Trò chuyện với một giáo viên trông thi đại học: “CHẠY TRƯỜNG, CHẠY GIÁM THỊ, CHUYỆN… AI MÀ CHẢ BIẾT” (?)

Thứ tư - 10/07/2013 01:34

(NCTG) “Những năm trước, nghe kể chuyện bạn bè hay họ hàng xa gần phải chạy trường cho con cháu tốn kém vài trăm triệu, mình nửa tin nửa ngờ. Năm nay, lần đầu tiên mình biết đó là sự thật, có người phát giá hẳn hoi” – chia sẻ của một giáo viên nhiều năm tham gia công tác giám thị, trông thi.


Các thí sinh trong mùa tuyển sinh 2013 - Ảnh: Hoàng Hà (vnexpress.net)


LTS: Bài báo “Tài liệu” đăng trên NCTG, nội dung phản ánh sự tồn tại của một đường dây tự quảng cáo là có khả năng “chạy giám thị” trong mùa thi năm nay, đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, tranh luận sôi nổi.

Một số ý kiến cho rằng, khả năng “chạy giám thị” như vậy là rất nhỏ vì cơ chế coi thi rất chặt chẽ và nghiêm ngặt, thêm nữa, do quy chế tuyển sinh hiện tại cho phép rất nhiều sinh viên vào đại học, nên không cần phải “chạy” làm gì.

Nhằm “rộng đường dư luận” và cũng để bạn đọc có thêm thông tin tham khảo, NCTG đã có cuộc trao đổi với một thân hữu (tên và địa chỉ ở TS báo), từng tham gia công việc giám thị, trông thi đại học trong nhiều năm nay.


Vô tình lọt vào đường dây…
 
Được biết chị có theo dõi cuộc tranh luận xung quanh một bài viết về đường dây “chạy giám thị” trên báo NCTG. Theo chị, câu chuyện trong bài báo có thể là xác thực hay không?
 
Mình có đọc bài viết, thấy quá buồn cười về sự ngây thơ (?) của một số người tham gia tranh luận. Chuyện “chạy giám thị”, chạy trường theo mình là khá phổ biến chứ không phải là hi hữu đâu.
 
Sao chị dám khẳng định đó là chuyện phổ biến?
 
Xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân. Năm nào mình cũng làm giám thị trông thi, hai năm liền, có lẽ mình còn ở trong một đường dây “chạy giám thị”, chạy trường mà không biết.
 
Chuyện đầu đuôi thế nào?
 
Mình có quen một anh là cán bộ giảng viên cỡ lãnh đạo của một trường đại học. Bỗng nhiên anh ta điện thoại hỏi mình có trông thi đại học ở cụm X, nơi anh ta sẽ làm cụm trưởng hay không. Mình nói có.
 
Anh ta tiếp, “em có thể kiếm cho anh thêm hai cô bạn nữa kín đáo như em ấy, để anh nhờ tí việc được không… anh có con bé cháu thi năm nay, muốn nhờ các cô giúp”. Tất nhiên là mình đồng ý vì thực tình nghĩ đấy là cháu anh ta.
 
Thế là vào đường dây à?
 
Không, mình đâu biết đó là đường dây. Nghĩ anh ấy là bạn bè, đồng nghiệp, người ta nhờ giúp cho con cháu không lẽ từ chối, biết đâu sẽ có lúc mình phải nhờ lại giúp cho con cháu mình thì sao.
 
Nghe nói giám thị phải bốc thăm vào phòng thi, làm sao chị bốc trúng cái thăm để vào đúng phòng có đối tượng cần giúp?
 
Thế này nhé, anh ta là cụm trưởng khu vực trông thi đó, và là người có trách nhiệm gọi giáo viên lên bốc thăm. Mình được dặn là sẽ được gọi lên cuối cùng để bốc cái thăm cuối cùng có số phòng thi có cháu anh ấy.
 
Làm sao người ta để lại được đúng cái thăm đó nhỉ?
 
(Cười) Cứ như ảo thuật ấy. Chỉ biết là mình được gọi lên sau cùng và bốc đúng cái thăm có số phòng cần vào thật.
 
