ĐỒNG BÀO TA Ở HUNGARY

Thứ sáu - 06/01/2006 22:24

Bài viết của học giả, nhà văn hóa Hữu Ngọc về NCTG và cộng đồng Việt Nam tại Hungary, đã đăng trên báo “Sức khỏe & Đời sống”.

Học giả Hữu Ngọc - Ảnh: Vân Thư, từ Hà Nội

Học giả Hữu Ngọc - Ảnh: Vân Thư, từ Hà Nội

 

Đồng bào ta ở nước ngoài có khoảng 3 triệu người, ở khoảng 90 nước, gần một nửa hiện ở Mỹ. 98% tổng số sống tập trung trong 5 khu vực chính: Tây - Bắc Âu, Bắc Mỹ, Đông Dương (Campuchea, Lào) - Đông Bắc Á, châu Úc, Nga và Đông Âu.

 

Cộng đồng người Việt ở Hungary có khoảng 4.000 người. Đây là một cộng đồng tương đối trẻ so với các cộng đồng người Việt ở nước ngoài khác. Cộng đồng manh nha từ cuối những năm 80, bao gồm lưu học sinh, nghiên cứu sinh, thực tập sinh và lao động ở lại, thân nhân của họ ở lại, những người từ Việt Nam hoặc từ nước thứ ba sang làm ăn buôn bán sau này. Chủ yếu họ tập trung ở thủ đô Budapest. Hiện có khoảng 200 người có trình độ từ đại học trở lên. Một số có chuyên môn giỏi về toán, lý, kinh tế, y học, tin học, dược... làm việc cho Nhà nước hoặc các xí nghiệp. Đa số làm thương mại, buôn bán nhỏ, một số có doanh nghiệp khá lớn.

Tình cờ tôi được đọc dăm số tuần báo “Nhịp cầu Thế giới” (NCTG) ra đã được 5 năm ở Hungary. Qua đó, có thể biết đôi điều về tư duy và sinh hoạt của đồng bào ta tại một nước cổ kính bên bờ “sông Đanuýp xanh”. Thể tài của tờ tuần báo là tin tức và văn hóa với mục đích làm một “nhịp cầu thế giới”.

Trước hết, thông tin về những gì mà người Việt ở Hungary cần biết: Những điều cần biết cho đời thường như: bằng lái xe, có thể có hai hộ chiếu Việt Nam và Hung, vấn đề gia hạn hộ chiếu, mang tiền mặt vào Việt Nam, bán nhà ở Hung, dịch vụ môi giới bất động sản, các quảng cáo cửa hàng và quán ăn...

 

Tin về xã hội và chính trị Hung cũng rất quan trọng đối với kiều bào đã hòa nhập vào nhân dân Hung: Cuộc đấu khẩu giữa đương kim thủ tướng và cựu thủ tướng tranh cử, người hưu trí Hung, trồng dưa hấu thất bại vì thời tiết, báo động cấp ba vì nóng, ban nhạc huyền thoại “Illés”... Sự kiện lớn nhất, ảnh hưởng cả Việt lẫn Hung, là sau 33 năm, người đứng đầu Chính phủ Hungary (Thủ tướng Gyurcsány Ferenc) sang thăm Việt Nam (tháng 7-2005). Sau cuộc chiến chống Mỹ, quân nhân Hung đã có mặt trong Ủy ban Kiểm tra Quốc tế. Giờ đây, Hung sẽ có những chương trình đại quy mô tham gia hiện đại hóa kinh tế Việt Nam, cung cấp tín dụng, nhận bảo đảm những mạo hiểm trong đầu tư. Hai bên đã ký nhiều quyết định quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong điều kiện Hungary mới gia nhập EU và Việt Nam đang hội nhập mạnh vào quốc tế. Hung tăng 2,5 lần viện trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam, cấp tín dụng ưu đãi 35 triệu USD cho Dự án Nhiệt điện An Hòa (Quảng Nam).

Một sự kiện quan trọng nữa vào tháng 10-2004 là kỷ niệm long trọng Cách mạng Tháng Mười 1956 vì độc lập và dân chủ. Tuy thất bại, nó đã là tiền đề cho Cách mạng Dân chủ năm 1989 và sự ra đời của Hungary ngày nay. Ông Nagy Imre, thủ tướng bị sát hại vào thời Cách mạng 1956 trở thành nhân vật tiêu biểu của nước Hung hiện đại.

Tuần báo NCTG phản ánh sinh hoạt người Việt ở Hung trong những “Trang cộng đồng”, thí dụ “Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Hung”. Có điều dễ nhận xét là bà con rất thích thể thao. Có nhiều trang dành cho Hội thao mùa Thu 2005, nổi nhất là Giải bóng đá Cộng đồng 2005. Bà con cùng gắn bó với Việt kiều trên thế giới trong mục “Người Việt muôn phương” (có bài về Việt kiều ở Mỹ, ở Ba Lan...) Dĩ nhiên, có nhiều tin về quốc tế để xứng với tên “Nhịp cầu Thế giới”. Cảm động nhất là những bài ở mục dành cho quê hương, đặc biệt mục “Văn nghệ”. Một số, thường trích ở báo chí tại Hà Nội, phản ánh khách quan cả mặt tích cực lẫn tiêu cực để bà con biết đời sống ở nước nhà. Báo cũng nêu những cố gắng của bà con hướng về đất nước (mở lớp dạy tiếng Việt, quỹ cứu tế...)

Hẳn không ít bà con ở Hung cũng có tâm trạng như GS.TS. Y khoa Nguyễn Văn Tuấn, nhà khoa học quốc tế tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan: “Tôi ra khỏi quê hương không phải để tìm cái quên hay sự chối bỏ quê hương. Ở trong tôi, luôn tồn tại một cảm giác nhớ nhung day dứt, dằn vặt... Mà thực ra, con người nào chả thế, con người chẳng qua chỉ là một chủ thể luôn phải gắn mình với một nơi chốn nào đó, luôn phải chứng kiến sự hiện hữu của mình bằng một sự gắn bó với một địa điểm cụ thể... Sự gắn bó đó chỉ có thể tạo dựng cái gọi là nỗi nhớ. Các nơi chốn cụ thể kia có thể gọi bằng hai tiếng quê nhà” (NCTG số 171, ra ngày 15-7-2005). (*)

(*) Bài viết GS.TS. Nguyễn Văn Tuấn: “Phía bên kia” là quê hương tôi!” của ký giả Tố Phương.

Hữu Ngọc, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn