NHỚ THƯƠNG NHÀ THƠ PHẠM TIẾN DUẬT

Thứ sáu - 18/01/2008 21:20

(NCTG) Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, nền văn học cách mạng miền Bắc đã mất đi nhiều tên tuổi như Vũ Cao, Chính Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khải… Trong số đó, sự ra đi của Phạm Tiến Duật, thi sĩ của những cung đường Trường Sơn, đã để lại nhiều tiếc thương trong lòng đông đảo bạn hữu, độc giả yêu thơ và những người từng khoác trên mình áo lính.

Bài viết “Nhớ thương nhà thơ Phạm Tiến Duật” sau đây của bác sĩ Nguyễn Lam Thủy (Budapest) sẽ được đọc trong đêm giao lưu văn nghệ chủ đề “Những lời thơ, bài ca sống với thời gian” để tưởng nhớ nhà thơ tài hoa Phạm Tiến Duật. Bản trích đăng trên NCTG do Tòa soạn báo biên tập và chỉnh lý.

*

Anh Duật ơi, đời người ai cũng một lần sinh tử, nhưng khi nghe tin anh mất, những người yêu thơ anh, dù trong đời chưa một lần được gặp, lòng không khỏi bàng hoàng, ngậm ngùi thương tiếc. Những bài thơ Trường Sơn của anh lại trỗi dậy trong lòng, lại nhớ về quê anh nơi Trung du rừng cọ, đồi chè...

Hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX chưa có được áng văn thơ, chưa có tác phẩm hội họa, điêu khắc, âm nhạc nào xứng tầm! Nhưng dẫu sao, giới sử học, giới văn nghệ sĩ... cũng đã phản ánh một mảng riêng đề tài chiến tranh theo cách của mình, để lại dấu ấn nhắc nhở cho những thế hệ mai sau: thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến thảm khốc, hàng triệu người đã ngã xuống.

Trong cuộc chiến chống Mỹ, mỗi miền đất của Tổ quốc đều đã được khắc họa trong thi ca với bao niềm kiêu hãnh. Ở Nam Bộ có Lê Anh Xuân, Hoài Vũ, Nguyễn Bá..., Trung Trung Bộ có Dương Hương Ly, Thu Bồn..., Trường Sơn và khúc eo miền Trung có Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Lâm Thị̣ Mỹ Dạ, Hoàng Nhuận Cầm... với những vần thơ đọng lạ̣i với thời gian.

Thơ là tiếng nói của tâm hồn, được chắt lọc từ trí tuệ, từ lòng người, rung cảm theo thời gian, nhịp sống và không thể tự dối mình. Thơ anh thông minh, nhạy cảm và tinh tế. Hàng triệu người ra trận cũng đều có tâm trạng như anh. Hầu như bài thơ nào của anh cũng tha thiết yêu đời, yêu cuộc sống, yêu những khoảng rừng xanh ngát, nhưng tiếng gió của rừng chiều, nhớ về đồng đội với lòng thông cảm yêu thương, gợi nhớ quê hương yêu dấu... Bài thơ tiêu biểu „Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của anh đã có mặt trong ba lô hàng triệu người ra trận, là nguồn nghị lực, dũng khí động viên, thôi thúc họ.

Tâm trạ̣ng của nhà thơ đồng cảm với tâm trạng của người lính:

Đường ra trận mùa này đẹp lắm
Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây.

Về bài thơ này, có người đã nhận xét một cách quan liêu, hời hợt, bảo Phạm Tiến Duật ca tụng bom đạn, chiến tranh, tô hồng cuộc sống thiếu thốn, mất mát... Thoắt một cái, gần 33 năm qua đi, chiến tranh càng lùi sâu vào quá khứ, nhưng những con người dạo ấy vẫn tỏa sáng trong nền văn học, mỹ học với nhiều phẩm chất tuyệt vời. Những ai hiểu biết về giá trị cuộc sống, về con người, phải chăng, đều có chút nuối tiếc phẩm chất con người trong thời chiến và bừng ngộ những giá trị văn hóa của nó, trong sự đối chiếu với những cái nhỏ nhen, lố bịch, thảm hại của con người tầm thường, dùng đồng tiền làm thước đo phẩm giá.

Với cái nhìn như thế, chúng ta mới có thể tái thẩm định được một cách đúng đắn những giá trị thơ ca mà Phạm Tiến Duật và các thi sĩ cùng thời đã sáng tạo - đó là nền văn hóa thời chiến tranh.

Thế đấy, giữa chiến trường
Nghe tiếng bom rất nhỏ

("Tiếng bom ở Seng Phan")

Hay như anh đã viết:

Cái vết thương xoàng mà đi viện
Hàng còn chờ đó tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.

(“Nhớ”)

Trong những năm tháng chiến tranh, Phạm Tiến Duật không có thơ khóc đồng đội, đồng chí. Cũng có thể anh đã viết, nhưng anh đã giấu đi, không cho in. Không phải riêng anh, mà ít nhà thơ đã viết điều đó, hoặc giả, nếu có viết về cái mất mát đau thương, cái chết thì người đọc vẫn như được tăng sức mạnh, tăng thêm dũng khí, và càng căm thù những kẻ gây nên mất mát đau thương, chết chóc. Chẳng hạn, như Hoàng Lộc, trong „Viếng bạn”, một bài thơ hay của chín năm trường kỳ kháng chiến:

Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như cắt

Hay như Tố Hữu cũng đã viết, trong “Việt Nam máu và hoa”:

Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu
Hỡi em gái mất cha mất mẹ
Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù

Một hình ảnh thương đau được Phạm Hổ khắc họa:

Quyển sổ điểm bom bi xuyên lỗ chỗ
Thầy gửi về cô dạy tiếp hôm sau

Rồi hình ảnh người chiến sĩ hy sinh trong „Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân:

Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất
Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng

Thi thoảng, Phạm Tiến Duật mới viết về những mất mát vật chất:

Xe không kính không phải xe không kính
Bom gật bom rung kính vỡ đi rồi.

("Bài thơ về tiểu đội xe không kính")

Mãi tới năm 1986, khi chiến tranh đã đi qua hơn 20 năm và nhà thơ trở lại Trường Sơn viếng đồng đội, anh mới viết những bài thơ khóc bạn, khóc đồng chí:

Vết trọng thương không cứu được rồi
Chúng tôi chôn anh, chôn cả giọt máu mình ở đó

Cuộc sống hôm nay tưởng như suôn sẻ, nhưng đối với anh lại khó khăn, trăn trở hơn cả thời chiến, khiến thi sĩ phải xin nghị lực từ đồng đội đã mất:

Xưa tiếp máu cho anh, giờ xếp hàng trước mộ
Tiếp máu cho những người đang sống lại là anh.

Phạm Tiến Duật là người viết về Trường Sơn nhiều nhất, đạt nhất, bởi anh từng lăn lộn nhiều năm ở đấy, hiểu Trường Sơn từng ngày, từng mùa... Dù ai chưa một lần đến với Trường Sơn, nhưng đã đọc thơ anh hẳn phải cảm thấy như chính mình đã đến nơi đây, đi trên những con đường ngoằn nghèo trong những cánh rừng hoang sơ xanh ngát, hay những cánh rừng bom thù sạt phẳ̃ng...

Đen xạm khói bom nham nhở viết thương
Qua một cơn mưa lại lành lặn như thường.

Chiến tranh đã qua đi lâu lắm rồi, những tâm hồn thơ anh vẫn chưa ra khỏi Trường Sơn. Có lẽ Trường Sơn theo mãi cuộc đời anh. Nỗi nhớ Trường Sơn lúc nào cũng cháy lòng, anh muốn có những khoảng khắc quên đi tất cả của ngày hôm nay để được về với Trường Sơn, dù chỉ đi tìm một giọt nắng:

Chiều nay như thể mọi chiều
Vẫn là nỗi nhớ niềm yêu cháy lòng
Tạm quên ánh điện trong phòng
Tôi đi tìm nắng một vùng núi non.

Anh Duật ơi, anh về với cõi thiêng rồi! Hồn anh lại quay về với khe sâu rừng thắm,với gió núi Trường Sơn. Trường Sơn lại ru anh yên nghỉ ngàn đời! Tấm lòng và thơ anh vẫn ở lại, vẫn đẹp vẫn tươi như hoa núi Trường Sơn, chẳng vương vấn bụi trần, vẫn suốt ngày đêm tỏa ngát hương thơm và vẫn nhắc nhở chúng ta: để có cuộc sống hôm nay, đất nước đã đi qua những chặng đường máu lửa, vất vả và thương đau.

BS Nguyễn Lam Thủy


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn