CUỘC ĐỔ BỘ CỦA NGƯỜI SAO HỎA - HAY HIỆN TƯỢNG HUNGARY

Thứ bảy - 24/11/2007 21:44

(NCTG) „Hệ thiên hà của những trí tuệ rực rỡ... giải phóng năng lượng nguyên tử thực chất gồm những vị khách tới từ Sao Hỏa. Nhưng vì nói tiếng Anh đúng trọng âm đối với họ quá khó, nên họ đã nhận là người Hung để giữ kín gốc tích của mình. Vì chúng ta đều biết người Hungary không thể nói chuẩn giọng bất kỳ thứ ngôn ngữ nào trừ tiếng Hung...” (Fritz Houtermans).

Neumann János (John von Neumann, 1903-1957), nhà bác học Hungary, người cha của máy điện toán hiện đại, được "Financial Times" (Thời báo Kinh tế) lựa chọn là "Nhân vật tiêu biểu của thế kỷ XX" (năm 2000)

Vào khoảng đầu thế kỷ XX, nền khoa học Hoa Kỳ đóng một vai trò rất khiêm nhường do xa cách các dòng chảy khoa học chính thống của thế giới. Đi tiên phong là Châu Âu và hầu hết những phát minh toán học, vật lý, hóa học và y học quan trọng đều xuất phát từ các trường phái của lục địa già cỗi. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi căn bản kể từ những năm ba mươi [của thế kỷ XX – ND]. Khi ở Châu Âu chủ nghĩa phát-xít ra đời và ngày càng thấy rõ chiến tranh là không thể tránh khỏi, những đại diện của tinh thần sáng tạo lần lượt vượt đại dương sang Hoa Kỳ, vùng đất hứa hẹn tự do và những khả năng nghiên cứu vô hạn. Thế giới mới nồng nhiệt chào đón những trí tuệ mẫn tiệp, bảo đảm cho họ những chỗ làm việc lương cao bổng hậu trong các phòng thí nghiệm, các trường đại học. Trong lịch sử Hoa Kỳ đây là giai đoạn đầu tư có hiệu quả và hồi vốn nhanh nhất. Và trong khi Châu Âu tự tước bỏ một phần đội ngũ trí tuệ, thì đời sống khoa học Hoa Kỳ bắt đầu một thời kỳ thịnh vượng chưa từng thấy; trung tâm khoa học thế giới đã vĩnh viễn dịch chuyển sang bên kia đại dương và phát triển với tốc độ chóng mặt. Các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, các giảng viên đại học, các kỹ sư trong phát triển công nghệ và công nghiệp đã làm việc quyên mình. Trong đó, những nhà khoa học Hungary đóng vai trò rất tiêu biểu.

Sau thất bại của Nền Cộng hòa Xô-viết (Tanácsköztársaság), Kármán Todor đã vượt đại dương và nhanh chóng nổi tiếng khắp nước Mỹ. Ông là người khởi thảo chương trình nghiên cứu tên lửa, cha đẻ của môn cơ chất lỏng và chất khí, sau này ông trở thành chuyên gia lớn nhất nghiên cứu các loại máy bay phản lực. Nhờ nhân cách đa dạng, óc hài hước mang đặc tính Hung và kiến thức uyên thâm của mình, ông được không chỉ các đồng nghiệp, mà cả các tầng lớp rộng rãi khác yêu mến và kính trọng. Theo sau ông là những người khác: Wigner Jenő (kỹ sư phản ứng hạt nhân đầu tiên, người thiết kế các lò phản ứng làm mát bằng nước), Lánczos Kornél (người đã giảng cho các nhà vật lý Mỹ hiểu về phát minh „kỳ lạ và không thể hiểu được” của Châu Âu - cơ học lượng tử), Teller Ede (cha đẻ của bom Hydro), Neumann János (cha đẻ của máy tính điện tử), Szilárd Leó (người đưa ra nguyên lý của phản ứng hạt nhân dây chuyền), Polányi Mihály (người sáng tạo ra lý thuyết hút bám (adsorb/adszorpció), sau này đi sâu nghiên cứu cơ chế của các phản ứng hóa học – con trai ông, Polányi János đã được giải Nobel), Bay Zoltán ( người chế ra máy nhân điện tử), Kemény János (người sáng tạo ra ngôn ngữ Basic), Selye János (tác giả lý thuyết ứng xuất)... Sau đó là các nhà toán học: Pólya György, Szegő Gábor, Wald Ábrahám, Radó Tibor, Szász Ottó, đấy là mới chỉ điểm qua những tên tuổi lớn.

Teller Ede (Edward Teller, 1908-2003), cha đẻ của bom H, với tổng thống Mỹ Ronald Reagan (ảnh chụp thập niên 80 thế kỷ trước)

Chỉ sau vài năm, trong hầu hết những cơ quan khoa học đáng kể của Mỹ, ở đâu cũng gặp các nhà chuyên môn nói tiếng Anh lớ giọng, nhưng có cách suy nghĩ độc đáo bất ngờ, có kiến thức cực kỳ cơ bản. Cụm từ „cuộc đổ bộ của những người Sao Hỏa” cũng bắt đầu lan truyền về các nhà khoa học Hungary trong những năm ấy. Thậm chí, nhóm bốn người Wigner-Teller- Szilárd và Neumann tham gia khởi thảo lò phản ứng hạt nhân đầu tiên còn được gọi là „nhóm mafia Hungary”. Enrico Fermi, nhà vật lý nguyên tử đoạt giải Nobel, có lần phát biểu: „Tất cả những người Hungary mà tôi đã gặp đều độc đáo hoặc độc đáo khủng khiếp”. Trong số các nhà khoa học kể trên của chúng ta, Szilárd Leo là cố vấn khoa học của tổng thống Roosevelt, Kármán Todor của Trumann, Neumann János của Eisenhower, con gái Neumann János - Neumann Marina - của Nixon, Kemény János của Carter, Teller Ede của Reagan. Theo lời kể của Teller Ede, trong thời gian chiến tranh Triều Tiên [1950-1953], nhờ phép mô phỏng (simulation) chiến lược của Neumann mà người ta đã đưa quyết định: quân đội Hoa Kỳ không tấn công Trung Quốc. Thiết nghĩ, khỏi cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của quyết định này. Một lần, có người nói với Teller Ede, có khi những trí tuệ thông thái kia không đến từ Hungary thật, mà từ Hỏa Tinh, Teller vờ nghệt mặt ra và đáp: „Thế là lão Kármán Todor lại bép xép rồi!

Sau Chiến tranh thế giới [thứ hai] và đặc biệt là sau sự biến năm 1956, xuất hiện làn sóng di tản mới, trong đó Szent-Gyögyi Albert, Békési György, Harsányi János, Oláh György là những nhà khoa học đoạt giải Nobel, đã làm rạng danh tên tuổi Hungary trên thế giới.

Szilárd Leó (Leó Szilárd, 1898-1964 - bên phải, cùng Albert Einstein), nhà vật lý học Hungary, được coi là "người Hỏa Tinh toàn diện nhất" trong số các nhà bác học Hung "đổ bộ" vào Hoa Kỳ. Ông là người đầu tiên phát hiện ra khả năng thực hiện phản ứng dây chuyền (và do đó, bom nguyên tử); đồng thời, Szilárd Leó cũng là người thuyết phục tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt về việc mở một kế hoạch (Manhattan) để làm ra bom nguyên tử

Trong những thập kỷ qua, ở cả trong và ngoài nước, người ta đã nhiều lần đặt câu hỏi: lý do nào khiến dân tộc Hungary đã cống hiến cho nhân loại nhiều tài năng đến thế? Nhiều người tìm cội nguồn những thành công ấy trong hệ thống giáo dục Hungary những năm bản lề của thế kỷ trước và trong công việc khích lệ sáng tạo của các nhà sư phạm, những người khác tìm lời giải thích cội rễ những thành công trong cấu trúc logic, phương thức diễn đạt cực kỳ tinh tế và trong sự tác động phản hồi tới tư duy của ngôn ngữ Hungary. Có người nói đến gien di truyền, hoặc so sánh những tổn thất mà bao lần dân tộc Hungary phải gánh chịu trong lịch sử với ví dụ sinh học về những loài cây ăn quả khi được cắt tỉa cành sẽ tạo ra những nhánh mới dẻo dai và năng xuất hơn. Dù người ta tìm ra lời giải thích cho „hiện tượng Hungary„ ở bất kỳ đâu, trong phần tiếp theo, trên tinh thần khách quan và khiêm nhường, chúng tôi sẽ sẽ nêu danh những nhà khoa học xuất sắc của Hungary trong thế kỷ XX, những người -  bằng những kết quả nghiên cứu, những phát minh sáng chế - đã đóng góp đáng kể vào tiến bộ của nhân loại, bằng thước đo giá trị phổ quát, lẽ ra họ xứng đáng được trao giải thưởng khoa học cao quý nhất - giải Nobel. Vì giải thưởng danh tiếng này chỉ được trao từ năm 1901, chúng tôi cũng giới hạn trong khoảng thời gian này. Tuy nhiên, một sự liệt kê như thế khó tránh khỏi nguy cơ mang ý kiến chủ quan, dù sao chúng tôi cũng cố gắng đánh giá đúng thực chất những cống hiến khoa học của các nhà khoa học hàng đầu của chúng ta. Danh sách này chắc chắn còn thiếu sót, vì không thể nào giới thiệu đầy đủ các kỹ sư, các nhà sáng chế xuất sắc dù họ không phát minh ra những định luật vật lý hay hóa học cơ bản, mà „chỉ” sáng chế ra máy phát điện (dinamo), máy in khô (xerográf), bộ chế hòa khí (carburator), biến thế điện hay còn có thể kể thêm nhiều nữa cho tới khối vuông Rubik. Những công cụ, khí cụ đo lường, thiết bị và máy móc sáng chế từ những sản phẩm của óc sáng tạo Hungary đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của nền văn minh kỹ thuật.

Rất tiếc là trong bản di chúc của mình, Alfred Nobel đã quên một môn đồ trung thành, đôi khi đễnh đãng và luôn đi trên những nẻo đường chưa khai phá, chặt chẽ trong những qui luật riêng, nhất quán và ưa mạo hiểm, nhưng là chỗ dựa chắc chắn, đáng tin cậy của các khoa học khác: đó là toán học. Vì vậy, trong danh sách đáng trọng này chúng tôi buộc phải bỏ qua những môn đồ xuất sắc của trường phái toán học Hungary, đứng đầu là tên tuổi của nhà toán học Bolyai János.

Trước khi tiếp tục, một câu hỏi dù muốn hay không cũng được đặt ra: liệu cuộc thăm viếng của „những người Sao Hỏa” xuống trái đất còn tiếp diễn hay đã kết thúc, và trong tương lai chúng ta phải bằng lòng với việc ôn lại quá khứ vẻ vang của mình? Liệu chúng ta có quyền hy vọng những hậu duệ của họ, bằng những việc làm trong tương lai, lại chinh phục được lòng ngưỡng mộ của „người đời”. Có điều gì cho phép ta cảm thấy những những thành viên trẻ của hệ thiên hà khoa học đang tồn sinh giữa chúng ta.

Tất nhiên một dân tộc bao giờ cũng tự hào về quá khứ vẻ vang và về những người con đã lập nên những kỳ tích của mình. Những điều đó củng cố lòng tự tôn dân tộc lành mạnh, và giúp chúng ta ý thức rõ vị trí của mình trong hàng ngũ các dân tộc văn minh. Tuy nhiên, những sản phẩm tinh thần của các nhà khoa học, kỹ sư, nghệ sỹ và nói chung của những người sáng tạo không chỉ là thành quả của một dân tộc, mà nó còn cống hiến cho sự phát triển hoàn thiện hoàn mỹ của cả nhân loại.

(Trích từ cuốn „Những người Hungary đoạt giải Nobel” - „Nobel díjas magyarok” (Helikon/Napkiadó) của Bödők Zsigmond)

Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn