TỔNG QUAN RIO 2016

Chủ nhật - 28/08/2016 19:06

(NCTG) “Tinh thần Olympics là hòa bình, đoàn kết vượt khó khăn, và cùng nhau chinh phục những giới hạn của con người, chứ không có cái gọi là “Nhờ ơn Đảng và Nhà nước” mà ta có huy chương này nọ…”.

Minh họa: Internet

Minh họa: Internet

Qua 17 ngày tranh tài đầy sôi động của hơn 11.000 vận động viên đỉnh cao ở khắp các châu lục, Rio 2016 Olympic Games cuối cùng cũng đã khép lại với nhiều dấu ấn đậm nét… 

Sự thống trị của đoàn Mỹ

Mỹ vẫn thể hiện sự “ngôi vương” ở làng thể thao thế giới với tổng cộng 121 huy chương giành được (gần gấp đôi đoàn xếp thứ hai là Anh với 67 huy chương), trong đó có 46 HCV, 37 HCB, và 38 HCĐ.

Một mình Michael Phelps đã mang về cho nước Mỹ 5 tấm HCV và 1 HCB, nâng tổng số HCV ở các kỳ Olympics của Phelps lên con số 23, giúp anh trở thành VĐV thành công nhất trong lịch sử hơn 2.000 năm của sự kiện.

Những kỷ lục luôn được thiết lập ở các cuộc thi đỉnh cao, nhưng càng ngày con người càng tiến gần đến giới hạn, nói về kỷ lục của mình, Phelps khiêm tốn: “Bây giờ là lúc tôi giành thời gian cho gia đình, còn các kỷ lục ư, chúng sẽ bị phá thôi!”. Có thể Phelps nói đúng, những kỷ lục sinh ra để được phá, và biết đâu 23 tấm HCV Olympics của anh sẽ bị bắt kịp bởi một con người phi thường khác.

Khi Michael Phelps vẫn còn thống trị đường đua xanh thì nước Mỹ tiếp tục giới thiệu gương mặt trẻ chói sáng Katie Ledecky, người phụ nữ duy nhất trên thế giới bơi 800m tự do dưới 8 phút 10 giây. Không những vậy, Katie tiếp tục phá vỡ kỷ lục thế giới do chính cô nắm giữ với thành tính 8 phút 4,79 giây ở nội dung này.

Kết thúc Olympics với 4 HCV và 1 HCB, thành tích của Katie chỉ xếp sau Phelps nếu tính về số lượng huy chương cá nhân ở một kỳ Thế vận, còn đối với các nữ VĐV tranh tài khác, Katie không có đối thủ. Ở độ tuổi 19 đầy năng lượng, Katie là thành viên trẻ tuổi nhất trong đội tuyển bơi lội Mỹ và chắc chắn cô sẽ còn đạt nhiều thành tích hơn nữa trong tương lai. Nói về Ketie, đồng đội của cô cho biết: “Cô bé đó bơi nhanh quá, thậm chí nhiều nam VĐV không dám tranh tài với cô ấy”.

Nếu như Michael Phelps và Katie Ledecky là niềm tự hào của nước Mỹ trên đường đua xanh, thì ở môn thể dục dụng cụ, Simone Biles thu hút mọi sự quan tâm khi được nhìn nhận là một trong những VĐV thể dục dụng cụ xuất sắc nhất qua mọi thời đại.

Đến Rio Olympics, đoàn VĐV Mỹ giới thiệu đội tuyển thể dục dục cụ được đánh giá là xuất sắc nhất của họ từ trước đến nay. Nhân tố toàn diện nhất chính là Simone Biles, người đến Olympics với hành trang là VĐV đầu tiên giành 3 chức vô địch thế giới liên tiếp. Trong những bài thi, Biles luôn thực hiện những động tác khó hơn đối thủ của mình. Các đối thủ của Biles đa phần ra sân thi đấu với mục tiêu cạnh tranh HCB, còn chiếc HCV đương nhiên đã “dành riêng cho Biles”.

Chỉ với Michael Phelps, Katie Ledecky, và Simone Biles, họ đã đem về cho đoàn Mỹ tổng cộng 13 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ. Tên của họ gắn liền với chiến thắng và xô ngã những kỷ lục. Trong tương lai, chúng ta khó có thể được thưởng thức đoàn thể thao nào có nhiều siêu VĐV trong một kỳ Olympics đến vậy.
 
Ba siêu VĐV của Mỹ: Katie Ledecky, Michael Phelps, và Simone Biles
Ba siêu VĐV của Mỹ: Katie Ledecky, Michael Phelps, và Simone Biles

Ngoài ra, nước Mỹ vẫn chứng tỏ họ không chỉ là cường quốc thể thao hàng đầu mà còn là niềm cảm hứng cho thể thao nước nhà nói riêng và thể thao thế giới nói chung. Thất bại duy nhất của huyền thoại sống Michael Phelps trên đường đua xanh được tạo ra bởi cơn địa chấn mang tên Joseph Schooling của Singapore ở nội dung 100m bơi bướm. Tám năm trước, Schooling chỉ là một cậu nhóc hăm hở chụp hình chung với thần tượng, giờ đây anh đã đánh bại Phelps và thiết lập kỷ lục Olympics cho chính mình.

Tôi thích cách Phelps kết thúc sự nghiệp với vai trò vừa là một chiến binh vĩ đại, vừa là một chiếc cầu nối tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ như thế, chứ Phelps mà vẫn làm “độc cô cầu bại” thì thành tích của anh sẽ càng nổi bật hơn nhưng… thế giới sẽ nhạt nhẽo lắm. Quả là một kỳ Olympics tuyệt diệu đối với Schooling và không thể ý nghĩa hơn đối với Phelps.

Sự thống trị của đoàn Mỹ còn đến từ sự ổn định, đồng đều ở các môn thể thao. Nếu như đoàn Trung Quốc giành hết vinh quang ở nội dung bóng bàn, đoàn Anh thì thế mạnh ở đua xe đạp lồng chảo, các nước châu Phi thường mạnh ở nội dung chạy bền… Mỹ ngoài bóng rổ được xem là bắt buộc đến để lấy HCV, họ luôn có những VĐV hàng đầu ở hầu hết các bộ môn chính yếu của Olympics mà không một đoàn nào có được.

Từ điền kinh, bơi lội, thể dụng dụng cụ… họ đều có rất nhiều những VĐV nằm trong danh sách tranh chấp huy chương. VĐV của họ giành HCV liên tiếp từ ngày khai mạc cho đến bế mạc Đại hội, một đoàn thể thao như vậy giành chiến thắng thuyết phục là điều dễ hiểu.

Đoàn Việt Nam và tấm HCV đầu tiên

Ngày 7-8 và cái tên xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sẽ đi vào lịch sử thể thao Việt Nam với tư cách VĐV lần đầu tiên đạt HCV Olympics. Thật đáng mừng vì cuối cùng đất nước Việt Nam của chúng ta cũng có một VĐV đạt thành tích này.
 
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh

Nên xem đây là dấu ấn đáng nhớ, là thành quả đầu tiên tạo bước ngoặt mở đường phổ cập hoá thể thao nước nhà. Các quan chức thể thao Việt Nam cần nhớ, mục đích của thể thao là để rèn luyện thể chất, mang tính giải trí lành mạnh và tranh tài trên tinh thần hoà bình thịnh vượng, chứ không phải là công cụ phục vụ con đường hoạn lộ.

Giống như tất cả các cuộc tranh tài ở những giải đấu quốc tế, quan chức Việt Nam đến Oympics kỳ này đông-vui, với lý do là để học hỏi kinh nghiệm huấn luyện, đào tạo, quản lý. Tôi không biết họ qua đó để quản lý cái gì, hay là học hỏi được kinh nghiệm gì, tôi chỉ thấy các VĐV của ta có giới lãnh đạo như vậy nên thua thế giới là chuyện đương nhiên. 

Tôi mong các vị đừng giống con kền kền chực cái bầu sữa của ngành thể thao nữa. 

Chỉ tập trung đưa HLV của các môn có hy vọng đạt huy chương theo VĐV đến Olympics” là một câu trả lời vô cùng tàn nhẫn, thể hiện sự vô trách nhiệm đến tột cùng với ngành nghề mà các vị đang quản lý, các vị có biết điều đó không?

Hình ảnh hai VĐV cầu lông Tiến Minh và Vũ Thị Trang vừa là người yêu, vừa là đồng đội, vừa phải làm HLV bất đắc dĩ cho nhau trên đấu trường Olympics… chẳng có gì đẹp đẽ như truyền thông loan tin đâu, thưa các vị. Nó chỉ khiến các đội bạn thương cảm cho các VĐV của ta mà thôi, và phơi bày bộ mặt “vắt chanh bỏ vỏ” của cấp quản lý.

Ngoài ra, ở mặt trận truyền thông, trong những ngày Olympics diễn ra, trên khắp các báo đài không ngừng đưa tin về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh hết sức lung tung, làm cho một sự kiện đáng mừng thành ra đôi lúc vô duyên, kệch cỡm. Nếu Hoàng Xuân Vinh mà có đọc một số bài báo viết về anh, có lẽ bản thân anh cũng mắc cỡ lắm. 

Giành HCV đầu tiên cho nước nhà thì đúng là đáng tự hào thật, nhưng mà tự hào đến mức “vang năm châu bốn biển”, thì tôi chỉ muốn cắm đầu xuống đất nếu gặp bạn bè nước ngoài.

Hãy nhìn sang Singapore, VĐV Joseph Schooling của Singapore đã mang về cho đảo quốc sư tử nhỏ bé một tấm HCV không hề nhỏ bé chút nào. Đây vừa là HCV đầu tiên của đoàn Singapore ở đấu trường Olympics nhưng vô cùng giá trị, bởi nó được ấn định trên đường đua xanh - nội dung chính yếu của Olympics cùng với điền kinh, bởi nó xô ngã huyền thoại đương thời là Phelps. Nói không ngoa, HCV của Schooling vừa là niềm vinh dự của Singapore, vừa rửa mặt cho Đông Nam Á - vùng trũng của thể thao thế giới.

Chữ “tự hào” của Singapore không cần họ phải nói ra, quốc tế nói giùm họ.

Đề cập đến thể thao Việt Nam, anh Hiệu Minh có bài viết hay về cách mà Mỹ trở thành cường quốc thể thao, nhưng cũng cần thêm một yếu tố, đó là các gia đình ở Mỹ “có tiền” để đầu tư cho con em của họ rất chu đáo. Lên một lứa tuổi nào đó, nếu năng khiếu được phát hiện thì các em này có thể được tài trợ, hoặc đi xin tư nhân tài trợ để phát triển nếu họ chứng minh được năng khiếu, và sẽ trở thành những nhà vô địch trong tương lai. 

Thực ra cũng dễ hiểu, sự khổ luyện bằng tiền của bản thân và gia đình cộng với niềm đam mê, thường mang lại kết quả tích cực hơn là luyện tập bằng tiền của dân. 

Lý thuyết này đi ngược lại với lợi ích nhóm ở Việt Nam nên khó có thể thực hiện được. Ngành thể thao Việt Nam là một hệ thống tiêu tiền của dân từ cấp làng xã đến quốc gia, bao nhiêu cán bộ, quan chức dựa vào đó để sống, mở rộng mô hình thể thao theo kiểu Mỹ thì họ chỉ có chết. 

Hoặc có thể ví dụ về đoàn thể thao Anh, năm nay họ đạt đỉnh vinh quang ở vị trí thứ nhì với 27 HCV, 13 HCB, và 17 HCĐ , chỉ xếp sau đoàn Mỹ. Điều đáng nói hơn, trở ngược thời gian 20 năm về trước tại Atlanta 1996, họ chỉ giành vỏn vẹn 1 HCV, 8 HCB, và 6 HCĐ, tức là họ chỉ hơn đoàn Việt Nam hiện nay về số HCB và HCĐ. 

Để có một chiến lược chuẩn bị cho London 2012 trên sân nhà, nước Anh đã đầu tư vào những môn thi đấu trọng điểm và thành tích của họ qua mỗi kỳ Olympics từ đó cho đến nay đều tăng dần. 

Tôi chỉ mong rằng, với tư cách những người cầm cân nẩy mực, các vị quan chức hãy làm việc bằng lòng tự trọng. Còn lỗi hệ thống thì phải thay hệ thống, chứ không thể sửa chi tiết được.

Tinh thần Olympics

Ngoài những hình ảnh xấu xí mà một vài VĐV bơi lội Trung Quốc tự bêu xấu họ, hành vi phi thể thao của VĐV Judo người Ai Cập khi từ chối bắt tay đối thủ người Israel… giống như các kỳ Đại hội khác, Olympics lần này không thiếu những khoảnh khắc đi vào lịch sử. 

Chúng ta sẽ nhớ hình ảnh hai nữ VĐV thể dục dụng cụ của Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên cùng chụp ảnh selfie mặc cho mối nguy cơ chiến tranh giữa hai quốc gia anh em này chưa bao giờ nguôi.
 
VĐV Bắc Triều Tiên (trái) và VĐV Hàn Quốc
VĐV Bắc Triều Tiên (trái) và VĐV Hàn Quốc

Chúng ta sẽ nhớ mãi phút giây hai VĐV điền kinh cự ly trung bình là Nikki Hamblin của New Zealand và Abbey D’Agostino của Mỹ cùng giúp đỡ nhau về đích. Bạn tập luyện bốn năm trời cho vài phút ngắn ngủi trên đường chạy, thế mà bạn dừng lại để giúp đỡ đối thủ của bạn? Bạn không có sự chọn lựa trong khoảnh khắc ấy, chính con người của bạn sẽ quyết định bạn làm gì, và tinh thần Olympics là đây.

Tinh thần Olympics luôn gắn liền với hình ảnh phấn đấu của “người đàn bà thép” Hosszú Katinka của Hungary trên đường đua xanh; là hình ảnh cuộc đời thể thao qua bảy kỳ Thế vận của VĐV Oksana Chusovitina trên sàn đấu thể dục dụng cụ, nơi các VĐV thường giã từ sự nghiệp ở độ tuổi đôi mươi, thế mà “bà già” Oksana đến Rio, bay lượn trên không ở độ tuổi 41, thật phi thường phải không!

Thành tích, vinh quang trong thể thao thường phải trải qua quá trình rèn luyện, hy sinh rất nhiều nơi các VĐV. Ở góc độ quản lý, việc cho ra lò những VĐV có thể tranh tài ở đẳng cấp thế giới là chủ đề thú vị về sự khác biệt giữa các cường quốc thể thao.

Trước đây, phóng sự của một lò đào tạo VĐV thể dục dụng cụ của Trung Quốc đã phơi bày hết những gì mà những đứa trẻ phải chịu đựng để tiếp cận thành tích đỉnh cao. Chúng bị HLV giẫm đạp lên mình như đang bị tra tấn trong những bài tập uốn dẻo, người xem nếu không chuẩn bị tâm lý sẽ không khỏi bị sốc.

Mặc dù truyền thông Trung Quốc lần này đã “chuẩn bị kỹ” để tránh sự dèm pha là một quốc gia chuộng thành tích, nhưng thực tế với một nền thể thao “luyện gà chọi”, Trung Quốc không từ một phương pháp luyện tập nào miễn có được thành tích là điều không thể nói khác đi được.

Trái lại, nước Mỹ vốn chú trọng vào thể thao học đường và niền đam mê của VĐV đã “không cần thiết” phải thực hiện những phương pháp đào tạo đi ngược lại với nền văn minh, nhưng họ liên tiếp cho ra đời hết huyền thoại này nến huyền thoại khác trong thể thao. Tất nhiên nước Mỹ đã có căn cơ phát triển về mọi mặt trong đời sống xã hội thì ở lĩnh vực thể thao họ mới đạt được nhiều thành tích đến thế, có thể chúng ta không bằng họ nhưng những cái hay của họ thì rất đáng để học tập.

Tinh thần Olympics là hòa bình, đoàn kết vượt khó khăn, và cùng nhau chinh phục những giới hạn của con người, chứ không có cái gọi là “Nhờ ơn Đảng và Nhà nước” mà ta có huy chương này nọ…

Tạm biệt Rio 2016, hẹn gặp lại ở Tokyo 2020, khi Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh đến xứ sở robot!

Anh Thư, từ Sài Gòn


 
 Từ khóa: Rio, Thế vận hội
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn