CÔNG LUẬN VẠCH TRẦN HÀNH VI KIỂM DUYỆT THÔNG TIN CỦA CHÍNH QUYỀN HUNGARY

Thứ tư - 21/12/2011 19:19

Chính phủ Hungary dường như đã phải lùi một bước trước làn sóng phản đối sự kiểm duyệt thông tin, báo chí khi cùng một lúc, đã phải có những động thái mạnh đối với hai quan chức báo chí cao cấp bị công luận lên án.


Ông Lomnici Zoltán bị tẩy xóa trong chương trình thời sự của Duna TV


Cụ thể, ông Élő Gábor, Giám đốc Trung tâm Tin tức (Hírcentrum) thuộc Hãng Thông tấn Hungary MTI, bị cho thôi việc lập tức và không được nhận khoản tiền “bồi hoàn” thường lệ khi thôi việc.

Còn ông Papp Dániel, TBT phụ trách tin tức và các chương trình tin tức thuộc Quỹ Hỗ trợ Truyền thông và Quản lý tài sản (MTVA), thì bị chuyển sang cương vị khác.

Lý do được đưa ra là lòng tin của ban lãnh đạo đối với họ bị thuyên giảm, nhưng nguyên nhân chính là một vụ bê bối xảy ra gần đây, bị phát giác, khiến công luận và giới báo chí Hungary rất công phẫn.

Kiểm duyệt thông tin một cách thô thiển

Ngày 3-12, hình ảnh của cựu Chánh án Tòa án Tối cao Hungary Lomnici Zoltán đã bị che theo cách vẫn dùng cho những kẻ tội phạm trong hai chương trình thời sự được phát trên các kênh truyền hình công là Duna TV và MTV. Cần nói thêm rằng Lomnici Zoltán là một trong hai nhân vật chính của đoạn tin đó, nhưng hình ông chỉ xuất hiện vài giây và bị làm mờ đi.

Sự kiểm duyệt thô bạo và trắng trợn, nhưng thô thiển này bị mạng tin index.hu phát hiện sau đó 3 ngày. Ðược biết, trong kho lưu trữ của Ðài Truyền Hình Hungary, đoạn băng gốc được đưa vào cất giữ, nhưng không có biểu trưng của hai kênh truyền hình MTV và Duna TV, và điều này cũng bị coi là sự giả mạo, ngụy tạo trong công tác lưu trữ.

Trả lời phỏng vấn mạng tin index.hu, những nguồn tin ẩn danh từ Ðài Truyền hình Quốc gia Hungary cho hay, Cựu Chánh án Tòa án Tối cao Lomnici Zoltán - một nhân vật gai góc trong mắt chính quyền - từ lâu nay đã bị đưa vào danh sách cấm. Giới lãnh đạo Trung tâm Tin tức ra chỉ thị nếu không nhất thiết thì không được đưa hình ảnh hoặc phỏng vấn ông trong chương trình.

Ngay sau khi bị phát hiện, các quan chức quản lý truyền thông đã phải thừa nhận, đây là một sai lầm trầm trọng về đạo đức, họ lên tiếng xin lỗi ông Lomnici Zoltán và mở ngay một cuộc điều tra nội bộ để tìm thủ phạm. Các PV, kỹ thuật viên và BTV có liên quan tới đoạn tin đã bị cảnh cáo, tuy nhiên, giới thạo tin cho rằng, chỉ thị kiểm duyệt đã được đưa ra từ trên, do đó, không thể chỉ trừng phạt nhóm thực hiện mà bỏ qua các quan chức hữu trách.

Công luận Hungary phản đối hành động kiểm duyệt

Rất nhiều tổ chức chuyên nghề và nghiệp đoàn tại Hungary đã ra thông cáo phản đối sự kiểm duyệt trên. Ngay ông Deutsch Tamás, một cựu yếu nhân của đảng cầm quyền FIDESZ, hiện là dân biểu Nghị viện Châu Âu trong sắc áo đảng này, cũng lên tiếng chế giễu những kẻ ngụy tạo. Các dân biểu đảng đối lập LMP thì tự bịt mặt trong Quốc hội để “đỡ làm khó dễ cho công việc các BTV Truyền hình Quốc gia”.

Gây tiếng vang nhất là một hành động quyết liệt của hai Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn những người làm truyền hình và làm phim độc lập, ông Nagy Navarro Balázs và bà Szávuly Aranka. Từ chiều 10-12, hai người biểu tình ngồi trước một trụ sở của Ðài Truyền Hình Quốc gia Hungary và tuyên bố sẽ tuyệt thực, chỉ uống trà nóng, chừng nào những thủ phạm thực sự của vụ kiểm duyệt nói trên chưa bị trừng phạt thích đáng.

Hành động của các nhà báo truyền hình đã được sự ủng hộ và đồng cảm của nhiều người, có thêm hai ký giả gia nhập hành động này, và mọi diễn biến của sự kiện đều được lan truyền trên mạng xã hội Facebook. Nhóm tuyệt thực cho rằng, ngụy tạo hình ảnh là một dạng của kiểm duyệt và là điều đáng căm phẫn: “Tại một đất nước bình thường, lẽ ra ban lãnh đạo phải từ chức ngay sau khi những chuyện như thế xảy ra”.

Trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế, nhóm biểu tình cho biết, họ phải làm như thế để thế giới thấy “tự do báo chí” ở Hungary là như thế nào: các nhân viên truyền thông bị khủng bố, sa thải, các chương trình bị giả mạo hoặc ngụy tạo. Trước tin một quan chức báo chí bị sa thải và một quan chức khác bị chuyển ngạch công tác, nhóm biểu tình cho rằng như thế chưa đủ: cần “tống ra đường” cả người thứ hai, và hai trợ lý của người đầu!

Thiếu khách quan và thiên lệch

Kể từ khi Ðạo luật Truyền thông bị coi là bóp nghẹt tự do báo chí ở Hungary được thông qua, như công luận và giới báo chí Hungary nhận định, Trung tâm Tin tức trực thuộc Hãng Thông tấn Hungary MTI - nơi sản xuất mọi tin, bài để cung cấp cho các phương tiện truyền thông công cộng - đã luôn tuân thủ “định hướng” của chính phủ.

Ông Élő Gábor, sau khi được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm này, đã có nhiều hành vi “ngoạn mục” như đình chỉ một số chương trình có nội dung và cách thể hiện “chướng tai gai mắt” đối với chính phủ (như chương trình nổi tiếng “Quyền tự do ngôn luận” - "A szólás szabadsága”), cho thôi việc các ký giả, các BTV trung thực, thẳng thắn và thay thế họ bằng những người thân chính quyền.

Ông được các nhân viên mô tả như một kẻ độc đoán và thường xuyên đưa ra những “nhật lệnh” rất tỉ mỉ hàng ngày, bắt các ký giả phải làm tin đúng từng câu từng chữ như ý ông muốn. Cạnh đó, ông còn định hướng cho các nhân viên biết, “thông điệp trong ngày của chính phủ” là gì, những sự kiện tôn giáo nào cần xuất hiện trong tin, bài, và sau những tuyên bố của phe đối lập, cần bêu xấu nội các cũ bằng những sự kiện nào.

Thông qua đội ngũ các trợ lý, những chỉ thị kiểu đó được “rót xuống” các ký giả và BTV tin tức. Nhiều nhà báo có lương tâm, không chịu tuân thủ sự chỉ đạo độc đoán này, đã bị sa thải. Theo lời họ, trong các cuộc họp giao ban buổi sáng, họ được chỉ thị phải đưa ai lên sóng, và phỏng vấn chuyên gia nào để có được sự ... dư luận, và tất nhiên các chuyên gia đó đều là những kẻ thiên hữu.

Dưới sự lãnh đạo của ông, các chương trình thời sự trở nên thiếu khách quan, các chính khách cầm quyền được “lên sóng” liên tục, trong khi phe đối lập hầu như không có cơ xuất hiện. Các nguyên tắc công bằng, chừng mực và không thiên vị đảng phái đã bị vi phạm nặng nề: mạng tin độc lập index.hu đã tiến hành một cuộc khảo sát cho thấy, không chỉ trong Quốc hội, mà trên truyền hình trung ương, phe cầm quyền cũng thống trị.

Giới chuyên môn còn nhận thấy, trong các chương trình chính trị và xã hội, đảng đối lập lớn nhất (MSZP, Ðảng Xã hội Hungary) hầu như chỉ được nhắc tới trong những đề tài hình sự (bê bối, kiện cáo...), còn hai đảng đối lập còn lại chỉ được lên sóng chưa đầy 50 giây, trong các chương trình Thời sự thuộc 5 ngày được đưa ra khảo sát. Sự thiên vị đó của MTV cũng đã được Học viện Republicon vạch ra từ tháng Giêng năm nay.

Không những thế, trong khi một số nhân vật nhất định thường xuyên được đăng đàn thì MTV lại không tạo điều kiện để những người khác, có liên quan, được cơ hội phản biện và trả lời trước công luận, khi họ bị các thành viên chính quyền phê phán. Tồn tại một danh sách đen, trong đó, nhiều cá nhân bị hạn chế đến mức tối đa khả năng lên sóng, trong đó, có cựu Chánh án Tòa án Tối cao Hungary đã nhắc tới ở trên.

Không chỉ những cá nhân, mà một số đề tài “nhạy cảm” đã bị ỉm đi, chẳng hạn, sau khi một chính khách cầm quyền là ông Kósa Lajos đưa ra một tuyên bố thiếu suy nghĩ vào tháng 6 năm ngoái, khiến chứng khoán Hungary sụp đổ và đồng Forint xuống giá thảm hại, thì Truyền hình Quốc gia Hungary hầu như hoàn toàn không đưa tin về chuyện này trong một tháng liền!

Ngụy tạo, giả mạo và “dằn mặt” giới ký giả

Giới trong ngành còn phanh phui một số sự kiện, khi Truyền hình Hungary phát những bản tin được thực hiện một cách ngụy tạo, thậm chí giả mạo, và một số BTV, do không đồng tình với cách làm tin ấy, đã bị cho thôi việc. Một ví dụ điển hình là trường hợp của ông Daniel Cohn-Bendit, dân biểu Nghị viện Châu Âu trong sắc áo Ðảng Xanh, một trong những chính khách ngoại quốc có sự phê phán triệt để nhất đối với Thủ tướng Orbán Viktor.

Ngày 11-3, MTV phát bản tin có nội dung bôi nhọ ông Bendit, coi ông là kẻ ấu nhi (pedophilia) và theo xu hướng cộng sản. Cho dù ngay khi đó, ông Bendit đã phản đối, nhưng đầu tháng 4, lại có một phóng sự khác có nọi dung tương tự được đưa trên chương trình Thời sự. Theo phanh phui của index.hu, người làm bản tin này đã ngụy tạo các sự kiện khi tạo cảm giác ông Bendit không trả lời câu hỏi “nhạy cảm” của PV về thói ấu nhi.

Trong thực tế, ông Bendit đã trả lời câu hỏi mang dụng ý bên xấu đó, và một lần nữa, đề nghị PV thôi những trò cật vấn buộc tội về một vụ việc đã được khép lại từ 10 năm nay. Thêm nữa, theo các hình ảnh trong bài tường thuật, khán giả có thể nghĩ rằng ông Bendit đã lập tức rời khỏi phòng sau khi bị hỏi - kỳ thực, vị đồng chủ tịch nhóm dân biểu Ðảng Xanh thuộc Nghị viện Châu Âu chỉ ra đi sau đó nửa tiếng, vì máy bay của ông khi đó cất cảnh.

Người thực hiện bài phỏng vấn gây nhiều tranh cãi nói trên là ông Papp Dániel, quan chức vừa bị thuyên chuyển công tác trong dịp vừa rồi. Nhiều người tỏ ra bất bình khi đúng vào ngày mà mạng tin index.hu đăng tải bài điều tra phanh phui sự giả mạo tin túc, thì ông này được cất chức TBT phụ trách tin tức và các chương trình tin tức, một trọng trách tối cao. Cho đến nay, hành vi ngụy tạo này chưa hề được đưa ra điều tra.

Một sự kiện khác cũng được nhắc đến, khi MTV bị coi là đã tham gia dàn dựng và tổ chức các vụ khiêu khích có chủ đích tại Berlin và Stockholm. Theo các bản tin của Truyền hình Quốc gia Hungary, ở hai thành phố trên đã có những hoạt động mà ở đó, giới trí thức cánh tả ngoại quốc đã “bêu xấu Hungary”, và Ban tổ chức thì không cho phép hỏi ý kiến các kiều dân Hung.

Tuy nhiên, đây đều là những hoạt động mang tính nội bộ, không lớn, và không rõ tại sao phóng viên của Truyền hình Hungary có mặt tại cả hai nơi, cho dù không thể biết trước được là mọi sự lại xảy ra theo hướng như vậy. Mặc dù có nhiều điều tiếng, nhưng không ai điều tra trong vụ này và nhà báo thực hiện bài tường thuật thì được lên chức, trở thành một BTV chính.

Ngoài ra, cho thôi việc hàng loạt cũng được dùng như một phương pháp để dằn mặt các nhà báo. Sau khi đã hợp nhất các cơ quan truyền thông công (phát thanh, truyền hình, thông tấn) trong khuôn khổ Quỹ Hỗ trợ Truyền thông và Quản lý tài sản MTVA, viện cớ tái cơ cấu, 500 ký giả đã bị sa thải, trong số đó có nhiều phóng viên, BTV và người dẫn chương trình giàu kinh nghiệm, được liệt vào hàng kỳ cựu của truyền thông Hungary.

Chính ông Papp Dániel, người thực hiện bản tin bê bối với dân biểu Bendit nói trên, đã đưa ra quyết định cho nghỉ việc và còn tận tay trao giấy thôi việc cho nhiều người. Trong số đó những người bị chấm dứt hợp động lao động, nổi bật là trường hợp của hai nhà báo Bogár Zsolt và Mong Attila, đã cùng nhau để một phút im lặng để phản đối Ðạo luật Truyền thông bóp nghẹt tự do báo chí trong chương trình “180 phút” của Ðài Phát thanh Hungary.

Theo đảng đối lập MSZP, đây là sự thanh trừng trên cơ sở chính trị. Nhiều người trong số các ký giả bị thôi việc hiện đang khởi kiện giới quản lý truyền thông - có người như PV Fekete Norbert còn chia sẻ trên mặt báo, họ cảm thấy nhẹ nhõm khi bị sa thải vì không thể nhắm mắt tuân thủ những chỉ đạo, định hướng nực cười, mà không được thực hiện bổn phận nhà báo trung thực của mình.

Mưu toan điều khiển truyền thông

Một năm qua, kể từ khi Ðạo luật Truyền thông được phê chuẩn bởi phe cầm quyền cánh hữu bảo thủ chiếm hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội Hungary, quyền lực tối thượng được đặt vào một cơ quan mang tên Hội đồng Truyền thông, hoàn toàn dưới sự chỉ đạo của chính phủ. Truyền thông công ích được định hướng theo lợi ích của liên minh cầm quyên, những ý kiến “trái chiều” bị hạn chế và ỉm đi.

PV Fekete Norbert, một trong những nhà báo bị thôi việc, nhận xét với mạng tin index.hu rằng, cho dù truyền thông công ích do nhà nước duy trì luôn bị hướng theo xu hướng phục vụ lợi ích của chính phủ đương nhiệm, nhưng chưa bao giờ giới làm tin bị kìm hãm, quản lý chặt chẽ như khi ông Élő Gábor lên đứng đầu Trung tâm Tin tức.

Ký giả này cho hay, thời cộng sản cũng có những cú điện thoại từ trên gọi xuống BBT, nhưng sự khác nhau là ở chỗ, hồi đó, lãnh đạo báo chí còn biết bảo vệ các PV và trong khả năng có thể, họ còn tìm cách khước từ những đề nghị mang tính chính trị. Còn hiện tại, giới lãnh đạo truyền thông đã làm ngược lại: họ còn tìm đoán xem chính quyền muốn gì, thích gì, chưa cần chính quyền phải yêu cầu.

Cho dù nội các Hungary đã có một vài sửa đổi trong Ðạo luật Truyền thông dưới sức ép của dư luận trong và ngoài nước, nhưng gần đây nhất, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và quyền tự do báo chí - trong đó có Viện Báo chí Quốc tế có trụ sở tại Vienna, Cộng hòa Áo - vẫn khẳng định rằng, tình hình của giới truyền thông Hungary vẫn rất đáng lo ngại.

Việc chính quyền phải ra quyết định sa thải và thuyên chuyển hai quan chức báo chí cho thấy, những phản đối mạnh mẽ của công luận và giới ký giả đã đạt được kết quả sơ bộ. Tuy nhiên, để có được quyền tự do hành nghề theo đúng lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, chắc chắn các nhà báo Hungary còn phải nỗ lực gian khổ trong thời gian dài…

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn