GIỌT LỆ TRONG HỒN (8)

Thứ sáu - 23/03/2007 22:16

CHƯƠNG BA

Ngay trong tuần lễ đó, chúng tôi được chở đến Ký túc xá Quân sự Kesong, ở đây đợt tập huấn của chúng tôi bắt đầu một cách nghiêm túc. Ngay những bó buộc ngặt nghèo mà tôi đã trải qua trong kỳ học quân sự của chỉ là điều nhỏ nhặt so với những gì tiếp diễn ở đây.

Kesong nằm ở một thung lũng không thể đến gần nổi tại chân núi Ipbul, cách thế giới văn minh hàng trăm dặm. Chỉ có vài làng nhỏ nằm rải rác trong vùng lân cận. Trại được dựng trên một diện tích khá lớn vì người ta đào tạo hàng ngàn học sinh ở đây. Các điệp viên được huấn luyện tại một thung lũng bí mật, tách rời khỏi toàn thể ký túc xá. Chúng tôi được phân chỗ ở trong một căn nhà nhỏ, trước kia từng có nhà bếp, buồng giặt và thư viện. Chúng tôi được nhận một thời gian biểu nghiêm ngặt mà không bao giờ chúng tôi được chệch đi:

07.30-08.30 Nghiên cứu triết học và những công lao của Kim Nhật Thành
08.30-13.00 Học buổi sáng
13.00-16.00 Ăn trưa và nghỉ ngơi
16.00-17.30 Học buổi chiều
17.30-19.00 Thể dục
19.00-20.00 Ăn tối
20.00-21.00 Võ thuật
21.00-22.00 Hành quân tối
22.00-23.00 Học
23.00 Đi ngủ

Chúng tôi bị bắt ép học tập đến kiệt sức, người ta đo xem cơ thể và tinh thần chúng tôi có sức chịu đựng đến mức nào. Chúng tôi được học ngắm bắn một cách thiện xạ với đủ các loại vũ khí. Chúng tôi ở ngoài trời nhiều ngày, ngủ trong hang cáo. Nhân sinh nhật của Kim Nhật Thành, chúng tôi hành quân một trăm dặm (160 cây số) trong vòng ba ngày; người ta gọi đây là Cuộc hành quân Trung thành. Chúng tôi học lái xe với vận tốc lớn, rửa phim trong phòng tối được làm vội vã. Và trong suốt khoảng thời gian đó chúng tôi đọc các trước tác của Kim Nhật Thành.

Chúng tôi được dạy các môn võ thuật. Người ta yêu cầu phụ nữ phải chiến thắng hai, ba đàn ông cùng một lúc. Chưa bao giờ trong đời tôi lại tự tin như lúc đó. Chúng tôi còn học cận chiến với dao găm. Chúng tôi luyện tập bằng những chiếc dao nhựa dài 25 phân.

Không chỉ tập ngắm bắn mà thôi, chúng tôi còn phải học cách tháo và lắp đủ mọi thứ vũ khí, phải biết cách sửa chữa súng ống nữa. Chúng tôi bắn vào những tấm bia nhỏ xíu cách khoảng chín mục mét và tôi trúng đích đến 90 phần trăm.

Hàng tuần, chúng tôi được xem phim gián điệp hai lần, các phim đó hoặc tuyên truyền sự suy đồi của xã hội phương Tây, hoặc về những chiến tích của các siêu điệp viên ngày xưa.

Chỉ Chủ nhật chúng tôi mới được tự do nhưng khi ấy chúng tôi mệt mỏi rã rời đến mức không buồn ra khỏi giường.

Cô giáo dạy chúng tôi tiếng Nhật là Heinhe, chúng tôi rất thân với cô. Tôi được bà đầu bếp cho biết câu chuyện bi thảm của cô Heinhe. Cô vốn người Tokyo, tại đây cô tốt nghiệp phổ thông rồi lấy chồng. Cô có một trai và một gái, sau đó ít lâu vợ chồng cô chia tay nhau. Một ngày kia, khi cô chơi đùa cùng các con ngoài bãi biển, các điệp viên Bắc Triều Tiên bắt cóc họ và đưa vào trại tù binh. Trong trại, cô ốm năng tưởng không qua khỏi. Tuy nhiên rồi cô khỏi bệnh, khi đó cô không chịu ăn uống gì và suốt ngày cô chỉ kể cô nhớ hai đứa con biết nhường nào. Nhưng các nhân viên Bắc Hàn rất kiên nhẫn. Họ khiến Heinhe tin rằng rồi một ngày cô có thể được tự do nếu cô chịu tuân lệnh họ. Rốt cục, không còn cách nào khác, cô đành yên phận trong cuộc sống mới.

Tuy thương cô Heinhen vì số phận cô phải chịu nhưng tôi vẫn cho rằng hy sinh một phụ nữ Nhật duy nhất cho sự nghiệp của Bắc Hàn là một việc hoàn toàn chính nghĩa, nhất là nếu ta nghĩ đến chuyện nước Nhật đã nô lệ hóa và sau đó, đã áp bức Triều Tiên trong suốt bốn chục năm trời. Giờ đây, nhìn lại, tôi cảm thấy hổ thẹn vì ý nghĩ đó. Sự việc đáng tiếc này cũng chứng tỏ sự dã man vô lương tâm của chính phủ Bắc Triều Tiên và các nhân viên của họ.

Vì quá bất hạnh nên Heinhe hay uống rượu đến say xỉn và khi đó, đôi lúc cô cư xử khá khó chịu. Dù vậy, cô là một giáo viên xuất sắc và càng ngày tôi càng quý mến cô. Cô thường kể chuyện về các con và về Tokyo, cô hy vọng chẳng bao lâu nữa cô có thể được về Nhật. Tôi không biết cô có được về nhà không.

Chúng tôi kết bạn với cô, tin tưởng nhau, lúc nào cô cũng mong được gặp gỡ chúng tôi. Nhiệm vụ của cô không nhỏ: phải biến tôi thành một phụ nữ Nhật để khi tôi được cử đi hoạt động, không ai có thể đoán được tôi là người Bắc Hàn.

Có một làng bản cách nơi chúng tôi ở chừng một, hai dặm và tất nhiên là chúng tôi bị cấm tới đó. Nhưng một tối Chủ nhật nọ, Heinhe cứ nài chúng tôi hãy cùng cô đến làng vì chưa bao giờ cô được gặp người dân Bắc Triều Tiên bình thường. Chúng tôi thấy một vài ngôi nhà xiêu vẹo, những đứa trẻ con bẩn thỉu chạy nhảy trên đường phố. Tôi thấy hổ thẹn và muốn đưa Heinhe đi. Nhưng cô vẫn ngắm nghía lũ trẻ, mắt tràn lệ. Chúng làm thức tỉnh bản năng người mẹ trong cô.

- Đây là thế giới đẹp đẽ của các cô ư, Okhva? - cô nói, vẻ giễu cợt không giấu giếm. - Tôi thương hại các cô.

Trong trại chúng tôi còn có một người bạn tốt khác: bà đầu bếp Vulchi, một phụ nữ khoảng bốn mươi lăm tuổi, cũng từng trải qua một cuộc đời bi thảm. Năm mười mấy tuổi, bà yêu một người thợ tiện nhưng mẹ bà bắt bà phải làm vợ một thợ mỏ. Hai người sống cực khổ tại một làng nhỏ heo hút tên là Samchuon và Vulchi phải chịu đựng rất nhiều vì chồng bà thường xuyên bội bạc bà.

Một ngày kia, ông chồng bị một chiếc xe goòng cán chết. Trong lễ tang, Vulchi gặp lại người tình thời thanh niên của bà, ông ta vẫn yêu bà nhưng đã có gia đình. Họ không thể làm gì được.

Về sau, Vulchi hướng dẫn khóa học nấu ăn trong một trường học rồi bà được phân việc trong trại. Bà thích vẻ cô quạnh của Kesong vì như bà thường nói một cách bông đùa, ở đây ít ai quấy nhiễu bà. Trong khu nhà, bà đóng vai trò “người mẹ”, chúng tôi phải báo cáo cho bà biết nếu muốn đi dạo hoặc muốn ra khỏi vùng. Nhưng Vulchi là một phụ nữ cao thượng và bà hay cho phép chúng tôi làm những gì chúng tôi muốn.

*

Trong những năm sau, đôi khi tôi được phép về thăm gia đình nhưng đây là những dịp buồn bã. Cha mẹ tôi không bao giờ sẵn lòng để tôi đi và lúc đó tôi lại xấu hổ vì họ quyến luyến tôi đến mức ấy, bởi lẽ mọi người dân Bắc Triều Tiên “có óc suy nghĩ thích hợp” đều phải làm như thế. Sự quyến luyến với thân nhân không thuộc vào số những bổn phận yêu nước và tôi thì đã hoàn toàn bị ngấm vai trò mới: vai trò một kẻ tập nghề gián điệp. Thời ấy chúng tôi được biết đứa em trai nhỏ nhất của tôi, Bam So, bị ung thư da và các bác sĩ đã chịu bó tay.

Mẹ tôi biểu lộ nỗi ưu phiền vì tôi phải xa nhà một cách thẳng thừng và to tiếng, nhưng tôi biết cha tôi cũng nhớ tôi, ít ra là như thế. Cha tôi rất gắn bó với tôi từ thuở tôi còn nhỏ, ông luôn gọi tôi là quận chúa. Trên nhiều phương diện, cha tôi là một người bí ẩn. Tôi biết ông tự hào về tôi và tôi cũng biết trên cương vị một cán bộ đảng, ông thuộc tầng lớp người được ưu đãi nhất ở Bắc Hàn, vậy mà vẫn có một cái gì đó nhắn nhủ tôi rằng trong đáy sâu tâm hồn ông, ông phẫn nộ vì chính phủ đã bắt tôi phải ra đi.

Đó là tình thương, đáng tiếc không có mặt trong cương lĩnh quốc gia của Kim Chính Nhật.

Còn tiếp


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn