GIỌT LỆ TRONG HỒN (4)

Thứ hai - 12/03/2007 15:24

Trở về Bình Nhưỡng, tôi được đăng ký vào Trường Phổ thông Cơ sở Hashin. Về thực chất, tại đây tôi mới bắt đầu được giáo dục về ý thức hệ. Các môn học chỉ chiếm non nửa thời gian của chúng tôi. Phần còn lại của ngày, chúng tôi học hỏi sự nghiệp của Lãnh tụ Vĩ đại Kim Nhật Thành. Chúng tôi học thuộc lòng bài hát “Ngu xuẩn”, kể về chiến thắng của Kim Nhật Thành trước quân Nhật bao nhiêu năm về trước. Người giáng cho lũ Nhật một đòn chí mạng khiến chúng chỉ còn biết ôm đầu chạy về nước, không kịp mang theo tử thi những kẻ bỏ mạng.

Ngoài những giờ học đầy tính tư tưởng, mọi học sinh đều phải tham gia nhiều hoạt động và những hoạt động này được tăng cường tới mức thường thường chúng tôi chỉ về đến nhà sau mười giờ tối.

Mùa đông năm thứ ba, người ta chọn mười đứa trong số chúng tôi để ca hát trong một buổi lễ thanh niên và họ nói đích thân Kim Nhật Thành cũng sẽ tới dự. Chúng tôi học hát trong hai tháng trời, bài hát có cái tựa đề “Chúng em yêu bộ đồng phục mà Lãnh tụ Vĩ đại đã trao cho”. Trong thời kỳ ấy, sau những buổi tập dượt tôi luôn phải chờ chuyến xe buýt đêm khuya, đôi khi tôi phải chờ đợi nhiều giờ đồng hồ khiến rốt cục chân tôi lạnh cóng. Tuy vậy, trong thời gian thử thách này, mặc dù nhớ nhà nhưng không bao giờ tôi phàn nàn vì tôi biết được hát cho Lãnh tụ nghe là một vinh dự lớn lao biết mấy!

Trong năm đó có một trận lụt lớn, do đó những người sống ở tầng một ngôi nhà chúng tôi phải chuyển lên ở tạm cùng các gia đình khác tại các căn hộ trên tầng cao hơn. Bọn trẻ coi đây là một trò giải trí, chúng tôi ở suốt đêm trên tầng thượng và nhìn con nước dâng cao dần.

Ít lâu sau trận lụt, người ta lưu truyền một tin vịt là chiến tranh đã nổ ra với Mỹ vì con tàu chiến Pueblo bị đánh chìm. Ở Bình Nhưỡng, bầu không khí ngày một căng thẳng, mọi gia đình bắt đầu gói ghém quần áo và lương thảo, cả thành phố chuẩn bị đi sơ tán. Các khẩu hiệu, biểu ngữ xuất hiện trên đường phố: LẤY THÙ ĐỊCH TRẢ LỜI THÙ ĐỊCH, LẤY KHỦNG BỐ ĐÁP KHỦNG BỐ. Chuẩn bị cho chiến trận, người lớn cố gắng đến kiệt sức nhưng bọn trẻ thì được dịp tiêu khiển thỏa thích. Chúng tôi cuỗm đi những đồ ăn đã được gom góp và thích thú theo dõi hậu quả. Đôi lúc, chúng tôi bị đánh thức bởi những hồi còi báo động - thúc mọi người tắt đèn - và khi đó chúng tôi lại leo lên gác thượng nhìn thủ đô Bình Nhưỡng chìm trong bóng tối. Khi khác, thường thường vào hồi bốn giờ sáng, các hồi còi phòng không lên tiếng, chúng tôi bổ nhào khỏi giường và lao đến căn hầm ở sườn đồi gần đó.

Trong thời gian này, hai cố vấn gần gũi của Kim Nhật Thành là Ho Bong Hak và Kim Chang Bong bị thất sủng. Chính phủ ra một chỉ thị xóa tên tuổi họ khỏi các bộ sách giáo khoa. Theo phong cách Orwell đặc thù, đồng thời, lũ trẻ con phải dùng mực đen hoặc dao díp để xóa bỏ tên họ trong sách vở. Họ trở thành những con người không tồn tại.

Vì lẽ hoạt động tập thể quan trọng hơn học tập nên chúng tôi bỏ rất nhiều thời gian để hoàn thành những nhiệm vụ trong Thanh niên quân. Khi Kim Nhật Thành ra chỉ thị cấm phụ nữ mặc quần vào mùa hè, bọn trẻ con được đi tuần trên đường phố và kiểm tra trang phục những khách qua đường. Nếu một phụ nữ vẫn mặc quần hay ai đó không đeo huy hiệu Kim Nhật Thành, lũ trẻ chúng tôi lục vấn tên họ và lập tức báo cáo trường hợp đó cho cấp trên, nơi họ làm việc.

Chúng tôi được dạy rằng tổ quốc chúng tôi chỉ có thể chiến thắng đế quốc Mỹ nếu Bắc Triều Tiên mua vũ khí ngoại quốc, do đó chúng tôi phải bỏ nhiều giờ đồng hồ đi thu nhặt sắt vụn, chai lọ và nhiều loại vật liệu khác, có thể tái chế biến, để bán cho nước ngoài đổi lấy ngoại tệ. Phải thu lượm theo một chỉ tiêu được định trước và nếu có ai không làm nổi việc này, kẻ đó sẽ bị quở trách công khai. Một cuộc thi đua lớn diễn ra xem ai nhặt nhạnh được nhiều hơn.

Chúng tôi còn phải thu lượm da thỏ và chó, ngoài ra, cả dòi bọ nữa (cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao). Tìm dòi bọ dễ nhất là ở các hầm phân của hố xí công cộng, tại đó chúng không bị nước cuốn đi và chúng tôi cũng đua nhau kiếm dòi bọ. Chúng tôi cũng phải thu thập cả phân nữa! Khi được một lượng kha khá, người ta chở cho nông dân để ủ, còn những kẻ nhặt nhạnh được xếp hạng theo chất và lượng phân đã thu nhặt. Về sau, khi mọi thứ đều được bán theo phiếu, thứ hạng này tương đối có giá trị.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là thu lượm hoa. Bởi lẽ chúng tôi phải hái hoa đặt trước tất cả các pho tượng Kim Nhật Thành trong vùng, và có rất nhiều những bức tượng như thế. Ở Bắc Triều Tiên không có các quần bán hoa nên chúng tôi chỉ có thể hoàn thành chỉ tiêu bằng cách mua chuộc những người làm việc trong các nhà kính trồng hoa trong vùng.

Suốt ngày chúng tôi phải tham gia các hoạt động đủ loại. Ngay trong kỳ nghỉ hè, đi nghỉ cùng gia đình cũng là điều không tưởng! Thay vào đó, chúng tôi phải làm thêm việc trong Thanh niên quân.

Trong thời gian này em trai thứ hai của tôi ra đời, đứa em nhỏ xíu tuyệt vời ấy được cha mẹ tôi đặt cho cái tên là Bam So.

Ấn tượng đặc biệt và tuyệt diệu nhất trong thời thơ ấu của tôi là tôi trở thành tài tử điện ảnh! Một nhà làm phim đến trường tôi tìm một cậu bé và một cô bé cho bộ phim sắp tới; ông ta nhìn thấy tôi và chọn lựa tôi mà tôi không hề biết. Bộ phim có tựa đề như sau: “Yung So và Yun Gok, những người đã tìm thấy tổ quốc xã hội chủ nghĩa của mình”. Cố nhiên theo con mắt phương Tây thì bộ phim hơi kỳ, nhưng tôi thấy khá hấp dẫn vì tôi được chọn để thủ vai Yun Gok.

Tấn bi kịch còm cõi không che giấu được mấy tính chất tuyên truyền của bộ phim. Phim nói về một gia đình bị đoạn tuyệt sau khi Triều Tiên bị chia cắt thành hai nước. Cuối cùng, người mẹ bị lính Mỹ bắt đi, bà phải xa cách khỏi gia đình; đó là hình phạt dành cho bà vì đã che giấu, cưu mang những người lính Bắc Triều Tiên. Về những bộ phim như thế, tôi lại nghĩ đến Orwell - từ sau dạo đó tôi đã có dịp đọc ông -, chúng khiến tôi nhớ đến cái nghi thức mang tên “hai phút căm thù” trong tác phẩm “1984″. Cuối buổi chiếu, khán giả chửi rủa ầm ĩ lính Mỹ, đôi khi họ còn ném đá lên màn ảnh nữa.

Thời đó tôi còn bé để hiểu tất cả những điều này và tôi ngây ngất khi sau thời gian đóng phim, tôi trờ về trường và được đón tiếp như một anh hùng. Khi bộ phim bắt đầu được trình chiếu, tôi trở nên khá nổi tiếng. Mọi người nhận ra tôi ngoài đường, gọi tôi bằng cái tên Yun Gok trong phim. Mẹ tôi giới thiệu tôi cho các vị khách, các thày cô giáo cũng làm thế trong nhà trường. Chỉ có cha tôi là không ưa việc tôi đóng phim và cứ mỗi lần ai đó nhắc đến bộ phim, ông lại cau mày nhăn nhó.

Tôi còn đóng một bộ phim khác nữa. Phim này kể về một thiếu nữ được Quân đội nhân dân cứu mạng trong khói lửa, lúc đó những người lính rút lui về phía Bắc trong cuộc chiến Triều Tiên. Tôi thủ vai cô bạn gái của diễn viên chính. Để trả công, tôi được một chiếc cặp sách mới tinh và mười cuốn vở; chẳng nhiều nhặn gì cho lắm!

Về sau tôi cũng được mời tham gia các phim khác nhưng cha tôi không cho tôi đóng phim. Thay vào đó, tôi chú trọng đến Thanh niên quân. Cứ vào bảy giờ sáng, đài phát thanh duy nhất của Bình Nhưỡng lại chơi bản hành khúc “Thanh niên quân”.

Chúng ta là những anh hùng trẻ tuổi của nước cộng hòa,
Chúng ta sẽ trở thành đội tiên phong của chủ nghĩa cộng sản.
Thanh niên quân, nâng cao lá cờ Đoàn,
Chào mừng Chủ tịch của chúng ta như người cha,
Và tiếp tục vui tươi tiến bước!

Chẳng bao lâu tôi trở thành người phụ trách trong Thanh niên quân và tôi gắng sức để tổ nhóm của tôi trở thành tấm gương cho các tổ khác. Mặc dù chúng tôi khá thành công nhưng không bao giờ tôi có thể duy trì một kỷ luật thực sự, không bao giờ tôi có thể tự nguyện áp đặt lên bạn bè tôi.

Những kết quả trong nhà trường luôn được thông báo một cách công khai. Trong trường, chúng tôi được nhận bốn loại điểm số: điểm cách mạng, điểm học tập, điểm lao động và điểm đạo đức. Trong các giờ cách mạng, ví dụ thày giáo đưa ra một tấm ảnh về cuộc đời Kim Nhật Thành và học sinh phải giải thích những gì mình thấy. Lúc ấy, đứa trẻ mắt ngời lên rạng rỡ, nó nhìn chăm chú vào tấm hình và bắt đầu tuôn ra:

- Trong tấm ảnh này Chủ tịch Vĩ đại của chúng ta đang hạ lệnh truyền bá cuộc đấu tranh vũ trang trên phạm vi toàn thế giới. Chủ tịch Vĩ đại của chúng ta tuyên bố điều đó trong hội đàm của các đại biểu Quân đội nhân dân Cách mạng năm 1930.

Một học sinh, nếu trả lời tốt, sẽ được cho một điểm đỏ cạnh tên cậu ta trong cột “Cách mạng” trên tấm bảng thông báo.

Vì tôi là phụ trách thanh niên, các thày cô thường xuyên tìm đến tôi để yêu cầu tôi giúp họ đưa những biện pháp cảnh cáo các đồng bạn không đạt yêu cầu. Tôi còn nhớ cứ mỗi lần ai đó bị sỉ nhục vì không hoàn thành các chỉ tiêu này khác là từng học sinh trong lớp lại phải nói đôi lời chỉ trích. Tôi luôn cảm thấy lo lắng vào những dịp như thế vì tôi rất ghét trò phê bình bạn bè, nhưng thày giáo nhìn tôi bằng cái nhìn cứng rắn khiến tôi phải cố gắng nói với giọng bình thản:

- Bạn bảo bạn không hoàn thành định mức vì bạn không có thời gian. Thế mà hôm qua tôi vẫn thấy bạn chơi đùa với những đứa khác. Thật khó tin là bạn có thì giờ để chơi mà không có thì giờ làm việc. Lý do bạn nêu ra cho thấy bạn đã vi phạm lời dạy của Lãnh tụ Vĩ đại, Người dạy chúng ta phải trung thực với đời sống tập thể.

Mọi người vỗ tay, thày giáo gật đầu tán thưởng. Tôi không thấy vui khi tôi ngồi trong tư thế cứng đờ để lắng nghe một ả tên là San Yung, cô này cảm thấy hạnh phúc nếu được dịp lăng mạ kẻ khác.

- Đồng chí học sinh, bạn không xứng đáng được học hành trong tình thương yêu của Người cha, vị Chủ tịch của chúng ta. Bạn đáng bị đuổi ngay lập tức khỏi trường.

Hàng tuần, nhưng cuộc hội họp tương tự được tổ chức hai, ba bận. Sau đó, chúng tôi bắt đầu nhìn những người trong gia đình bằng con mắt phê bình. Với chúng tôi, tệ nhất là không tìm ra nổi một thứ gì đáng phê bình.

Còn tiếp - Trần Lê chuyển ngữ


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn