“L'Équipe”, tờ báo thể thao nổi tiếng nhất của Pháp chờ đợi đội nhà chiến thắng để vào thẳng vòng sau, nhưng rốt cục các chú gà trống Gaulois phải vui mừng vì có được 1 điểm. BBC của Anh cho rằng tiền đạo Antoine Griezmann đã “cứu vãn nước Pháp”, còn các cầu thủ Hung đã giành được 1 điểm đáng nhớ tại thủ đô Budapest vốn đang rất nhộn nhịp vì SVĐ Puskás Aréna tiếp đón 100% sức chứa của mình - gần 69 ngàn khán giả.
Hai mạng tin của Tây Ban Nha, as.com và marca.com cũng đều nhắc đến Griezmann, người ghi bàn gỡ hòa cho tuyển Pháp như “chiến binh cứu hỏa”, vị cứu tinh vĩ đại cho một đội tuyển gồm toàn các ngôi sao, nhưng nhiều khi đã “mất điện” tại Budapest. ESPN, báo thể thao Mỹ thì ca ngợi bàn thắng tuyệt vời của Fiola Attila mang lại hy vọng cho CĐV Hungary sau trận đầu rất nỗ lực, nhưng rốt cục vẫn thua đậm 0-3 trước Bồ Đào Nha.
Với những ai am hiểu lịch sử Á - Âu, cái tên Attila có thể nhắc nhớ vị Thiền vu (hoàng đế) kiệt hiệt Attila (A Đề Lạp) - được mệnh danh là “Ngọn roi cùa Thượng đế” - của Đế quốc Hung Nô từng “làm cỏ” Châu Âu khiến lục này chìm đắm trong cảnh chiến chinh vào thế kỷ thứ 4-5, với câu nói trứ danh “Nơi nào vó ngựa của ta đi qua, ở đó cỏ không còn mọc được nữa”. Thú vị thay là dân Hungary vốn coi mình là hậu duệ của Hung Nô!
Hai trận đấu của tuyển Hungary từ đầu EURO 2020 tới giờ nhắc nhớ lại một quá khứ hào hoa của nền bóng đá nước này, từ đầu thế kỷ 20 cho tới giữa thập niên 80 thế kỷ trước, khi mà hầu khư không thời kỳ nào, Hungary lại không có những đội hình “khủng”, những cầu thủ xuất chúng, đóng góp cho bóng đá thế giới. Truyền thông nước Pháp trong dịp này đã nhắc lại, tròn 94 năm trước, Hungary từng hạ Pháp với tỷ số khiếp đảm 13-1.
Đòn sấm sét ấy ở Budapest được liệt vào hàng những “chiến thắng hai chữ số” mà tuyển Hungary sở hữu không ít trên đấu trường quốc tế. Thế giới, cho tới giờ, còn nhớ “Đội tuyển vàng” của Hung thập niên 50, mà “ngôi sao của các ngôi sao” là thủ quân Puskás Ferenc, thuộc hàng những danh thủ vĩ đại nhất của mọi thời đại - tên tuổi ông hiện được đặt cho giải thưởng FIFA, dành cho cầu thủ đã ghi bàn có giá trị thẩm mỹ nhất của năm.
Nhưng báo chí Hungary, cũng trong dịp này, còn nhắc lại rằng chỉ 16 năm trước danh hiệu Á quân tại kỳ World Cup 1954 ở Thụy Sĩ, tuyển Hung cũng từng có một dàn cầu thủ tuyệt vời, chỉ chịu thua trước Ý trong trận chung kết giải thế giới năm 1938. Vào thời ấy, kết quả này được coi là không có gì đáng lạ, vì Hungary từng là một trung tâm của bóng đá Châu Âu từ những năm đầu thế kỷ 20, bên cạnh Anh, Scotland, Áo và Tiệp Khắc.
Thế giới bóng đá của Châu Âu thời ấy hàm chứa những điểm thú vị mà giờ đây đã hoàn toàn đi vào quên lãng. Chỉ cần nhắc tới chuyện, có những năm mà tại nước Ý hai lần vô địch World Cup thời ấy, trong số 18 CLB hạng nhất, có tới 12 đội mà HLV là người Hung! Bởi thế, trận chung kết của giải năm 1938 - khi đã có thể cảm thấy những làn gió của Thế chiến thứ hai - được coi là rất đặc biệt, khi các môn đệ gặp bậc thầy của mình.
Cho dù “Đội tuyển vàng” Hungary thập niên 50 tan rã sau biến cố lịch sử 1956, nhưng Puskás và các đồng đội của ông, khi ra nước ngoài, đã trở thành những trụ cột tại nhiều nền bóng đá Châu Âu. Thập niên 60, 70 và đầu những năm 80, nước Hung vẫn là một thành viên đều đặn của các kỳ World Cup, và vẫn có nhiều cầu thủ đỉnh cao, như Albert Flórián (Quả bóng vàng Châu Âu 1967), Nyilasi Tibor, Törőcsik András hay Détári Lajos.
Sau thất bại lớn ở World Cup 1986 tại Mexico với trận thua thảm bại 0-6 trước tuyển Liên Xô, bóng đá Hungary rơi vào một khoảng chân không dài tới 3 thập niên, và dường như chỉ trở lại khởi sắc tại EURO 2016 ở Pháp, với những trận đấu ấn tượng như màn trình diễn 3-3 tại Lyon trước Bồ Đào Nha, sau đó là nhà vô địch giải. Nếu như ở vài phút cuối, trái bóng của tuyển Hung không đập cột, mà vào lưới, thì Bồ đã không có cơ hội ấy!
Trở lại trận gặp Pháp hôm 19/6, báo thể thao “Kicker” của Đức nhận định rằng với kết quả này, vận mệnh của bảng F chưa hề được quyết định chút nào! Tờ báo uy tín nhận xét trong đoạn vào đề, rằng tuyển Pháp chơi tốt, nhưng không thể làm được gì trước khung thành của Hung, và “Hungary đã chiến đấu với trái tim vĩ đại”. “Chơi bằng trái tim và tính tổ chức” cũng là điều mà HLV Marco Rossi của tuyển Hung trả lời trước báo giới.
Nhà tuyển trạch người Ý hoàn toàn ý thức được rằng có sự chênh lệch khá lớn về kỹ thuật giữa hai tuyển Hungary và Pháp, nhưng ông phải cám ơn, và cá nhân ông biết ơn các cầu thủ đội nhà đã chơi và cống hiến hết mình để khỏa lấp được khoảng cách ấy. “Cần phải thừa nhận rằng chúng tôi đã tiến bộ, đặc biệt là về quan niệm thi đấu, và về phản ứng của các cầu thủ trong những khoảnh khắc khó nhọc”, Rossi nói sau trận đấu.
Để có thể đi tiếp, một điều hiếm ai dám nghĩ tới, Hungary sẽ phải thắng tuyển Đức trong trận cuối ở München, “nhưng chúng ta cần phải đi trên mặt đất”. Bởi lẽ, “hôm nay là một ngày đặc biệt, nhưng chỉ có vậy” - HLV Marco Rossi hoàn toàn có cái nhìn thực tế khi chia sẻ rằng, “không thể nói chúng tôi qua München và sẽ chiến thắng”. Nhưng chắc chắn là các chàng trai của ông sẽ làm tất cả, ngay cả khi không thi đấu tại quê hương.
Biết đâu, lịch sử huy hoàng bóng đá Hungary lại chẳng tái hiện và phục sinh, ít nhất là trong từng trận đấu sinh tử. Nhiều người dân Hung cho rằng với lối chơi và quyết tâm của tuyển Hungary hiện tại - được coi là mạnh nhất kể từ năm 1986 cho tới nay -, thêm một chút may mắn, tại sao họ lại không có quyền hy vọng và cả mơ mộng như thế! Chúng ta hãy chờ xem!
(*) Bài viết đã đăng trên “ZINGNEWS”.