần ít quan tâm đến công tác “hậu mãi”: bán xong là “phủi tay”, không để lại “dấu vết”, khách hàng có vấn đề gì cũng không biết làm sao “kêu ca” được. Nhưng đến giờ, khách mua hàng đã bỏ tiền, họ có quyền đòi hỏi những hình thức bản hành khi hàng hư hỏng, hoặc có thể đổi chác, kiện cáo… theo đúng luật định. Văn hóa Châu Âu là vậy và nếu chúng ta cứ bám mãi những cung cách thịnh hành ngoài chợ như trước, sẽ chẳng ai mua hàng của chúng ta!

Như thế, trong quá trình hội nhập với dòng “chính mạch” của Hungary và Châu Âu, xu thế bán hàng trong các cửa hàng (dù lớn hay bé), xây dựng uy tín thương hiệu riêng (cửa hàng, sản phẩm, phong cách phục vụ…) có thể là tất yếu. Nghe thì có vẻ “to tát”, nhưng tôi tin rằng nếu bàn thảo cụ thể, chúng ta sẽ thấy đây là vấn đề rất thực tế và có thể làm được, nếu chúng ta quyết tâm. Ngay các hệ thống cửa hàng lớn của Hungary như CBA, Real cũng bắt đầu như vậy.

Các hệ thống cửa hàng lớn của Hungary như CBA cũng bắt đầu bằng cách tạo dựng uy tín, thương hiệu... - Ảnh minh họa

Đối với bà con mới gia nhập thị trường bán lẻ Hungary, tôi nghĩ các DN bán sỉ lớn cũng có thể hỗ trợ họ ở nhiều điểm, chẳng hạn, có thể hợp tác với họ trên tư cách những đại lý bán lẻ. Đổi lại, bà con cũng cần dụng công suy nghĩ, tìm ra mô hình và cho bán hàng phù hợp với hoàn cảnh của mình.

Lời cuối, tôi muốn nói thêm rằng, bằng mọi giá, chúng ta cần thay đổi để hội nhập trong hoàn cảnh mới! Nếu qua kỳ hội thảo tới, chúng ta cùng nhau thống nhất được với cách suy nghĩ này, và đề ra được vài phương hướng khả thi, thì tôi cho rằng BTC đã thực hiện được mong muốn của mình!

- Xin cám ơn ông và chúc hội thảo thành công!

Trần Lê thực hiện


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn