HAI XẠ THỦ HUNGARY PHÁ MỘT KỶ LỤC GẦN 800 NĂM TUỔI

Thứ ba - 16/03/2010 08:04

Tại Giải vô địch Bắn cung cự ly mang tên Nyílegyenes, tổ chức tại Budapest vào ngày thứ Bảy vừa qua, hai nhà thể thao Hungary đã phá một kỷ lục được lập từ năm 1224-1225 (thời Đế quốc Mông Cổ) trong môn bắn cung cự ly.

Cung thủ Mông Cổ

Theo thông tin do ông Posta Pál, Phó Chủ tịch Liên đoàn thế giới của các vận động viên môn bắn cung truyền thống cung cấp cho Hãng Thông tấn Hungary MTI, hai cung thủ Mónus József - Grózer Csaba đã vượt qua chừng năm chục đối thủ để đoạt danh hiệu vô địch, với kết quả 508,74m, vượt 6m so với kỷ lục được lập từ thời Trung cổ.

Được biết, trong cuộc thi, các cung thủ sử dụng cung và mũi tên do họ tự chế tạo. Một trong hai thành viên, anh Grózer Csaba là người thiết kế loại tên ngắn, còn cung tên với sức kéo 82 pound là “tác phẩm” của Mónus József - đồng thời, anh cũng là tác giả của phát tên xa kỷ lục.

Theo BTC cuộc thi, mũi tên đã bay như... tên bắn, và thực hiện quãng đường hơn nửa cây số vỏn vẹn trong vòng 4,5-5 giây!

Bắn cung cự ly là một nội dung của môn bắn cung truyền thống, ở đây, chiến thắng hoàn toàn dựa vào sức khỏe và sự khéo léo của các tay cung. Cặp đôi Mónus József - Grózer Csaba đã chuẩn bị 3 năm cho cuộc thi này - mùa thu năm ngoái, Mónus József cũng đã đạt kết quả khả quan 461,5m.

Có nguồn gốc từ rất xa xưa, tuy nhiên, điều thú vị là cho đến nay, chúng ta vẫn biết rõ kỷ lục trong mọi thời đại của môn bắn cung cự ly đã được thực hiện cách đây gần 800 năm bởi một cung thủ Mông Cổ lừng danh tên là Yesungke (1190-1270).

Theo sử sách còn lưu lại, thân phụ Yesungke - Cáp Tát Nhi (Jöchi Khasar) - là em trai Thành Cát Tư Hãn (Ghenghis Khan, 1162–1227), đồng thời được coi là vị thầy dạy môn cung tiễn lừng danh nhất thời đó.

Tương truyền, không chỉ có sức mạnh vô địch, Yesungke còn thừa hưởng được tài bắn cung bắch phát bách trúng từ người cha: ông có thể bắn trúng chân kẻ địch ở khoảng cách 300 ald (ald là đơn vị đo chiều dài thời Trung cổ, bằng một vòng tay ôm của người đàn ông, tức là độ 150cm; như vậy, 300 ald tương đương 450m) và mũi tên được bắn đi mạnh tới nỗi sau khi xuyên qua xương và làm nát chân nạn nhân, nó vẫn tiếp tục bay tiếp!

Vào khoảng năm 1224-1225, sau những chiến thắng lớn trước đế quốc Hồi giáo Hoa Cát Tử Mô (Khwarezm, thuộc Iran hiện tại), Thành Cát Tư Hãn đã mở một lễ hội lớn để khao quân, trong đó, có phần thi bắn cung, một môn thể thao rất được ưa chuộng trong quân đội Mông Cổ.

Bia Thành Cát Tư Hãn

Vượt qua tất cả các xạ thủ, từ khoảng cách 335 ald (độ 502,5m), Yesungke đã bắn trúng đích. Thành tích vang dội này của ông đã được ghi lại trên một tấm bia đương thời, được biết đến với cái tên “Bia Thanh Cát Tư Hãn”. Bia được các nhà nghiên cứu Nga phát hiện năm 1818, chuyển về thành phố Saint Petersburg năm 1928 và từ năm 1936, được đặt tại Bảo tàng Hermitage.

Vậy là sau gần 8 thế kỷ, kỷ lục của Yesungke mới bị phá bởi các xạ thủ Hungary, một dân tộc có nguồn gốc từ các sắc dân thiện chiến Châu Á!

(*) Bản tin đã đăng trên “Khoa học & Đời sống”.

Trần Lê tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn