Đây là điều dĩ nhiên không mấy ai ngờ tới, và ngay HLV trưởng của tuyển Hungary, ông Marco Rossi vào đầu tháng 6/2021 còn tiên đoán rằng, bất cứ đội nào trong “tổ tam” ấy cũng có thể lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất của giải, và có thể trận chung kết sẽ diễn ra với 2 đội trong số đó. Nhận định này của nhà cầm quân người Ý rốt cục đã sai hoàn toàn, nhưng khó tin hơn cả là cả 4 đội trong bảng F đều bị loại “trước thời hạn”.
Nhiều lý do khả dĩ đã được đưa ra nhằm lý giải cho điều bất ngờ này, ví dụ không ít người - đặc biệt là các “fan” hâm mộ Hung - cho rằng tuyển Hungary trong vòng bảng đã “hút hết hơi” 3 đội đàn anh của mình. Ngược lại, cũng có thể là bảng F... quá yếu nên không có đại diện nào được vào vòng tứ kết, trong khi các cặp Bỉ - Đan Mạch, Ý - Thụy Sĩ và Anh - Cộng hòa Czech thì vẫn làm được điều đó một cách “ngon lành”.
Tuy nhiên, phải chăng sự ra đi khá sớm của bộ ba nói trên là điều quá khó tưởng tượng? Trước hết, hãy xem vài con số, liên quan tới bảng xếp hạng chính thức của các đội bóng trên thế giới, do Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) công bố.
Trước EURO 2020, tuyển Pháp đứng thứ 2, Bồ Đào Nhà thứ 5 và Đức thứ 12.
Các đối thủ của họ, Thụy Sĩ đứng thứ 13, Bỉ đứng đầu bảng, còn Anh thứ 4.
Tám đội lọt vào vòng tứ kết có thứ hạng như sau: Bỉ (1), Anh (4), Tây Ban Nha (6), Ý (7), Đan Mạch (10), Thụy Sĩ (13), Ukraine (24) và Cộng hòa Czech (40).
Raheem Sterling ghi bàn thắng đầu tiên cho đội Anh
tại sân Wembley trước tuyển Đức - Ảnh: John Sibley (AFP)
Cố nhiên, thứ hạng này không nói lên tất cả, vì nó phản ánh thành tích những năm trước đây của các đội. Trong bất cứ một giải bóng lớn nào, trạng thái tâm lý, tinh thần và chiến lược, chiến thuật của từng đội, cùng phong độ nhất thời của họ, đều là những yếu tố tối quan trọng, chứ không hẳn là thứ bậc. Tuy nhiên, nhìn vào thứ hạng của 8 đội kể trên, có thể thấy ngoài Cộng hòa Czech, thì các đội khác đều không phải “mít, xoài”.
Đó là chưa nói tới những sự cố phát sinh giữa chừng, như tai nạn của Christian Eriksen đã khiến toàn đội Đan Mạch có thêm sức mạnh và lòng quyết tâm vượt trội. Nhưng thử xem, việc bộ ba Pháp, Bồ Đào Nhà và Đức phải xách va-li về nước sớm, có lời giải thích duy lý nào không? Một số bình luận của báo chí thể thao quốc tế cho thấy, thật ra điều này không hẳn là cơn địa chấn gì quá ghê gớm, mà đều có cội nguồn hợp lý cả.
Thụy Sĩ, từ năm 2004 trở đi, ngoại trừ EURO 2012 ra thì luôn có mặt tại các giải lớn, cho dù họ luôn thất bại trong vòng loại trực tiếp. Xét về khả năng của đội, giới báo chí cho rằng sẽ có lúc họ vượt qua được hạn chế đó, và “nạn nhân” của họ, trớ trêu thay, lần này là Pháp, đương kim vô địch thế giới. Một đội quá mạnh và luôn được xem như ứng viên vô địch, nhưng ở hai kỳ World Cup 2002 và 2010 đều không qua vòng bảng.
Vòng đầu ở “bảng tử thần”, Pháp vượt Đức bằng một bàn thắng của “ngoại nhân”, và coi như chắc chắn được đi tiếp. Sự kém hiệu quả của hàng công Pháp thể hiện rõ trong trận với Hungary, những tình huống làm bàn “trông thấy” cũng bị bỏ lỡ, và cuối cùng may mắn lắm mới gỡ hòa được. Trận cuối với Bồ, kết quả hòa phù hợp với cả hai, nên Pháp cũng chỉ cầm chừng. Chỉ trong trận với Thụy Sĩ mới thấy tuyển Pháp bừng tỉnh.
Haris Seferovic ghi bàn thắng thứ hai cho đội Thụy Sĩ vào lưới Pháp -
Ảnh: Daniel Mihailescu (AFP)
Ấy là khi đã bị dẫn 1-0 và thủ môn Lloris đỡ được cú penalty của Thụy Sĩ. Sau đó, Pháp bứt phá hẳn, gỡ lại 3-1, Pogba ghi bàn rất đẹp và dường như “Những chú gà trống Gaulois” nghĩ rằng đã có thể xả hơi cho trận với Tây Ban Nha. Nhưng điều đó không xảy ra, hàng chục ngôi sao tầm thế giới không làm nên một tập thể có sức chiến đấu bền chặt, và cầu thủ đắt giá nhất Kylian Mbappé thì hoàn toàn không ở phong độ chuẩn.
Bồ Đào Nha không may mắn khi phải đối mặt với “Những con quỷ đỏ” Bỉ, hiện đang dẫn đầu bảng xếp hạng thế giới của FIFA, và điều đáng nói hơn, đây là cơ hội lớn cuối cùng để “thế hệ vàng” này của họ có thể đạt được kết quả thuyết phục. Không những thế, Bỉ còn rất gặp may khi bàn thắng trời giáng của Thorgan Hazard - cú sút duy nhất trúng cầu môn của Bồ - chỉ được đáp trả lại bởi những tình huống bóng chạm cột.
Nói về Đức, một đội tuyển mà theo suy nghĩ của đa số, có thể chơi dở đến mấy đi nữa nhưng vẫn hay giành được phần thắng nhờ lòng quyết tâm và ý chí kiên cường, cần nhận thấy rằng uy tín và quá khứ vàng son của họ khiến thế giới thường đánh giá họ cao hơn thực lực của họ. Trước giải, Đức hòa Bắc Macedonia trên sân nhà, và từ khi đó đã có những ý kiến cho rằng sau 15 năm trên cương vị HLV, Joachim Löw đã quá mệt mỏi.
Không còn khả năng khích lệ và gây động lực cho các cầu thủ - trong đó không ít ngôi sao, nhưng đang ở giai đoạn chuyển đổi thế hệ và không tạo thành được một tập thể ăn ý và đoàn kết như điều người Đức thường có -, Löw sẽ chia tay đội sau EURO 2020 và thường là khó biết được, một đội tuyển khi đó sẽ chơi như thế nào. Ở trận với tuyển Hungary, đội Đức đã cho thấy, họ ở gần với ranh giới bị loại và không quá mạnh.
Về tổng thể, nếu để ý hơn nữa, Pháp có thể vẫn còn rong ruổi ở giải, còn Bồ Đào Nha đã cố gắng hết mình nhưng những trái bóng của họ, bất thành thay, không có mắt như hồi 2016. Đức thì đang gặp khủng hoảng lớn về công tác huấn luyện và chuyển giao thế hệ. Tất nhiên, với cả 3 đội, Hungary đã là một đối thủ quyết liệt, ngang phân và rất khó chịu, như HLV Marco Rossi từng mong muốn tạo dựng cho các chàng trai của ông.
Cuối cùng, có lẽ sẽ không bao giờ có chuyện, những đội rất mạnh lại có thể lọt vào “hàng hai” như Pháp, hay “hàng ba” như Bồ trong cuộc rút thăm trước kỳ EURO 2020 này. Tất cả những yếu tố này, cũng như việc cả 3 “ông lớn” của bóng đá hoàn vũ nối đuôi nhau từ giã giải, đều mang tính định mệnh, cho dù hoàn toàn có thể lý giải được việc họ bị loại. Hoặc cùng lắm, có thể lặp lại: trái bóng tròn và do đó, có thể lăn bất ngờ...