"BẠN CẦN BIẾT BẠN MUỐN GÌ!"

Thứ sáu - 09/02/2007 21:39

(NCTG) Ngày 17-11-2006, Lưu Anh Tuấn, nhà tạo mốt trẻ và được đánh giá là có nhiều triển vọng tại Hung, đã có một show chung - mang tên Budapest Style - với hai đồng nghiệp người Hung, do Valentine Models tổ chức. Báo chí Hungary cho biết: được giới thiệu ngày hôm đó là các tác phẩm lựa chọn từ những bộ sưu tập chủ đạo của thời trang Budapest.

Lưu Anh Tuấn, sinh viên năm cuối của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hungary, năm ngoái đã có dịp theo học một học kỳ tại London College of Fashion. Theo nhận định của giới thiết kế thời trang Hung, những năm trước đây, trong các chuyến đi học hỏi tại các châu lục Á và Âu, Tuấn đã để tâm đến mối liên quan giữa các thế giới có truyền thống khác nhau và đã sử dụng kinh nghiệm của nền văn hóa phương Đông đặc thù làm nguồn gốc cho sự hứng khởi khi sáng tác. Trong các bộ sưu tập thời trang, cảm hứng của Tuấn được phát triển trên cơ sở sự hòa hợp những kinh nghiệm phóng khoáng về căn bản, và phong cách của Tuấn, cho dù còn hơi rụt rè, được đánh giá là rất đặc biệt, cấp tiến và còn có thể tiến xa.

Lưu Anh Tuấn

Sau đây là bài viết của một ký giả Hung đăng trên mạng hg.hu về nhà tạo mốt trẻ Lưu Anh Tuấn. (ND)

*

Cái tên nghe là lạ Lưu Anh Tuấn ngày càng trở nên quen biết đối với những ai quan tâm đến thiết kế thời trang. Chàng trai gốc Việt này là tác giả của những bộ sưu tập mang phong cách phương Đông đặc thù, hiện đang học năm cuối Đại học Nghệ thuật Moholy-Nagy (1) và đã có một show diễn ra mắt vào cuối năm 2006.
 
* Ý THỨC VÀ BẢN NĂNG

Tuấn sinh sống ở Hung từ 17 năm nay song anh không thể phủ nhận nguồn gốc của mình. Cố nhiên, anh cũng không muốn làm điều đó. Tuấn nói, không thể tạo mốt được nếu con người ta không biết rõ ràng mình là ai. "Phủ nhận cội rễ của mình tức là dối trá. Chắc chắn là trong tôi, có một cái gì đó thuộc về phương Đông, cho dù tôi không quan tâm một cách chủ ý đến nguồn gốc xuất xứ của mình, tôi cởi mở với tất cả và nghe theo những bản năng của mình".

Tuy nhiên, từ tất cả những góc nhìn khác, Tuấn đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức khi làm việc. Như anh nói, một nhà tạo mốt càng giỏi nếu anh ta có thể làm việc một cách có chủ đích theo nhiều góc cạnh. Chẳng hạn, Tuấn dùng những chất liệu có sẵn, trong khi các nhà tạo mốt Hung hay phàn nàn là ở Hung, có ít khả năng lựa chọn. "Tôi không làm việc với những loại chất liệu chưa tồn tại. Tôi nhìn quanh xem có những chất liệu gì sẵn, và tôi làm với chúng", Tuấn cho biết. Và sự chủ đích ấy cũng thể hiện khi anh tạo dáng, kiểu cho các bộ sưu tập thời trang: "Bạn cần biết trước là bạn muốn tạo nên một cái gì. Bạn tìm ra một hình dáng, và bạn phải hiểu rõ các loại chất liệu để chọn ra được loại nào phù hợp nhất với hình thể mà bạn đã thiết kế. Ý thức và bản năng không mâu thuẫn với nhau, cùng nhau, chúng tạo nên sự hài hòa. Bản năng là cội rễ, còn ý thức là cái cần thiết để bạn thực hiện được những gì bạn đã thiết kế".

Một trùng hợp may mắn là những cội rễ của Tuấn lại phù hợp với thời trang hiện hành thời nay, chúng ta có thể nghĩ như vậy. Tuy nhiên, Tuấn quả quyết rằng theo anh, phong cách Viễn Đông luôn là một thành phần quan trọng của thời trang châu Âu. Ảnh hưởng của phương Đông luôn tồn tại trong lịch sử châu Âu, chỉ cần nhắc đến ảnh hưởng của Trung Quốc đến nghệ thuật Baroc, hoặc các sản phẩm dệt thời Phục Hưng. Tuấn giải thích: tại các trung tâm dệt ở Ý, người ta sử dụng chất liệu nhập từ phương Đông và những mẫu dệt cũng được sao chép từ phương Đông. Như vậy, ngay từ thời ấy, mẫu phương Đông cũng đã là thời trang ở châu Âu. Còn nếu nhìn lại thế kỷ XIX-XX, ảnh hưởng phương Đông rất đáng kể trong Phong cách mới (Modern style, hoặc Sezession), hoặc Art Deco. Ảnh hưởng đó luôn tồn tại, lúc rõ rệt, lúc tiềm ẩn; có điều, ngày nay người ta để ý đến nó nhiều hơn.

Tuấn coi tạo mốt là một quá trình học tập: là một sinh viên sắp tốt nghiệp, anh vẫn cảm thấy các bài tập ở trường đem lại một căn bản tốt để anh lựa chọn đề tài khi sáng tác. Nhưng đối với Tuấn, từ một que diêm đơn giản đến một cái gì đó phức tạp hơn thế nhiều, bất cứ cái gì cũng có thể gợi cảm hứng cho anh. Bởi lẽ, sự thống nhất của một bộ sưu tập là điều khiến "nó là nó". Tuấn cho rằng hoàn toàn không cần quan tâm đến chuyện cái gì tạo dựng sự liên kết trong một bộ sưu tập: màu sắc, hình thể hay một ý tưởng. Mà tạo được một bộ sưu tập thống nhất không hề đơn giản như chúng ta có thể nghĩ.

* MÀU ĐEN HUYỀN BÍ

"Trong buổi trình diễn, lần đầu trong đời tôi mang đến cả một bộ sưu tập thời trang đầy đủ" - Tuấn kể. Giày, túi xách, găng tay, quần áo, tất cả! "Cố nhiên, trong nhà trường, tôi có được học những kinh nghiệm thiết kế ở một mức độ nào đó, nhưng sau một năm học khó có ai trở thành nhà tạo mốt giày được! Bộ sưu tập lớn đầu tiên này có thể coi là một thử nghiệm, một bước đi đầu, mặc dù có lẽ từ nay về sau, tôi cũng vẫn coi tất cả các bộ sưu tập mới là một quá trình học hỏi. Sau buổi diễn, tôi sẽ suy ngẫm lại tất cả những gì mình đã làm, và sẽ rút ra những kinh nghiệm cần thiết".

Một bộ trang phục do Lưu Anh Tuấn thiết kế

Đen là sắc màu duy nhất của bộ sưu tập mới này, nhưng điều này không có nghĩa là Tuấn bị chinh phục bởi chiều hướng "dark" (tối màu) đang thịnh hành trong thời trang hiện tại. Đây chỉ là dấu hiệu sự rụt rè của nhà tạo mốt. Bởi lẽ, trong thời gian học hỏi, Tuấn quyết định tập trung để có được kỹ thuật và hình thể thống nhất trong toàn bộ sưu tập và rốt cục, để bộ sưu tập tạo được nên cảnh tượng thống nhất. Tuấn là người theo nguyên tắc "chủ đích" như đã nói ở trên và anh biết rằng chưa có nhiều kinh nghiệm, dùng nhiều màu chỉ tạo nên những khó khăn này khác. Ngoài ra, hiện tại, anh cũng chưa để tâm mấy đến màu sắc và như thế, chọn màu đen, Tuấn đã "một công đôi việc": vừa phù hợp với những gì anh chờ đợi và với xu hướng thời trang đương thời.

"Tôi chỉ dùng màu đen và tôi thử nghiệm những cấp bậc khác nhau của nó, được xác định bởi kỹ thuật dệt cũng như những tính chất của chất liệu tôi sử dụng" - Tuấn cho biết. Mỗi vật trước hết là một hình thể riêng, nhưng tất cả đều phải phù hợp với một số nguyên tắc nhất định. Chẳng hạn, khi thiết kế trang phục, cần phải biết những đặc điểm của cơ thể con người, nhưng cũng như vậy đối với kích thước của một túi xách tay, và hai cái này không đồng nhất. Phải nhận rõ điều đó và như thế, nhà tạo mẫu sẽ sử dụng những hình thể, chất liệu và trang trí phù hợp.

Đấy là còn chưa nói đến chuyện tác phẩm của nhà tạo mẫu sẽ được dùng trên thân thể người khác và bằng một cách nào đó, mỗi người sẽ thể hiện tính cách của họ thông qua chúng. "Sẽ là một thành công nếu người mặc đồ do tôi thiết kế tiếp tục truyền bá ý tưởng của tôi, hoặc giả, trong trường hợp nhất định, họ biến đổi nó một cách thích hợp mà tôi cũng không nghĩ đến. Tuy nhiên,  không phải lúc nào quan điểm chủ đạo cũng phải là làm sao mặc cho được dễ. Trong bộ sưu tập mới này, thực chất tôi muốn giới thiệu ấn tượng thị giác cho cử tọa, còn chuyện mặc nó như thế nào thì không thật quan trọng cho lắm".

* TINH THẦN THỐNG NHẤT

Trước đây, Tuấn đã thiết kế 2 bộ sưu tập nhỏ. Bộ đầu mang phong cách phương Đông đặc thù, một điều không ngẫu nhiên, vì khi đó anh có được cảm hứng từ những họa phẩm Tây Tạng thể hiện Đức Phật trong những tư thế khác nhau. Yêu tố tâm linh ấy đã thể hiện trong bộ sưu tập. Để có được những hình thể đặc thù trong những bức tranh, Tuấn đã tự làm, tự vẽ và xử lý chất liệu cho bộ sưu tập.

Túi xách kiểu Lưu Anh Tuấn

Bộ sưu tập nhỏ thứ hai của Tuấn được thực hiện cho một cuộc thi nghệ thuật do UNESCO tổ chức với chủ đề "Tình yêu - tại sao?" Khi ấy, anh làm một bộ sưu tập màu trắng toát theo ý tưởng tình yêu là sự trong sáng, hoặc ít nhất tình yêu cũng nên trong sáng - Tuấn cho biết -, và màu trắng hiển nhiên là biểu tượng của sự trong sáng. Trang trí cho bộ sưu tập là những trái tim màu đỏ (xuất phát từ màu của con "cơ" trong bộ bài Pháp). Cuối cùng, bộ sưu tập không được gửi đi dự thi vì trong cuộc thi, yếu tố "có thể mặc được" cũng là một điều kiện vá trong trường hợp này, Tuấn coi đó là chuyện thứ yếu. Như lời Tuấn, anh quá thích thú với đề tài nên đã theo những bản năng của mình, chứ không chịu tuân thủ điều kiện dự thi, và ở anh, đây là một việc làm có chủ ý.

Mỗi bộ sưu tập mới đều hoàn toàn khác các bộ trước, nhưng đối với người xem, vẫn có một tinh thần thống nhất nào đó xuyên suốt, và đây chính là điều Tuấn muốn. Bởi lẽ theo anh, nhà tạo mẫu giỏi là người cứ mỗi thời điểm mới lại sáng tạo được những bộ sưu tập mới, sao cho luôn luôn có thể nhận ra được tinh thần, phong cách và dấu ấn của mình ở đó. Tuấn cởi mở với những tác động bên ngoài, để rồi những tác động này, thông qua sự sàng lọc cá nhân, tái xuất hiện trong những sáng tạo của anh. Có điều, theo Tuấn, trên phương diện này cũng cần học hỏi vì trước mắt, anh chưa đánh giá được rằng những ảnh hưởng mà anh chịu sẽ xuất hiện như thế nào trong các bộ sưu tập của anh; về sau, anh muốn kiểm tra và điều khiển chúng một cách có ý thức, đối với những tác động mà anh muốn tiếp thu. Tuy nhiên, dầu vậy, vẫn có những yếu tố khiến phong cách của Tuấn được thống nhất.

* "LÀM ĂN LÀ CHUYỆN LÀM ĂN!"

Trước mắt, Tuấn mới chỉ quan tâm đến các bộ sưu tập nữ và anh coi việc thiết kế những đồ phụ trang là rất quan trọng. Một phần, vì thực ra có ít phụ trang đẹp (mà phụ trang đẹp thì lại quá đắt đỏ), phần vì các phụ trang ít phụ thuộc vào một lứa tuổi nhất định hơn là một bộ quần áo - và Tuấn coi đây là điều may mắn. Theo anh, "phụ trang có vai trò của một đồ vật đẹp: nếu xác định như thế, chúng ta có thể thiết kế được cho nhiều độ tuổi".

Phụ trang, được Tuấn coi là ít phụ thuộc vào một lứa tuổi nhất định

Cuối cùng, tôi không thể không đặt câu hỏi: có thể sống bằng nghề này ở Hung hay không? Tuấn đáp: "Phải bắt tay vào công việc, phải làm cật lực và phải tin tưởng. Lúc nào tôi cũng chỉ tập trung vào một việc, việc quan trọng nhất hiện tại; còn những mục tiêu xa hơn thì cứ để đó đã. Tôi muốn sống được bằng nghề này sao cho những gì tôi làm, nó cũng có ích đối với tôi".

(1) Tức Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hungary.
(2) NCTG đã giới thiệu về bộ sưu tập này của Lưu Anh Tuấn (xin xem bài "Bầu không khí phương Đông với hương vị phương Tây", NCTG số ra ngày 24-6-2005).

H.Linh giới thiệu và lược dịch - Theo hg.hu


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn