GÌN GIỮ TIẾNG VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI

Thứ sáu - 22/08/2008 22:29

(NCTG) Lời tòa soạn: Giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong các cộng đồng người Việt xa xứ là một trong những chủ đề thảo luận chính của "Gặp gỡ Moscow 2008". Được biết, sự tham gia của Đoàn Thanh niên, Sinh viên (TN, SV) Việt Nam đến từ Hungary trong chủ đề này đã để lại những dư âm đẹp đẽ đối với các bạn có mặt.

Tuệ Anh, Thu Trang và Bảo Quỳnh tham gia đề tài thảo luận về giữ gìn và phát triển tiếng Việt trong cộng đồng

Sau đây, NCTG xin giới thiệu một số ý trong tham luận của Nguyễn Tuệ Anh, một thành viên của Đoàn. Cho dù mới là những ý phác thảo, nhưng bài viết cho thấy tầm quan trọng của việc học và dạy tiếng Việt đối với các thế hệ thứ hai, ba của người Việt ngoài nước, thông qua cái nhìn của một thành viên thế hệ ấy. Đặc biệt, Tuệ Anh cũng đã tự đặt ra một câu hỏi mang tính "phản biện" - "tại sao lại cần học tiếng Việt?" - để rồi có lời giải đáp khá hợp lý cho bản thân.

Đoàn TN, SV Việt Nam đến từ Hungary cùng các TNV trước Học viện Lao động và Quan hệ Xã hội Moscow

1. Nói được tiếng Việt sẽ có nhiều điều kiện để hiểu biết sâu sắc hơn về con người Việt Nam.

Mỗi nước có một cách trò chuyện và bày tỏ tình cảm riêng. Tiếng nói cũng là một trong những cách để biểu hiện văn hóa, suy nghĩ của con người.

Cùng một hoàn cảnh, mình có thể biểu hiện rất nhiều thông qua tiếng nói. Ví dụ, ở Châu Âu, người dân rất yêu chó, coi chó là bạn thân nhất của mình. Nhưng Việt Nam thì chó là con vật không được… tôn trọng cho lắm, người mình có bực tức ai thì bảo “đồ chó!” Còn như ở Hung, họ lại nói “đồ lợn!” (disznóság). Nếu ở Hung mình nói câu “đồ chó” thì không biết chừng nhiều khi họ lại nghĩ tốt về câu đấy. (Qua cách nói, cũng biểu hiện được một nước nghĩ gì về những động vật xung quanh mình).

Như em bây giờ, đang ngồi viết bài luận này bằng tiếng Việt, nhưng trong quá trình viết em có rất nhiều suy nghĩ bằng tiếng Hung, phải dịch sang tiếng Việt. Nếu em không dịch được sang tiếng Việt một cách nhuần nhuyễn thì trong tiếng Việt, suy nghĩ ấy sẽ rất khó hiểu, và kiểu cách nó cũng rất khác.

Hoặc là những bài thơ nổi tiếng của Hungary, như của Petőfi Sándor, cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Nhưng đọc các bài ấy bằng tiếng Hung vẫn khác. Khó có thể so sánh được!

Em viết tất cả những ví dụ trên chỉ để muốn nói rằng, mình suy nghĩ bằng tiếng nào thì con người mình cũng sẽ có cảm giác rõ hơn về đất nước, con người ở đó.

Em thấy mình rất may mắn biết được hai thứ tiếng (Việt và Hung) như tiếng mẹ đẻ, nên cũng cảm nhận được những cái khác nhau giữa hai thứ tiếng. Rất nhiều khi dùng cùng một câu nói bằng tiếng Hung thì nó khác hẳn cảm giác như khi dùng bằng tiếng Việt, mặc dù chỉ khác ở ngữ điệu mà thôi.

Đối với em, chỉ cần bắt đầu nói bằng tiếng Việt thôi thật sự cũng đã có cảm giác khác khi mình nói tiếng Hung. Những lúc đó, trong lòng, em cảm thấy như mình nhẹ nhàng hơn và tình cảm hơn với thứ tiếng này. Tiếng Việt theo em tinh tế hơn. Đó là cảm giác riêng của em mỗi khi em nói tiếng Việt, thay tiếng Hung.

Một điểm nữa mà em chú ý là trong ngôn ngữ mình có rất nhiều cách xưng hô, và mỗi cách xưng hô đi kèm với một cách ứng xử riêng. Nhiều nước Phương Tây khi chào họ “hello” đối với bất kỳ ai từ trẻ đến già. Còn trong tiếng Việt, mỗi khi mình gọi ai là “anh”, “chị”, “chú”, “bác”… thì tự nhiên chỉ trong cách xưng hô thôi, mình cũng đã có phần kính nể hơn, như khi mình gọi là bạn.

2. Biết tiếng Việt thì mình có thể mở rộng “cửa sổ” hơn.

Biết thêm một thứ tiếng nào đi nữa thì cũng là thêm một lợi thế cho mình: mình có nhiều cơ hội để quen biết và gần gũi với người trong nước ấy hơn.

Vậy tại sao mình không duy trì tiếng mẹ đẻ của mình?

Có đi đâu chăng nữa, gặp một người Việt Nam ở nước ngoài – như ở “Gặp mặt Moscow 2008” này – chúng ta cũng đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Không biết tiếng Việt, như là mình đã tự cắt đi một cơ hội lớn để có thể đến gần hơn với những anh em trong nước hay ở nước ngoài.

Và, về sau, mình có muốn làm việc gì đi nữa thì đồng hương vẫn là những người có thể giúp mình hết lòng và nhiều nhất. Ở bất cứ nước nào đi nữa, vẫn có những nhóm dân tộc riêng, gắn bó, giúp đỡ và có những sinh hoạt riêng với nhau. Những người mới sang không nói được thứ tiếng mới, mà mình cũng không nói được tiềng mẹ đẻ, thì có thể trò chuyện với nhau kiểu gì?

Về công việc, cũng rất có ích nếu mình biết tiếng Việt: mình sẽ có cơ hội để hiểu biết về luật pháp của Việt Nam, sẽ thuận lợi hơn nếu kinh doanh tại Việt Nam.

3. Để các bạn nước ngoài cũng nể mình hơn.

Có đi đâu trên thế gian này đi nữa, ai nhìn thấy mình cũng thấy mình là một người Việt. Một người Việt mà không biết tiếng mẹ đẻ mình thì những người đối diện, có nói ra hay không đi nữa, cũng sẽ không nể mình như là nếu mình biết tiếng mẹ đẻ của mình.

Nguyễn Tuệ Anh (thứ ba, từ phải sang) tại lễ bế mạc

4. Làm thế nào để giữ tiếng Việt ở ngoài nước?

Em thấy, học tiếng Việt và giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài đối với những ai sang bên này từ nhỏ thì rất phụ thuộc vào gia đình, trong đó, nhất là mẹ. Điều này khó có thể can thiệp vào được.

Ở Hung, muốn học tiếng Việt đi nữa, cũng chỉ có một khả năng là tự học hoặc nhờ một người nào đó dạy cho mình, chự không có lớp để học. Điều này cũng dễ hiểu vì ở bên này, lượng người muốn học như vậy cũng không nhiều. Để mở một lớp dạy tiếng Việt, về mặt kinh doanh, cũng không tốt cho lắm. Mà về Việt Nam cũng không có những lớp dạy như thế vào dịp hè, thành ra rất bất tiện cho chúng em bên này, vì trong năm, thì phải đi học, không thể về nước được.

Cho nên, em thấy nếu có thể mở được một chương trình dạy tiếng Việt qua Internet thì rất tốt. Sở dĩ em có ý tưởng này vì đã xem, những chương trình dạy học qua Mạng, họ viết như mình nhìn trên bảng viết, và có phần âm thanh hướng dẫn nữa.

Qua cách này, em thấy tất cả các anh chị em Việt Nam ở nước ngoài, hoặc thậm chí cả người nước ngoài, cũng có thể học được tiếng Việt, lịch sử Việt.

Nguyễn Tuệ Anh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn