Thơ József Attila: "CHỖ EM NẰM CŨNG LÀ VẠT GIƯỜNG ANH!"

Thứ tư - 14/02/2024 14:25

(NCTG) "Một trong những tác phẩm thi ca về tình yêu đẹp nhất của văn học thế giới" là lời mà chính tác giả - thi hào Jószef Attila, được xếp vào vào hàng những nhà thơ vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Hungary bên cạnh Petőfi Sándor, Ady Endre, Arany János, Juhász Gyula... - nói về "siêu phẩm" "Óda" (tạm dịch: "Ngợi ca Tình yêu") của ông.

Thi hào József Attila (1905-1937)

Thi hào József Attila (1905-1937)

Như đã biết, bài thơ được thi hào viết trong dịp tham gia Đại hội Nhà văn tháng 6/1933, và vô tình gặp nhà phê bình nghệ thuật ít được biết đến, bà Marton Márta, khi đó đang trong cảnh chia tay với chồng. Bà rất ít khi xuất hiện, không "giao lưu" với văn giới, tác phẩm không mấy ai hay, cũng không rõ bà tới kỳ đại hội này làm gì.

Nhưng chỉ trong vỏn vẹn 3-4 ngày, khi kỳ hội ngộ theo dự định sẽ diễn ra trong 1 tuần phải kết thúc vì cái chết bất ngờ của nhà tổ chức, đã đủ để József Attila cho ra đời "một "tiểu trường ca" kinh điển được đưa vào chương trình phổ thông, là đề tài của các kỳ thi tốt nghiệp, và là kiệt tác của sự biểu cảm, xuất phát từ thẳm sâu trái tim".
 
Khách sạn Palota (Lillafüred) năm 1935, nơi diễn ra Đại hội Nhà văn - Ảnh tư liệu
Khách sạn Palota (Lillafüred) năm 1935, nơi diễn ra Đại hội Nhà văn - Ảnh tư liệu

Chuyện kể rằng ít ngày sau khi Đại hội kết thúc, Marton Márta nhận được bản thảo bài thơ, từ chàng trai József Attila. Một Chủ nhật nọ, ông đích thân lên tư gia của bà ở Pest, bấm chuông trao tận tay bà. Theo lời thuật lại, Marton Márta đón tiếp nhà thơ nghèo khổ không mấy hào hứng, người đã tỏ tình và dọa tự vẫn nếu không được nhận lời.

Hậu thế hầu như không biết gì thêm về mối tình này, và điều có thể khiến chúng ta ngạc nhiên là người được nhận thi phẩm là một phụ nữ mà nhà thơ hầu như không quen biết, nhưng lại mang lại cho ông cảm xúc bùng nổ, khiến mỗi dòng châu ngọc của ông đều thể hiện sự khao khát yêu và được yêu, cho dù điều đó chỉ là mộng tưởng!
 
Bà Marton Márta, 'Nàng Thơ' của József Attila chỉ trong một dịp gặp mặt ngắn ngủi.
Bà Marton Márta, "Nàng Thơ" của József Attila chỉ trong một dịp gặp mặt ngắn ngủi.

Là bản tình ca duy nhất mà József Attila viết trong khoảng thời gian 10 năm giữa những mối tình - mà kết quả cũng không trọn vẹn, kéo theo nhiều đau khổ - với Vágó Márta và Flóra, "Óda" khiến độc giả không rõ là ông viết cụ thể cho ai, vì "Nàng Thơ" trong thi phẩm không gắn liền với một người phụ nữ cụ thể nào, theo giới phê bình.

Trong "Óda", xuất hiện mô-típ mẹ - con điển hình trong thơ József Attila, và tình yêu nam, nữ được đẩy lên tột độ: "Ta yêu em như trẻ thơ yêu mẹ - Như thú hoang yêu thích hang sâu - Như căn phòng yêu ánh sáng trời cao - Như tâm hồn yêu nhiệt tình lửa cháy - Như thân xác yêu nghỉ ngơi thư thái - Ta yêu em như người phút lâm chung...".
 
Tượng đài József Attila ở nơi ông đã thai nghén tuyệt phẩm 'Óda'
Tượng đài József Attila ở nơi ông đã thai nghén tuyệt phẩm "Óda"

Thi phẩm, về tổng thể, là một bài ca về tình yêu, ngợi ca một tình yêu vĩnh cửu thật ra chỉ có trong sự hình dung của thi sĩ, nhưng qua đó, ông trút được mọi cảm xúc chứa chất trong lòng để nói về cảm giác tuyệt vời nhất khi "đi qua đời nhau". Văn học Hung có nhiều tuyệt tác về tình yêu, nhưng khó có tác phẩm nào có thể so được với "Óda"!

Nhân 14/2, được xem là ngày hội của tình yêu nhưng trong thế giới tiêu dùng hiện tại không còn gì khác ngoài những màn tặng quà và khoe tặng quà trên mạng, xin giới thiệu bản dịch Việt ngữ thứ 4 của đại thi phẩm này của dịch giả Nguyễn Văn Trung, sau các bản chuyển ngữ của Trương Đăng Dung (trích dịch), Nguyễn Thụ và Vũ Ngọc Cân.
 
József Attila bên bờ Danube, cạnh Nhà Quốc hội Hungary
József Attila bên bờ Danube, cạnh Nhà Quốc hội Hungary

Chia sẻ về bản dịch được đánh giá là thành công này, dịch giả nói rằng dịch "Óda" "khá vất vả vì phải tìm hình ảnh ẩn dụ thay thế để phù hợp với tư duy người đọc Việt mà vẫn giữ được ẩn ý của tác giả", "nếu dịch quá trung thành với nguyên tác thì trong văn hóa Việt sẽ trở nên ngớ ngẩn, bởi vậy phải "Việt Nam hóa" theo cảm nhận của bản thân".

Là một cựu DHS tại Hungary và về nước từ lâu, Nguyễn Văn Trung đã nỗ lực dịch thơ của nhiều tác gia kinh điển Hungary, và coi đó là "để trả ơn những năm tháng (mà nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam) được nước Hung nuôi dưỡng và dạy dỗ nói chung", trong đó có cá nhân ông. Chân thành cám ơn dịch giả và trân trọng giới thiệu dịch phẩm!

(*) Theo người đương thời, thực sự không có chuyện gì xảy ra giữa nhà thơ và "Nàng Thơ", mặc dù vậy, bà Szántó Judit - "đối tác" vào thời điểm đó và "chính thất" sau này của József Attila - đã "thưởng" cho tác giả một cái tát chói tai sau khi tìm thấy trong túi áo khoác nhà thơ kiệt tác này và khen hay, nhưng nhận được một gáo nước lạnh vì câu nói "không phải anh viết cho em" của thi sĩ.
 
*

TÌNH CA


Bên vách đá nắng chớm hè lấp lánh,
Ta ngồi nghe làn gió thổi mơn man,
Ấm cúng như nghe mùi vị thân quen,
Của bữa tối bay lên trong chiều vắng.
Lòng đã quen đắm chìm trong tĩnh lặng.
Ta cúi đầu buông thõng đôi tay,
Rất nhẹ nhàng tụ tập về đây
Những ký ức đã chìm vào dĩ vãng.

Ta ngắm nhìn rặng cây trên đồi vắng,
Lá cây rừng lấp lánh bóng dáng em.
Trên con đường đồi núi vắng tanh,
Ta thấy tà váy em phấp phới
Theo nhịp bước em đi trong gió thổi.
Và ta nhìn dưới tán lá cây
Mái tóc em tơ liễu tung bay,
Thấy nhún nhảy khuôn ngực em mềm mại,
Dòng nước chảy đá cuội cười trong suối
Soi nụ cười em tươi rói trên môi. 


Ôi ta đã yêu em biết mấy, 
Em khích lệ ta bằng nỗi cô đơn
Dối gian trong mọi góc tâm hồn;
Rồi bỏ ta em ra đi lặng lẽ
Như thác nước bỏ bọt tung trắng xóa
Âm thầm trôi về phía chân trời xa,
Trong khi ta trên đỉnh bao la
Của đời ta và không thôi gào thét
Lời vang vọng giữa bầu trời mặt đất:
Ta yêu em, kẻ ghẻ lạnh đáng yêu!


Ta yêu em như trẻ thơ yêu mẹ,
Như thú hoang yêu thích hang sâu,
Như căn phòng yêu ánh sáng trời cao,
Như tâm hồn yêu nhiệt tình lửa cháy, 
Như thân xác yêu nghỉ ngơi thư thái,
Ta yêu em như người phút lâm chung
Yêu được sống thêm, yêu đến vô cùng.

Ta gìn giữ nụ cười, ánh mắt,
Như trái đất hút vào mình mọi vật.
Bằng bản năng ta khắc giữa trái tim,
Hình dáng thân thương xinh đẹp vô ngần,
Như cường toan khắc vào kim loại,
Ta sẽ đúc khuôn hình em vào đấy.
Những phút giây cứ tí tách qua đi,
Em ngồi yên lặng lẽ nhu mì.
Những vì sao lung linh lịm tắt,
Chỉ còn em vẫn ngồi đây trước mặt.
Vị ngọt tình yêu tan chảy trong ta,
Ly nước trong tay em chợt sáng lòa,
Những vân máu trên bàn tay lấp lánh.

4  
Ôi, tấm thân ta làm bằng gì thế,
Mà ánh mắt em gọt giũa hình hài?
Tâm hồn nào và ánh sáng nào đây,
Mà hình ảnh làm cho ta choáng ngợp,
Tấm thân em trong sương mờ vô thực
Làm sao ta vào được chốn thiên thai?

Như sa vào nơi bí hiểm của lời
Giải ý nghĩa trong câu thần chú!...

Huyết quản em như bụi hồng trong gió
Cành đung đưa lá run rẩy không ngừng
Ngày đêm đưa dòng máu đỏ vĩnh hằng
Khơi dậy tình yêu hồng trên đôi má,
Để mật ngọt được đơm hoa kết quả.
Và ở sâu trong thăm thẳm cõi lòng,
Quấn quýt đan xen những sợi tơ hồng
Đã dệt thêu nên tâm hồn tinh tế,
Dòng máu âm thầm chảy trong cơ thể,
Phổi căng tràn thủ thỉ khúc quang vinh!
Trong ruột gan tinh túy mãi phát sinh
Chắt lọc thêm mỡ màu cho cuộc sống!

Những ngọn đồi nhấp nhô như sóng,
Những ngôi sao lay động trong em,
Những mặt hồ xao động long lanh,
Vạn vật muôn loài sinh sôi như thác,
Sâu bọ, rong rêu… và kia Thiện, Ác;
Mặt trời tỏa nắng, phương Bắc âm u,
Trong lòng em đang chuyển động mơ hồ
Một thực tế vĩnh hằng vô ý thức.


Những lời này như những giọt máu đông,
Trước mặt em chúng không ngừng rơi xuống.
Tồn tại luôn luôn nói năng ấp úng,
Chỉ quy tắc chung lời lẽ rõ ràng.
Tim óc ta cần mẫn cần siêng năng
Ngày lại ngày không ngừng tươi mới,
Sẽ có lúc im hơi mệt mỏi.

Nhưng giờ đây tất cả vẫn kêu lên:
Trong muôn vàn người trên khắp thế gian
Chỉ có em là một người duy nhất
Em là giường ấm, nôi êm, mộ lạnh,
Cầu mong em hãy đón nhận anh đi!...

(Thăm thẳm trên cao rực rỡ bình minh!
Những tia sáng màu hồng lấp lánh
Làm chói mắt ta, toàn thân tê liệt,
Ta nghe trong mình tiếng đập con tim.)


(Bài ca phụ)
(Con tàu đưa ta về phía em
Có lẽ hôm nay may ra ta gặp,
Có lẽ má hồng phần nào bớt thắm,
Có lẽ em sẽ lặng lẽ ân cần:
Vào đi anh hãy gột rửa bụi trần!
Em nâng niu anh dịu dần cơn khát,
Chỗ em nằm cũng là vạt giường anh.)
(Tháng 6/1933)

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: József Attila
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn