ĐOÀN NGHỆ THUẬT TP HCM: RẠNG NGỜI MÙA HẠ BUDAPEST

Thứ ba - 24/06/2008 00:11

(NCTG) Ngày hội "Chia tay Budapest" (Budapesti Búcsú) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991, nhân dịp Quân đội Xô-viết rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ Hungary. Kể từ đó, "Chia tay Budapest" trở thành một sự kiện văn hóa lớn thường niên của thủ đô Budapest, hòa nhịp với hằng hà sa số các festival mùa hạ diễn ra trên khắp Châu Âu. Đồng thời, nó là một phần của loạt chương trình Mùa hạ trên Cầu Xích (Nyár a Lánchídon) từ 21-6 đến 17-8-2008, khi vào những ngày cuối tuần nóng nực nhất của mùa hạ, Cầu Xích - một biểu tượng của thủ đô Budapest - được trao cho người đi bộ, đi pa-tanh, cho các ông bố bà mẹ đi dạo cùng con thơ trong xe đẩy, và tất nhiên, cho dòng người tản bộ thưởng thức những tiết mục văn nghệ đủ mọi sắc màu và phong phú.

Mùa hạ trên Cầu Xích

Được tổ chức vào hai ngày cuối của tuần lễ cuối tháng Sáu hàng năm, "Chia tay Budapest" được coi là món quà của Chính quyền Thủ đô tặng cư dân Budapest: trong những năm gần đây, festival này đã thu hút được sự có mặt của nhiều đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước ở đủ mọi thể loại âm nhạc, từ cổ điển, dân tộc đến các thể loại nhạc đương đại (Rock, Jazz, World music...), hoặc kịch nghệ. Đặc biệt, như NCTG đã đưa tin, trong năm nay, lần đầu tiên trong 18 năm tồn tại, "Chia tay Budapest" sẽ có sự tham gia từ Việt Nam của Đoàn Nghệ thuật TP HCM, hội tụ các ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp có tầm vóc của nền âm nhạc đương đại Việt Nam, theo lời mời của đích thân thị trưởng Budapest Demszky Gábor.

Trưa thứ Hai 23-6-2008, Đoàn Nghệ thuật gồm 9 ca sĩ, nghệ sĩ, nhạc công do bà Nguyễn Thế Thanh, phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM làm trưởng đoàn, dẫn đầu, đã tới Budapest. Tiếp xúc với Đoàn, được biết, ngoài nhiệm vụ trình diễn, Đoàn còn có kế hoạch tiếp xúc, tìm hiểu, giao lưu, thiết lập quan hệ và khởi thảo một số dự định với các cơ sở đào tạo và biểu diễn âm nhạc hàng đầu của thủ đô Budapest (như Đại học Âm nhạc Liszt Ferenc, Dàn nhạc Giao hưởng Budapest...) Như lời thổ lộ của trưởng đoàn Nguyễn Thế Thanh, các nhà quản lý âm nhạc TP HCM (*) đánh giá cao Hungary trên cương vị một cường quốc âm nhạc, không chỉ vì những tên tuổi lừng lẫy của các đại nhạc sư Liszt Ferenc, Bartók Béla, Kodály Zoltán..., mà còn vì Hungary là quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đào tạo và phổ cập âm nhạc cho đại chúng.

Như đã thông báo, ngoài buổi biểu diễn cho các bạn Hungary trong khuôn khổ festival "Chia tay Budapest" (**), Đoàn Nghệ thuật TP HCM sẽ có một chương trình đặc biệt cho cộng đồng Việt Nam tại Hungary: Đêm nhạc "Việt Nam quê hương tôi" tại Trung tâm Văn hóa Quân đội Stefánia, Budapest. Đối với bà con Việt Nam sinh sống tại Hung, đây là một dịp hiếm hoi để có thể thưởng thức những giọng ca, nhóm nhạc đã "thành danh", ít nhiều đã trở thành "thương hiệu" trong thể loại của họ: NSƯT Tạ Minh Tâm, ca sĩ Tùng Dương, nhóm nhạc "Năm Dòng Kẻ" (Hồng Ngọc, Thùy Linh, Bảo Lan, Lan Hương), nhạc sĩ Việt Anh, diễn viên múa Tạ Thùy Chi, nghệ sĩ trình diễn nhạc cụ dân tộc Hoàng Anh. Nhiều thành viên của Đoàn đã từng lưu diễn không ít nơi trên thế giới, và gặt hái được những thành công, những sự mến mộ của khán, thính giả.

Trong buổi gặp mặt Đoàn, tổ chức tại Trung Tâm Thăng Long tối 23-6, đại sứ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu rằng ông rất cảm động khi được thưởng thức những giọng ca, điệu nhạc từ các nghệ sĩ mà ông vốn hâm mộ, và cám ơn Đoàn đã đã vượt "nghìn trùng xa cách" để đến với bà con Việt Nam ở xứ sở bên bờ sông Danube. Cần nói thêm rằng, để có được Đêm nhạc "Việt Nam quê hương tôi" trong một thời gian chuẩn bị rất gấp gáp, còn phải kể đến những nỗ lực lớn của Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, cùng sự hỗ trợ quý báu và tận tình của ĐSQ Việt Nam, Sở Ngoại vụ Thành phố Budapest và nhiều thành viên tích cực trong cộng đồng Việt tại Hungary.

Ngay trong chiều 23-6, dù chỉ trong vài giờ ngắn ngủi "cưỡi ngựa xem hoa", các thành viên Đoàn Nghệ thuật TP HCM đã có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thủ đô Budapest tại một vài địa danh nổi tiếng của thủ đô Cộng hòa Hungary như Quảng trường Anh Hùng, Thành Vár (Hoàng Thành Buda) và Núi Gellért. Sau đây là chùm ảnh của NCTG về những niềm vui đời thường của các ca, nghệ sĩ trong chuyến du ngoạn đầu tiên tại Budapest:

(*) Trong số đó, nhạc sĩ Võ Văn Tín (giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc, Vũ, Kịch), nhạc sĩ Nguyễn Hữu Phần (giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Bông Sen), ông Phạm Quốc Hùng (giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và đạo diễn Võ Trọng Nam (trưởng Phòng Quản lý Nghệ thuật Sở Văn hóa Thông tin TP HCM) có mặt trong thành phần Đoàn.

(**) Bắt đầu vào hồi 17 giờ 31 phút chiều thứ Bảy 28-6-2008 tại chân Cầu Xích, phía bên Pest.

Bài và ảnh: H.Linh


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn