Đạo diễn Đặng Nhật Minh (ngoài cùng, bên trái) cùng Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng và Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary Lê Hữu Thủy trong buổi chiếu “Đừng đốt” tại Trung Tâm Thăng Long (Budapest, tối 30-4-2010)
Thấy vừa bi vừa hùng. Bi vì cái nỗi đau mất mát của chiến tranh. Hùng vì con người ta thời đó vượt qua bao mất mát đó mà không chùn bước. Mà cái bi hùng đấy không có gì dàn dựng, đó chính là cuộc đời thực một thời của một Đặng Thùy Trâm có thật, của một bệnh xá dã chiến Đức Phổ đã chạy chữa cho bao chiến binh, chắc có người còn sống đến bây giờ.
Thế cho nên khi biết tin phim “Đừng đốt” dựa trên cuốn nhật ký đó sẽ được chiếu ở đây, tôi rất chờ đợi.
Tôi tới xem buổi chiếu cho cộng đồng Việt Nam ở Budapest trong Trung Tâm Thăng Long. Trước buổi chiếu có giao lưu với Đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông nói chuyện rất hay, bật mí một số thông tin về việc làm phim này.
Chẳng hạn, ông cho biết ông đã chọn diễn viên chính đóng vai Đặng Thùy Trâm theo mấy tiêu chí sau: 1) chưa từng đóng phim nào, để người xem không có liên tưởng đến các vai diễn trước. 2) nhưng phải có kinh nghiệm diễn xuất phần nào. 3) khuôn mặt tự nhiên, không được “chỉnh sửa” qua thẩm mỹ viện.
Giao lưu với đạo diễn Đặng Nhật Minh
Tôi có hỏi ông là cả hai phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” và “Đừng đốt” đều nói về đề tài chiến tranh, nhưng ra đời cách nhau hơn 20 năm, hoàn cảnh xã hội khác đi, cách nhìn nhận về cuộc chiến tranh chắc cũng có phần thay đổi theo thời gian, bây giờ thế hệ sau chiến tranh đã lớn lên, các yếu tố ngoại cảnh như vậy làm cho cách tiếp cận đề tài chiến tranh trong hai phim khác nhau, giống nhau như thế nào.
Rất thích câu trả lời của ông, rằng cái ông chú trọng nhất là tính nhân đạo, tình người trong chiến tranh và cái đó ít có thay đổi.
Một chi tiết thú vị nữa là bây giờ tôi mới biết là Đạo diễn Đặng Nhật Minh có con gái học ở Hungary (dưới tôi mấy năm) và hiện đang sống ở Budapest. Con gái giúp bố tìm người làm phần âm nhạc cho phim. Thế là nhạc phim do hai nhạc sĩ trẻ người Hung làm, mặc dù trước đó họ chưa biết gì về Việt Nam nhưng phần nhạc phim rất hợp, tăng sức biểu cảm của bộ phim lên nhiều.
Cử tọa tại buổi chiếu
Và quả thực bộ phim có sức rung động lớn với tôi (có lẽ số đông khán giả cũng vậy). Đạo diễn Đặng Nhật Minh chú trọng đến cái tình người trong chiến tranh, tình mẹ con, tình đồng đội, tình thương, tình yêu. Vì thế mà cuộc chiến tàn khốc mà lên phim không đen tối nghẹt thở. Cái tình người ấy xuyên suốt bộ phim rung động lòng người. Cuộc phiêu lưu huyền thoại của cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm là hiện thân của cái tình người ấy, xuyên suốt theo thời gian mấy chục năm, qua giới tuyến bạn thù, qua không gian nửa vòng trái đất để trở về.
Thế đấy, cuộc đời là nhà biên kịch lớn nhất. “Nếu cuốn nhật ký này về được đến gia đình cô, thì đây là một câu chuyện cổ tích thần kỳ”. Và điều đó đã xảy ra.
Bộ phim đem lại niềm tin vào tình người. Chiến tranh đã qua, tình người còn lại.
Bài: Phan Anh Sơn - Ảnh: Trần Lê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn