NGƯỜI KIẾN TẠO LỐI CHƠI CHO TUYỂN HUNGARY

Thứ sáu - 25/06/2021 05:56

Trong thành công không ai ngờ tới của tuyển Hungary trong kỳ EURO 2020 này, có vai trò vô cùng to lớn của HLV người Ý Marco Rossi, nhà cầm quân đã biến một đội bóng không có những ngôi sao sáng chói - thường bị nhược điểm cố hữu là thiếu tự tin, thể lực kém, lối chơi không chuyên nghiệp, dễ tan vỡ trước các đối thủ lớn - trở thành bất ngờ lớn nhất của vòng bảng.

Huấn luyện viên Marco Rossi cùng tuyển Hungary tạo nên sự hấp dẫn cho các trận đấu ở bảng F Euro 2020. Ảnh: Reuters.

Huấn luyện viên Marco Rossi cùng tuyển Hungary tạo nên sự hấp dẫn cho các trận đấu ở bảng F Euro 2020. Ảnh: Reuters.

Tuyển Hungary đã khiến “Die Mannschaft” phải đối mặt với một trong những trận đấu khó nhọc nhất trong sự nghiệp của HLV Joachim Löw theo phát biểu của ông sau trận đấu hôm 23/4 vừa rồi, khi các chàng trai Hung lẽ ra chỉ còn 6 phút nữa là có thể “vượt mặt” nhà vô địch thế giới năm 2014.

Theo nhiều ý kiến của các “fan” bóng đá, dù bị loại ngay trong vòng bảng, Hungary đã là đội bóng để lại thiện cảm nhất với lối chơi xả thân, quên mình, với nhiệt huyết từ trái tim và nỗ lực cống hiến, đầy ý chí và lì lợm, không chùn bước trước ba đối thủ được xem là hơn mình rất nhiều về mọi mặt.

Để có được ngày hôm nay, bóng đá Hungary đã trải qua ba thập niên nhọc nhằn, kể từ thất bại ở kỳ World Cup 1986 với thảm bại 0-6 trước tuyển Liên Xô tại Mexico. Cú K.O. khiến nền túc cầu nước này đã tưởng như không bao giờ có thể gượng dậy nổi và cứ trượt dài mãi trong bóng đêm tăm tối.

Người có công vực tuyển Hungary dậy, ông Marco Rossi, năm nay 56 tuổi, vốn và một cầu thủ và sau đó, một HLV không mấy tên tuổi. Ông chào đời tại vùng Druento (cạnh Torino) và khởi đầu sự nghiệp bóng đá tại CLB Torino FC, rồi cùng CLB Brescia Calcio lên hạng Serie A (Ý) vào năm 1992.

Thời đó, mỗi CLB chỉ có thể có tối đa 3 “lính đánh thuê”, và CLB Brescia dựa vào ê-kip Romania gồm Gheorghe Hagi, Ioan Sabau và Florin Raduciou, còn trên vai trò HLV là Mircea Lucescu. Đó là sự tiếp xúc đầu tiên của ông với bóng đá Đông Âu, mở đầu cho những mối quan hệ với vùng đất này.

Mang áo số 3, Rossi chơi ở vị trí hậu vệ và ghi vỏn vẹn 2 bàn thắng vào mùa bóng 1992: một bàn trước Juventus, khi đó có nhà vô địch thế giới Jürgen Kohler ở hàng hậu vệ, và các tiền đạo Ravanelli và Vialli ở hàng tấn công, bàn kia trước Ancona mà ngôi sao chính là Détári Lajos của tuyển Hung.

Sau khi Brescia bị xuống hạng, Rossi chuyển sang Samdoria, đội được lọt vào chung kết Cup C1 năm 1992. Tại đây, ông hòa nhập được với đội, nhưng do sự cạnh tranh quá lớn nên trong 2 mùa bóng ông chỉ chơi được 25 trận, và sau đó còn có thêm được 1 mùa giải ở Serie A với Piacenza (1996-97).

Cho tới giờ, khi chia sẻ với báo chí, Rossi nói rằng ông còn nhớ như in 2 bàn thắng quý báu đó, và ông cũng cho hay: ông chơi thân với danh thủ Hagi của tuyển Romania, và gần đây 2 người còn gặp lại nhau ở Budapest, bữa đó có mặt cả Détári, 2 số 10 huyền thoại của bóng đá vùng Trung Âu.

“Tôi không sao có thể so bì được với họ”, ông khiêm tốn và nói thêm, ông chính là ví dụ để các cầu thủ được ông huấn luyện thấy rằng, có thể lọt vào giải vô địch mạnh nhất thế giới vì thời ấy, Ý là mảnh đất quy tụ những danh thủ hàng đầu hoàn cầu. “Tôi muốn đến gần họ, để được chơi cùng họ”.

“Tôi lên được Serie A không phải do tài năng, mà vì sự chuyên cần, nỗ lực hàng ngày. Tôi có một giấc mơ trước mặt mà tôi muốn thực hiện. Nếu tôi, một người không tài năng, cũng thành công, thì không có lý gì mà các ban lại không thành công” là phương châm thường trực của ông trong huấn luyện.

Rossi qua Hungary với CLB Honvéd vào năm 2012 với sự giúp đỡ của Fabio Cordella và kiếm được hơn 3 ngàn Euro mỗi tháng, khoản tiền quá ít ỏi nhưng ông cho hay, ông không vì tiền mà để có cơ hội làm việc cho một CLB có bề dày lịch sử. Năm 2017, Honvéd đoạt danh hiệu vô địch Hungary.

Sau thành công này, Rossi trở thành huấn luyện viên của CLB Dunaszerdahely và về thứ ba ở giải vô địch Slovakia vào mùa hè 2018. Khi đó, Liên đoàn Bóng đá Hungary (MLSZ) nhận ra rằng tuyển Hung không thể đến được EURO 2020 với HLV người Bỉ George Leekens, nên đã bổ nhiệm ông.

Năm 1994, tuyển quốc gia Ý lọt vào vòng chung kết World Cup và ở cấp CLB, AC Milan đánh bại Barcelona với tỷ số 4-0 trong trận chung kết Cup C1. Sự ra đời của thuật ngữ “squadra corta” (tạm dịch: đội ngũ ngắn gọn) - môt chiến thuật rất quan trọng trong bóng đá - được cho là vào thời kỳ này.

Một cách dễ hiểu, khoảng cách giữa hàng thủ và hàng tiền đạo rất nhỏ, chỉ khoảng 40m, trong khi cả đội di chuyển lên xuống với nhau, cùng nhau gây áp lực lên đối phương. Vào những năm 90, đây là một khái niệm tồn tại ở Ý, trong khi ở Hungary thì chưa, và Rossi đã áp dụng nó cho tuyển Hungary.

Nếu hàng thủ và hàng công cách nhau quá xa, đội hình có thể bị xé lẻ hoàn toàn, đối phương rất dễ phản công, và đây là điều từng hay xảy ra với tuyển Hungary. “Khoảng cách giữa các cầu thủ và độ dài của đội ngũ là nền tảng của bóng đá hiện đại”, Rossi khẳng định khi du nhập nó vào Hung.

“Nếu bạn có thể giải quyết để các cầu thủ ở gần nhau và các bộ phận trong đội ăn khớp với nhau, nghĩa là giữ khoảng cách theo cả hai hướng, thì bạn đã thực hiện được một bước. Quan trọng là sự di chuyển của họ phải phù hợp với trái bóng, khi đó đối thủ sẽ cảm thấy bị nhiều khó khăn hơn.

Nếu bạn ở gần nhau, bạn không cần phải đưa ra những đường chuyền đáng kinh ngạc trong một cuộc tấn công, bạn không cần phải nắn nót trái bóng xa 30-40 thước cho đồng đội của mình. Bất kỳ cầu thủ tầm quốc tế nào cũng có thể thực hiện những đường chuyền ngắn chính xác”, ông nói. 

Tháng 11/2020, tình thế nóng bỏng đối với HLV Rossi và cả người hâm mộ. Tại sân nhà, Wales thắng Hungary 2-0 với 2 bàn của Aaron Ramsey khiến đội chủ nhà thẳng tiến vào sân chơi EURO 2020, còn Hungary chỉ đứng thứ 4 trong bảng đấu dù có vài chiến thắng rực rỡ, như thắng đội Croatia. 

Giấc mơ được chơi các trận đấu tại EURO 2020 ngay trên sân nhà có vẻ như tan thành mây khói, Rossi mệt mỏi vì thất bại và trách móc các cầu thủ của ông sau trận đấu, rằng “chúng ta đã xuống tinh thần vì thiếu hụt khả năng”, cho dù, dần như chính đội hình này trước đó đã đánh bại Croatia.

“Khi mọi thứ không suôn sẻ, tôi buộc phải nói sự thật. Sự thật của riêng tôi. Không phải là không tôn trọng các cầu thủ, nhưng tôi phải nói ra vì cần làm như vậy. Tôi đã chứng kiến màn trình diễn không hoàn hảo của 5-6-7 cầu thủ cùng một lúc, và đó là điều rất dở đối với một HLV khi phải đối mặt.

Tôi luôn bắt đầu từ một tiền đề rằng đội bóng là tấm gương phản chiếu của HLV, luôn giơ tấm gương để HLV soi mình. Nếu đội thi đấu kém, thì tôi là người kém đầu tiên, không nên chỉ tay vào người khác, tìm lỗi ở người khác”, ông nhớ lại về trận thua của Hungary ở Cardiff, thủ phủ của xứ Wales.

Sau thất bại ấy, Rossi không chỉ buồn, thất vọng và suy sụp, mà ông còn lo âu, thậm chí còn không biết có nên tiếp tục với tuyển Hungary không. Hai điều khiến ông qua được bế tắc: trước đây, ông chưa bao giờ từ bỏ bất cứ điều gì, với tư cách một cầu thủ bóng đá và một HLV ở giải hạng tư Ý.

Trong đội hình của tuyển Hungary lần thua Wales, có những tên tuổi giờ được nhắc tới nhiều như thủ môn Gulácsi Péter cùng Nagy Ádám, Sallai Roland, Szoboszlai Dominik và Szalai Ádám. Rossi bàn bạc cùng các cầu thủ và thống nhất đưa ra một chiến thuật bất ngờ, đó là chơi vơi 3 hậu vệ.

Hình thành đội hình 3-5-2 mà tuyển Hungary đã chơi thành công trong nhiều trận, đem lại sự tự tin cho các cầu thủ và HLV, khi đó đã được rèn luyện để có một bầu không khí thân mật và tin cậy như trong gia đình, mỗi khi họ đi tập huấn. Đội tuyển Hungary dần dần rất hiểu ý nhau và tâm đầu ý hợp.

Rossi cũng không ngại khi gọi vào tuyển những cầu thủ chơi ở giải vô địch trong nước - thường bị coi thường so với các đồng đội ở nước ngoài - và tạo ra một phương châm cho đội: hãy chơi thật khó chịu trước những đối thủ lớn. “Khó chịu”, đó là điều người HLV muốn với các cầu thủ của mình.

“Tôi muốn đối phương cảm thấy tuyển Hung can trường, mạnh mẽ và bên cạnh đó, chơi chất lượng. Họ phải cảm thấy khó chịu khi họ đến đây chơi. Nếu họ cảm thấy như vậy khi tuyển Hung ra nước ngoài thì đã là một bước tiến nữa. Phải gây đau đầu với lối chơi kỷ luật của chúng tôi”, ông nói.

Cố nhiên, câu chuyện sẽ không thể “có hậu” như hiện tại, nếu cuối năm ngoái, trong trận giành vé vớt đi dự EURO 2020 với tuyển Iceland, ở phút thứ 86 một cầu thủ xứ băng đảo chọc thủng lướt Hungary từ một tình huống rất “ngàn vàng”, nhưng rồi Gudmundsson trượt chân và bỏ lỡ cơ hội đó.

Tuyển Hungary sau đó thay đổi thế cờ, và kịp lên chuyến tàu đi dự EURO 2020. “Khi ấy chúng tôi đã may mắn. Ý chí thì tôi đã nói qua ví dụ của chính tôi, nhưng cũng cần vận hên nữa”, ông nhớ lại. Vận hên đã không đến với tuyển Hungary trong vòng bảng lần này, dù họ đã chơi hết sức thuyết phục.

Họ chỉ cần 6 phút để “làm nên lịch sử”, nhưng không thành. Dầu vậy, 2 tuần đầu của giải, một cách bất ngờ, Hungary đã tỏ ra là đội tuyển chơi ấn tượng nhất, quyết liệt nhất và không hề kém phân trước 2 nhà vô địch thế giới và đương kim vô địch Châu Âu, và người hâm mộ sẽ còn nhớ điều đó.

(*) Bài viết đã đăng trên “ZINGNEWS”.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: EURO 2020
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn