CHÚNG TA SẼ RA SAO, SAU THỬ THÁCH NÀY?

Chủ nhật - 29/03/2020 21:43

(NCTG) “Phải làm mọi cách để mạnh mẽ và lạc quan hơn, như những người Ý. Và để thấy thế giới gắn kết hơn sau hoạn nạn, chứ không phải ngược lại”.

“Rồi tất cả sẽ ổn thôi” trên một ngôi nhà cũ tại Venice

“Rồi tất cả sẽ ổn thôi” trên một ngôi nhà cũ tại Venice

We are the world,
When we heed a certain call
When the world must come together as one… (1)


Con người thật nhỏ bé, giữa bóng đen đại dịch phủ đầy...

Tối qua, sau ba ngày nhen nhóm hy vọng, tưởng chừng đã qua đỉnh dịch, chuỗi ngày tang tóc, nước Ý lại ghi dấu một ngày kỷ lục khi đạt ngưỡng 1.000 ca tử vong trong 24h! Điều tệ hại nhất chính là sự suy sụp khi một chút ánh sáng cuối đường hầm bộng vụt tắt.

Cũng chính hôm qua, ấn tượng mạnh trong tâm trí tôi một hình ảnh buồn sẽ đi vào lịch sử: Đức Giáo hoàng François, lẻ loi, cử hành lễ cầu nguyện Toàn xá, giữa Quảng trường St Pierre rộng lớn không một bóng người. Cái chấm trắng nhỏ lặng lẽ đi giữa bóng chiều muộn, dưới làn mưa nặng hạt.

Lần đầu tiên người ta thấy khung cảnh này, từ sau Thế chiến thứ hai.

Con người mới thật bé nhỏ làm sao, giữa cơn lốc xoáy đang tràn qua hành tinh này. Chẳng quốc gia nào thoát khỏi sự tàn phá của nó, bất kể giàu nghèo. Khi đang viết những dòng này, mặt trời chói lòa mắt tôi, nhưng “bóng tối dày đặc” như lời đức Giáo Hoàng nói, phủ đầy tâm trí.

Tôi là thế hệ không phải trải qua chiến tranh, đói khổ, hay vì vậy mà quá yếu ớt, nhạy cảm trước thử thách cuộc đời này?

Bi kịch như không chừa đất nước nào…

Còn nhớ thứ Sáu ngày 13 tuần trước, 3 ngày trước lệnh phong tỏa toàn bộ nước Pháp, tôi nán lại đêm muộn để xem một phóng sự quay cuộc sống thường nhật của một thành phố nhỏ, nơi tâm dịch bùng phát tại vùng Lombardie của Ý.

Trước đó, tôi có nghe về dịch bệnh ở Vũ Hán, hay đọc tin ở mạng xã hội Việt Nam, nhưng dường như câu chuyện khá xa xôi. Như tất cả mọi người xung quanh, đại dịch này chẳng bao giờ lan đến tận Châu Âu. Ngay cả khi tình hình xấu dần đi tại Ý, người ta cũng vẫn không tin rằng một kịch bản như vậy có thể xảy ra tại Pháp, nơi hệ thống y tế có vẻ như vững chắc và được tổ chức tốt hơn.

Hoặc ít ra, người ta đã làm cho chúng tôi ảo tưởng như thế.

Tối đó, lần đầu rõ nét trong tôi khái niệm đại dịch và tình trạng cách ly, cuối cùng đã đến mảnh đất hình lục lăng. Tôi nhìn phóng sự Ý, mà hình dung tương lai những ngày sắp tới của chính mình.

Thú thực tôi có chút sợ hãi. Không thể tin nổi một thành phố như không có sự sống, hiếm hoi có bóng người rảo bước, trong một sự im lặng bao phủ nặng nề và đầy lo âu. Không khí này tuy vậy không quá mới mẻ, người ta có thể thấy trong những bộ phim thảm hoạ Mỹ. Nhưng ngày mai, liệu cuộc sống của tôi có diễn ra như vậy?

Một trò đùa ư?

Nhưng không...

Từ đó, hàng ngày, người ta ghi hình lại quang cảnh chưa từng thấy: những thành phố lớn tầm cỡ thế giới vắng lặng, từ Milan đến Paris, London rồi giờ là New York, Los Angeles, v. v... Ai có thể hình dung sống một khoảng khắc hiếm có như vậy, ngoài những người viết kịch bản phim?

Những rạn vỡ, xấu xí bởi nỗi sợ, huỷ diệt hơn bệnh tật…

Dù đang sống tại Pháp nơi tình trạng ngày càng trầm trọng, nhưng những hình ảnh gây xúc động mạnh nhất trong tôi lại đến từ nước Ý. Như hình ảnh phòng cấp cứu la liệt bệnh nhân chạy máy trợ thở, người y tá không giấu được xúc động “từ đầu đợt dịch, chúng tôi đã đón nhiều bệnh nhân nặng, nhưng chưa một ai sống sót ra khỏi đây, giá mà chỉ một người thôi, sẽ cổ vũ chúng tôi biết bao”.

Hay như hình ảnh những chiếc quan tài xếp hàng, thế chỗ những băng ghế nhà thờ. Những đoàn xe tải nối đuôi nhau dẫn vào nghĩa trang.

Người ta không nói đến quá tải bệnh viên, mà là quá tải nghĩa trang!

Và trước cửa nghĩa trang, hiếm hoi một hai người thân đi cạnh quan tài, nhưng cũng phải dừng bước một khoảng xa. Đoạn đường cuối cùng đưa người xấu số vào nghĩa trang, hay phút giây cuối thân xác còn vẹn nguyên trên thế giới tươi đẹp này, sao cô đơn đến vậy! Nếu là tôi, hay những người thân, liệu có thể yên nghỉ?
 
Đức Thánh Cha Phanxicô một mình trên Quảng trường Thánh Phêrô: “Từ những hàng cột này như vòng tay ôm lấy thành Roma và thế giới, ước gì phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên anh chị em như một vòng tay an ủi”
Đức Thánh Cha Phanxicô một mình trên Quảng trường Thánh Phêrô: “Từ những hàng cột này như vòng tay ôm lấy thành Roma và thế giới, ước gì phúc lành của Thiên Chúa đổ xuống trên anh chị em như một vòng tay an ủi”

Nhưng còn hơn thế, tôi cũng nhìn thấy những rạn vỡ, những dối trá, đạo đức giả.

Nỗi thất vọng trong tôi còn lớn hơn cả nỗi sợ, Thành thực mà nói, tôi không quá sợ loài virus vô hình, tôi sợ nhìn thấy loài người lộ bộ mặt độc ác, ích kỷ, kỳ thị, khi nhìn thấy khối liên minh rạn nứt, lộ rõ thân ai nấy lo, thậm chí bất chấp sự sống còn của đồng minh.

Sự sợ hãi, còn co sức mạnh hủy hoại lớn mạnh hơn loài virus?

Tấm gương những người bạn Ý - nhân loại lẽ nào có thể buông tay?

Lòng tôi phủ một màu u ám.

Nhưng chính cô bạn người Ý nhắn trả lời tôi “tớ và gia đình ổn cả, không ai có thể tự cứu một mình, chúng ta cần phải làm cùng nhau, hy vọng tất cả câu chuyện này sẽ mang đến một tư duy khác cho toàn thế giới”.

Những lời cô nói còn động viên ngược lại chính tôi. Một lần nữa, người Ý lại cho chúng ta thấy họ mạnh mẽ hơn trong hoạn nạn.

Cũng ở Ý, những hình ảnh đẹp đầy hy vọng, như những nhạc sĩ hẹn nhau hát bên ban-công, hay ngay từ những ngày đầu phong tỏa, những dòng chữ với những trái tim, cầu vồng xinh xắn động viên nhau “Rồi tất cả sẽ ổn thôi” (Andra tutto bene) dán trên cửa kính, buộc trên thân cây, đơn giản nhưng ấm lòng biết bao. Sự tương trợ, kết nối, lạc quan, cũng xuất phát chính từ tâm bão này, để rồi người dân các nước khác cùng theo bước người Ý, nhân lên những nghĩa cử đẹp đẽ, đoàn kết ấy.

Để rồi người Đức, Thụy Sĩ, Luxembourg cứu chữa những bệnh nhân Ý, Pháp.

Để rồi những người Trung Quốc mang y cụ, bác sĩ đến hỗ trợ nước Ý.

Hay như sáng Chủ nhật này, tại Pháp, khi đoàn tàu cao tốc TGV thứ hai chở gần 50 bệnh nhân nặng về các bệnh viện phía Tây, thì một đoàn tàu ngược hướng, đưa đoàn bác sĩ tình nguyện từ vùng phía Nam lên hỗ trợ các đồng nghiệp vùng Đông Bắc.

Tôi thấy mình phải làm mọi cách để mạnh mẽ và lạc quan hơn, như những người Ý.

Và để thấy thế giới gắn kết hơn sau hoạn nạn, chứ không phải ngược lại.

Có quá là mơ ước viển vông không? Nhưng tại sao không?

You may say I'm a dreamer
But I'm not the only one
I hope some day you'll join us
And the world will be as one.
(2)

Ghi chú:

(1), (2): Lời các ca khúc “We are The World” (Michael Jackson & Lionel Richie) và “Imagine” (John Lennon).

Bùi Uyên, từ Paris


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn