CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM TẠI HUNGARY: VUI XUÂN ĐINH HỢI SAU NHỮNG NGÀY THÁNG ĐẦY LO ÂU…

Thứ tư - 14/02/2007 12:11

(NCTG) Năm 2006, Cộng hòa Hungary đã trải qua những khủng hoảng trầm trọng về chính trị và kinh tế. Liên minh cầm quyền, đặc biệt là Đảng Xã hội Hung, đã sử dụng những thông tin không trung thực để đánh lạc hướng người dân trong kỳ bầu cử tháng 4-2006; khi vị thủ tướng Gyurcsány Ferenc (là thành viên đảng này) thừa nhận điều đó trong một phiên họp nội bộ của đảng để rồi bài phát biểu bị rò rỉ ra ngoài, một làn sóng phẫn nộ lớn - kèm những cuộc xuống đường và bạo động chưa từng có từ 16 năm nay do các phần tử cực đoan chủ trì - đã diễn ra liên miên trên toàn quốc, đến bây giờ vẫn còn dư âm.

Nền kinh tế Hung xuống dốc ghê gớm, khiến chính phủ buộc phải thực thi từ cuối năm ngoái một chính sách “thắt lưng buộc bụng” vô cùng nghiệt ngã nhằm vào cả dân Hung lẫn ngoại kiều sinh sống tại nước này, trong đó chừng hơn 5 ngàn người Việt là một bộ phận.

Những khó khăn ấy đã ảnh hưởng nặng nề đến cộng đồng Việt tại Hung, chủ yếu kinh doanh ở các chợ trời và trung tâm thương mại rải rác tại thủ đô Budapest. Không ít người, làm việc vất vả và lam lũ ngày đêm, để rồi sau mùa Giáng sinh, tổng kết lại mới thấy mình đã “cả năm công cốc”. Thêm vào đó, việc Hungary gia nhập Liên hiệp Châu Âu, các lỗ hổng trong luật pháp và kinh tế dần dần được “lấp đầy”, các cơ quan Thuế vụ và Ngoại kiều ngày một kiểm tra gắt gao, việc làm ăn đối với ngoại kiều ngày một khó… Đấy là lý do khiến nhiều người, ngay sau khi xong “vụ Noel” (thường được coi là vụ chính của cả năm, mà năm nay cũng không lấy gì làm khá khẩm!), đã vội “khăn gói” về thăm nhà, vì đằng nào mấy tháng đầu năm làm ăn cũng khó nhọc, ở bên này có khi tiêu tốn, thà tranh thủ về với người thân còn… hợp lý hơn. Và đây, phải chăng, cũng là lý do khiến không khí Tết trong bà con Việt năm nay không được hào hứng như mọi năm…

Nếu như không có một tối vui Xuân quây quần cho cả cộng đồng, vào ngày 11-2-2007 vừa rồi…

Bục diễn trước giờ "xuất phát"

Trong khung cảnh khó nhọc như vậy, tổ chức một lễ hội mừng Xuân (miễn phí) cho hàng ngàn người Việt tại Hungary không hề là chuyện đơn giản, và sự phức tạp ở đây không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh phí. Năm nay, cho dù không nhận được nhiều tài trợ và ủng hộ từ các doanh nghiệp lớn của bạn, nhưng nhóm các công ty Việt Nam “đầu tàu” ở Hung cũng đã nhận phần chủ yếu trong kinh phí dự tính, và đây thực sự là một nghĩa cử đẹp, thắm tình. Khó khăn nữa, là cho dù cộng đồng Việt ở Hung có nhiều bước tiến trong thời gian qua với sự tăng trưởng của các hội đoàn quần chúng, nhưng vì những lý do riêng, dễ hiểu và khá “đặc thù”, công việc tổ chức thường bó gọn trong một nhóm nhỏ, năm nay qua năm khác, gồm những cá nhân tích cực và có lòng mà bà con Việt bên này ai cũng biết tên: Lê Thanh Bình, Lê Hữu Thủy, Trần Minh Tâm, Lưu Minh Ngọc… Cũng là những người đứng đầu các tổ chức như Hội Doanh nghiệp, Ban liên lạc Cựu chiến binh, Hội người Việt, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary, v.v…, thiếu các anh, khó lòng tưởng tượng nổi việc tổ chức một lễ hội khá tươm tất và hoành tráng như đêm Vui Xuân 11-2 mới đây.

Góc cờ vua do Đại kiện tướng Quốc tế nam Cao Sang (Công ty Chesscom - ngoài cùng bên trái) phụ trách

Chừng một ngàn bà con tham dự lễ hội mừng Tết Nguyên đán Đinh Hợi tại hội trường lớn của Đại học Tổng hợp Budapest - một trung tâm giáo dục bề thế và nổi tiếng ở Châu Âu -, hẳn đã hài lòng vì những gì được chứng kiến: một tối vui Xuân truyền thống, đầm ấm và khang trang, với hai mảng đặc thù Việt Nam là Vui chơi và Ẩm thực. Cũng như mọi năm, góc dành cho trẻ em với những trò vui chơi có thưởng luôn thu hút các cháu thiếu nhi, ríu rít và tưng bừng khôn biết mệt. Trong năm nay, có lẽ bowling là trò chơi được các “cô cậu choai choai” cỡ 9-10 tuổi thích thú nhất: các vị phụ huynh chút chút đã lại phải vui vẻ rút tiền để các cháu tiếp cuộc vui. Những bàn cờ vua, cờ tướng cũng là nơi luôn đông đúc, từ những kỳ thủ “nhí” đến các vị đầu đã hai thứ tóc - như thường lệ, đại kiện tướng quốc tế nam Cao Sang, hiện đang học tại “lò cờ” nổi tiếng CHESSCOM của TS Hoàng Minh Chương (nơi đào tạo đại đa số các kỳ thủ cờ vua “có hạng” của Việt Nam), giữ vai trò trọng tài và điều khiển các cuộc “thư hùng” ở đây. Một điểm mới của lễ hội Xuân năm nay: góc “tặng chữ đầu xuân” lần đầu tiên có mặt tại Budapest với hai “ông đồ”, cụ Nguyễn Kim Anh đã qua ngưỡng thất thập và cô đồ đệ trẻ có lẽ chỉ trạc 20, thu hút nhiều người hiếu kỳ và muốn tìm hiểu nghệ thuật thư pháp. Cho dù thời gian chuẩn bị khá cập rập, Ban tổ chức cũng hoàn thành khá xuất sắc phần quảng bá Việt Nam, đưa hình ảnh Việt Nam đến với các bạn châu Âu. Ngay từ cửa ra vào, hình ảnh các nữ sinh Việt duyên dáng trong tà áo dài tha thướt, với nụ cười tươi tắn trên môi chào đón các vị khách Hung và mời họ xem những trang viết về ngày Tết Nguyên đán Việt Nam, đặc biệt là về năm Hợi, cũng thể hiện sự chu đáo và mến khách. Trong hội trường, cuộc triển lãm với hàng trăm bức ảnh về quê hương, đất nước và con người Việt Nam, cùng bộ phim “Việt Nam xưa và nay”, đã thu hút sự chú ý của nhiều người Hung. Hội trường được trang trí không rườm rà, nhưng bài bản và sang trọng, phản ánh nét đẹp cổ truyền và dân tộc của Việt Nam. Bên rìa sân khấu, một bàn tiệc Tết giản dị với mâm ngũ quả, bánh chưng, cành mai đào… được “dàn dựng” dưới đôi tay các bà, các chị, cũng là dịp để các bạn Hung có ý niệm sơ sơ về ngày lễ lớn nhất trong năm của dân Việt. Ai đó đã nhận xét không sai rằng, ấn tượng Việt Nam, có lẽ được thể hiện qua những nét đẹp tinh tế và nho nhỏ như thế, thì đúng hơn là những gì kỳ vĩ, hào nhoáng mà thực ra không phải là “sở trường” của chúng ta!

Hoạt cảnh "Chợ tết" - Sinh viên Việt Nam tại Hungary

Cố nhiên, “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, nói đến Tết Việt Nam, làm sao bỏ qua hay coi nhẹ phần ẩm thực, vốn có tác dụng… “vực được đạo”! Đây là một điểm từng khiến Ban tổ chức hết sức lo lắng, nhưng cuối cùng tất cả cũng thành công mỹ mãn: tại một phòng riêng bày biện lịch sự, trang nhã, nhiều nhóm bạn bè, thân hữu, cũng như các vị khách quý người Hung có dịp hàn huyên trong khung cảnh đầm ấm, bên bàn tiệc tất niên với mười mấy món ăn ngon miệng. Ngoài ra, tại hội trường, cũng có khu ẩm thực để phục vụ những ai muốn mời nhau tách trà, chiếc nem, miếng bánh chưng nhân ngày Tết…

Nghệ sĩ Duy Tỵ (độc tấu "Trống cơm", dân ca Bắc Bộ)

Còn có thể nói nhiều nữa về ngày lễ hội, chẳng hạn, về một chương trình văn nghệ cô đọng, được dàn dựng với phương châm “thuần túy dân tộc” với những làn điệu quen thuộc của “Đón Xuân” (Phạm Đình Chương), “Quê hương” (Đỗ Trung Quân & Giáp Văn Thạch), “Mùa Xuân bên cửa sổ” (Xuân Hồng), “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” (Nguyễn Văn Tý)…, những liên khúc dân ca, độc tấu đàn bầu, sáo trúc…, hoặc màn diễn sống động, công phu và ý nghĩa của các bạn sinh viên trên nền hoạt cảnh về một phiên chợ Tết cổ truyền. Hoặc, về màn pháo hoa mừng Xuân rất ngoạn mục và “linh đình” kéo dài chừng 20 phút, được nhiều người nhận xét là “có tầm quốc tế”. Đối với nhiều người, thật ra đến dự tối vui Xuân không hẳn là để xem chương trình, mà để gặp gỡ, chào hỏi, trò chuyện tâm tình với những người bạn cũ, lắm khi ở cách nhau vài ba con phố mà cả năm ít có dịp gặp vì ai cũng lao mình vào bươn chải mưu sinh. Các bạn Hung thì trong vòng vài giờ ngắn ngủi, hẳn có thể biết thêm một nét, một góc nhỏ của Việt Nam…

Xin chữ đầu xuân - ông Nguyễn Kim Anh và một "tiểu đệ tử"

Với bao mồ hôi, công sức, bao thời gian và cả tiền của, các anh chị trong Ban tổ chức cùng nghệ sĩ cộng đồng tham gia văn nghệ đã hết mình vì ngày Xuân cho cộng đồng, để bà con Việt tại Hung có được những khoảnh khắc ấm cúng nơi xa nhà, sau bao nhọc nhằn của một năm cũ lắm điều gở. Một niềm vui đã được thắp sáng, cho dù nỗi lo âu cho một tương lai nhọc nhằn vẫn còn đó…

Bài và ảnh: Trần Lê


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn