Szent-Györgyi Albert (1893-1986)
Điều này có thể do ông là khoa học gia duy nhất nhận được giải Nobel khi còn đang sống tại Hungary, những hoạt động tích cực của ông trong đời sống chính trị và xã hội khiến ông càng được mến mộ và nổi tiếng, tới mức gây khó khăn cho ông khi phải trốn tránh vào năm 1944. Tư tưởng tiến bộ, tính nhân văn sâu sắc, cá tính mạnh mẽ, tính cầu tiến nhưng không háo danh đã đưa ông vào hàng ngũ những nhà khoa học đáng trọng nhất của chúng ta.
Szent-Györgyi Albert sinh ngày 16-9-1893 tại Budapest, được làm lễ đặt tên thánh trong nhà thờ Tin Lành trên quảng trường Kálvin. Ông tốt nghiệp hạng ưu trường Phổ thông Trung học Tin Lành phố Lónyai, sau đó theo học Y khoa trường Đại học Khoa học Pest. Đang học dở dang thì Đệ nhất Thế chiến nổ ra và ông bị sung vào lính. Ông đã được thưởng Huy chương bạc Dũng sĩ vì đã dũng cảm cứu nhiều binh sĩ bị thương với tư cách sinh viên y khoa. Nhưng tận thấy nỗi khủng khiếp và sự phi lý của chiến tranh, ông đã mạo hiểm tự bắn vào cánh tay để được giải ngũ.
Trở về, ông tiếp tục theo học đại học và năm 1917 ông tốt nghiệp với bằng bác sĩ. Đầu tiên ông nhận làm việc tại Phòng thí nghiệm Dược phẩm Đại học Khoa học Pozsony [nay là Bratislava, thủ đô Slovakia – ND], nhưng không lâu sau ông phải thôi việc vì thành phố Pozsony bị cắt cho Tiệp Khắc theo quyết định của Hiệp ước Hòa bình Trianon. Thập kỷ sau đó ông đi nghiên cứu và thực hành ở nhiều nơi, như các trường Đại học Tổng hợp Praha, Berlin, Hamburg, Leiden, Gröningen, London và Cambridge.
Trong thời gian này, vật lý hạt nhân, vật lý điện tử cũng như cơ học lượng tử có những bước phát triển nhảy vọt, ảnh hưởng đến sinh học và sinh lý học, vì vậy ông đặc biệt chú ý đến hóa học, sinh học và hóa sinh. Công trình nghiên cứu đầu tiên của ông về cơ chế hô hấp của tế bào đã gây sự chú ý của giới chuyên môn. Thời gian này diễn ra cuộc tranh cãi gay gắt về quá trình ôxy hóa sinh học giữa hai quan điểm có vẻ mâu thuẫn nhau. Đó là cuộc tranh cãi giữa Weiland và Warburg về sự đối lập của sự hoạt hóa hidrô và ôxy.
Ngày nay, chúng ta thấy sự khác nhau của hai quá trình - hoạt hóa hidrô và hoạt hóa ôxy - thực chất là sự tiếp cận từ hai phía khác nhau của cùng một hiện tượng, là lẽ tự nhiên. Szent-Györgyi đã giải quyết vấn đề này rất đơn giản, nhằm „hòa giải” hai lý thuyết. Bằng một loạt thí nghiệm xuất sắc, ông đã chứng minh quá trình trao điện tử của phép ôxy hóa khử. Những hạt nhân hidrô của các chất dinh dưỡng và ôxy phân tử sẽ kết hợp với nhau nhờ chuỗi biến đổi diễn ra từ từ. Nếu ta làm gián đoạn dây chuyền này, thì bằng việc lựa chọn các chất ôxy hóa và chất khử thích hợp sự liên tục sẽ được phục hồi.
Thủ bút của Szent-Györgyi (trong thư gửi Marx György, nhà vật lý nổi tiếng, viện sĩ Hàn lâm Hungary)
Trong thời gian ở Cambridge, Szent-Gyorgyi đã đoạt bằng tiến sĩ hóa học. Năm 1930, nhận lời mời của bộ trưởng Bộ Văn hóa Klebelsberg Kuno, ông đã quay về Hungary và nhận chức chủ nhiệm Bộ môn Hóa sinh của Trường Đại học Khoa học Szeged. Trong quá trình nghiên cứu sự hô hấp của tế bào - đã bắt đầu ở Gröningen và hoàn thiện tại Hungary -, ông phát hiện ra rằng axít fumaric (có trong thực vật, tên La Tinh là Fumaria officinalis) có tác dụng xúc tác tới một bước của cơ chế. Tiếp tục nghiên cứu vấn đề này, Szent-Györgyi đã chứng minh sự tồn tại của vitamin C.
Từ khi còn ở Gröningen, ông đã quan sát thấy sự phản ứng chậm của một quá trình ôxy hóa đặc trưng, điều đó cho phép suy ra sự tồn tại của một chất khử nào đó. Ở Cambridge, ông phát hiện ra chất khử này có trong vỏ thượng thận và trong các loài chanh, nhưng để khảo sát cấu trúc hóa học của nó ông chỉ tách được một lượng quá nhỏ. Rõ ràng các tế bào trong cơ thể người cần có chất này nhưng chỉ một số loài động thực vật có khả năng tạo ra nó. Vì hợp chất này có „tính chất giống đường” nên lúc đầu Szent-Györgyi gọi nó là „ignose” (đường không biết), nhưng BTV của tạp chí mà ông định đăng công trình này không chấp nhận tên gọi này, dựa trên thành phần có sáu nguyên tử cácbon ông ta đổi tên nó thành axit hexuron. Điều có ý nghĩa quan trọng là ông phát hiện ra trong loài ớt trồng ở Szeged chứa nhiều chất này hơn hẳn các loài chanh, và vì vậy ông có khả năng điều chế ra một lượng lớn. Từ chỗ chỉ có vài gam, nay ông đã có hàng kg và không lâu sau đó ông đã chứng minh tác dụng chữa bệnh hoại huyết của nó (ông đã dùng nó thử chữa bệnh này cho chuột bạch), nghĩa là axít hexuron chính là vitamin C. Từ đó, nó có tên cuối cùng là axít askorbin.
Ngay từ năm 1934, Szent-Györgyi đã được đề cử vào danh sách xét trao Giải Nobel, cuối cùng năm 1937 ông được nhận giải thưởng với lời lý giải: „... vì những phát minh về quá trình cháy sinh học, đặc biệt những phát minh ra vitamin C và vai trò xúc tác của axít fumaric”. Giải thưởng Nobel đã mang đến cho ông uy tín chuyên môn và danh tiếng trên thế giới. Năm 1938, ông được bầu là viện sĩ chính thức Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (từ năm 1935 ông đã là viện sĩ thông tấn), rồi ông giữ chức hiệu trưởng Đại học Khoa học Szeged, và ông bắt đầu nghiên cứu về hóa sinh của chuyển động cơ bắp người. Giới chuyên môn cho rằng trong lĩnh vực này Szent-Györgyi cũng đã đạt được những kết quả có giá trị tương đương một công trình đoạt Giải Nobel, trong đó quan trọng nhất là công trình khám phá cơ sở hóa sinh của vận động cơ bắp về mặt cơ học.
Cuối Đệ nhị Thế chiến, ông trở thành nhân vật của các sự kiện giống như trong tiểu thuyết tình báo. Chính phủ Kállay (1) lợi dụng những mối quan hệ thân thiết của ông với những quan chức Anh, đã cử ông sang Istambul (thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ). Mục đích chuyến công du ngoại giao bí mật là chuẩn bị cho Hungary rút nhẹm ra khỏi cuộc chiến. Các cuộc đàm phán đã diễn ra, nhưng Hungary không kịp ra khỏi cuộc chiến, vì phía Đức đã biết về chuyến đi của Szent-Györgyi.
Ngày 19-3-1944, phát-xít Đức tiến chiếm Hungary, ông phải rút vào bí mật. Hitler đã trực tiếp ra lệnh bắt ông, và Gestapo đã tìm mọi cách lùng bắt ông. Vào phút chót, ông đã được bí mật đưa vào sứ quán Thụy Điển, khi đó đã nằm trong khu vực kiểm soát của Liên Xô.
Ngay sau chiến tranh, ông bắt đầu đứng ra tổ chức lại Viện Hàn lâm, nhưng luôn gặp sự phản đối của một số viện sĩ bảo thủ, vì vậy ông đã đứng ra thành lập Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên. Chủ tịch được bầu là Bay Zoltán, người sau này cùng theo Szent-György sang Mỹ và đạt những kết quả quan trọng trong lĩnh vực vật lý. Thành viên có Wigner Jenő (Giải Nobel Vật lý năm 1963), Neumann János (cha đẻ của máy tính), Riesz Frigyes (nhà toán học nổi tiếng thế giới), Hevessy György (Giải Nobel Hóa học năm 1944) và nhiều nhà khoa học khác. Sau này chính phủ sát nhập hai viện hàn lâm và mặc dù Szent-Györgyi được đề nghị giữ chức chủ tịch, nhưng chính ông đã đề xuất Kodály Zoltán (2) vào cương vị này.
Dưới chế độ độc tài Rákosi, một số nhà khoa học, văn nghệ sĩ bất đồng quan điểm ngày càng bị o ép. Năm 1947, khi đang nghỉ ở vùng núi Alples (Thụy Sĩ) thì Szent-Györgyi được tin từ trong nước: nhà văn Zilahy Lajos, bạn thân của ông bị bắt. Ông đã quyết định không trở về Hungary, sang định cư và tiếp tục các công trình nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Theo gương ông, không lâu sau một loạt nhân vật xuất sắc trong các giới văn nghệ sĩ và khoa học đã rời bỏ đất nước.
Viện Hàn lâm Khoa học Hungary
Ban đầu, ông là cộng tác viên khoa học của National Institute of Health (Viện Nghiên cứu Y tế Quốc gia), ít lâu sau người ta đã thành lập riêng cho ông - trong Marine Biological Laboratory (Phòng thí nghiệm Sinh học biển) - ở Wood Hole phân viện Muscle Rearch (nghiên cứu cơ bắp), tại đây ông tiếp tục các nghiên cứu đã khởi đầu ở Szeged.
Không ngại ảnh hưởng đến uy tín khoa học, ông đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh vô nghĩa ở Việt Nam, phê phán gay gắt chính quyền Mỹ. Cuốn sách nhan đề „Con khỉ phát cuồng” của ông, trong đó ông phát biểu những suy nghĩ về những cơ hội tồn tại của nền văn minh nhân loại, là một trong những tác phẩm chống chiến tranh đáng kể nhất cho tới ngày nay. Trong những năm „Chiến tranh lạnh”, ông đã từng là thành viên Đoàn đại biểu Hoa Kỳ sang trao trả cho Hungary Vương miện Thần thánh (Szent Korona) (3).
Hai thập kỷ cuối đời, ông dành cho việc nghiên cứu bệnh ung thư. Mặc dù phần đông các nhà sinh học hoài nghi giả thuyết của ông về sự hình thành các tế bào ung thư, nhưng sức sống và sức sáng tạo không mệt mỏi của ông được duy trì đến phút chót cuộc đời. Ông mất năm 93 tuổi tại Wood Hole vào ngày 22-10-1986, và yên nghỉ trong khu vườn nhà riêng của ông trên bờ Đại Tây Dương.
Chú thích:
(1) Kállay Miklós (1887-1967): chính khách, từng là bộ trưởng Nông nghiệp, bộ trưởng Ngoại giao, thủ tướng Hungary (1942-1944), theo xu hướng thân Anh, bị phát-xít Đức bắt năm 1944, sau trốn thoát và sau 1945 sang định cư tại Ý.
(2) Kodály Zoltán (1882-1967): nhà soạn nhạc, sưu tầm âm nhạc dân gian, bác học âm nhạc, viện sĩ Hàn lâm (từ 1943), chủ tịch Viện Hàn lâm Hungary (1946-1949).
(3) Szent Korona: một biểu tượng cao quý, tiêu biểu cho nhà nước và dân tộc Hungary, do Giáo hoàng trao cho vua István Đệ nhất của Hung đầu thế kỷ XI, trong dịp phong vương. Từ năm 1951-1978, vương miện được lưu giữ tại Hoa Kỳ, ngày 21-12-1978, được trao trả cho Hungary dưới thời tổng thống Jimy Carter.
Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hung - theo cuốn „ Nobel-díjas magyarok” của Bödők Zsigmond
Theo dòng sự kiện
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn