ÐẠI BIỂU TÌNH CHỐNG CHÍNH PHỦ MỞ ÐẦU NĂM MỚI TẠI HUNGARY

Thứ ba - 03/01/2012 01:41

(NCTG) Chiều tối 2-1-2012, Chính phủ Hungary “ăn mừng” bản Hiến pháp mới có hiệu lực pháp luật từ đầu năm nay tại Phòng tranh Quốc gia Hungary và Nhà hát Opera Quốc gia, trong khi trên đại lộ chính Andrássy, nhiều đảng phái đối lập và các tổ chức dân sự cùng nhau biểu tình chống thể chế của thủ tướng Orbán Viktor.


Hàng trăm ngàn người biểu tình tại đại lộ chính Andrássy (thủ đô Budapest) để chỉ trích chính phủ và phản đối bản Hiến pháp mới - Ảnh: Kurucz Árpád (“Tự do Nhân dân”)

Con số những người biểu tình được mạng tin index.hu ước tính là vài chục ngàn, nhưng Ban tổ chức và ấn bản trực tuyến của tờ nhật báo chính trị, xã hội lớn nhất Hungary “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) cho là lên tới hàng trăm ngàn.

Sự kiện này được coi là một trong những cuộc biểu tình đối lập lớn nhất từ khi liên minh cầm quyền do đảng FIDESZ đứng đầu lên nắm quyền tháng 4-2010, nhưng đáng chú ý, nó là dịp duy nhất từ nhiều năm nay, khi các đảng đối lập cùng nhau và cùng giới dân sự biểu lộ thái độ trước sự độc đoán của chính phủ.

Trong khi các đảng đối lập MSZP (Ðảng Xã hội Hungary), DK (Liên minh Dân chủ) và LMP (Chính trị có thể khác) tham gia biểu tình, đảng cực đoan JOBBIK chủ trương phản đối cả chính phủ lẫn phe đối lập, và đã tổ chức “phản biểu tình” với sự tham dự của vài chục người.


Một biểu ngữ tiếng Anh được giơ cao trước Nhà hát Opera - Ảnh: Balogh László (Reuters)

Nhóm JOBBIK này đã ẩu đả với các dân biểu MSZP tham dự biểu tình - trong đó có các ông Szekeres Imre és Nyakó István - khiến sau đó, cảnh sát dã chiến phải can thiệp để tách họ ra.

Ðúng như thỏa thuận, trong số các diễn giả của cuộc biểu tình, không có các chính khách dưới sắc áo của bất cứ đảng chính trị nào. Tất cả đều lên tiếng chỉ trích rất mạnh mẽ thủ tướng Orbán Viktor và nội các của ông, cũng như phê phán bản Hiến pháp mới do họ đề xướng và thông qua.

Ðám đông nhiều lần đồng thanh hô những khẩu hiệu “Orbán, cút đi!”, “Lũ bán nước”, “Viktatúra!” (chơi chữ, ghép của hai từ Viktor, tên vị thủ tướng, và ditaktúra - độc tài), v.v...

Sau khi các đại diện cuộc biểu tình phát biểu xong, phần đông người biểu tình ra về. Cùng lúc đó, trong Nhà hát Opera Quốc gia, khởi đầu chương trình hòa nhạc Gala mừng Hiến pháp mới đi vào thực thi, với sự có mặt của các vị lãnh đạo cấp cao nhất.


Một nhóm biểu tình không ra về sau khi các bài phát biểu đã kết thúc, mà tụ tập lại trước Nhà hát Opera Quốc gia Hungary để đòi nội các Orbán phải ra đi - Ảnh: Kollányi Péter (Hãng Thông tấn Hungary MTI)

Tổng thống Schmitt Pál, trong phát biểu của mình, coi việc ông được vinh dự thông qua bản Hiến pháp mới là “món quà của Thượng đế”, và ca ngợi Hiến pháp mới - “được ra đời trên cơ sở các giá trị của Hungary và Châu Âu” - sẽ “củng cố những giá trị của nhà nước pháp quyền và dân chủ”.

Vị nguyên thủ quốc gia Hungary nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hòa hợp, tự do và đồng tâm nhất trí, và khẳng định ngay cả những người phủ nhận sự đoàn kết - ám chỉ giới “biểu tình viên” bên ngoài - cũng là quan trọng.

Khi chương trình hòa nhạc diễn ra trong Nhà hát Opera Quốc gia với những tác phẩm của một số nhạc sĩ Hungary lừng danh như Liszt Ferenc (Franz Liszt), Erkel Ferenc, Kodály Zoltán, Bartók Béla..., vẫn có chừng vài ngàn người biểu tình ở lại hiện trường, hô vang khẩu hiệu chống chính phủ.

Bộ trưởng Nội vụ Pintér Sándor, một trong những cánh tay phải của thủ tướng Orbán, khi rời chương trình một chút để ra ngoài nhà hát “huấn thị” giới cảnh sát, đã bị đám đông nhục mạ bằng những từ ngữ khá “bạo liệt”.


Biểu tình bày tỏ sự đoàn kết với nhân dân Hungary trước tòa đại sứ nước này tại Berlin - Ảnh: Gaze

Một nhóm chừng vài trăm người - đa số là giới trẻ - quyết tâm chốt lại trước Nhà hát Opera Quốc gia để hô khẩu hiệu phản đối khi các vị khách ra về. Cuộc biểu tình kết thúc vào hồi 11 giờ đêm, khi khách khứa đã ra về hết và chỉ còn vài chục người biểu tình trụ lại tại hiện trường.

Ðược biết, đa số các “thượng khách” - trong số đó có thủ tướng Orbán Viktor - đã rời nhà hát bằng cửa hậu. Mạng index.hu dẫn lời một nữ “biểu tình viên”, cho rằng cuộc xuống đường là “có chất lượng”, vì thu hút được đông đảo cư dân thuộc giai tầng trung lưu của xã hội.

Ngay từ khi cuộc biểu dương lực lượng chưa kết thúc, một số tờ báo và hãng thông tấn ngoại quốc - trong đó có “Thời báo Nữu Ước” (The New York Times) và Reuters - đã đăng tải bản tin chi tiết về biến cố lớn đầu năm 2012 tại Hungary.

Trần Lê tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn