Danh nhân Hungary: KÁRMÁN TÓDOR (1881-1963)

Thứ bảy - 03/10/2009 03:42

"Ảnh hưởng của ông tới cuộc sống của chúng ta hôm nay có lẽ còn lớn hơn của bất cứ đại diện nào khác trong giới khoa học kỹ thuật thế hệ hôm nay. Những máy bay phản lực tốc độ trên 3.000 km/h, những tên lửa tầm bắn 12.000 km, hay những tên lửa khám phá các hành tinh xa xôi, đều được thực hiện nhờ những mắt xích mà ông đã rèn giũa nên, nhằm giúp con người chinh phục các tầng không...” (Lee Edson)

Kármán Tódor thuyết giảng tại Jet Propulsion Laboratory

Ngày 18-2-1963, Kármán Tódor, con chim đầu đàn của khoa học hàng không trên thế giới bấy giờ, được vây quanh bởi bạn bè đến từ khắp nơi trên thế giới, đang đứng chờ trong Vườn Hoa Hồng của Nhà Trắng. Ông có mặt tại đây để là người đầu tiên đón nhận phần thưởng mà trước đó chưa một nhà khoa học Hoa Kỳ nào có vinh dự được trao tặng: National Medal of Science. Ông đã được chọn trong số rất đông các ứng viên, vì sự vinh danh những thành quả khoa học kỹ thuật, cũng như sự nghiệp đào tạo xuất sắc của ông, khi đó ông đã 81 tuổi.

Đích thân Tổng thống Kennedy trao phần thưởng này. Khi tổng thống và đoàn tùy tùng vừa tới, mọi người cũng tiến về nơi tổ chức buổi lễ. Kármán Todor, có lẽ do cơn đau gây ra bởi chứng thống phong, phải ngồi xuống nghỉ trên bậc thang trên cùng. Tổng thống nhanh nhẹn lại gần đưa tay ra đỡ. Kármán ngước nhìn lên vị tổng thống trẻ tuổi, nhã nhặn từ chối sự giúp đỡ. – Thưa Tổng thống, - ông nói nhỏ và hơi mỉm cười. – Đi xuống thì không cần giúp đỡ, chỉ có đi lên...” (Lee Edson: "Những vòng xoáy và những máy bay, Cuộc đời và sự nghiệp của Kármán Tódor").

Kármán Tódor sinh ngày 11-5-1881 tại Budapest. Ông theo học trường Trung học Thực hành, còn gọi là trường Trung học Kiểu mẫu của Đại học Khoa học Budapest, do thân phụ ông là nhà văn, nhà giáo và nhà sư phạm xuất sắc Kármán Mór sáng lập. Trong kỳ thi học sinh giỏi hằng năm do Hội Toán học và Vật lý tổ chức năm 1898, ông đã đoạt giải nhất.

Sau khi tốt nghiệp trung học, ông ghi tên theo học khoa chế tạo máy của trường Đại học Kỹ thuật József, và nhận bằng kỹ sư chế tạo máy hạng ưu tại đây năm 1902. Đầu tiên, ông làm thực tập sinh, rồi trợ giảng bên cạnh Bánki Donát (tác giả của nhiều phát minh sáng chế, trong đó có bộ chế hòa khí của động cơ xăng) tại Bộ môn Máy thủy lực của trường.

Năm 1906, ông sang tu học tại Viện Prandl danh tiếng ở Göttingen, nhưng đồng thời tham gia giảng dạy ở đại học các môn cơ học và khí động lực học. Nhưng cũng từ đó, ông gắn bó với ngành hàng không non trẻ, lúc đó được coi là một lĩnh vực mới. Cũng trong lĩnh vực này, ông đã cho công bố nghiên cứu khoa học đầu tiên thu hút nhiều sự chú ý, trong đó ông đã đặt nền móng cho lý thuyết dòng chảy rối xuất hiện sau các vật thể đặt trong dòng chảy. Hiện tượng do ông phát kiến mà cho tới nay khoa học vẫn gọi là dòng chảy rối Kármán – được ứng dụng rộng rãi trong các quá trình thiết kế máy bay, tàu thủy, xe ôtô đua, và cả các nhà cao tầng, tháp, các cầu...

Trong khi đó, ông cùng Max Born (giải Nobel Vật lý năm 1954) công bố công trình tính toán tỷ nhiệt của các chất kết tinh. Năm 1913, Tódor Kármán được phong làm giáo sư Bộ môn Hàng không học (Aeronautika, khoa học nhiên cứu về khinh khí cầu, về kỹ thuật bay) của trường Đại học Kỹ thuật Aachen (Đức), nhưng Thế chiến thứ Nhất đã làm đứt đoạn sự nghiệp của ông tại đây.

Trong chiến tranh, ông phục vụ trong quân đội của Đế chế Áo-Hung, trên tư cách kỹ sư nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu tại sân bay quân sự Fischamend, gần thành Wien. Theo đề nghị của ông, một phòng thí nghiệm khí động học và một đường ống thử nghiệm khí động lực đã được xây dựng. Chính tại đây, Fischamend đã nảy ra ý tưởng thay thế các khinh khí cầu lơ lửng tại chỗ dùng để quan sát rất dễ làm mồi cho đối phương bằng thiết bị bay có khả năng lên thẳng từ mặt đất.

Cùng với Osbóth Oszkár và Zurovetz Vilmos, ông đã giải quyết vấn đề kỹ thuật khi đó còn rất hóc búa này và năm 1917 (!), họ đã chế tạo ra thiết bị tiền thân của trực thăng ngày nay, đó là chiếc máy bay lên thẳng kiểu PKZ. Thiết bị này tuy chưa có khả năng thay đổi vị trí và tiến hành các thao tác, nhưng là một phát minh kỹ thuật mới vào thời điểm đó.

Sau chiến tranh, mặc dù không phải là người cộng sản, nhưng Kármán vẫn được giao lãnh đạo Vụ Chính sách Khoa học và Giáo dục của Bộ Dân ủy Giáo dục (trong Chính phủ Cộng hoà Xô-viết - Tanácsköztársaság). Sau sự biến chính trị (Cộng hòa Xô-viết thất bại), ông phải trốn tránh khủng bố trắng, rồi di tản sang Aachen.

Theo tinh thần Hiệp ước Hòa bình Versailles, các quốc gia bại trận (trong đó có Đế chế Áo-Hung) bị cấm không được phép sản xuất máy bay, kể cả cải tiến kỹ thuật, vì thế khi được Robert Millikan, một người bạn cũ đang phụ trách CalTech California mời cộng tác, ông đã vui vẻ nhận lời sang Hoa Kỳ. Ông được giao nhiệm vụ tổ chức Phòng thí nghiệm Khí động lực học của Đại học Pasadena, nhà tư sản lớn Guggenheim (vua đồng) đã lập một quỹ tài trợ cho dự án này.

Năm 1930, Kármán đã định cư hẳn tại Hoa Kỳ. Trong phòng thí nghiệm Guggenheim, ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy bay nhanh hơn tốc độ âm thanh, nhưng những nghiên cứu khoa học của ông về các lĩnh vực khác cũng đa dạng tới mức khó có thể liệt kê đầy đủ. Hàng trăm công trình nghiên cứu của ông đã được công bố trên các lĩnh vực nhiệt động lực học, vật lý chất rắn, lý thuyết đàn hồi và dòng xoáy (turbulencia).

Trong lĩnh vực chế tạo máy bay, ông đã thực hiện vô số phát minh sáng chế kỹ thuật, mà việc liệt kê đầy đủ chúng vượt ra ngoài khuôn khổ cuốn sách này. Chính ông đã đưa ra một chuyên ngành mới của hoá nhiệt, đó là hoá nhiệt chất khí, ông còn nghiên cứu các hiện tượng chảy của chất lỏng, và chính ông cũng là cha đẻ của lý thuyết thống kê dòng chảy rối đẳng hướng. Ông thực sự là một trí tuệ trác việt, mà sự biểu hiện sung mãn của nó được hỗ trợ chủ yếu nhờ tri thức toán học xuất sắc. Trong nhiều trường hợp, ông đã thực hiện các tính toán ngay trên cánh máy bay trong vài giây mà lẽ ra người khác phải cần tới hàng giờ.

Phái quân sự ngày càng quan tâm đến khoa học hàng không, giữa Kármán và quân đội đã hình thành sự cộng tác chặt chẽ. Kármán cung cấp tri thức và đưa ra các ý tưởng, còn quân đội tài trợ việc thực hiện những ý tưởng đó. Từ năm 1939, ông trở thành cố vấn chính thức của Air Force (Không lực Hoa Kỳ) và nhiều cơ quan quân sự khác. Qua kinh nghiệm của Đệ nhị Thế chiến, giới quân sự ý thức được rằng trong tương lai, ưu thế không lực không thể đạt được nhờ gia tăng số lượng máy bay, mà phải bằng việc phát triển các loại máy bay nhanh hơn và hoàn hảo hơn. Và nhờ đó mơ ước của Kármán là đạt tới miền tốc độ lớn hơn tốc độ âm thanh, đã nhận được sự hỗ trợ cần thiết.

Đồng thời từ cuối những năm 1930, Kármán bắt đầu đẩy mạnh nghiên cứu kỹ thuật tên lửa. Ông thành lập một nhóm nghiên cứu, sau này vào năm 1944, cùng những thành viên của nhóm này ông đã sáng lập ra Jet Propulsion Laboratory (Phòng thí nghiệm Động cơ Phản lực), chẳng bao lâu phòng thí nghiệm này trở thành một cơ sở độc lập và ngày nay, trong lĩnh vực này, nó được coi là cơ quan khoa học tầm cỡ nhất thế giới.

Trong khi chiến tranh đang tiếp diễn, Kármán được đề nghị thành lập và chỉ đạo ban cố vấn khoa học của Không lực Hoa Kỳ. Ông là chuyên gia của khối NATO thành lập năm 1949, và là cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ. Ông đã tham gia thành lập Học viện Du hành Vũ trụ Quốc tế, và là Chủ tịch đầu tiên của học viện này. Năm 1959, tại Tullahoma thuộc bang Tennessee, ông đã thành lập viện nghiên cứu siêu âm thanh (hypersonique) của Không lực Hoa Kỳ, từ khi ông còn sống viện này đã được mang tên ông.

Kármán là tác giả hoặc đồng tác giả của gần hai nghìn (!) công trình khoa học đã được công bố, ông đã được ba mươi trường đại học trên thế giới phong hàm tiến sĩ danh dự, đã nhận được bốn mươi giải thưởng khoa học, tên ông được đặt cho miệng núi lửa tọa độ N45o Đ175o trên Mặt Trăng, và một miệng núi lửa trên Sao Hỏa. Ông mất ngày 7-5-1963, tại Aachen, và được an táng tại Hollywood.

Lee Edson, người viết về cuộc đời ông, nhớ về ông với những dòng như sau:

... Trên những hành lang trong Pentagon (Lầu Năm Góc) thường nghe thấy tiếng nói trầm vang lơ lớ giọng Hungary của ông, khi ông tham vấn về kỹ thuật, và thường thấy chiếc mũ kiểu bask của ông treo trên móc áo ở phòng đệm của các văn phòng nghị sĩ và tướng lĩnh.

Các tướng tá, các thủy sư đô đốc rất mê phong cách và sự uyên bác của con người được nuôi dưỡng bởi những truyền thống của Budapest và Göttingen, sự bặt thiệp, lịch lãm khởi nguyên từ những cội nguồn xa lạ của lục địa già (châu Âu) đối với lính Mỹ có sức thu hút đặc biệt...

Ảnh hưởng của ông tới cuộc sống của chúng ta hôm nay có lẽ còn lớn hơn của bất cứ đại diện nào khác trong giới khoa học kỹ thuật thế hệ hôm nay. Những máy bay phản lực tốc độ trên 3.000 km/h, những tên lửa tầm bắn 12.000 km, hay những tên lửa khám phá các hành tinh xa xôi, đều được thực hiện nhờ những mắt xích mà ông đã rèn giũa nên, nhằm giúp con người chinh phục các tầng không...

Giáp Văn Chung chuyển ngữ, theo cuốn „Những người Hungary đoạt giải Nobel” của Bödők Zsigmond - NXB Tri thức ấn hành


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn