COVID-19: MỘT SỐ THÔNG TIN CẦN BIẾT TRONG GIAI ĐOẠN THỨ BA

Thứ hai - 15/03/2021 04:31

(NCTG) “Mong rằng bà con nên liên hệ và thông báo kịp thời với bác sĩ gia đình của mình - dù chỉ mới cảm thấy các biểu hiện nhỏ nhất của dịch bệnh Covid-19 - để nhận được các đánh giá chuyên môn sớm nhất, và nếu có chỉ định nhập viện thì cũng đừng chần chừ và ngại ngần” - ý kiến của bác sĩ Lê Ngọc Hòa Nhã.

Cùng một đồng nghiệp trong một ca trực ở phòng ICU, Budapest năm 2020 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng một đồng nghiệp trong một ca trực ở phòng ICU, Budapest năm 2020 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lời Tòa soạn: Thường được biết đến với cái tên thân mật Nhã Lê, bác sĩ Lê Ngọc Hòa Nhã là một gương mặt quen thuộc với cộng đồng Việt Nam tại Hungary, với những hoạt động cộng đồng và đặc biệt, những tư vấn liên quan tới chuyên môn y khoa trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại Hungary từ 1 năm nay.

Tốt nghiệp Đại học Y khoa TP. Debrecen năm 2012, hiện tại bác sĩ Hòa Nhã làm việc tại Phân khoa Tiêu hóa và Nội soi Tiêu hóa, Viện Nội Tổng quát và Huyết học, Đại học Y khoa Semmelweis (SOTE, Budapest). Ngoài việc điều trị, chị còn tham gia giảng dạy cho chương trình đào tạo y khoa Hung, Anh, Đức tại trường.

Tham gia đội ngũ y tế “tuyến đầu” chỉ ít tuần ngay sau khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Hungary, kể từ đó, bác sĩ Hòa Nhã đã liên tục có những chia sẻ và tư vấn trực tiếp về các thông tin y tế, phòng dịch cho bà con cộng đồng, trên trang “Sức Khỏe Cộng Đồng Việt Nam tại Hungary” tại các mạng FacebookYouTube.

Trao đổi sau đây giữa NCTG và bác sĩ Hòa Nhã diễn ra trong bối cảnh Hungary đang trong những ngày khó khăn nhất của dịch bệnh từ 1 năm trở lại đây, hay theo lời của Thủ tướng nước này, ông Orbán Viktor, “những thời khắc đen tối nhất trước bình minh”, khi con số các ca nhiễm và tử vong hàng ngày liên tục tăng vọt.

Xin cám ơn bác sĩ Hòa Nhã và trân trọng giới thiệu! (NCTG)
 
Bác sĩ Lê Ngọc Hòa Nhã - Ảnh do nhân vật cung cấp
Bác sĩ Lê Ngọc Hòa Nhã - Ảnh do nhân vật cung cấp

- Hungary được xem là chính thức bước vào giai đoạn 3 của đại dịch Covid-19 từ vài tuần nay. Giai đoạn này có gì giống và khác so với các giai đoạn trước đây, thưa chị?

Đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) cuối năm 2019, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi là một tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu kể từ ngày 30-1-2020. Ngày 11-3-2020, Covid-19 chính thức được WHO tuyên bố là đại dịch (pandemic) toàn cầu.

Covid-19 bị gây ra bởi virus SARS-CoV-2 là tác nhân chính thức. Virus này cùng họ với virus gây ra 2 đại dịch khác là SARS vào năm 2003 và MERS vào năm 2012. Chuyển biến nặng nhất và gây tử vong nhiều nhất ở Covid-19 là phiêm phổi cấp kèm rối loạn đông máu, suy tuần hoàn.

So với “họ hàng” tiền thân của mình, virus SARS-CoV-2 có nhiều thuận lợi trong việc truyền nhiễm, do thế giới trở nên “phẳng hơn” và việc di chuyển trên toàn cầu chưa bao giờ thuận lợi hơn trong những thập niên qua.

Ở Hungary, 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận vào ngày 4-3-2020, và cho đến nay nước này đã trải qua 2 đỉnh dịch vào tháng 3/5-2020 và tháng 9/11-2020. Hiện nay, trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng quốc gia được khởi động sôi nổi thì chúng ta lại đối mặt với đỉnh dịch lần 3.

Giai đoạn này được xem là hệ quả tất yếu của việc hội họp gặp mặt của mùa Giáng sinh 2020 và Năm mới vừa qua, cũng như sự chủ quan, nới lỏng các biện pháp bảo hộ. Đồng thời, làn sóng thứ ba cũng diễn ra trùng hợp với sự có mặt của nhiều biến thể SARS-CoV-2 trên thế giới với độ lây nhiễm và độc tố tinh vi, phủ sóng hơn.

Ở Hungary, chúng ta đối diện với làn sóng biến thể Anh và Nam Phi, nhen nhóm từ cuối tháng 12-2020. Con số ca nhiễm mới được ghi nhận cũng như số tử vong cao hơn so với 2 giai đoạn trước. Ngoài việc có sự xuất hiện của các biến thể mới, một nguyên nhân khác là việc xét nghiệm đã trở nên phổ biến và đại trà hơn.

Dầu vậy, sự chuẩn bị cho vấn đề bão hòa y tế được triển khai tốt hơn. Cho nên, chúng ta vẫn tạm chưa phải đối mặt với những kịch bản đau lòng như tại một số quốc gia Châu Âu khác.

- Tiêm chủng và vaccine là đề tài được nhắc tới nhiều thời gian gần đây. Theo chị, loại vaccine nào có ưu, nhược ra sao cho từng nhóm đối tượng?

Hiện nay tại Hungary có 5 loại vaccine đã được cấp phép và nhập về để sử dụng: Pfizer-BioNTech, Moderna, Sputnik V, Sinopharm và AstraZeneca. Để bàn về ưu và nhược điểm của từng loại vaccine, cần hiểu rõ về các loại vaccine khác nhau và 2 thuật ngữ dùng để nói về tính chất của vaccine (efficacyeffectiveness).
 
Sau một ca trực mệt mỏi - Ảnh do nhân vật cung cấp
Sau một ca trực mệt mỏi - Ảnh do nhân vật cung cấp

Vaccine và tiêm chủng đã xuất hiện từ lâu và giúp thế giới chống lại nhiều nạn dịch lớn (như sởi, quai bị, lao, viêm gan siêu vi B, v.v…) và được triển khai tiêm phòng từ khi một cá nhân được vài tháng tuổi cho đến tuổi trưởng thành. Có nhiều loại chỉ cần tiêm một lần và có nhiều loại cần những mũi tiêm nhắc hàng năm.

Cách bào chế vaccine cho các dịch bệnh gây ra bởi siêu vi (virus) thuần túy gồm có 3 phương pháp: (1) sử dụng virus bất hoạt (Sinopharm), (2) sử dụng tiểu đơn vị protein (NovaVax hợp tác cùng Sanofi và GlaxoSmith, chưa có mặt tại Hungary), (3) sử dụng vỏ ngoài của một loại virus khác như vector chuyên chở (AstraZeneca, Sputnik V).

Mới đây nhất, trong cuộc đua để có thuốc chủng ngừa cho thế giới một cách nhanh nhất, loại vaccine “thế hệ mới sử dụng dữ liệu di truyền mRNA (Pfizer, Moderna) và DNA (Inovio, đang vào giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng) cũng được bào chế thành công.

Để các loại vaccine được sử dụng rộng rãi, 4 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng với các số liệu thuyết phục phải được thực hiện. Các vaccine cũ phổ biến rộng rãi trên thế giới đều đã có những con số thống kê thuyết phục về tính hiệu quả (effectiveness) của nó.

Đối với các vaccine kháng Covid-19, mới chỉ có thể đưa ra tính hiệu lực (efficacy) mà thôi, vì để có được những đánh giá về hiệu quả, một vaccine phải được phổ biến và theo dõi liên tục trong vòng 5-10 năm với nhiều phiên bản cải thiện khác nhau.

Hiệu lực của các vaccine nhắc đến ở trên chỉ ra tỷ lệ phần trăm những cá nhân tiêm chủng được bảo vệ nếu cơ thể tiếp xúc trực tiếp với virus SARS-CoV-2. Ví dụ, Sputnik V có hiệu lực 91%, nghĩa là trong 100 người tiêm phòng, thì 91 người có được sự bảo vệ nhất định trong trường hợp tiếp xúc với virus (sẽ không có triệu chứng, hoặc có thì sẽ rất nhẹ và khả năng không cần đến can thiệp nội viện).

Tất cả các vaccine, không chỉ riêng vaccine Covid-19, khi tiêm vào cơ thể đều sẽ gây các phản ứng như: đau bắp vai, đau cơ, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, phát ban, v.v… Đây là những hiện tượng hoàn toàn bình thường bởi cơ thể phản ứng với nguồn vật thể lạ.

Tuy nhiên, sốc phản vệ là hiện tượng nguy hiểm nhất đối với tiêm chủng, và hiện tượng này thường xảy ra trong vòng 15 phút ngay sau khi tiêm. Vì vậy, tất cả các điểm tiêm phòng đều giữ người được tiêm 20-30 phút sau tiêm để theo dõi.

Ngoài ra, suy thận cấp do phản ứng với tiêm phòng là một hiện tượng dị ứng trễ; tuy nhiên, đây là hiện tượng cực kỳ hiếm. Bà con sau khi tiêm phòng nên theo dõi bản thân mình trong vòng 2-3 ngày, nếu có các triệu chứng trở nặng (nổi ban khắp người lan rộng, đau vùng thận, vàng da, sốt cao không dứt, v.v…) nên liên hệ ngay với bác sĩ gia đình hoặc gọi cấp cứu.

Ở thời điểm này, ưu và nhược điểm của các loại vaccine đều giống nhau, nên không thể nói loại nào là tốt hơn. Điểm căn bản là tất cả mọi người -  đặc biệt là những người lớn tuổi và có bệnh nền - đều nên đăng ký để được tiêm chủng.

- Xin chị chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế qua những lần tiếp xúc cá nhân với căn bệnh này.

Tôi hiện đang công tác tại Khoa ICU (Intensive Care Unit - Điều trị Tích cực) Covid-19 của Trung tâm Covid-19, Đại học Y khoa Semmelweis. Tôi tham gia vào đội ngũ điều trị Covid-19 từ những ngày đầu tháng 3/2020, và trải qua tất cả các cấp bậc điều trị: nhẹ, nặng, hỗ trợ tích cực, tiền ICU và ICU.

Điều khiến tôi băn khoăn nhất là bệnh nhân thường trì hoãn can thiệp nội viện cho bản thân vì sợ nhập viện. Theo thống kê, 80% người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng và nếu có cũng là nhẹ đối với bản nguyên thủy (đối với biến thể Anh có sức lây lan 50-70% hơn nguyên thể ban đầu thì tỷ lệ này giảm đáng kể, còn 50-60%).
 
Sau một ca trực mệt mỏi - Ảnh do nhân vật cung cấp
Trong một buổi tư vấn trực tuyến - Ảnh chụp màn hình

Vì những người nhiễm mà không có triệu chứng thường chủ quan và vẫn tiếp xúc với cộng đồng nên vô hình chung đã giúp cho virus lây lan mạnh. Song, những cá nhân bắt đầu có triệu chứng cũng thường chỉ dùng các biện pháp dân gian truyền khẩu, hoặc sử dụng thuốc đã chuẩn bị sẵn mà không qua ý kiến chuyên môn, nhằm nuôi hy vọng qua được cơn bệnh tại nhà mà không cần can thiệp y tế.

Cần biết rằng nếu triệu chứng bắt đầu xuất hiện, thì ở bệnh nhân đó, virus đã xâm nhập cơ thể và ủ bệnh được 10-14 ngày. Nếu bệnh nhân có khả năng đề kháng tốt, khoảng 14-21 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên thì có thể gọi là lành bệnh.

Tuy nhiên, Covid-19 khác với cúm mùa ở chỗ là các di chứng mệt mỏi, hụt hơi, hết năng lượng, mất mùi/vị thường kéo dài, có khi tới 3-6 tháng. Vì vậy dù có cần hỗ trợ y tế hay không thì bất cứ cá nhân nào có triệu chứng đều phải cẩn thận, và cần báo với bác sĩ gia đình để nhận được lời khuyên, cũng như sự trợ giúp kịp thời.

Trong các trường hợp cắt sốt không thành công, ho khan kéo dài và tệ đi, hụt hơi, thì hỗ trợ y tế là bắt buộc và càng sớm càng tốt. Khi một cơ thể đã bắt đầu có những cơn ho thì tức là virus đã tấn công thành công vào các tế bào phổi gây những ổ viêm sâu trong nang phổi.

Ở những cá nhân có tiến triển nặng, sự lan tỏa này biến chuyển rất nhanh. Nếu để phổi bị ảnh hưởng 50% trở lên (dựa trên hình ảnh CT), thì cho dù có sự hỗ trợ y tế thì tỷ lệ phần trăm thành công sẽ thấp đi, và nếu có phục hồi thì cũng khó tránh khỏi các di chứng sau này về xơ hóa mô phổi.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng vào viện sẽ nặng hơn hoặc sẽ bị lây nhiễm. Đây là một quan niệm không chính xác.

Thứ nhất, nếu đã có chỉ định nhập viện thì cơ thể đã chuyển nặng hơn và không thể điều trị tại nhà, vì vậy không thể nói vì nhập viện mà tình trạng nặng hơn.

Thứ hai, cơ thể đó đã nhiễm rồi thì không thể bị lây nhiễm từ nguồn khác, mà ngược lại đã trở thành nguồn siêu lây nhiễm cho môi trường xung quanh.

Cuối cùng, để được nhập vào khoa Covid-19, mỗi bệnh nhân đều phải có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Vì vậy, không thể xảy ra tình trạng lây nhiễm Covid-19 ở những người nghi nhiễm hoặc chưa xác định đã nhiễm ở bệnh viện. 

- Một lời nhắn nhủ của chị với bà con trong cộng đồng?

Mong rằng bà con nên liên hệ và thông báo kịp thời với bác sĩ gia đình của mình - dù chỉ mới cảm thấy các biểu hiện nhỏ nhất của dịch bệnh Covid-19 - để nhận được các đánh giá chuyên môn sớm nhất, và nếu có chỉ định nhập viện thì cũng đừng chần chừ và ngại ngần.

- Xin chân thành cám ơn chị!

Nguyễn Hoàng Linh thực hiện


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn