Không đơn giản để hiểu được cội nguồn mọi chuyện, nếu không trở về hàng chục năm trước, khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Orbán Viktor lên cầm quyền với chiến thắng vang dội trước phe đối lập trong kỳ bầu cử Quốc hội 2010, và “cuỗm” gọn hai phần ba ghế trong Nghị viện. Điều này khiến phe cầm quyền cánh hữu có thể thông qua bất cứ đạo luật nào một cách tùy thích, mà không cần dựa thêm vào lá phiếu của ai khác.
Từ bấy đến nay, liên danh Liên đoàn Thanh niên Dân chủ (FIDESZ) của ông Orbán cùng một đảng nhỏ khác là Đảng Nhân dân Dân chủ Cơ-đốc giáo (KDNP) tiếp tục giành “thượng phong” trong hai kỳ bầu cử nữa, và vẫn duy trì được tỷ lệ áp đảo hai phần ba trong Quốc hội. Hiến pháp và các đạo luật trọng yếu của Hungary được họ “cài cắm” một số điểm, vừa để duy trì và “bê-tông hóa” quyền lực, vừa để theo đuổi một số mục tiêu “lạ”.
Người đồng tính trong tầm ngắm của chính quyền
Trong số những động thái bị coi là đi ngược với những giá trị nền tảng của Liên Âu đó, có việc bài xích cộng đồng LGBT, khởi đầu bằng việc đưa vào bản Hiến pháp 2011 một định nghĩa, rằng gia đình phải là sự phối hợp giữa một cá thể nam và một cá thể nữ, coi đó là định chế truyền thống của mô hình gia đình Cơ-đốc giáo. Lập tức, các tổ chức bảo vệ quyền lợi của cộng đồng LGBT phát hiện ra ngay dụng ý đó, và lên tiếng phản đối.
Bởi lẽ, điều này có nghĩa là Hungary sẽ không bao giờ chấp nhận hôn nhân đồng tính, một mô hình thật ra không còn xa lạ với nhiều quốc gia EU. Đi xa hơn nữa, tháng 12/2020, Quốc hội Hung tiếp tục tu chính Hiến pháp, khiến các cặp đồng tính trong thực tế không thể nhận con nuôi, và bổ sung thêm một định nghĩa nực cười: trong gia đình, người cha phải là đàn ông, và mẹ là phụ nữ. Sự kiện này làm dấy lên một làn sóng phản đối rộng lớn.
Đầu năm 2021, gần 50 thương hiệu lớn cùng nhiều nhân vật có tiếng trong đời sống chính trị, xã hội và văn hóa Hungary đã tham gia một chiến dịch đứng về phía các gia đình đồng tính. Trong số đó, được chú ý là thủ môn Gulácsi Péter của tuyển Hungary, người từ 14 năm nay đã chơi cho các câu lạc bộ nước ngoài và mới đây được nhắc đến nhiều với những pha cản phá bóng xuất sắc trong hai trận đấu với tuyển Bồ Đào Nha và Pháp.
“Mọi người đều có quyền bình đẳng và mọi trẻ em đều có quyền lớn lên trong một gia đình hạnh phúc, bất kể giới tính, tín ngưỡng hay màu da của các thành viên gia đình”, anh viết trên mạng Facebook. “Càng có thời gian sống ở nước ngoài hoặc tiếp xúc với những người khác biệt, chúng ta càng nhận thấy không phải ai cũng như ai, thế giới như thế sẽ nhiều sắc màu hơn và điều quan trọng nhất là tình thương yêu, chấp nhận và cảm thông”.
Đánh đồng đồng tính với ấu dâm
Gần đây nhất, động thái khiến giọt nước tràn ly với cộng đồng LGBT là việc Quốc hội Hungary vừa thông qua một đạo luật hình thức bề ngoài là để chống nạn ấu dâm - điều mà người dân nhìn chung đồng tình - nhưng bên trong, vào phút cuối cùng, họ đã cho “cài cắm” nhiều điều khoản kỳ thị dân đồng tính không khó để nhận ra và do đó, Ủy ban Châu Âu cũng đang phải xem xét luật có vi phạm những quyền cơ bản của Liên Âu hay không.
Cụ thể, luật được cho là để phòng chống tệ ấu dâm một cách nghiêm ngặt, nhưng lại có những điều khoản cấm “tuyên truyền” và giới thiệu về người đồng tính cho trẻ vị thành niên, và loại trừ một phần các tổ chức dân sự khỏi công việc giáo dục giới tính. Cộng đồng LGBT có cơ sở để nói rằng họ bị kỳ thị, vì trong con mắt của xã hội, như thế, họ bị chụp mũ và đánh đồng với những kẻ ấu dâu, xưa nay vẫn bị coi là tội phạm nguy hiểm cho xã hội.
Lập tức, đã có ít nhất 12 nước thuộc khối Liên Âu - trong đó có Đức, Pháp, khối Benelux, Bắc Âu, các nước vùng Baltic... - ra một tuyên bố chung phản đối Budapest, và đề nghị Ủy ban Châu Âu (EC) trên tư cách cơ quan hành pháp tối cao của EU hãy “sử dụng mọi công cụ có được để buộc Hungary phải hoàn toàn tuân thủ luật Liên Âu”. Chủ tịch EC - bà Ursula von der Leyen cũng đã ra tuyên bố kịch liệt chỉ trích đạo luật mới này của Hungary.
Thậm chí, Bồ Đào Nha - quốc gia là Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Châu Âu là cơ quan chính trị thượng đỉnh của Liên Âu cũng nói họ sẵn sàng là nước thứ 13 ký tuyên bố chung này, nếu họ không giữ cương vị ấy từ tháng 7/2021. Để phản đối luật mới, hàng chục ngàn cư dân Hung và đại diện các tổ chức dân sự đã xuống đường biểu tình, cho rằng đây là sự kỳ thị và phân biệt đối xử trắng trợn được học theo mô hình của Liên bang Nga.
Chỉ trong ít ngày, nhiều dân biểu Nghị viện Châu Âu (EP), tòa đại sứ Mỹ, các hãng truyền thông... đã cùng lên tiếng đứng về phía cộng đồng LGBT. Xuất hiện một thỉnh cầu trên mạng đã được hơn 60 ngàn người ký, đề nghị SVĐ Allianz Arena nên được chiếu bằng lục sắc cầu vồng - biểu tượng của dân đồng tính - trong trận đấu cuối ngày 23/6 của tuyển Hungary ở vòng bảng để bày tỏ sự cảm thông và tình đoàn kết với cộng đồng LGBT.
Lục sắc cầu vồng: thể thao và chính trị
Những tưởng nguyện vọng trên cũng sẽ nhanh chóng đi vào quên lãng như muôn vàn thỉnh nguyện thư đầy rẫy trên mạng, nhưng ít ai ngờ là nó có sức lan tỏa ghê gớm, trở thành tâm điểm của báo chí bên cạnh những trận đấu của EURO 2020. Giới chính khách Đức, từ Thị trưởng München - ông Dieter Reiter tới Thủ hiến bang Markus Söder đều ủng hộ ý tưởng này: ông Söder cho rằng lục sắc cầu vồng là “biểu tượng của quyền tự do xã hội”.
Với sắc màu ấy, München muốn gửi một thông điệp tới Budapest, là thành phố này ủng hộ sự đa dạng và cảm thông với những giá trị khác biệt – đó là khẳng định của Thị trưởng Dieter Reiter. Chủ tịch CLB Bayern München, ông Herbert Hainer thì chia sẻ trên mạng Twitter của CLB rằng “sự cảm thông và chấp nhận là những giá trị đại diện cho xã hội Đức và cho CLB Bayern, và SVĐ Allianz Arena từng nhiều lần được chiếu đèn với sắc màu như thế”.
Sắp tới, điều này cũng sẽ diễn ra vào thứ Ba, trong ngày lễ hội của cộng đồng LGBT Đức “Christopher Street Day”, khi đó tại SVĐ trong có trận đấu nào. Có điều, việc chiếu sáng SVĐ trong EURO 2020 thuộc thẩm quyền của Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (EUFA) chứ không phải của lãnh đạo thành phố, và UEFA nhìn chung không muốn đưa ra quan điểm chính trị. Với họ, chỉ có thể dùng các sắc màu của quốc kỳ hai nước, không thể khác.
Không được trộn lẫn thể thao với chính trị cũng là quan điểm của Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter, khi ông này cho rằng đó là “điều cực kỳ có hại và nguy hiểm, các trải nghiệm lịch sử đã chỉ ra như vậy” trong hội nghị các ngoại trưởng Liên Âu họp tại Luxembourg. Trong khi đó, mối quan hệ giữa chính trị và thể thao tại Hungary là quá rõ ràng và không thể phủ nhận, khi tiền ngân sách cứ được rót đều đều cho sân bãi, thay vì y tế và giáo dục.
Không chịu bó tay
“Hãy cứ làm đi, München! Làm đi! Hãy chiếu sáng để cả thế giới đều thấy!”, cựu danh thủ tuyển Anh, tiền đạo Gary Lineker viết trên mạng Twitter và bình luận thẳng thừng: “Hãy cứ làm để họ (chính quyền Hungary) phải tức điên!”. Không chỉ ông, mà nhiều chính đảng và tổ chức đã phê phán UEFA, cho rằng quyết định cấm chiếu đèn lục sắc là “sai lầm và đáng thất vọng”, và khiến các chiến dịch chống phân biệt và kỳ thị của UEFA trở nên “giả dối”.
Trước đây, EUFA đã từng chấp nhận để thủ môn tuyển Đức - Manuel Neuer đeo băng đội trưởng với lục sắc màu kiêu hãnh của cộng đồng LGBT, và Liên đoàn Bóng đá Đức cũng cho đó là biểu tượng của sự đa dạng và phục vụ mục tiêu tốt đẹp của xã hội. Các tổ chức LGBT Đức đã chuẩn bị 11 ngàn lá cờ lục sắc để phát ở sân bãi và khu vực xung quanh, và một số SVĐ của các CLB trên toàn nước Đức cũng quyết định sẽ chiếu sáng như thế.
“Nếu sân München không được chiếu sáng với lục sắc cầu vồng, thì sân Frankfurt sẽ như vậy”, Phó Chủ tịch CLB Eintracht Frankfurt - ông Axel Hellmann viết trên mạng Twitter và vận động các CLB khác cũng làm theo. Trước mắt, Berlin đã tuyên bố hưởng ứng, và có khả năng là Köln cũng như vậy. Trái với ý của Ngoại trưởng Szijjártó Péter, đây không phải là sự tấn công nhằm vào nước Hung, mà là sự bảo vệ nhân quyền và phẩm giá con người.
Một điều chắc chắn: Tòa Thị chính München và cả thành phố sẽ chìm trong lục sắc cầu vồng vào tối nay. Phải chăng, đó là điều khiến Thủ tướng Orbán Viktor - một fan bóng đá cuồng nhiệt - đã đột ngột từ bỏ ý định qua Đức cổ vũ cho trận cuối vòng bảng của đội nhà, theo hãng tin Đức DFP? Và hãy chờ xem, Liên Âu sẽ làm gì với đạo luật bị Chủ tịch Ủy ban Châu Âu gọi bằng cái tên “một sự nhục nhã” và “cần phải cương quyết chống lại” này!
(*) Bài viết đã đăng trên “BBC”.