Chủ tịch tỉnh Mai Văn Ninh và những người con Thanh Hóa trong đêm giao lưu
Không đông đảo như bà con Nghệ An, Hà Tĩnh, Vĩnh Phú, Hà Nội..., chỉ có chừng 25-26 gia đình Thanh Hóa hiện cư trú dài hạn tại Hungary (khoảng 100-150 người), nhưng từ nhiều năm nay, nhóm đồng hương Thanh Hóa được biết đến với tỉ lệ trí thức cao, có nhiều đóng góp cho cộng đồng và đất nước.
Thoạt đầu, người Thanh Hóa tại Hungary đa phần là giới sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh; sau khi tốt nghiệp đại học hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, nhiều người đã ở lại sinh sống và chọn Hungary làm quê hương thứ hai. Sau những biến chuyển cuối thập niên 80 thế kỷ trước tại nước bạn, ngoài một số người tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại nhà trường Hungary, đa số chuyển sang làm kinh doanh và trở thành những doanh nhân thành đạt. Một bộ phận khi có điều kiện đã trở về Việt Nam kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương, có những đầu tư hỗ trợ mảnh đất nơi mình sinh ra và trưởng thành, như các đề án nhà máy sản xuất đá, sản xuất bóng đá, sản xuất quần áo thể thao. Cộng đồng Việt tại Hung không xa lạ với những cái tên như các anh Nguyễn Trọng Tố và Nguyễn Văn Trường, đã tham gia sáng lập công ty chuyên sản xuất bóng da ở Thanh Hóa, giải quyết công ăn việc làm cho 200-300 lao động biên chế và hàng ngàn người sản xuất phụ.
Trong hoạt động và đời sống cộng đồng, người xứ Thanh cũng có không ít thành viên năng nổ và kỳ cựu tham gia các hội đoàn Việt, như các anh Lê Ngọc Thành, Nguyễn Công Cương, Đỗ Văn Thành...; anh Đỗ Văn Thành, mới đây, còn được nhà nước Hungary trao cương vị Lãnh sự Danh dự của Cộng hòa Hungary tại Việt Nam. Đặc biệt, các gia đình Việt Nam đều rất quen thuộc với thày giáo Phạm Văn Chung, người từ nhiều năm nay đã nhiệt tình và tận tâm dạy dỗ, kèm cặp các cháu học sinh Trung học, khiến tỉ lệ các cháu đỗ đại học với kết quả tốt, điểm số cao trong cộng đồng Việt tại Hung được gia tăng đáng kể. Thế hệ thứ hai con em của bà con Thanh Hóa có nhiều cháu học giỏi, đoạt nhiều giải thưởng trong nước; sau khi tốt nghiệp đại học ở Hung, các em đều có công ăn việc làm ổn định tại các cơ quan, doanh nghiệp tại Hungary, Mỹ và Việt Nam, là niềm vui của gia đình. Ngay trong đời sống thường nhật, bà con Thanh Hóa tại Hung cũng tự hào vì một đồng hương có cơ sở sản xuất bún tươi, phục vụ rộng rãi nhu cầu ẩm thực của các cộng đồng Việt trong vùng Đông - Trung Âu.
Những nỗ lực đáng khích lệ nói trên của bà con Thanh Hóa tại Hungary cũng đã được ôn lại trong đêm gặp mặt "Thanh Hóa quê ta", được tổ chức vào tối 6-6-2008 tại thủ đô Budapest nhân chuyến công tác Hungary của Đoàn cán bộ tỉnh Thanh Hóa, đứng đầu là chủ tịch Mai Văn Ninh. Đây là lần đầu tiên, những người con Thanh Hóa sinh sống tại Hung có dịp quây quần bên nhau, nhắc nhớ những kỷ niệm của một thời gian khổ để hướng tới tương lai. Vui mừng và cảm động khi có dịp gặp gỡ những đồng hương ở một xứ sở xa xôi, sau khi trình bày những tiềm năng, triển vọng trong đầu tư và phát triển của tỉnh nhà và kêu gọi bà con Thanh Hóa hướng về quê hương, chủ tịch Mai Văn Ninh đã khiến cử tọa bất ngờ và hào hứng với một số ca khúc về quê hương được thể hiện bằng giọng hát hay và nhiệt tình. Đến dự trên tư cách một khách mời, có nhiều bạn bè, thân hữu là người Thanh Hóa, anh Giáp Văn Chung - một cây bút quen thuộc của cộng đồng - cũng đã hào hứng chia sẻ những tình cảm, những kỷ niệm sâu sắc với xứ Thanh, mảnh đất "địa linh nhân kiệt" đã sản sinh nhiều anh hùng còn để lại dấu ấn trong sử Việt.
Cần lắm, những dịp giao lưu như thế...
Có tham dự những đêm giao lưu tương tự mới thấy nhu cầu gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi và chia sẻ của những người đồng hương lớn lao đến mức nào! Không ít người đã đề nghị nên tổ chức thường xuyên hơn nữa những dịp như thế, để nuôi dưỡng tình đoàn kết, tình cảm quê hương xứ sở cho cả những thế hệ sinh ra hoặc trưởng thành nơi xứ người, để nối kết và phát huy những thế mạnh của từng cá nhân, từng gia đình Việt tại Hungary. Hy vọng rằng, những mong muốn ấy sẽ được Ban tổ chức lưu tâm và thực hiện đều đặn trong tương lai!
Chùm ảnh về Đêm giao lưu "Thanh Hóa quê ta":
PV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn