(NCTG) Những bức ảnh về các thành viên của nhóm quân sự Azov được chia sẻ rộng rãi với nỗ lực tuyên truyền rằng quân đội Ukraine đang “nhiễm tân phát-xít”. Tuy nhiên, Azov không phải là đại diện cho các lực lượng vũ trang của đất nước.
Binh sĩ Ukraine tại TP. Mariupol trong kỷ niệm 5 năm ngày thành phố được giải phóng khỏi quân ly khai thân Nga, ngày 15/6/2019 - Ảnh: Evgeniya Maksymova (AFP)
Bài phân tích trên nhật báo “Le Monde” (Pháp) trả lời câu hỏi những người lính thuộc Tiểu đoàn Azov - vốn bị Nga cáo buộc là “tân phát-xít” - của quân đội Ukraine là ai?
Một lập luận chính của những kẻ thân Nga bảo vệ cuộc chiến ở Ukraine là quân đội Kyiv bị những kẻ phát-xít mới xâm nhập.
Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin biện minh cho cuộc xâm lược của mình là vì mong muốn “giải trừ phát-xít” cho Ukraine, những tuần gần đây, người dùng Internet đã chia sẻ những bức ảnh của binh sĩ Ukraine được coi là chụp với biểu tượng của Quốc xã: đó là những bức ảnh của Tiểu đoàn Azov. Họ tuyên bố rằng bằng cách hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, các nước Phương Tây trang bị vũ trang cho những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Nguồn gốc của Tiểu đoàn Azov đang chiến đấu chống lại sự xâm lược của Nga tại một số thành phố của đất nước như thế nào? Mối liên hệ của nó với phần còn lại của Lực lượng Vũ trang Ukraine là gì? Có thể dán nhãn “tân Quốc xã” cho tất cả những người lính của lực lượng này không?
Nguyên thủy, đây là một đơn vị tình nguyện gồm những người theo tân Quốc xã tham gia chống lại các nhóm thân Nga ở Donbass. Khi chiến tranh nổ ra ở Donbass vào tháng 4/2014, quân đội Ukraine khi ấy không có tổ chức và chính phủ lo sợ sẽ mất quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này vào tay Nga, như trường hợp ở Crimea một tháng trước đó. Để chống lại phe ly khai thân Nga, chính phủ cho phép các đơn vị tình nguyện độc lập chiến đấu. Một số lực lượng vũ trang cực hữu xuất hiện.
Trong số đó, có một đơn vị mang tên “Quân đoàn đen”, lực lượng này nhanh chóng đổi tên thành “Tiểu đoàn Azov” để chỉ vùng biển giáp với Crimea và phía Đông Nam của Ukraine. Đây là một đơn vị gồm khoảng một trăm tình nguyện viên theo tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và tân Quốc xã, một số trong số này là những người đến từ “hooligan bán quân sự”, theo Adrien Nonjon, một nhà nghiên cứu tại Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Inalco), chuyên gia về cực hữu và chủ nghĩa dân tộc Ukraine.
Xuất thân từ Kharkiv, người sáng lập tiểu đoàn là Andriy Biletsky, người sau đó lãnh đạo Đảng Tập hợp Xã hội-Quốc gia (SNA) bài ngoại, bài Do Thái và phân biệt chủng tộc. Azov sử dụng cùng một biểu tượng lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Quốc xã như của SNA. Biểu tượng “sói móc” này gợi nhớ đến biểu tượng của Sư đoàn Thiết giáp SS số 2 “Das Reich” của Đức. Trong một thời gian, một biểu tượng khác mang sự thần bí của Quốc xã - một “mặt trời đen” đại diện cho một hình chữ vạn tròn với một số tia sáng cũng được kết hợp trên logo của tiểu đoàn.
Trên mạng Internet, có thể ghi lại các tham chiếu giả định về Đế chế thứ Ba của một số thành viên trong nhóm. Lực lượng hoạt động thân Nga thường xuyên chia sẻ một số bức ảnh với mục đích làm mất uy tín của quân đội Ukraine, chẳng hạn như bức ảnh - có từ ít nhất là năm 2017 – ghi hình một người đàn ông với khẩu Kalashnikov trên tay, đứng cùng lá cờ của Azov và lá cờ Quốc xã với hai màu xanh vàng của Ukraine. Một bức khác, có ít nhất là từ năm 2015 theo báo “Liberation”, cho thấy một nhóm nam giới mặc áo Azov đứng quanh bức chân dung của Adolf Hitler.
Vào tháng 6/2014, những người lính của Tiểu đoàn Azov đã tham gia vào cuộc chiến cho phép các lực lượng Ukraine giành lại quyền kiểm soát Mariupol, thành phố cảng lớn của Donetsk, ở phía Đông đất nước. Chiến thắng trước lực lượng ly khai thân Nga do Moscow hỗ trợ đã khiến họ trở thành những anh hùng trong mắt người dân Ukraine.
Sáp nhập Lực lượng Vệ binh Quốc gia kể từ tháng 11/2014
Thỏa thuận Minsk I vào tháng 9/2014 đặc biệt quy định về việc “rút khỏi lãnh thổ Ukraine các đội vũ trang và thiết bị quân sự bất hợp pháp, lính không chuyên và lính đánh thuê”.
Đơn vị quân sự Azov phải sự lựa chọn hoặc gia nhập Vệ binh Quốc gia Ukraine hoặc giải tán. Tháng 11/2014, Tiểu đoàn Azov chính thức trở thành một bộ phận của Lực lượng Vệ binh Quốc gia, dưới sự giám sát của Bộ Nội vụ Ukraine.
“Điều này cho phép họ hợp pháp hóa sự tồn tại, tuyển dụng rộng rãi hơn và có được vũ khí hiện đại. Azov đã trở thành một đơn vị tinh nhuệ của Vệ binh Quốc gia”, Adrien Nonjon nhớ lại.
Người Ukraine cảm thấy thuyết phục, các chiến binh nước ngoài (người Georgia, Nga, Belarus và thậm chí một số người Pháp) đã cùng tham gia hàng ngũ: từ một tiểu đoàn trên dưới một trăm người khi mới thành lập, Azov tăng lên gần 2.500 vào cuối năm 2017, theo một khảo sát của tạp chí Đức “Spiegel”.
Các binh sĩ của lực lượng Azov khét tiếng cứng rắn. Năm 2016, Liên Hiệp Quốc cũng như Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cáo buộc đội quân này đã gây một số tội ác chiến tranh (tra tấn, hãm hiếp) ở Donbass.
Nhiều tình nguyện viên tham gia Tiểu đoàn Azov không phải là các nhà hoạt động cực hữu. “[Việc] tham gia (…) chỉ là một cách để chiến đấu cho đất nước của họ theo cách mà họ cho là hiệu quả nhất” - Viatcheslav Likhachev, nhà sử học và chuyên gia về Khoa học Chính trị viết trong một ghi chép của Viện Quốc tế Pháp. “Tuy nhiên, tất cả các tân binh đều bị truyền bá những tư tưởng cực hữu, thường là bài ngoại”.
Đối với Michael Colborne, nhà nghiên cứu kiêm ký giả của trang điều tra Bellingcat, đồng thời là tác giả của cuốn sách tiếng Anh xuất bản năm 2022 về “Phong trào Azov”, chỉ một số ít binh lính của tiểu đoàn ngày nay mang những ý tưởng cực hữu hoặc tân phát-xít. Vào năm 2015, người phát ngôn của Tiểu đoàn, Andriy Diachenko, nói với trang web của nhật báo Mỹ “USA Today” rằng “chỉ 10% đến 20% thành viên của nhóm [là] theo Quốc xã”.
Nhóm thiểu số này tạo thành hạt nhân của Tiểu đoàn và tiếp tục các hành động khiêu khích hận thù chủng tộc, như gần đây khi họ đã bôi mỡ lợn lên viên đạn mà họ sẽ dành cho những người quân nhân Hồi giáo Chechnya đang giúp đỡ Nga.
Mặc dù vậy, “không phải lực lượng này có thể làm bất cứ điều gì họ muốn”, Michael Colborne chia sẻ. “Họ không độc lập và phải đáp ứng mệnh lệnh của nhà nước Ukraine”. Và theo Adrien Nonjon, “mục đích của việc hợp nhất lực lượng này vào đội Vệ binh Quốc gia chính là để ngăn chặn các tiểu đoàn này chống lại Nhà nước”.
Đảng cực hữu với các cựu chiến binh của Azov
Andrei Biletsky, người sáng lập Tiểu đoàn, vốn theo tư tưởng cổ vũ chủng tộc da trắng thượng đẳng, đã cố gắng khai thác sự nổi tiếng của Azov trên trường chính trị. Trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2014, ông ta đã giành được một ghế nghị sĩ.
Năm 2016, cùng với các cựu binh của Tiểu đoàn Azov, Andrei Biletsky thành lập đảng cực hữu Quân đoàn Quốc gia. Adrien Nonjon mô tả: “Đó là một phong trào cách mạng quốc gia cực hữu ủng hộ con đường thứ ba, tin rằng Ukraine không nên đứng về phía Á - Âu (Eurasia) hoặc [theo phía] Phương Tây. Ông đưa ra một chủ nghĩa dân tộc quân sự, theo đó chiến tranh là cách tốt nhất để quốc gia khẳng định mình”.
Trong bài báo năm 2016, nhà sử học Ukraine Vyacheslav Likhachev đã viết: “Azov là ví dụ rõ ràng nhất về việc hợp pháp hóa, thậm chí anh hùng hóa chủ nghĩa cực đoan trong các diễn ngôn công khai ở Ukraine”.
Vào năm 2017, các cảm tình viên của Quân đoàn Quốc gia và các cựu chiến binh của Tiểu đoàn Azov cũng đã thành lập một “lực lượng dân quân quốc gia”, để “chống lại tội phạm đường phố, buôn bán ma túy và say rượu nơi công cộng”, theo một bài báo của tờ “Guardian”.
Đảng cực hữu hầu như không tồn tại trong các cuộc bầu cử
Nhưng tất cả những nỗ lực nhằm biến sự nổi tiếng của Tiểu đoàn Azov thành những lá phiếu có vẻ như đã thất bại. Trong cuộc bầu cử lập pháp năm 2019, Andriy Biletsky mất ghế nghị sĩ. Liên minh giữa các đảng cực hữu dân tộc chủ nghĩa Svoboda, Right Sector và National Corps chỉ giành được 2% phiếu bầu.
Adrien Nonjon nói: “Azov đã phát triển quá nhanh nên chưa kịp xây dựng một cơ sở vững chắc. Quân đội dân tộc chủ nghĩa Ukraine đang cực kỳ chia rẽ và Quân đoàn Quốc gia đã không thể điều chỉnh chương trình của mình cho phù hợp với các vấn đề của người Ukraine. Vì mối đe dọa từ Nga, chúng ta cũng có thể coi rằng tất cả các bên Ukraine hiện nay đều theo chủ nghĩa dân tộc, vì mục tiêu bảo vệ tổ quốc của họ”.
Mặc dù đại diện của Azov đã thất bại trong các cuộc bầu cử, Michael Colborne chỉ ra rằng những người theo chủ nghĩa cực đoan như Andrei Biletsky đã thành công trong việc hòa nhập và trở thành một yếu tố bình thường trong đời sống chính trị Ukraine.
Với sự tự do trong phát ngôn và khả năng mở rộng các nhánh hoạt động của mình (quân sự, chính trị, v.v...), Azov rất nổi tiếng trong các phong trào cực hữu Phương Tây. Những người theo chủ nghĩa tân phát-xít Mỹ, Na Uy và thậm chí cả Pháp đã đến Ukraine để gặp gỡ các thành viên của mình.
Đại diện cho dưới 2% lực lượng vũ trang Ukraine
Rất khó để nói chính xác Tiểu đoàn Azov hiện có bao nhiêu người. Michael Colborne ước tính con số này là 2.000 trước chiến tranh với Nga. Adrien Nonjon thì đưa ra con số từ 3.000 đến 5.000 thành viên (kể cả lính dự bị).
Xung đột đang diễn ra khiến cho việc đánh giá trở nên khó khăn hơn nhiều do tuyển mộ ồ ạt. Ngoài ra, “nhà nước Ukraine và trung đoàn cố tình giữ những con số mơ hồ vì đó là thông tin quân sự mang tính chiến lược cao”, theo nhà nghiên cứu của Inalco.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng vào đầu năm nay, Ukraine có tổng cộng 196.000 quân và 60.000 vệ binh quốc gia. Do đó, Tiểu đoàn Azov chỉ chiếm không quá 2% lực lượng vũ trang của đất nước.
Khánh Hà chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp, từ Lyon
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...