Còn giám thị số hai nữa chứ?
 
Giám thị số hai là người mình không hề quen. Có lẽ cô ấy cũng được “cài cắm” vào phòng đó theo một cách nào đó, chỉ có cụm trưởng và cô ấy mới biết.
 
OK, rồi, giám thị hành lang chắc hẳn cũng được rỉ tai nhờ vả như vậy phải không?
 
Tất nhiên, mình phải yên trí là giám thị hành lang đã nhận lời giúp rồi thì mới dám giúp chứ. Thí sinh đó được cho ngồi chỗ kín đáo nhất để khi em ấy chép bài không một thí sinh nào trong phòng biết.
 
Đến lần thi Anh văn, anh bạn lại dặn, phải ghi số báo danh thế nào đó để cho đối tượng cần được giúp ngồi cạnh một thí sinh rất giỏi Anh văn. Hai em đó ngồi cùng bàn mà vẫn được làm chung một đề.
 
Mình làm y lời dặn. Em giỏi, chắc hẳn cũng được tìm ra và bố trí trước, cứ việc cho em kia chép bài thoải mái.
 
Giúp thế có thù lao bồi dưỡng nhiều không?
 
Cuối ngày thứ ba, anh bạn kín đáo đưa cho mình một cái phong bì và nói bố mẹ cháu gửi lời cảm ơn, ba đứa hồi hộp mở ra, có một triệu. Mình chia cho hai cô kia mỗi người ba trăm, còn mình bốn trăm. Cả ba cười sung sướng, vừa giúp được bạn bè “cứu” được đứa cháu, lại vừa có tiền bồi dưỡng.
 
Không ngờ năm thứ hai cũng thế. Anh bạn lại gửi gắm một thí sinh họ hàng khác. Bọn mình vẫn giúp y như năm trước, xong xuôi đâu đấy, lúc chia nhau tiền bồi dưỡng, một cô bạn bỗng nhiên thì thầm:
 
Hình như lão ấy có đường dây đấy chứ không phải cháu chắt gì đâu, cháu gì mà lắm cháu thế. Nghe nói mỗi trường hợp lão ấy thu dăm chục triệu đấy, mà các lão ăn lắm thế, cho bọn mình tí tẹo”.
 
Nghĩ thế nên năm thứ ba, khi anh ta nhờ tiếp, mình nói nửa đùa nửa thật, “em biết rồi, không phải cháu anh đâu nhé”. Và mình từ chối thẳng thừng. Việc nguy hiểm mà được bồi dưỡng có vài trăm bạc, chẳng bõ liều. Nghĩ là cháu anh ta thì giúp chứ.
 
Thế còn tài liệu cho thí sinh thì sao? Ai cung cấp? Làm sao mà mang được cả đống tài liệu vào phòng thi như thế?
 

Anh ta là người trong tổ ra đề, anh ta có tài liệu đưa cho học sinh, anh ta là người trông coi việc rọc phách, chấm thi, anh ta làm cái gì muốn giúp ai chẳng được. Còn tài liệu, thí sinh có cách photo tài tình lắm, cuốn nó lại thành bé tí, nhét đầy túi áo túi quần. Có em mùa hè mà mặc rõ lắm áo có túi, biết ngay là có tài liệu.
 
Theo chị thì họ cần bao nhiêu người trong đường dây này?
 
Mình chỉ phỏng đoán thôi nhé. Chắc khoảng trên dưới chục người. Hai giám thị số một và số hai. Rồi giám thị hành lang. Cụm trưởng, cụm phó, rồi thư ký, rồi thanh tra... nói chung là rất tinh vi, cái việc chạy trường ấy, đủ kiểu, bằng các tín hiệu bí mật như hoạt động gián điệp ấy.

Nhưng rõ ràng là nó chỉ làm được khi có cả một ê kíp thực hiện. Có lẽ chỉ có vài người chủ chốt thôi, còn những người khác, cũng như mình, cứ đinh ninh là giúp đỡ đồng nghiệp.
 
Đường dây 17 ngàn đô
 
Chị có biết chắc chắn giá của một trường nào đó, một trường hợp cụ thể nào đó, hay tất cả chỉ là nghe tin đồn rồi phỏng đoán?
 
Chuyện kể trên xảy ra lâu rồi, hồi ấy giá vào trường đó chắc chỉ vài chục triệu, còn chuyện mới tinh vừa năm nay nhé, người ta ra giá là 17 ngàn đô để vào một cái trường loại trung bình giữa thủ đô.
 
Ai là người ra giá? Ai là người nhờ vả?
 
Mình đang đi nghỉ hè thì có một cô bạn điện thoại nhờ tìm đường dây chạy trường. Mình nhớ ra trong đám người quen có một anh, hình như một lần anh ta có nói rằng anh ta có thể lo cho vào bất kỳ trường nào.
 
Mình bèn điện thoại cho anh ta hỏi có cô bạn rất thân muốn tìm đường dây chạy cho chính con trai vào trường ấy. Anh ta nói: “Hình như em quen hiệu trưởng sao không nhờ. Cận ngày thế này mà giờ mới nhờ à, để anh hỏi lại thông tin xem họ có lo được không”.
 
Mình bảo: “Đúng là quen hiệu trưởng thật, nhưng hỏi hiệu trưởng đời nào anh ấy nói giá bao nhiêu. Anh cứ hỏi đường dây anh biết giá bao nhiêu xem bạn em có lo được không”. Nửa tiếng sau anh ta gọi lại bảo, “OK, bảo bạn em lo tiền đi. 15 ngàn đô”.
 
Mình bảo, chắc chắn thế nhé, rồi đùa, “thế có của em chưa nhỉ?”. Anh ta trả lời, để hỏi lại. Mình gạt đi, “thôi, không cần đâu, để em nói với bạn em giá đó nhé?”. Anh ta bảo, từ từ đã, để gọi lại hỏi cho chắc chắn khỏi nói đi nói lại. Mình lại chờ.
 
Giá cuối cùng là 17 ngàn đô. Mình điện ngay cho cô bạn, cô ấy giãy nảy lên kêu chát quá. Với số tiền ấy thà cô để chạy việc cho con còn hơn.
 
Nếu cô bạn chị đồng ý thì sao?
 
Đấy, nếu cô bạn đồng ý, sẽ phải nộp nửa tiền trước, thí sinh chỉ việc vào phòng thi ngồi rung đùi, và đỗ! Việc họ làm thế nào đó cho thí sinh đỗ, mình chỉ biết khâu “chạy giám thị” như mình kể, còn những khâu khác nữa, khâu chấm điểm, khâu rọc phách, khâu ghép phách rồi khâu vào điểm nữa chứ...
 
Đỗ rồi thì sẽ trả nốt. Cho nên cái việc “chạy giám thị”, mua tài liệu ba chục triệu, gồm những bộ đề thi, rồi khi nào đỗ trả nốt hai trăm triệu là hoàn toàn tin được.
 
Những năm trước, nghe kể chuyện bạn bè hay họ hàng xa gần phải chạy trường cho con cháu tốn kém vài trăm triệu, mình nửa tin nửa ngờ. Năm nay, lần đầu tiên mình biết đó là sự thật, có người phát giá hẳn hoi. Nếu việc này diễn ra, hiển nhiên mình là một mắt xích của đường dây chạy trường còn gì.
 
Vậy là có “chạy giám thị” thật nhỉ. Chị có cảm thấy áy náy vì đã giúp anh bạn đó...
 
Thực ra chỉ là chuyện đồng nghiệp hay bạn bè nhờ vả thì phải giúp nhau thôi. Coi chúng nó cũng như con cháu mình. Biết đâu có lúc mình lại cần đến họ. Chuyện giáo viên nhờ nhau làm học bạ đẹp cho con cháu hay người quen không phải là chuyện quá đặc biệt.
 
Chuyện chạy trường, “chạy giám thị” cũng vậy, đâu phải là chuyện hi hữu trong xã hội bây giờ, ai mà chẳng biết…

Lê Nguyễn thực hiện


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn