KÁDÁR JÁNOS (5)

Thứ năm - 10/05/2007 09:11

(NCTG) Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi căn bản vào tháng 3-1944, khi quân Đức chiếm đóng Hungary. Gestapo đã bắt gần hết các nhà hoạt động đối kháng. Quân Đức hầu như không gặp sự chống đối đáng kể, trừ mấy phát súng lục của Bajcsy-Zsilinsky Endre (1). Cuộc tiến chiếm chỉ kéo dài hơn so với ở những nước phương Tây - theo cách nói hài hước đương thời - vì những bài diễn văn chào mừng quân Đức ở Hung dài dòng hơn mà thôi.

Khi đó Kádár đã rút sâu vào bí mật, ông đổi tên họ, để râu ria, thường xuyên thay đổi chỗ ở, nhưng vẫn hoạt động. Ban lãnh đạo đảng thấy cần tạo mối liên hệ trực tiếp với Rákosi Mátyás. Họ dự định phải có người vượt qua chiến tuyến để tới Moscow, nhưng đã  xuất hiện một khả năng nhiều hứa hẹn hơn.

Kádár János và Leonid Brezhnev

Kádár dự tính khi mặt trận tới gần, ở Hung chiến tranh du kích cũng sẽ lan rộng, ông muốn đàm phán với nguỵên soái Tito, thủ lĩnh các lực lượng vũ trang kháng chiến Nam Tư.

Tito cũng muốn  có cuộc gặp gỡ, qua một phụ nữ ẩn danh làm trung gian, ông cho mời người đứng đầu nhóm cộng sản Hungary. Kádár János đứng ra nhận nhiệm vụ này, ông nghĩ sau khi gặp Tito, phía Nam Tư có thể giúp ông sang Mốtxcơva để gặp Rákosi. Với giấy tờ giả mang tên Lustyák János, cùng một người cộng sản Nam Tư dẫn đường, ông đi về phía biên giới Nam Tư.

„...Chúng tôi tới biên giới vào ban đêm, bị bọn lính Đức đóng trong rừng bắt. Không biết nên xử lý với chúng tôi thế nào, chúng bèn trao chúng tôi cho cảnh binh sở tại...”- sau này Kádár nhớ lại.

Không thể khai ra mục đích thật của chuyến đi, Kádár đành tự nhận là lính trốn trại, định bỏ ra nước ngoài. May cho ông, tòa án binh không phát hiện ra giấy tờ tùy thân giả, kết án ông hai năm tù giam vì tội đào ngũ.

Kádár bị giam trong nhà tù phố Conti, sau đó là ở đại lộ Margit, nhưng ông vẫn giấu được hành tung của mình. Tháng 10-1944, muốn rút ra khỏi cuộc chiến, Horthy có ý tìm gặp các lãnh tụ cộng sản, trong đó có Kádár, nhưng ông không thể biết Kádár đang thụ án trong chính một nhà tù của chế độ ông dưới cái tên Lustyák János.

Sau khi phái Nyilas (biểu tượng hình chữ thập đầu có mũi tên - ND) tiếm quyền, một hôm tù nhân trong trại được sắp hàng dọc, dự định phải đi bộ đến Komárom, từ đó họ sẽ bị tống lên các toa xe hỏa để đưa đi tiếp.

„... Mùa đông năm 1944, khoảng 60 tù nhân – trong số đó có nhiều tử tù - và 38 lính canh xuất hành từ nhà giam. Chúng tôi được trả lại thường phục, còn bọn lính thì mặc quân phục.

... Sau ba ngày chúng tôi tới Nyergesújfalú. Tại đây chúng tôi bị dồn vào nhà kho của một gia đình nông dân ở gần nhà thờ. Một số lính canh ở lại coi chúng tôi trong căn nhà kho chứa rơm, số còn lại khóa trái cửa kho rồi lên nhà trên. Tất nhiên không thể trốn khỏi đây được.

Sáng hôm sau, chúng tôi, cả tù và lính canh, đều phờ phạc. Đêm lạnh, chúng tôi phải chui vào đống rơm cho đỡ rét. Nhìn quanh, trên cái sân rộng kiểu nhà quê thông thường, lếch thếch cả lính lẫn tù. Chúng tôi được phép ra giếng tắm rửa, tù nhân và lính tráng trà trộn vào nhau.

Tôi nghĩ cơ hội có một không hai đã đến! Nếu bỏ qua thì chưa chắc bao giờ lại có. Cả hai phía  đều là những khu vườn. Tôi tới gần hàng rào, bửa ra một thanh chắn, và thử thò đầu qua bên cạnh, thấy một lũ lính Đức đang bơm xăng vào một chiếc xe tải. Tôi nghĩ, không ổn rồi. Thử nhìn sang phía bên kia, thấy một vườn cây ăn quả, tôi gọi thêm ba bạn tù đã bàn với nhau từ trước sẽ cùng bỏ trốn. Chúng tôi lần lượt nhảy qua hàng rào, một số khác cũng làm theo. Bọn cảnh binh há miệng đứng nhìn theo, chúng cũng chẳng hiểu ra sao. Chúng tôi vội chạy về phía sông Duna theo hàng một, tôi dẫn đầu, tám người nữa theo sau. Đến bờ sông, chúng tôi chợt chững lại, làm thế nào bây giờ? Chúng tôi đi vòng lại, khoảng 200 mét tới rìa làng. Thấy một dãy núi phía xa, chúng tôi liền hướng về phía đó.

Trời sập tối, lạnh thấu xương. Một số muốn nhóm lửa, một số không đồng ý, trong đó có tôi. Những người kia vẫn kiếm củi nhóm lửa, chẳng bao lâu đã nghe tiếng máy bay ầm ì, chúng tôi vội vàng dập lửa. Sau một hồi cãi lộn, chúng tôi thỏa thuận sớm hôm sau đường ai nấy đi.

... Sau ba ngày cuốc bộ, tôi về đến Zsámbék...”.

„...Sáu ngày sau khi rời nhà tù phố Conti (nay là phố Tolnai Lajos), tôi lại quay về đến Budapest. Suốt thời gian đó, tôi không hề tháo giày, không được ngủ đêm nào, thỉnh thoảng có vài miếng vào bụng, vậy mà tôi không cảm thấy mỏi mệt, tôi cứ đi như một cái máy....

Về đến địa chỉ cần đến, may là mọi người đều ở nhà. Vừa đóng cửa, tôi đã khuỵu xuống. Tụt giày ra, tôi cũng phải kinh ngạc nhìn hai bàn chân dị dạng của mình. Sau khi tắm rửa, tôi ngủ một mạch 24 giờ liền. Hai ngày sau tôi mới lại ra hồn người...”.

Sau đó Kádár ẩn mình trong nhà giáo sư bác sĩ nổi tiếng Babics Antal, rồi còn phải chuyển nhiều chỗ ở khác. Thật lạ lùng là ông không bị phát giác. Ông bị hai lệnh truy nã, như một tay cộng sản bự hoạt động bất hợp pháp và như một tên lính đào ngũ giả danh. Tuy vậy ông vẫn tham gia công việc của Ban Chấp hành Trung ương, do làn sóng khủng bố dữ dội của chính quyền Nyilas,  không thể tổ chức những phi vụ lớn. Họ tìm cách giải thoát các đồng chí bị bắt, tiến hành các vụ nổ, ra báo bí mật „Dân Tự Do”...

... Dự đoán nửa thành phố bên Pest sẽ được giải phóng trước bên Buda, Kádár đã chọn nơi ẩn náu gần mặt trận hơn, đó là một căn hộ đổ nát ở Zugló, gần đường vòng cung Hungaria, cùng hai yếu nhân khác của đảng là Péter Gábor (2) và Donáth Ferenc (3).

... Chỉ vài năm sau, trên cương vị trung tướng của Cục An ninh Quốc gia (AVH), chính Péter Gábor đã cho bắt Kádár vì tội danh phản bội, còn Donáth Ferenc sau này trở thành đối kháng của chính quyền Kádár, bị cáo thứ hai trong vụ án Nagy Imre.

„...Ngay từ đầu, không rõ nguyên do vì đâu, trong nhóm này Kádár János đã có uy tín hơn cả - Aczél György nhớ lại.- Cũng có thể vì ông là người Do Thái, không phải trí thức, mà chính gốc công nhân...”.

Tại đây, họ đã giáp mặt người lính Xô-viết đầu tiên, anh ta nhìn họ đầy ngờ vực khi họ cố giải thích cho anh ta hiểu họ là những nhà lãnh đạo cộng sản Hungary. Cũng may là họ không bị tống vào một đoàn tù binh nào đó.

Những người trong nhóm này đều đã trở thành lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Hungary đang được khôi phục lại. Ngay từ đầu họ đã cử đại biểu xuống Debrecen tham dự Quốc hội lâm thời, xuống Szeged, tại đây vào mùa thu năm 1944 một tổ chức đảng đã được thành lập, đứng đầu nhóm này là những nhân vật có uy tín lưu vong từ Liên Xô trở về như Gerő Ernő, Farkas Mihály và Nagy Imre.

Đảng bước ra công khai bắt đầu cuộc đấu trang giành chính quyền.

Chú thích (của NCTG):

(1) Bajcsy-Zsilinsky Endre (1886-1944): nhà báo, chính khách, từng là sĩ quan và bị thương nặng trong Đệ nhất Thế chiến. Khi đó, ông là tín đồ của khuynh hướng chính trị cực hữu, nhưng từ cuối thập niên 20, Bajczy chuyển sang phe đối lập dân chủ, với quan niệm phản chiến, chống phân biệt sặc tộc và chính trị. Tham gia tích cực phong trào bí mật khi Hungary bị phát-xít Đức chiếm đóng, ông bị phản bội, bị bắt giam và tử hình tháng 12-1944.

(2) Péter Gábor (1906-1993): chính khách cộng sản Hung, có vai trò chủ yếu trong việc chuẩn bị và thục hiện nhũng vụ án ngụy tạo sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Hungary năm 1948. Từng đứng đầu các cơ quan mật vụ chính trị Hung (ÁVO, ÁVH), Péter Gábor là nhân vật khét tiếng nhất ở Hung thời kỳ cuối thập niên 40, đầu thập niên 50 thế kỷ trước. Năm 1952, bị cách chức, tước đảng tịch và sau đó, năm 1953, bị bắt giam. Năm 1954, bị án tù chung thân, nhung rồi được giảm còn 14 năm, và được ân xá cá nhân, phóng thích năm 1959. Làm việc trên tư cách thủ thu cho đến khi về hưu.

(3) Donáth Ferenc (1913-1986): chính khách Hung, tham gia phong trào cộng sản từ năm 1932, bị án tù 15 năm trong một phiên tòa ngụy tạo năm 1951. Được thả năm 1954, tham gia cách mạng 1956, cùng Nagy Imre và các đồng sự xin tị nạn tại tòa đại sứ Nam Tư sau khi quân đội Liên Xô tràn vào Budapest. Là bị cáo thứ hai trong phiên tòa Nagy Imre (năm 1958), bị bản án tù giam 12 năm. Được thả trong dịp ân xá cá nhân năm 1960, sống ẩn dật, nghiên cứu về các vấn đề nông nghiệp. Có vai trò lớn trong sự đoàn kết và hợp tác của các nhóm trí thức, đối lập dân chủ trước 1989.

(Còn tiếp)

Moldova György - Giáp Văn Chung lược dịch


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn